Các bệnh viện Uganda bán giấy chứng nhận âm tính HIV giả

Thứ Năm, 17/04/2014, 17:45

Cách đây 20 năm, cứ 5 người thì có 1 người Uganda nhiễm HIV khiến chính quyền nước này phải nhanh chóng mở chiến dịch chống AIDS, và đến năm 2005 tỷ lệ nhiễm virus giảm xuống 6,3%. Nhưng, trong những năm gần đây, số người nhiễm HIV bắt đầu tăng trở lại. Một lần nữa, chính quyền Uganda phối hợp với các nhà hoạt động tiếp tục triển khai chương trình chống AIDS.

Thông điệp lần này là: "Hãy đi xét nghiệm". Thậm chí, Tổng thống Yoweri Museveni và phu nhân cũng xét nghiệm công khai. Hiện nay, ở Uganda những người mắc AIDS đều bị xã hội coi là vô đạo đức và có lối sống buông thả. Và, những người nhiễm HIV không kiếm được việc làm do nhà tuyển dụng lo ngại họ làm việc không hiệu quả.

Đó là nguyên nhân hình thành mạng lưới mua bán giấy chứng nhận âm tính với HIV trong các bệnh viện - theo điều tra của nhóm phóng viên BBC.

Sarah trông có vẻ lo lắng, chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn của BBC nếu nhân thân của cô được giữ bí mật. Sarah thú thật: "Tôi phải mua giấy chứng nhận âm tính với HIV giả vì nếu không tôi sẽ không tìm được việc làm. Tôi là người mẹ đơn thân. Tôi cần tiền. Tôi cần việc làm để nuôi con".

Phóng viên BBC cho biết, trong số 15 bệnh viện mà họ điều tra, có đến 12 nơi sẵn sàng bán giấy chứng nhận giả như thế.

Kết quả điều tra cho thấy nhiều người đến bệnh viện mua giấy chứng nhận âm tính với HIV giả để có được việc làm, được đi ra nước ngoài hay để che giấu tình trạng sức khỏe với bạn tình vì xã hội Uganda rất thành kiến với những người nhiễm HIV. Ở Kampala có đến hàng trăm bệnh viện tư nhân sẵn sàng bán giấy chứng nhận xét nghiệm giả theo yêu cầu. Thường trong các cơ sở nhỏ này chỉ có một bác sĩ, một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đảm trách công việc xét nghiệm HIV.

Một kỹ thuật viên cho biết làm việc này rất nguy hiểm vì dễ bị cảnh sát bắt giữ. Nhưng, sau một hồi thương lượng, người này chốt giá cho một giấy chứng nhận giả là 20 USD. Giấy giả nhưng vẫn có những chữ ký và con dấu một cách hợp pháp.

Nicollette Uwimana bị nhiễm HIV từ năm 10 tuổi sau khi bị cưỡng bức. Ban đầu, gia đình tận tình chăm sóc cho cô bé nhưng cuối cùng cô cũng bị đẩy ra khỏi nhà vì quá trình điều trị mất quá nhiều tiền. Hiện nay, Uwimana sống trong căn phòng nhỏ tù túng cùng với 4 người khác cùng cảnh ngộ. Cô thường bị bạn bè xa lánh và cũng không ai dám nhận cô vào làm việc.

Hiện nay, Uwimana chấp nhận bước ra ánh sáng để nói chuyện về HIV/AIDS. Uwimana nói rằng nhờ chia sẻ câu chuyện của bản thân giúp cô cảm thấy thanh thản hơn và tâm trạng không còn bi quan như trước.

Ruhakana Rugunda, Bộ trưởng Y tế Uganda, cho biết ông không cảm thấy bất ngờ trước thông tin các bệnh viện bán giấy xét nghiệm giả, coi đó là thách thức của chính quyền và chính quyền phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này.

Theo ông Rugunda, cảnh sát đã xử lý vài trường hợp, nhưng họ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề trong khi Uganda không có luật bảo vệ những người nhiễm HIV/AIDS trước sự kỳ thị. Ông cho rằng chính sự kỳ thị đã buộc mọi người phải nói dối và tìm mua giấy chứng nhận xét nghiệm giả.

Dự luật Kiểm soát và Phòng ngừa HIV/AIDS năm 2010 nhằm trừng phạt những người làm lây truyền virus. Thậm chí, các nhân viên y tế cũng có trách nhiệm tiết lộ thân phận của bất cứ ai mà họ cho rằng đã lây virus cho bạn tình. Mỹ cũng đã tài trợ hơn 2 tỉ USD cho các chương trình chống HIV/AIDS của chính quyền Uganda, chủ yếu thông qua các tổ chức phi chính phủ.

Scott DeLisi, Đại sứ Mỹ ở Kampala cho biết, ông không bảo đảm việc tiền tài trợ của Mỹ có rót vào các bệnh viện bán giấy chứng nhận xét nghiệm giả cho bệnh nhân không

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.