Các nước BRICS tìm cách đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

Thứ Hai, 30/07/2018, 15:50
Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu vừa có dấu hiệu hạ nhiệt cuộc chiến thương mại thì các nước thuộc nhóm BRICS gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil khai mạc thượng đỉnh nhằm mục tiêu chính là tìm cách đối phó với những biện pháp thương mại đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ ngày 25 đến 27-7-2018, lãnh đạo 5 cường quốc kinh tế thuộc khối BRICS họp thường niên tại Johannesburg, Nam Phi. Theo AFP, về mặt chính thức, thượng đỉnh lần thứ 10 của khối BRICS có mục tiêu thảo luận về chủ đề “Hợp tác nhằm hướng đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế mở rộng cho tất cả”. Thế nhưng bối cảnh hiện nay là rất khác, với việc Washington từ nhiều tháng nay liên tục đưa ra các biện pháp bảo hộ mậu dịch và thực thi chính sách đơn phương, đã làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.

Trước cuộc họp thượng đỉnh này, các cường quốc kinh tế đang nổi lên liên tục lên án chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ làm xói mòn tăng trưởng của thế giới. Hồi tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxime Orechkine tuyên bố, trong bối cảnh này, thảo luận giữa các lãnh đạo BRICS là dịp đặc biệt quan trọng để phối hợp quan điểm của các bên.

Vẫn theo Bộ trưởng Kinh tế Nga, lập trường của Moskva là, nhân cơ hội cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng, để cổ vũ cho việc các nước BRICS gia tăng gấp bội các trao đổi thương mại thông qua đồng tiền quốc gia, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng đôla.

Chủ tịch Trung Quốc đang trong chuyến công du Nam Phi, để dự thượng đỉnh BRICS, và cũng nhằm thắt chặt quan hệ với nền kinh tế số một của châu Phi. Theo Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ đầu tư 14 tỉ đôla, trong hàng loạt lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, kinh tế đại dương, kinh tế xanh, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, môi trường, tài chính.

Phát biểu tại một diễn đàn thương mại trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước BRICS bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cải thiện nền quản trị toàn cầu. Ông nhấn mạnh cần hối thúc các bên tôn trọng đầy đủ các quy tắc quốc tế chung và đối xử công bằng với tất cả các quốc gia bất kể quy mô là nước lớn hay nhỏ, các vấn đề quan trọng phải được giải quyết thông qua tham vấn.

Chủ tịch Trung Quốc cũng cho rằng sẽ không có người chiến thắng nếu chiến tranh thương mại nổ ra và đây là thời điểm mà các quốc gia phải lựa chọn giữa hợp tác hay đối đầu, giữa chính sách mở cửa hay đóng cửa, giữa lợi ích đa phương hay nước lớn chi phối nước nhỏ.

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi ngày 25-7.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và nhiều đối tác thương mại trên thế giới trong đó có Trung Quốc. Các bên liên tục áp thuế mới với những mặt hàng nhập từ đối tác kéo theo những biện pháp đáp trả. Mới đây nhất, Nhà Trắng tiếp tục cho phép giới chức nước này lên danh sách những mặt hàng nhập từ Trung Quốc với giá trị 500 tỷ USD sau nhiều biện pháp tương tự đã áp dụng trước đó.

Ngày 25-7, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc nhằm vào tầng lớp nông dân Mỹ theo cách tiêu cực và lợi dụng họ để buộc ông nhượng bộ về thương mại. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh "không ai thắng trong cuộc chiến thương mại", đồng thời kêu gọi Mỹ từ bỏ con đường sai lầm và không đi quá xa. Ông Cảnh Sảng cho rằng: "Các bất đồng thương mại do Mỹ khiêu khích sẽ không đạt được bất cứ kết quả nào, mà chỉ gây tổn hại cho mọi người".

Cũng trong ngày 25-7, Trung Quốc thông báo rút lại giấy phép cho tập đoàn Facebook mở một chi nhánh phụ ở tỉnh Chiết Giang. Đây là một bước thụt lùi đối với Facebook, vốn đã chật vật vận động để chen vào thị trường Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới. Diễn biến này khiến Facebook trở thành nạn nhân mới nhất trong những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Báo South China Morning Post dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng chính sách thương mại mới của Mỹ có khả năng tạo động lực mới cho khối BRICS.

Theo ông Sreeram Chaulia, một chuyên gia Ấn Độ về quan hệ quốc tế, các nước khối BRICS có lợi ích chung trong việc khuyến khích trao đổi thương mại trong khối. Ông nói thêm rằng “chiến thuật” các nước BRICS tại thượng đỉnh lần này không nằm ngoài những gì Nhật Bản và EU vừa đạt được.

Ngày 17-7, Nhật Bản và EU ký hiệp định thương mại tự do quy mô lớn mà hai bên đều kỳ vọng là sẽ có khả năng đối trọng với các biện pháp bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Hiệp định này xóa bỏ 10% thuế của EU đánh vào ôtô của Nhật và 3% thuế đối với hầu hết các linh kiện ôtô. Nó cũng sẽ xóa bỏ các biểu thuế của Nhật, trong đó có 30% thuế đối với pho mát của EU và 15% đối với rượu, đồng thời mở các công trình công cộng lớn ở Nhật Bản cho nhà thầu EU.

Cả Nhật Bản và EU, sau khi chứng kiến Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi các hiệp ước thương mại tự do, đều muốn cho thấy họ tiếp tục cam kết xóa bỏ các rào cản mà họ nói là cản trở sự phát triển. “Ngày càng có nhiều lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhưng tôi muốn Nhật Bản và EU lãnh đạo thế giới bằng cách giương cao ngọn cờ thương mại tự do”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tại một cuộc họp báo sau lễ ký kết.

“Chúng tôi đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi chống lại chủ nghĩa bảo hộ. EU và Nhật Bản muốn tiếp tục hợp tác”, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người đại diện cho các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia EU, nói với các phóng viên.

Trước đó, ngày 16-7, cuộc họp Trung Quốc-EU cũng ra tuyên bố khẳng định cam kết của cả hai bên đối với hệ thống thương mại đa phương. Tuyên bố cho biết Bắc Kinh và Bruxelles lần đầu tiên đệ trình các đề xuất tiếp cận thị trường như là một phần của các cuộc đàm phán hiệp ước đầu tư. Tuyên bố nói thêm rằng việc trao đổi sẽ mở ra một “giai đoạn mới” trong đàm phán mà cả hai bên đều coi là “ưu tiên hàng đầu”.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.