Các tính cách làm nên chìa khóa cho sự phát triển kinh tế thần kỳ

Thứ Ba, 07/03/2017, 20:20
Đất nước Nhật Bản không giàu có tài nguyên thiên nhiên - điều này được huấn dạy cho các học sinh từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường - và để bù đắp, chỉ có một cách là nỗ lực học tập, nỗ lực làm việc. Vì thế, từ một “kẻ bại trận” sau Thế chiến II, bị cấm vận, bị chiến tranh tàn phá nặng nề tưởng chừng không gượng dậy nổi nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế, quân sự hàng đầu thế giới.

Câu trả lời cho sự phát triển thần kỳ này chính là ở yếu tố “con người”, và một trong những tính cách hàng đầu chính là phương châm “sống để làm việc”, kỷ luật, trung thực và tiết kiệm cùng nhiều tính cách khác rất đáng ngưỡng mộ.

Trên các chuyến tàu điện ngầm, đa số người Nhật tranh thủ mang sách ra đọc.

Được làm việc là hạnh phúc

Người Nhật rất yêu công việc, họ coi công việc như cuộc sống của mình với phương châm “sống để làm việc chứ không phải làm việc để sống”, vì thế họ hạnh phúc khi được làm việc và chăm chỉ làm việc suốt đời. Có thể ví von rằng, tuy không thông minh như dân tộc Do Thái nhưng người Nhật chăm chỉ, cần cù làm việc như những con ong. Nhiều người cảm thấy “thật là tệ hại” khi không được làm việc, không được đóng góp công sức cho xã hội.

Trẻ con Nhật Bản từ bé đã được giáo dục “đã không làm thì thôi nhưng khi đã làm thì phải làm việc hết mình”, yêu và say mê công việc. Chúng được dạy phải biết nỗ lực làm việc hết mình “vì mục tiêu chung của cả tập thể chứ không vì lợi ích riêng mình” hoặc “lỗi của một người là lỗi của cả tập thể” vì thế, khi trưởng thành và nhập vào môi trường làm việc thật sự, họ biết cách phối hợp làm việc cùng nhau, hiệu suất công việc không dựa vào những cá nhân “xuất chúng” mà dựa vào sức mạnh tập thể, sự phối hợp nhịp nhàng trong tinh thần đoàn kết, tương hỗ.

Người Nhật xem nơi làm việc của mình không khác gì gia đình mình - một đại gia đình lớn, do vậy mới có các công ty hình thành và phát triển theo mô hình “gia đình trị” như Toyota, Honda. Mỗi người công nhân hay giám đốc đều tự xem mình là thành viên của đại gia đình ấy nên họ làm việc trong tâm thế không vì bị thúc ép quản lý mà tự nguyện cống hiến sức lực để guồng máy của đại gia đình vận hành thành công.

Chúng ta vẫn thường xem trong các phim cổ trang mô tả các thủ lĩnh, tướng quân người Nhật, một khi đã xông trận, nếu để thua trận họ lập tức mổ bụng tự sát để không làm hoen ố danh dự, đây là tinh thần võ sĩ đạo (Samurai). Thực tế thì tinh thần này vẫn còn trong cuộc sống hiện đại của người Nhật, các giám đốc, nhà lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp phải chịu áp lực khi đã đưa ra một chiến lược phát triển thì phải đảm bảo thành công.

Nếu phải thua trước đối thủ cạnh tranh hay thất bại thì họ sẽ cảm thấy không còn có ích cho tập thể và xã hội, cảm thấy không còn được thuộc cấp nể trọng nên họ thường ngay lập tức từ chức, hoặc “cực đoan” hơn thì tìm đến cái chết. Điều này có thể lý giải cho nguyên nhân vì sao tỷ lệ tự tử ở Nhật thuộc hàng cao trên thế giới.

Trẻ con Nhật Bản từ bé đã được giáo dục tình yêu và say mê với công việc.

Điều khác biệt của giới người giàu Nhật Bản

Quan niệm “đẳng cấp của một người được đánh giá bằng sự nỗ lực bền bỉ cả đời chứ không phải nhờ sự may mắn bất ngờ” khiến người Nhật coi trọng sự chăm chỉ nỗ lực trên quãng đường dài đôi khi được tính bằng cả đời người hơn là sự thăng tiến nhảy vọt. Tuy tâm lý chung là ai cũng coi trọng địa vị xã hội, nhưng đa phần người Nhật coi trọng nể phục một người nào đó vì đã có công đóng góp nhiều cho xã hội chứ không đơn thuần chỉ đánh giá qua vẻ bên ngoài hay tài khoản của người đó trong ngân hàng thuộc hàng “khủng” đến đâu.

Thế nhưng ở Nhật, người giàu cư xử rất khác người giàu các nước phát triển khác, hay ít nhất họ thường thể hiện ra như vậy. “Người giàu thường sống lẫn vào trong đám đông”, đó là những miêu tả về người giàu ở Nhật trong một bài báo mới đây trên tạp chí Japan Times.

Ở Nhật, người ta hay nói với nhau rằng,  có thể bạn sẽ chẳng bao giờ biết hàng xóm của bạn là một triệu phú bởi nhà của ông ấy trông cũng chẳng khác nhà của bạn là bao. Lý giải cho việc người giàu Nhật không thích khoe khoang tài sản có lẽ bắt nguồn từ quan niệm của nền giáo dục Nhật: không nên nổi trội trong đám đông.

Những năm gần đây, khi thị trường chứng khoán Nhật không ngừng tăng điểm, giới truyền thông Nhật đang nhắc nhiều hơn đến những người siêu giàu (cho-fuyuso). Vậy có bao nhiêu tiền thì được coi là siêu giàu ở Nhật? Theo ông Atsushi Miura, tác giả cuốn sách “The New Rich”, trong ngành tài chính, một người sẽ được coi là giàu nếu thu nhập của người đó mỗi năm hơn 30 triệu yên và có tài sản ít nhất 100 triệu yên.

Hiện có khoảng 1,3 triệu người Nhật tức khoảng 1% dân số có lượng tài sản như trên. Người giàu sẽ chỉ cần sống bằng lợi nhuận từ số tài sản trên chứ không cần phải động đến khối tài sản đó. Những người Nhật mới giàu lên hiểu vị thế của họ trong xã hội và biết rằng nước Nhật cần tiền của họ.

Cũng trong nghiên cứu của mình, ông Miura chỉ ra rằng, người giàu ở Nhật thường rất tránh phô trương: Họ không thích xây dựng những ngôi nhà “triệu đô” hoành tráng chỉ để cho thiên hạ biết rằng mình giàu. Họ thích dùng tiền cho những “niềm đam mê đẳng cấp” hoặc cho những tài sản có giá trị vô hình. Ví dụ như họ thích sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, đi nghe hòa nhạc hơn là mua sắm “siêu xe” sang trọng, mua sắm đồ trang sức, phụ kiện hàng hiệu đắt tiền. Họ đi du lịch rất nhiều và thuê riêng những chuyến du thuyền sang trọng để đảm bảo sự riêng tư, không bị giới truyền thông săm soi rồi đăng bài, ảnh “PR” cho mình một cách phô phang...

Đối với người giàu ở Nhật, việc để lại tài sản cho con cháu không quan trọng bằng dạy chúng phương cách làm sao cho số tài sản ấy được khuếch trương, cách tiêu tiền hợp lý và cách gìn giữ tài sản. Họ đặc biệt quan tâm đến việc mang đến cho con những cơ hội giáo dục tốt nhất, hiểu cách vận động của dòng tiền trong xã hội.

Theo nhà nghiên cứu Junji Hatoriya thuộc tổ chức Nomura Research, có rất nhiều điểm khác biệt giữa con cái của những người giàu và những người bình thường ở Nhật. Con cái của nhà giàu Nhật không nhất thiết quan tâm đến việc thừa kế, thay vào đó, họ chú trọng vào những gì cha mẹ họ đã làm và tự lập ra chiến lược đầu tư riêng cho mình. 24% con cái của những người giàu có tài sản trên 100 triệu yên có kinh nghiệm đầu tư, 52% có danh mục đầu tư riêng trong khi con số này với toàn bộ dân số Nhật chỉ ở mức 8%.

Cũng theo Nomura, bố mẹ giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên kinh nghiệm đầu tư cho con cái. Nomura đưa ra định nghĩa “cặp đôi quyền lực”, đó là những gia đình với hai bố mẹ đi làm và kiếm mỗi năm 10 triệu yên. Trong nhóm này, có đến 44% có kinh nghiệm đầu tư, tương tự tỷ lệ này với đại chúng chỉ là 15%.

Một đối tượng người giàu khác được Nomura nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình chính là những người giàu Nhật rất sành công nghệ. Họ đã về hưu và họ có rất nhiều tiền, đồng thời cũng biết sử dụng máy tính thành thạo. Họ tự tìm hiểu về thế giới và học về đầu tư thông qua mạng Internet. Họ không tự giao dịch mua cổ phiếu qua mạng mà vẫn phải cần thông qua môi giới, nhưng bởi nắm vững về xu thế tài chính, họ đưa ra được rất nhiều quyết định đầu tư đúng đắn và có thể nói chuyện với con họ và bạn bè về đầu tư.

Nomura ước tính có khoảng 8,8 triệu người giàu Nhật thuộc nhóm này, tài sản của họ trung bình khoảng 26 triệu yên Nhật.

Khách xem hàng trong một siêu thị ở Nhật Bản.

Lòng ái quốc của người Nhật rất đáng để học hỏi bởi vì điều này được thể hiện không bằng những “đại ngôn” hay các chiến dịch hô hào rầm rộ mà qua chính thói quen... mua sắm. Khi vào siêu thị mua hàng, người Nhật bao giờ cũng ưu tiên mua hàng trong nước trước, hàng ngoại nhập khẩu họ sẽ để mắt đến sau khi đã... ủng hộ các công ty trong nước trước sự cạnh tranh của công ty, thương phẩm nước ngoài.

Ngay cả các trò chơi điện tử, nếu là sản phẩm của nhà sản xuất trong nước Nhật sẽ được phát hành bản tiếng Nhật cho thị trường nội địa, sau đó 1-2 tháng mới có bản tiếng Anh bán ra nước ngoài. Người giàu Nhật thích mua rượu Nhật siêu đắt hơn là mua rượu nước ngoài, thích trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Nhật, không hứng thú nhiều lắm với nghệ thuật phương Tây. Đối với họ, câu chuyện ở đây không chỉ là vấn đề thị hiếu mà tiêu tiền cũng thể hiện trách nhiệm công dân.

Ngoài những tích cách trên, tiết kiệm cũng được xem là đức tính thể hiện rõ nhất đầu óc thực tế của người Nhật. Và họ tiết kiệm trên nhiều phương diện.

Tiết kiệm tiền bạc

Như trên đã đề cập, sinh ra trong một đất nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên (thường phải nhập tới 80% các nguyên nhiên liệu cho hoạt động sản xuất trong nước), điều kiện sinh tồn, phát triển quá khắt khe khiến người Nhật sớm hình thành truyền thống tiết kiệm.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dân Nhật luôn có khuynh hướng gửi tiết kiệm vào hàng cao nhất thế giới. Thường họ bỏ ra một khoảng 17-20% thu nhập của mình để gửi tiết kiệm. Nguồn tiết kiệm của người dân trở thành một nguồn vốn quan trọng để nền kinh tế Nhật có điều kiện tái đầu tư phát triển thuận lợi.

Trong tiêu dùng hằng ngày của người Nhật, từ ăn mặc, công việc đến việc vui chơi giải trí đều mang màu sắc “tiết kiệm triệt để”. Khi ăn tại các nhà hàng hoặc khi ăn liên hoan, người Nhật sẵn sàng gói mang về những đồ ăn thừa còn sót lại cho dù chỉ là một mẩu bánh mì chứ không bao giờ chịu vứt đi, phung phí khi còn sử dụng được.

Tiết kiệm bằng đồ tái chế

Hàng hóa “made in Japan” đều được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất để có thể tận dụng cả rác thải thành đồ tái chế. Nhật là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tái chế tất cả các loại rác thải để tạo ra các sản phẩm mới phục vụ con người. Hiện nay, một loạt các chế phẩm từ plastic, vải vóc, nguyên vật liệu xây dựng, nhiên liệu... đang rất quen thuộc với người tiêu dùng đều là những đồ được tái chế qua công nghệ Nhật Bản.

Như công nghệ có thể biến một tờ báo cũ thành một loại chất đốt hiệu suất cao dùng để nấu ăn và sưởi ấm. Hay loại bể phốt liên hoàn có thể tận dụng ngay chất thải sinh hoạt trong gia đình để tạo ra khí biogas phục vụ nấu ăn, sưởi ấm và làm phân vi sinh dùng cho trồng trọt...

Tiết kiệm thời gian

Cảnh tượng thường thấy trên các chuyến tàu điện ngầm là người Nhật không bao giờ “tám” chuyện rôm rả mà gần như ai nấy đều tranh thủ mang sách ra đọc, mang laptop hoặc điện thoại ra đọc báo hoặc làm việc. Họ chăm chỉ nỗ lực tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để làm việc. Để tiết kiệm thời gian di chuyển, người Nhật đã nghĩ ra một loạt phương tiện, trong đó nổi tiếng toàn thế giới là tàu cao tốc Shinkansen. Hiện nay, tốc độ của loại tàu này đã lên tới trên 500km/giờ.

Ngoài ra người Nhật tiết kiệm thời gian trong công việc bằng châm ngôn "chơi ra chơi mà làm ra làm". Khi chơi họ có thể rất vui vẻ thoải mái nhưng khi làm việc thì họ cực kỳ kỷ luật và nghiêm túc, tập trung 100% vào việc đang làm. Vì thế trong cùng một thời gian, hiệu quả làm việc của người Nhật thường cao hơn hẳn người từ các nước khác trên thế giới.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.