Cách tạo ra một bộ óc thông minh siêu hạng

Thứ Hai, 05/03/2012, 04:35

Eduardo Boncinelli là nhà khoa học nổi tiếng đang lãnh đạo Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử thuộc bệnh viện lừng danh mang tên San Raffaele ở Milano (Italia), đã cùng các cộng sự của mình khám phá ra các gien EMX-I và EMX-II, 2 tế bào gien đóng vai trò chủ yếu trong việc kiến tạo trí thông minh cho động vật cao cấp biết suy nghĩ là con người.

Kỳ tích này được giới khoa học năm châu sánh ngang với công trình tách đôi hạt nhân nguyên tử thuở trước. Dưới đây là cuộc trả lời phỏng vấn của Giáo sư Tiến sĩ Eduard Boncineli với ký giả đặc biệt của tạp chí khoa học hàng đầu Italia Current Biology về loại gien đặc biệt quan trọng này:

- Có đúng là phát kiến của giáo sư được so ngang với việc phân đôi hạt nguyên tử không?

- Là một người với bản tính thận trọng cố hữu cần có của nhà khoa học, tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi là những người đầu tiên đã tìm ra 2 gien góp phần vào sự phát triển của sọ não. EMX-II kiểm soát sự sinh sản của những tế bào sau này sẽ trở thành vỏ não. Tuy chức năng của EMX-I vẫn chưa được xác định, nhưng chúng tôi tin là nó còn quan trọng hơn cả EMX-II nữa.

- Vỏ não đóng vai trò như thế nào đối với cơ thể con người?

- Bộ óc của con người ta phần lớn được cấu tạo từ sọ não. Chẳng hạn não bộ của giống vượn dã nhân cũng có vỏ não, nhưng chúng chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều. Vỏ não cho phép duy trì sự suy nghĩ, nhớ lại hay tưởng tượng ra… Nôm na là có vỏ não mới có con người biết suy nghĩ (Homospianes).

- Vậy trí thông minh có liên quan gì đến kích thước của vỏ não?

- Vỏ não có kích thước lớn chưa hẳn là đã thông minh, nhưng với vỏ não nhỏ chắc chắn là sự thông minh kém phát triển hơn. Nếu vỏ não quá nhỏ, khả năng thông minh hầu như là không có. Tôi đã tìm ra gien EMX-II bằng cách theo dõi và kiểm tra tỉ mỉ mọi bệnh nhân bị bệnh Schizencephaly. Đây là một chứng bệnh rất hiếm, đặc trưng của bệnh này là một gien di truyền bỗng dưng bị đột biến, tạo nên những "lỗ hổng" lớn trên thành vỏ não. Với người bình thường, EMX-II chỉ đạo các tế bào não tiếp tục sinh sản cho đến độ 4-5 tuổi, nhưng với người bị Schizencephaly thì gien EMX-II lại ngừng hoạt động quá sớm, khiến sọ não kém phát triển.

Giáo sư E. Boncinelli (trái) đang trả lời phỏng vấn.

- Tính cách con người là do di truyền quyết định, đúng không thưa giáo sư?

- Điều ấy chỉ đúng một phần. Là một nhà di truyền học, tôi tin rằng gien có thể làm được nhiều thứ, nhưng tôi không bao giờ khẳng định rằng gien có thể quyết định được tất cả.

- Liệu dạng gien EMX có thể giúp tái tạo lại các tế bào thần kinh bị tổn thương ở não bộ, hoặc là tai biến mạch máu não không? Thế còn chứng bệnh Alzheimer thì sao?

- Chứng mất trí nhớ, hay Alzheimer gây teo não ở người già là một bệnh đặc trưng, nên rất khó tái tạo lại các tế bào thần kinh đã mất đi. Còn với những trường hợp chấn thương sọ não như do tai nạn, đấm bốc… trong tương lai gần chúng tôi có thể "bắt" các tế bào thần kinh "trẻ lại", để chúng lại tiếp tục sinh sản.

Sơ đồ phân bổ các gien EMX-I và EMX-II trong não chuột.

- Thế tri thức cùng trí nhớ của những ai được "tái tạo" lại não bộ thì sao, thưa giáo sư?

- Ký ức phân bổ ở khắp não bộ. Nếu người ta phá hủy đi một ít chất xám trong đó, điều này chưa hẳn là bộ não ấy sẽ mất hết trí nhớ. Đúng ra là nó chỉ ảnh hưởng phần nào tới việc truyền dẫn thông tin trong não mà thôi. Lẽ đương nhiên là không thể khôi phục lại hoàn toàn các tri thức và trí nhớ trước đây của bộ não đó - nếu như chúng ta đưa vào những tế bào thần kinh mới, nhưng lại giúp chủ nhân của bộ não ấy phục hồi được khả năng nhớ của não bộ, cũng như các chức năng vốn có khác.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là, mục đích của chúng ta là nhằm có thể tái tạo lại một bộ não đã chết. Hiện giờ, một khi các tế bào thần kinh trong não chết đi thì không có cách nào để thay thế chúng được cả. Nhưng cũng nên lưu ý một điều khá thú vị: cơ thể tiềm ẩn của chúng ta có khả năng tái tạo lại tủy sống của mình trong những trường hợp thương tổn, hay ngay cả lúc mắc chứng bại liệt cũng vậy…

- Xin cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi hữu ích này

Thu Hường (theo Current Biology)
.
.