Cải tiến kỳ thi có trị tận gốc gian lận thi cử?

Thứ Năm, 13/12/2018, 09:47
Một loạt những "giải pháp kỹ thuật" dành cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 (THPTQG) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) công bố ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Những giải pháp kỹ thuật mới này theo Bộ GD&ĐT nhằm giúp kỳ thi THPTQG 2019 được an toàn, trong sạch và tăng độ tin cậy đối với xã hội.

Tuy nhiên, liệu những thay đổi này có "trị tận gốc" những gian lận, tiêu cực thi cử như đã từng xảy ra trong kỳ thi THPT QG 2018? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Kỳ thi THPTQG 2019 được kỳ vọng sẽ an toàn, nghiêm túc và tăng độ tin cậy.

PV: Thưa ông, phương án tổ chức kỳ thi THPTQG 2019 sẽ có những thay đổi quan trọng nào?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Theo lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2015-2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo tinh thần của Nghị quyết 29 -NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, năm 2019 Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT trên tinh thần giữ ổn định phương thức thi THPTQG như các năm 2017, 2018, những mặt tích cực, hợp lý thì giữ lại. Đồng thời, sẽ có một số điều chỉnh để kỳ thi tốt hơn, nằm ở bốn nhóm vấn đề chủ yếu.

Thứ nhất, về đề thi năm 2019 nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét, công nhận tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa hợp lí để giúp cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ tuyển sinh. Thứ hai, tăng cường vai trò của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong khâu tổ chức thi, theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ địa phương không tổ chức thi tại địa phương mình; tăng cường vai trò của các cán bộ đến từ các trường ĐH, CĐ ở khâu coi thi, bảo quản đề thi, bảo quản bài thi.

Đặc biệt, năm nay khâu chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Thứ ba là sẽ có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ với một số nội dung: Quy định chặt chẽ hơn việc sắp xếp phòng thi với sự hỗ trợ của phần mềm, nhất là với thí sinh tự do, nhằm ngăn ngừa những gian lận có thể xảy ra trong quá trình tổ chức coi thi; quy định rõ, kỹ càng, đồng bộ trong toàn hệ thống về cách thức niêm phong túi đựng bài thi, để ngăn ngừa những gian lận có thể xảy ra; sẽ sử dụng camera giám sát các phòng thi lưu giữ bài thi, đề thi, phòng chấm thi 24/24 giờ và đối với bài thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi sẽ được điều chỉnh theo hướng mã hóa dữ liệu chấm thi và tiến hành đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh.

Nhóm vấn đề thứ 4, để tăng cường ý nghĩa và vai trò của kỳ thi, tỉ lệ điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp sẽ tăng lên, dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

PV: Như vậy, năm nay Sở GD&ĐT sẽ không tham gia chấm bài thi trắc nghiệm. Ông có yên tâm khi giao hẳn cho các trường ĐH gánh vác trách nhiệm này?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Những đổi mới của kỳ thi về cơ bản là liên quan đến khâu tổ chức thi, liên quan đến trách nhiệm và nghiệp vụ của các thầy cô giáo. Với học sinh thì kỳ thi cơ bản ổn định. Hiện nay, ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho phép chúng ta tổ chức việc chấm thi thuận lợi hơn, linh hoạt hơn.

Việc Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chấm bài thi trắc nghiệm nhằm hướng tới chấm thi khách quan, tăng độ tin cậy, nhưng không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn yên tâm. Vẫn phải đẩy mạnh giải pháp về công tác tổ chức thi, quy trình thanh tra, kiểm tra phải chặt chẽ và cá nhân tôi rất muốn các địa phương phát huy vai trò của mình.

Địa phương phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong kỳ thi. Thành công, thành quả trước hết thuộc về các địa phương. Nếu tiêu cực xảy ra thì trách nhiệm trước hết cũng thuộc về địa phương. Năm 2019, đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị điều kiện tốt nhất, kể cả về con người, cơ sở vật chất, nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao. Đây là sự thể hiện rõ ràng nhất trách nhiệm địa phương với con em mình, đối với sự phát triển của địa phương và đất nước.

PV: Nhiều nhà quản lí giáo dục, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, để kỳ thi thành công thì quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người; nếu con người không nghiêm túc, cố tình can thiệp vào bài thi thì nguy cơ có thể xảy ra tiêu cực bất cứ lúc nào. Vậy việc lựa chọn nhân sự, con người tham gia vào kỳ thi có phải là khâu quan trọng nhất không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Tôi cho rằng, con người vẫn là yếu tố quyết định thành công của kỳ thi và tôi đồng ý rằng công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất. Do đó, dù pháp lý đầy đủ, quy trình chặt chẽ, rõ ràng, công nghệ hỗ trợ tối đa nhưng đấy mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Do đó, công tác cán bộ cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ được đẩy lên một bước.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

Thứ nhất là ngay trong khâu lựa chọn cán bộ, chúng ta phải lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, có kinh nghiệm và đặc biệt có ý thức pháp luật rất cao. Thứ hai, trong quy chế sẽ phân định rõ ràng trách nhiệm từng khâu đối với từng cán bộ. Đặc biệt năm nay chúng tôi sẽ làm tốt hơn nữa khâu tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn tổ chức thi, trong đó, phối hợp với bộ, ngành như Bộ Công an, để tập huấn cho cán bộ có thêm kỹ năng trong phòng ngừa tiêu cực, đặc biệt là tiêu cực có ứng dụng công nghệ cao. Trong quy chế cũng sẽ quy định rõ các chế tài để xử lý, phòng ngừa gian lận trong kỳ thi.

PV: Có ý kiến cho rằng, để nâng cao trách nhiệm các cá nhân, bên cạnh những giải pháp như ông vừa nêu, Bộ GD&ĐT cần có những quy định cụ thể hơn, hành lang xử phạt rõ ràng hơn với người vi phạm để đảm bảo kỷ cương, ý thức trong kỳ thi THPT. Quan điểm của ông như thế nào trước ý kiến này?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Tôi đồng ý với quan điểm này. Trên thực tế, vừa qua chúng tôi đã công bố những thông tin về Kỳ thi THPTQG 2019 với những chủ trương, giải pháp cơ bản, và hiện đang đẩy nhanh hoàn thiện quy chế thi. Trong quy chế thi này sẽ giải quyết các vấn đề phóng viên nêu, sẽ quy định rõ từng bước; chế tài, trách nhiệm trong các khâu sẽ được cụ thể hóa trong quy chế. Chúng tôi đang cố gắng để năm nay, công bố quy chế thi sớm hơn năm 2018.

PV: Hiện còn môn Ngữ văn sẽ thi theo tự luận, và Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức chấm thi môn Ngữ văn. Việc chấm thi môn này sẽ được tiến hành theo quy trình nào để đảm bảo công bằng nhất cho thí sinh, vì chấm môn tự luận sẽ bị chi phối bởi quan điểm chủ quan của người chấm? Liệu môn Ngữ văn có tổ chức chấm chéo các tỉnh không, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Thực tế thì để chấm bài thi Ngữ văn, cơ bản lực lượng chấm vẫn là các giáo viên ở các Sở GD&ĐT. Các trường ĐH tham gia chấm Ngữ văn rất ít, chủ yếu là Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Việc giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì chấm bài thi chấm tự luận như hiện tại là giải pháp có tính thực tiễn. Từ lâu bài thi Ngữ văn ra đề theo lối mở để khuyến khích sáng tạo của học sinh chứ không trả lời theo khuôn mẫu sẵn. Chính vì thế, để làm tốt điều này (và sẽ tốt hơn trong các năm tiếp theo) thì hướng dẫn chấm thi môn Ngữ văn sẽ được cụ thể hơn.

Khâu đánh phách bài thi tự luận được tiến hành hai vòng độc lập, tuyệt đối cách ly. Quy trình chấm cũng sẽ theo hai vòng độc lập. Ngoài ra còn có chấm kiểm tra để bảo đảm tiến độ chấm, để xem chấm có "đều tay" giữa các thầy cô trong hội đồng và trong toàn hệ thống hay không, để đảm bảo tính khách quan của toàn bộ bài thi tự luận. Thực tế cũng cho thấy, nếu làm nghiêm túc, đồng bộ thì độ tin cậy của môn Ngữ văn cũng sẽ rất cao.

Chúng tôi sẽ tăng cường thêm khâu thanh tra, kiểm tra giám sát quá trình chấm để bảo đảm rằng con người chấm vẫn đảm bảo chất lượng. Trong trường hợp cần thiết, sẽ chấm thẩm định các bài thi. Còn ý kiến đề xuất có thể chấm chéo giữa các địa phương, chúng tôi sẽ xem xét và cân nhắc, trên thực tế trước đây chúng ta đã tổ chức chấm chéo các bài thi.

Bộ GD&ĐT sẽ đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào bài thi.

PV: Thưa ông, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo cho giáo viên và học sinh tham khảo, có ý kiến cho rằng, đề thi không khó, thậm chí có câu rất dễ, như là một cách để "nghiêng" về việc xét tốt nghiệp. Như vậy, đề không có độ phân hóa cao, thì có đủ làm cơ sở để các trường đại học xét tuyển?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Trước hết phải nói thế này: Nhằm mục đích hỗ trợ tốt nhất có thể cho học sinh và giáo viên trong việc tổ chức dạy học, ôn tập, Bộ GD& ĐT đã có đề tham khảo sớm, căn bản nhận được sự ghi nhận và đồng tình từ thầy cô giáo và dư luận xã hội. Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển ĐH, CĐ.

Thí sinh có thể yên tâm, đề thi tham khảo vừa công bố định hướng rất tốt cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Trên cơ sở đề tham khảo, trong quá trình dạy học, giáo viên không được cắt chương trình, không học tủ, cần bám sát định hướng để chuẩn bị tốt cho việc ôn tập. Việc công bố đề tham khảo là bước để tiến tới đề chính thức, những ý kiến hợp lý sẽ được chúng tôi tiếp thu để đưa vào đề thi chính thức.

PV: Kỳ thi THPT quốc gia dù đã có những "cải cách" nhưng vẫn gây tốn kém, vất vả cho ngành giáo dục, cho học sinh và các gia đình, làm thế nào giải quyết những bất cập này, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Tôi cho rằng, còn thi thì còn vất vả, khó khăn. Tuy nhiên so sánh các năm 2014 trở về trước thì kỳ thi THPT quốc gia đã giảm rất nhiều tốn kém cho xã hội, gia đình và học sinh. Kỳ thi 2015 đến nay đang nằm trong lộ trình đổi mới toàn bộ hệ thống, từ các nhà trường, các Sở GD&ĐT, các bộ, ngành và trong chính phụ huynh và học sinh, sẽ làm cho kỳ thi ngày càng giảm áp lực, thêm nghiêm túc. Khi đó, kỳ thi sẽ nhẹ nhàng đi và đến thời điểm nào đó, sẽ giảm nhiều áp lực hơn nữa.

Những gì chúng ta đã làm được trong kỳ thi THPT quốc gia so với việc chúng ta tổ chức nhiều kỳ thi độc lập trước đây thì đã có có sự chuyển biến lớn, nằm trong tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29. Chúng ta cố gắng làm sao cho kỳ thi 2019 an toàn, tích cực, làm nền tảng tốt để giảm áp lực thi cử hơn nữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng, mặc dù có tới 5 điểm mới trong phương án thi THPTQG 2019, tuy nhiên các điểm này đa phần tập trung cải tiến về mặt kỹ thuật mà chưa chú ý nhiều đến bản chất của những phát sinh tiêu cực trong kỳ thi THPTQG năm 2018.

Thứ nhất là lắp hệ thống camera để theo dõi, tôi cho rằng sẽ tốn kém; một khi các bài chấm trắc nghiệm chuyển về cho các trường ĐH chấm bằng máy, thì có cần thiết lắp camera nữa không? Thứ hai, khi trọng số điểm bài thi được tính tăng lên so với điểm học bạ khi xét tốt nghiệp, thì chắc chắn đề thi phải khá dễ, nếu không muốn số học sinh trượt tốt nghiệp tăng lên.

Như vậy, vấn đề phân hóa trình độ học sinh sẽ thấp, dẫn đến các trường ĐH nếu lấy kết quả này để chọn thí sinh vào ĐH thì độ chọn lọc sẽ thấp. Bài thi tự luận Ngữ văn vẫn để các Sở GD&ĐT chấm, liệu có sự chấm lỏng tay hay không? Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ cần cải tiến 1 điểm mấu chốt: Các trường ĐH được giao chủ trì tại các điểm thi, các Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức (có phân công cụ thể từng công việc).

Tất cả các bài thi giao cho Trung tâm khảo thí một số trường ĐH chấm (trắc nghiệm) và tổ chức chấm (chấm tự luận). Về kỹ thuật, chỉ khi tất cả các bài thi được quét và gửi về Bộ, lúc đó mới công bố đáp án để chấm. Như vậy có thể khắc phục triệt để các lỗ hổng trong khâu tổ chức kỳ thi năm 2018, và cũng không hề phát sinh tốn kém.

Thu Phương
.
.