Cam go đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Thứ Ba, 03/12/2019, 09:20
Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway hôm 26-11 cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1", song vẫn còn 3 điểm bất đồng lớn nhất tồn đọng giữa hai bên: chuyển giao công nghệ bắt buộc, đánh cắp sở hữu trí tuệ, mất cân bằng thương mại lên tới 500 tỷ USD/năm.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, bà Conway nêu rõ hai bên thực sự đã tiến gần tới thỏa thuận và giai đoạn 1 của thỏa thuận này rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump muốn thực hiện điều này theo nhiều giai đoạn, với nhiều điều khoản mang tính tạm thời, bởi đó là "một thỏa thuận thương mại lớn và mang tầm vóc lịch sử".

Dền dứ "giai đoạn 1"

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien hôm 23/11 tuyên bố, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vẫn khả thi trước cuối năm nay. Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố các quan chức đàm phán thương mại hai nước đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận nhưng bản thân ông không nóng lòng hoàn tất một thỏa thuận với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày cho biết Bắc Kinh muốn một thỏa thuận thương mại với Washington nhưng không ngại đáp trả nếu cần thiết.

Đầu tháng này, các quan chức hai nước cho biết Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu thỏa thuận này được hoàn tất. Hôm 13-10 vừa qua, Tổng thống Trump thông báo ông đã nhất trí về mặt nguyên tắc đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai bên tại Washington.

Thỏa thuận này bao gồm việc Trung Quốc đồng ý mua khoảng 50 tỷ USD nông sản của Mỹ và thực hiện những cải cách liên quan đến sở hữu trí tuệ và các dịch vụ tài chính. Tổng thống Trump cho biết ông hy vọng sẽ tiến tới giai đoạn 2 của cuộc đàm phán sau khi hoàn tất giai đoạn 1.

Theo ông, giai đoạn 2 sẽ tập trung vào một số cáo buộc từ phía Mỹ rằng Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ bằng cách ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Theo đánh giá của giới quan sát, ưu tiên của ông Trump tại thời điểm này là đạt được tuyên bố về một thỏa thuận giai đoạn 1, bảo đảm Trung Quốc sẽ nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ trên quy mô lớn để Trump có thể khoe khoang đây là một chiến lợi phẩm quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của mình. Sau đó, Trung Quốc có thể rút lui ở mức độ nào đó đối với chương trình chính sách của Tổng thống Trump khi ông tập trung vào những vấn đề trong nước trong chiến dịch vận động kiếm phiếu.

Một nguồn thạo tin tức được hãng tin Reuters dẫn cũng nhận định rằng việc ký kết một thỏa thuận giai đoạn 1 có thể phải đợi đến năm 2020 khi cả hai nước tranh cãi về yêu cầu của Bắc Kinh rút lại các biện pháp thuế quan trên phạm vi rộng lớn hơn.

Thỏa thuận giai đoạn 1 tập trung vào việc Trung Quốc mua thêm hàng nông sản Mỹ.

Cam go giai đoạn 2

Một quan chức khác giấu tên của chính quyền Trump khẳng định: "Ngay khi hoàn thành thỏa thuận giai đoạn 1, chúng tôi sẽ khởi động đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2". Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào các khiếu nại chủ chốt của Mỹ là Trung Quốc đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của Washington bằng cách ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ của họ cho các đối thủ ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo các quan chức, nhà lập pháp và chuyên gia thương mại Mỹ và Trung Quốc, một thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 đầy tham vọng giữa hai cường quốc này dường như kém triển vọng hơn khi mà hai nước vẫn đang phải cố đạt được một thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11-2020, những khó khăn cho việc đạt được giai đoạn 1, kèm theo đó là việc Nhà Trắng do dự hợp tác với các nước khác nhằm gây sức ép với Bắc Kinh đang làm lu mờ mọi hy vọng cho bất kỳ điều gì tham vọng hơn trong tương lai gần.

Nhà Trắng ban đầu đặt ra những kế hoạch đầy tham vọng để tái cấu trúc mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, bao gồm việc xử lý điều mà cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ năm 2018 kết luận rằng những thực tiễn thương mại của Trung Quốc là "không công bằng, không hợp lý và làm méo mó thị trường".

Tổng thống Donald Trump cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng ở quy mô rộng lớn đối với nỗ lực buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hoạt động do thám kinh tế, tấn công mạng, ép buộc chuyển giao công nghệ và bán phá giá với trợ cấp của chính phủ kéo dài hàng năm qua.

Tuy nhiên, nhiều trong số những quan ngại này sẽ không thể được xử lý trong thỏa thuận giai đoạn 1 vốn chỉ tập trung vào việc Trung Quốc mua thêm hàng nông sản Mỹ, rút lại các biện pháp thuế quan đi kèm với một số cam kết sở hữu trí tuệ.

Làm phức tạp hơn vấn đề là việc đội ngũ cố vấn kinh tế của ông Trump hiện bị chia rẽ: Một số đang thúc đẩy ông nhất trí với thỏa thuận giai đoạn 1 nhằm xoa dịu thị trường và giới lãnh đạo kinh doanh nhưng một số khác lại muốn ông tiến tới một thỏa thuận toàn diện hơn. Trong khi đó, giới chức Bắc Kinh lại đang do dự thực hiện những thay đổi mang tính cấu trúc ở quy mô rộng lớn hơn để quản lý nền kinh tế Trung Quốc, xoay xở tìm cách làm sao để Bắc Kinh không tỏ ra khúm núm trước những lợi ích của Mỹ.

Giới chức Bắc Kinh nhấn mạnh họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một phần vì họ muốn đợi để xem liệu ông Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ 2 hay không.

Cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng với Trung Quốc đã đẩy doanh nghiệp và nông dân Mỹ vào khủng hoảng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như làm suy giảm các nền kinh tế trên toàn cầu. Việc không thể hóa giải lý do chính khiến thương chiến bùng nổ đã và đang đặt ra câu hỏi liệu những thiệt hại có đáng đối với cuộc chiến thương mại này hay không.

Trong khi đó, nhiều thực tiễn thương mại của Bắc Kinh mà nhiều nền kinh tế thị trường tự do coi là không cân bằng vẫn chưa được xử lý. Châu Âu và các đồng minh của Mỹ đã do dự trong việc "chung tay" với Washington để thực hiện chiến dịch gây sức ép đối với Bắc Kinh, một phần là do bất bình của họ trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump chú trọng vào hành động đơn phương và một phần là do sự phụ thuộc của họ vào đầu tư từ Trung Quốc.

Nam Sơn
.
.