Cameroon chống tham những bằng âm nhạc

Thứ Hai, 31/12/2007, 09:00
Tại Cameroon - một quốc gia mà nạn tham nhũng và luật pháp lỏng lẻo đã trở thành nếp sống thường ngày, những nhạc sĩ như Longue Longue và Lapiro de Mbanga luôn trong thế tấn công. Họ tự cho mình là chiến binh chống tham nhũng.

Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, khoảng 79% người dân Cameroon đưa hối lộ trong năm 2006 - hơn bất cứ quốc gia nào khác. Cũng vì nạn tham nhũng lan tràn như thế nên trên mọi đường phố Cameroon - trong các cửa hàng mua sắm, quán bar và xe taxi - người ta luôn nghe thấy những bài hát mang tính “cách mạng”, với những ca từ như là "tham nhũng đang giết chết chúng ta” và “tiền đóng thuế của chúng ta đi đâu?”.

Trong một quốc gia mà nạn tham nhũng và luật pháp lỏng lẻo đã trở thành nếp sống thường ngày, những nhạc sĩ như Longue Longue và Lapiro de Mbanga luôn trong thế tấn công. Họ tự cho mình là chiến binh chống tham nhũng.

Nhạc sĩ Lapiro dùng tiếng hát của mình kêu gọi bỏ tù tất cả những kẻ biển thủ công quỹ nhà nước. Trong một bài hát của Lapiro có câu: "Hãy tống bọn chúng vào nhà tù Kondengui. Tất cả bọn chúng phải vào Kondengui...".

Trong một cuộc tranh luận sôi nổi, hai nhạc sĩ Lapiro và Longue Longue đã công kích kịch liệt khả năng có thể sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Paul Biya - lãnh đạo đất nước Cameroon trong suốt 25 năm qua - tranh thủ thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2011.

Theo luật pháp nghiêm khắc của Cameroon, nhà báo có thể ngồi tù đến một năm nếu dám phỉ báng những nhân vật chóp bu trong chính quyền nước này, song giới nhạc sĩ có phần được miễn khi nói lên tâm tư của mình.

Tháng 3/2007, Tổng thống Biya thành lập và lãnh đạo Ủy ban Chống tham nhũng và bắt đầu tuyên truyền trên đài phát thanh, phân phát poster kêu gọi mọi người chấm dứt tình trạng đút lót.

Cảnh sát Cameroon cũng bắt đầu công khai tên tuổi những sĩ quan trong lực lượng phạm tội tham nhũng. Một số nguyên là bộ trưởng và giám đốc các công ty nhà nước đã bị tống giam vì tội biển thủ hàng triệu USD.

Một trong những vụ án tham nhũng mới nhất liên quan đến Gerald Emmanuel Ondo Ndong, cựu giám đốc một cơ quan nhà nước. Ondo Ndong lãnh mức án 50 năm tù vì tội tham nhũng trong thời gian tại chức.

Tuy nhiên, báo chí địa phương và một số đảng phái đối lập đã lên tiếng phê phán kịch liệt thái độ miễn cưỡng của chính phủ trong việc thu hồi tiền tham ô công quỹ quốc gia.

John Fru Ndi, Chủ tịch đảng đối lập Mặt trận dân chủ xã hội (SDF), nói: “Nhà nước vẫn còn chưa mạnh tay lắm trong việc bỏ tù bọn quan chức tham ô công quỹ và để cho họ tiếp tục sống xa hoa với số tiền ăn cắp. Một điều quan trọng hơn nữa là những khoản tiền tham ô phải được thu hồi trả lại cho kho tàng quốc gia”.

Tuy nhiên, dù cố gắng hết sức song chiến dịch chống tham nhũng đang tiến hành vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Cảnh sát vẫn còn nhận hối lộ từ cánh tài xế taxi không xuất trình được giấy tờ hợp lệ hay những chiếc xe không còn được phép lưu thông. Và, hành vi ăn hối lộ vẫn xảy ra như cơm bữa trong hệ thống công sở.

Bản thân Tổng thống Biya dường như cũng không kham nổi gánh nặng chống tham nhũng.

Mới đây Tổng thống Biya đã có bài phát biểu trên kênh truyền hình France 24 TV của Pháp: “Người dân Cameroon ngày nào cũng viết thư cho tôi tố cáo người này người nọ có hành vi tham nhũng. Nếu tôi nghe theo lời tố cáo thì các nhà tù không còn chỗ cho mọi người... Tôi không nghĩ chúng tôi có thể tiêu diệt hoàn toàn hành vi tham nhũng; chúng tôi chỉ cần giảm tỉ lệ tham nhũng xuống đến mức thấp nhất để không ngăn trở sự phát triển đất nước”.

Về phía mình, giới nhạc sĩ Cameroon hy vọng những bài hát của họ đóng góp hiệu quả vào chiến dịch chữa trị căn bệnh tham nhũng trầm kha của đất nước

Trần Thanh Phong (theo BBC)
.
.