Cần Thơ: Một góc chợ đổ ụp xuống sông

Thứ Ba, 17/05/2011, 21:50

Khoảng 5h sáng ngày 9/5/2011, chợ Rạch Cam (khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã nhóm đông đủ bạn hàng thì tai họa bất ngờ ập đến. Cả một dãy 12 sạp hàng ăn uống trị giá khoảng 300 triệu đồng, văn phòng ban quản lý chợ cùng với mặt đất mép sông dài hàng trăm mét, kéo dài từ cầu Rạch Cam đến hông chợ, úp nhào xuống sông. Đoạn lở ăn sâu nhất vào bờ đo được hơn 10 mét.

Vào thời điểm đó, có vài chục người đang ăn uống, mua bán trên khu vực sạt lở đã nhanh chân chạy khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, 7 người kém may mắn bị cuốn xuống sông. Tiếng kêu cứu vang động cả một khúc sông. Ngay lập tức, hầu như tất cả những người có mặt trong chợ đều tập trung về phía hiện trường giúp nhau cứu nạn.

Mặc dù, đất vẫn còn lở, nhưng không màng đến an nguy của mình, những người trên bờ đã lao xuống nước cứu người. Những ghe, xuồng thương hồ đang neo đậu tại khúc sông đó nghe kêu cứu cũng kéo đến tham gia cứu nạn. Nhờ tích cực cứu hộ, 5 nạn nhân được cứu lên bờ, thoát chết đuối. Trong đó có 3 nạn nhân bị thương tích nặng do va đập và ngộp nước được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cấp cứu. Tuy nhiên, vẫn còn 2 nạn nhân mất tích gồm: Bà Võ Thị Tuyết, 68 tuổi, tiểu thương bán rau tươi và chị Dương Thị Hoàng Loan, 30 tuổi, tiểu thương bán bún nước.

Nhận được tin, lãnh đạo địa phương đã huy động lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ hơn 150 người đến phong tỏa hiện trường, tổ chức cứu hộ, tìm kiếm 2 nạn nhân còn mất tích, đồng thời di dời hàng hóa, tài sản trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Do nước lớn và đục, lòng nước lổn nhổn mảnh vỡ kiến trúc nên các thợ lặn gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến khoảng 10h20’ mới tìm được thi thể 2 nạn nhân xấu số. Cùng ngày, UBND TP Cần Thơ quyết định hỗ trợ người bị thương 1,5 triệu đồng/hộ và người chết 10 triệu đồng/hộ.

Ông Nguyễn Văn Trệt, 62 tuổi là khách hàng đi chợ, đang ngồi ăn hủ tiếu thì bị ụp xuống nước. Mặc dù bị đất và các thứ lỉnh kỉnh đè ép xuống sát đáy sông nhưng nhờ bình tĩnh, ông đã gắng sức ngoi lên và được trợ giúp lên bờ, thoát nạn. Ông cho biết, mấy ngày trước, đoạn bờ sông này đã có hiện tượng lở, sụp nhưng không thiệt hại nhiều nên mọi người chủ quan. Khu vực  này, chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch di  dời  nhưng chưa kịp thực hiện thì tai nạn  đã ập đến.

Cách nay vài năm, bờ bên kia cầu Rạch Cam cũng bị sạt lở, sông nuốt trọn vài căn nhà nên chính quyền đã cho xây bờ kè. Còn bờ bên này chỉ mới có biểu hiện sạt lở trong thời gian gần đây.

Chuyện thủy thần nuốt nhà, nuốt người, nuốt đất đai hoa màu không còn là chuyện lạ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì nó đã diễn ra suốt hàng chục năm nay. Từ năm 2009, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã khảo sát và ghi nhận ĐBSCL có 5 khu vực đáng cảnh báo gồm: thị trấn Tân Châu (An Giang); sông Vàm Nao (An Giang); Sa Đéc (Đồng Tháp); bờ sông Hậu, rạch Bình Di (An Giang) đoạn biên giới Việt Nam - Campuchia; và thị trấn Năm Căn (Cà Mau) - là những điểm có nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là trong mùa mưa lũ. Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam cũng đã vẽ sơ đồ cảnh báo 26 điểm sạt lở nguy hiểm dọc sông Hậu trong địa bàn TP Cần Thơ. Trong đó khu vực bến phà cũ Cần Thơ là một trong các điểm đáng chú ý nhất. Hiện tại hai bên bờ đã lở sâu vào bờ trên 20 mét.

Ngoài ra, còn nhiều khu vực khác cũng bị chấm điểm đỏ báo động như: Cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt), đầu cồn Sơn (quận Bình Thủy), cồn Cái Khế, rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều), rạch Cái Cui, Cái Sâu, Bùng Binh, Bến Bạ (quận Cái Răng) và một số nơi khác thuộc các quận, huyện Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ.

Bờ sông vẫn còn nguy cơ sạt lở.

Nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục với nhiều vết nứt đã xuất hiện và ngày càng lan rộng trên Tỉnh lộ 923 dọc sông Cần Thơ đe dọa hàng trăm ngôi nhà dọc theo bờ sông. Trên rạch Cái Sơn thuộc quận Ninh Kiều nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở cao, rạch chạy qua khu dân cư đông đúc nên sẽ thiệt hại lớn khi xảy ra sạt lở.

Năm 2007, một vụ sạt lở có chiều dài 20m, sâu vào bờ 8m đã xảy ra tại phường An Bình, quận Ninh Kiều đã làm ảnh hưởng đến ba hộ dân, và làm gián đoạn đường giao thông trong khu vực. Cũng năm 2007 tại quận Bình Thủy, một vụ sạt lở đã kéo 10 căn nhà xuống sông Trà Nóc với chiều dài gần 100m. Không chỉ ở Cần Thơ, nhiều địa bàn khác tại ĐBSCL cũng bị nạn sạt lở đất đe dọa. Hầu hết những địa phương có dòng chảy của sông Hậu, sông Tiền đều chịu cảnh phập phồng vì bờ sông bị sạt lở, khoét sâu.

Tại Vĩnh Long có 56 điểm được đưa vào diện cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Trong đó có đoạn rạn nứt dài 600 m dọc rạch Thông Lưu ở xã Tân Bình (Bình Tân). Trung bình mỗi năm Vĩnh Long bị biến mất khoảng 2,3 ha đất ven sông do sạt lở khiến 1.500 hộ dân mất chỗ ở.

Nếu tính toàn bộ khu vực cảnh báo nguy hiểm thì ĐBSCL có hơn 10.000 hộ cần tái thiết chỗ định cư mới.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong nhiều thập niên ở ĐBSCL đã có ít nhất 40 người chết và hơn 3.000 căn nhà bị thủy thần nhấn chìm. Tất cả những nguyên nhân sạt lở bờ sông đều được các nhà khoa học quy kết do nạn khai thác cát vô tội vạ làm thay đổi dòng chảy con sông. Trong khi đó, nạn khai thác cát trên sông vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguy cơ sụp, lở bờ sông vẫn sẽ tiếp tục làm đau đầu chính quyền các địa phương trong thời gian không ngắn

Nông Huyền Sơn
.
.