Cần giải quyết thỏa đáng quyền lợi với các bà mẹ ở Làng trẻ SOS Gò Vấp
Khi làm các thủ tục để về nghỉ hưu, các bà dì, bà mẹ ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP HCM) mới té ngửa ra rằng tất cả các chế độ người ta giải quyết cho mình đều hoàn toàn khác những cam kết ghi trong hợp đồng! Từ đó, cuộc hành trình kêu cứu của 17 bà mẹ, bà dì bắt đầu và kéo dài đằng đẵng nhiều năm.
Nhưng mãi đến giờ những tiếng kêu thiết tha ấy vẫn chỉ nhận lại được những câu trả lời không rõ ràng và vì vậy, tuy có người đã đến trên 60 tuổi vẫn chưa được về nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già và chữa bệnh.
Hợp đồng một đằng, thực hiện một nẻo!
Năm 1989, được giới thiệu và nhận thấy giá trị nhân đạo cao cả trong mục đích tôn chỉ và việc làm của tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế và Làng trẻ em SOS Việt Nam, bà Nguyễn Túy Xuân lúc đó đã có 15 năm làm công tác giảng dạy ở Long An, xin chuyển về phục vụ tại Làng trẻ em SOS cơ sở đặt tại quận Gò Vấp. Ngành Giáo dục không cho chuyển, bà đã tự nghỉ việc, chấp nhận mất tất cả các chế độ công tác để đi theo tiếng gọi của trái tim mình.
Cùng với bà, trong đợt tuyển đầu tiên này có khoảng 20 người trúng tuyển vào Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Họ, một số đã qua thời con gái, một số là thiếu nữ đang ở độ phơi phới tuổi thanh xuân. Những người mẹ khác, như bà Lăng Thị Hường, Đỗ Thị Hạ cũng đều bỏ công việc ở cơ quan đang làm trên dưới 10 năm, chấp nhận mất chế độ để về với SOS. Theo cam kết với tổ chức này, khi vào đây, các cô các chị chấp nhận không lập gia đình, không chồng không con, không vướng bận riêng tư, để dành thời gian, toàn tâm toàn ý gắn bó với cơ sở, chăm lo cho trẻ mồ côi. Các mẹ sẽ sống và làm việc tại làng 24/24 giờ mỗi ngày, nuôi dưỡng dạy dỗ các con như con ruột của mình.
Các quy định về công việc, về quyền lợi và nghĩa vụ của các bà mẹ được tổ chức SOS quốc tế này biên soạn thành một bản "Quy chế về Bà mẹ" và áp dụng thống nhất ở 150 quốc gia trên thế giới. Khi vào đây phục vụ, bà Xuân và các mẹ được Làng trẻ em SOS Gò Vấp ký một bản hợp đồng dựa trên các quy định của bản Quy chế của SOS quốc tế. Điều này cũng được ghi rõ trong bản Quy chế: "Bà mẹ Làng trẻ em SOS làm bản hợp đồng trong đó nêu đầy đủ những quyền lợi và nghĩa vụ của bà mẹ Làng trẻ em SOS như bản Quy chế này". Một trong những nội dung quan trọng của Quy chế là "Sau thời gian phục vụ tối thiểu là 20 năm, bà mẹ Làng trẻ em SOS đến tuổi nghỉ hưu, sẽ được nghỉ hưu và được nhận khoản trợ cấp hàng tháng bằng 70% của tháng lương cuối cùng".
Thế nhưng khi bà Xuân và một số bà mẹ khác, năm 2009, đã đủ 20 năm làm việc, làm thủ tục để nghỉ hưu thì mới bật ngửa ra rằng, bà sẽ không được SOS thực hiện như hợp đồng đã cam kết theo các nội dung của bản Quy chế. Theo đó, bà được SOS Việt Nam đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) từ ngày 1/1/1995. Như vậy, các mẹ chỉ được tính 15 năm làm việc, chưa đủ thời gian để nghỉ hưu theo Luật lao động của Việt Nam. Do đó nếu nghỉ, các bà mẹ cũng không được trả hưởng trợ cấp hàng tháng. Đồng thời, theo quy định của BHXH, các tổ chức như Làng trẻ em SOS Việt Nam được đưa vào diện doanh nghiệp liên danh với nước ngoài, nên số tiền lương hưu của các mẹ sẽ được trả được tính bằng 60% của tổng số tiền đã đóng bảo hiểm trong 20 năm làm việc, chứ không phải bình quân mức lương 5 năm cuối cùng như các đối tượng khác.
Thay đổi cả cam kết quốc tế chỉ bằng… lời nói miệng?
Căn nguyên của vấn đề ở chỗ, theo ông Đàm Hữu Đắc, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, và ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam, đơn vị hình thành để đón nhận tài trợ từ tổ chức SOS quốc tế, từ năm 2008 SOS quốc tế có quy định là chỉ trả trợ cấp nghỉ hưu cho các bà mẹ ở những quốc gia không có áp dụng BHXH; riêng đối với các nước có chế độ BHXH thì thực hiện theo BHXH ở nước đó. Chính vì thế, Việt Nam áp dụng thực hiện BHXH từ ngày 1/1/1995, và các bà mẹ ở làng SOS Gò Vấp được tổ chức SOS Việt Nam đóng bảo hiểm từ thời gian này. Và cái tùy tiện đầu tiên có thể thấy được ngay, là cũng từ đó, thời gian lao động của các mẹ cũng chỉ được cơ quan quản lý ghi nhận là từ năm 1995, tức là các bà mẹ bị "xén" mất 6 năm làm việc!
Trong một văn bản khác cũng do ông Đàm Hữu Đắc ký, nhưng không phải với tư cách Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội mà là với tư cách Chủ tịch làng SOS Việt Nam, toàn bộ trách nhiệm về lương hưu, chế độ sau khi hết tuổi lao động của các bà mẹ, bà dì đã được đẩy hết sang BHXH: "Đối với Việt Nam, trước năm 2007, Làng trẻ em SOS quốc tế vẫn chủ trương trả lương hưu cho các bà mẹ, bà dì như đã ghi trong "Quy chế Bà mẹ" ban hành năm 1992. Đến năm 2007, Luật BHXH của nước ta có hiệu lực (mặc dù chế độ BHXH đã có từ trước đó), Làng trẻ em SOS quốc tế đã yêu cầu Làng trẻ em SOS Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để thực hiện việc đóng và truy đóng BHXH cho các bà mẹ, bà dì. Đến nay, Làng trẻ em SOS quốc tế đã chuyển toàn bộ số tiền phải truy đóng BHXH (bao gồm người sử dụng lao động và người lao động) cho Làng trẻ em SOS Việt Nam là 884.236 USD (tương đương 16,8 tỉ đồng) để truy đóng bảo hiểm".
Nhận thấy tất cả đều hoàn toàn sai với hợp đồng đã được ký và thiệt thòi quá lớn, các bà mẹ không chấp nhận và bắt đầu từ đó là hành trình khiếu nại. Tuy nhiên, hai năm qua, đơn gửi đi nhưng tất cả chỉ được phản hồi với những lý do loanh quanh lòng vòng không thỏa đáng. Đã có ý kiến đưa ra một cách tréo ngoe là do cơ quan quản lý đã… lỡ ghi nhận có 15 năm làm việc, nên các bà mẹ sẽ phải làm việc thêm… 5 năm nữa cho đủ năm để về hưu! Trong 5 năm làm việc này, các bà mẹ phải trích lương để đóng BHXH, BHYT. Và điều bi hài là quá tuổi hưu nhưng thời gian này các mẹ vẫn phải đóng cả… bảo hiểm thất nghiệp! Quả là đi hết sự tắc trách này đến tùy tiện khác!
Sau đó thấy không ổn, SOS Việt Nam và BHXH Việt Nam đề nghị sẽ tính lại đúng thời gian làm việc của các bà mẹ là từ 1989, và SOS sẽ tự trích tiền nộp bảo hiểm cho các mẹ. Tuy nhiên các bà mẹ không đồng ý vì cho rằng, việc các bà mẹ phải thực hiện theo BHXH Việt Nam là hoàn toàn phi lý, bởi hợp đồng ký là mọi nghĩa vụ và quyền lợi đều theo bản Quy chế của SOS quốc tế, trong khi đến giờ này Quy chế vẫn còn nguyên giá trị, chưa bị hủy bỏ.
Phi lý còn ở chỗ, các bà mẹ ở Làng trẻ SOS làm việc toàn thời gian 24/24, mỗi tháng chỉ được nghỉ 2 ngày và một năm nghỉ 15 ngày phép, không được hưởng các chế độ, các ngày lễ tết của Việt Nam, trong khi luật lao động ở Việt Nam chỉ cần làm việc 8 tiếng/ngày. Nếu phải thực hiện đóng BHXH như mọi ngành nghề công việc khác, thì tất cả những công việc và thời gian ngoài 8 tiếng đồng hồ sẽ phải tính như thế nào để công bằng với các mẹ? Mẹ Đỗ Thị Hạ cho biết, yếu tố mấu chốt của tổ chức SOS là 4 nguyên tắc sư phạm, đó là Anh chị em - Bà mẹ - Gia đình - Cộng đồng làng. Nếu thực hiện chế độ BHXH thì các mẹ chỉ cần làm việc 8 tiếng/ngày là đủ, và như vậy sẽ không còn gia đình, phá vỡ mô hình làng SOS, và tình mẫu tử thiêng liêng cũng bị mất.
"Đến giờ, chúng tôi vẫn chỉ nghe các lãnh đạo SOS Việt Nam nói rằng SOS quốc tế quy định như vậy, chứ hoàn toàn chưa thấy bất cứ văn bản nào của SOS quốc tế nói về điều này (tức buộc theo chế độ BHXH - PV). Chúng tôi không tin là một tổ chức quốc tế, hoạt động ở 150 quốc gia với hàng chục năm qua, mà lại có những cách làm tùy tiện như vậy", một nội dung trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp có chữ ký của 17 bà mẹ đã viết. Các bà mẹ nói rằng điều khó hiểu, khi mọi sự thay đổi đều được SOS Việt Nam cho rằng do SOS quốc tế đưa ra, nhưng khi ông Chủ tịch SOS quốc tế sang kỷ niệm 20 năm thành lập Làng trẻ em SOS Gò Vấp, các bà mẹ đề nghị được gặp, thì SOS Việt Nam có hứa nhưng sau đó lại lần khân hoãn binh và cuối cùng không cho gặp.
Lúng túng như gà mắc tóc là các lãnh đạo ở Làng trẻ em SOS Việt Nam cũng thừa nhận, đến giờ bản quy chế của tổ chức SOS quốc tế vẫn chưa hủy bỏ, và theo Nghị định 152/2006 của Chính phủ cũng có quy định tổ chức làm việc có các điều ước quốc tế thì không phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều 7 Nghị định quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước CHXHCNVN ký kết, hoặc tham gia có quy định khác". Thế nhưng không hiểu lý do vì sao, các lãnh đạo của SOS Việt Nam vẫn không dựa vào đây để buộc SOS quốc tế thực hiện cam kết nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bà mẹ, mà cứ khăng khăng ép buộc các mẹ phải chấp nhận BHXH?
Tuổi già chưa biết về đâu!
Đến nay hầu hết các bà mẹ trong người mang nhiều bệnh tật. Đó là kết quả của những năm tháng đã dâng trọn tuổi thanh xuân, dâng trọn đời mình cho tình yêu con trẻ. Đó là những đêm thức trắng khi con đau ốm, là những tháng ngày lo toan từng miếng cơm manh áo cho các con trong điều kiện khốn khó trăm bề.
Mẹ Nguyễn Ngọc Châu 57 tuổi, mang bệnh tiểu đường, biến chứng qua tim mạch, khớp, đã cắt u xơ tử cung, đi cấp cứu nhiều lần; mẹ Lăng Thị Hường, 56 tuổi, bị tim mạch yếu, mỗi khi có xúc động là ngất xỉu, nên những buổi làm việc khiếu nại căng thẳng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng sức khỏe của mẹ suy kiệt nặng thêm. Mẹ Phạm Thị Hoa 60 tuổi nhưng vẫn chưa được nghỉ hưu, bị tim mạch đã phải đi cấp cứu nhiều lần. Thế nhưng từ vài năm nay, các mẹ không được chi phí chăm sóc y tế theo theo hợp đồng như bản quy chế của SOS quốc tế quy định, mà không rõ do SOS quốc tế hay SOS Việt Nam đã cắt đi.
Nhà nghỉ hưu xây ở Làng SOS nhưng không biết khi nào các bà mẹ, bà dì mới được vào ở. |
Đã ốm đau bệnh tật, các mẹ vẫn phải gồng mình chăm sóc nuôi dưỡng đàn con, xoay xở với một mức trợ cấp hết sức khó khăn. Đồng tiền tài trợ không thể dư dả, nên cuộc sống ở Làng trẻ em thiếu thốn trăm bề và đổ dồn hết lên đôi vai của những người mẹ. Hiện tại, chế độ ăn của các cháu ở đây chỉ 10.500 đồng/ngày. Nhiều mẹ đã phải về tận quê nhà, xin gạo muối, mượn tiền của gia đình, người thân góp thêm cho bữa ăn của các con.
Ông Nguyễn Văn Trừng, Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp kể rằng, nhiều lần ông đã không cầm lòng được khi thấy các bà mẹ 59-60 tuổi cứ đứng trước ngôi nhà nghỉ hưu mà ngẩn ngơ nhìn. Đó là ngôi nhà dành cho các mẹ, nhưng đến giờ này vẫn chưa có mẹ nào được đặt chân vào ngôi nhà dành cho mình những năm tháng cuối đời. Đứng trước tình cảnh đó, một người bình thường đã thấy thương cảm cho các mẹ, nên khi nghe ông Giám đốc quốc gia Làng trẻ em SOS Việt Nam nói: "Nếu các chị đòi hỏi quy chế thì không được ở nhà hưu", càng thấy xót xa vì nó quá đỗi bất công và phũ phàng với các mẹ. Khó còn có niềm tin, các mẹ đã từng hỏi và đã được Giám đốc SOS Gò Vấp đề xuất với UBND TP HCM, là khi các mẹ đến tuổi nghỉ xin được vào nhà dưỡng lão, còn khi qua đời được yên nghỉ ở nghĩa trang thành phố. Tuy nhiên cũng chưa biết chắc câu trả lời của những người có quyền lực ra sao, nên đã có 6 bà mẹ đăng ký hiến xác cho ngành y tế. Một bà mẹ đã thực tình thổ lộ, khi hiến xác cho y tế mình vừa tiếp tục đóng góp có ích, vừa tin rằng sau đó sẽ được chôn cất tử tế, chứ hiện giờ thì chưa biết đi về đâu.
Trong buổi làm việc với PV Chuyên đề ANTG chiều ngày 7/9, nhiều mẹ vừa nói vừa khóc, có mẹ không nói nhưng lặng lẽ ngồi khóc, có mẹ chỉ lặng lẽ buồn ngồi nghe mà không hề nói một tiếng nào. Hầu hết các mẹ đã rơi vào tình trạng trầm cảm, một căn bệnh đáng sợ bởi nó hủy hoại dần dần tâm hồn con người, rồi sau đó là thúc đẩy bệnh tật tăng nhanh. "Chúng tôi đã từ bỏ tất cả những gì riêng tư của mình để đến với SOS, dành tình yêu duy nhất cho các con trong niềm tin mình được hỗ trợ để nuôi nấng, chăm sóc các con khôn lớn. Nên khi họ đối xử như thế này, chúng tôi đau đớn, hụt hẫng như bị một cú lừa tình” - mẹ Lăng Thị Hường nghẹn ngào. Từ nơi khóe mắt khô khốc của tuổi già, hai giọt nước mắt rỉ ra, như những giọt nước cuối cùng trong khe nước mùa khô hạn. Tuổi già mà khóc là điều khá hiếm hoi và lạ lùng, nên giọt nước mắt trên đôi gò má nhăn nheo cũng cô đơn, lạc lõng