Cần ngăn chặn “nạn” lạm thu đầu năm học mới

Thứ Ba, 21/09/2010, 15:20
Năm nào cũng vậy, cứ như "đến hẹn lại lên" sau tiếng trống khai trường rộn rã là lại đến ngày các bậc phụ huynh lo ngay ngáy vì phải nộp đủ loại tiền cho năm học mới. Năm nay cũng vậy, ở nhiều trường họp phụ huynh đã phải đóng góp những khoản ngoài quy định. Và trong những khoản đó, xem ra đã có dấu hiệu loạn thu ở một số danh mục.

Loạn thu từ cấp mẫu giáo...

Chị Nguyễn Phương Linh có con trai 2 tuổi học ở Trường Mầm non 20-10. Khi xin vào đây, chị cũng xác định rõ số tiền chị phải nộp cho nhà trường sẽ nhiều hơn so với trường công mà trước đó con chị học vì đây là trường tự chủ tài chính toàn phần. Tuy nhiên, khi phải "đối mặt" với khoản tiền thực tế phải nộp chị cũng... choáng!

Nếu ở trường công tiền học phí và tiền bán trú của các cháu khoảng 500.000đ thì ở trường này, số tiền đó là 1,3 triệu đồng, bao gồm 1 triệu đồng tiền học và 300.000  đồng tiền ăn. Ngoài ra còn khoản 700.000đ thuộc danh mục "xây dựng trường" nữa. Nếu tính theo đầu học sinh mà thu như thế thì chỉ riêng 1 lớp đã thu được 35 triệu đồng của 50 cháu. Trong khi, Trường 20-10 có bao nhiêu lớp như thế thì thử hỏi riêng năm học 2010 - 2011, trường đã thu bao nhiêu tiền xây dựng trường của phụ huynh.

Mà vô lý nhất là ở chỗ Trường 20-10 đã xây dựng cơ ngơi rất khang trang, tiện nghi vào loại bậc nhất so với các trường mầm non khác ở Hà Nội thì số tiền này liệu thu vào mục đích "xây dựng trường" có hợp lý không? Ngoài ra, chưa kể đến 1 triệu đồng tiền trái tuyến mà chị Linh đã nộp. Đành rằng, đây là trường tài chính tự chủ, tiền học phí và tiền bán trú không thể thấp như trường công, nhưng nhà trường cũng không nên lấy đó làm cái cớ để tận thu của phụ huynh.

Năm ngoái, Báo Công an nhân dân đã nhận được đơn của một phụ huynh học sinh phản ánh về việc hình thức thu tiền của Trường 20-10 gần như là làm khó phụ huynh. Ấy là trước khi được đóng dấu vào giấy nhận lớp của con em mình, các vị phụ huynh phải ký nhận và nộp một khoản tiền được coi là tiền trái tuyến. Thực ra số tiền này "tùy tâm", phụ huynh muốn đóng bao nhiêu cũng được nhưng hình thức thu tiền kiểu ấy khác nào "bắt chẹt" phụ huynh. Bởi trước hoàn cảnh ấy, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ huynh phải rút hầu bao ra nộp. Và cứ thế, người sau nhìn người trước để nộp số tiền thống nhất.

Như Trường 20-10, các khoản thu của Trường Mầm non Hoa Anh Đào cũng cao chót vót. Một phụ huynh có con học trường này đã tổng kết, số tiền chị phải nộp đầu năm cho con là 5,3 triệu đồng. Trong đó, tiền xây dựng cơ sở vật chất là 2,5 triệu đồng, tiền học phí 2,2 triệu đồng, tiền học tiếng Anh 250.000đ, tiền học võ, vẽ từ 100 đến 150.000đ mỗi môn...

Với các khoản đóng này, vị phụ huynh trên cho biết, thực ra trường nói bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu. Còn thực tế họ sử dụng như thế nào, đúng mục đích hay không, thì phụ huynh làm sao biết được. Ví dụ như tiền xây dựng cơ sở vật chất, gọi là như vậy nhưng chẳng biết họ đầu tư vào cơ sở vật chất gì. Chẳng hạn nếu là tiền đồ chơi, thiết bị học tập, thì với những đồ dùng học tập ấy, sắm một năm có thể sử dụng cả mấy năm chứ đâu phải năm nào cũng thay thế mới hoàn toàn. Hay cơ sở hạ tầng cũng vậy, vẫn là những công trình cũ, không có công trình mới nào "mọc" lên nên số tiền gọi là xây dựng cơ sở vật chất nhà trường nói vậy thì biết vậy, làm sao phụ huynh giám sát được, nhất lại là khi đây không phải là trường công.

... đến cấp phổ thông

Không chỉ ở mầm non mà ngay ở các trường tiểu học, trung học phổ thông... cũng diễn ra cảnh loạn thu như vậy. Như Trường tiểu học Cầu Diễn, sau khi họp phụ huynh về và phải đóng các khoản tiền, nhiều bậc cha mẹ học sinh rất bất bình về việc trường thu khoản tiền gọi là phí... nước sạch. Dẫu khoản tiền này không nhiều nhưng nó vô lý ở chỗ, đây là trường công đã Nhà nước cấp ngân sách thì tại sao tiền nước sử dụng lại được "bổ" vào đầu học sinh. Khi có phụ huynh thắc mắc về vấn đề này thì một giáo viên chủ nhiệm đã giải thích: "Trước đây do sử dụng nước giếng khoan nên nhà trường không tính tiền. Nhưng bây giờ đã lắp đặt đường ống cung cấp nước sạch nên học sinh phải thanh trả phí này".

Trường THPT Phạm Hồng Thái.

Tương tự, Trường tiểu học Dịch Vọng A cũng vậy. Một phụ huynh năm nay có con học lớp 1 trường này đã cho biết, khoản tiền tự nguyện đối với học sinh trái tuyến năm nay đã lên đến mức 2 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải nộp tiền lắp đặt điều hòa là 600.000đ/hs. "Không hiểu Trường Dịch Vọng A lắp đặt điều hòa loại gì mà đến nỗi mỗi học sinh phải nộp tới 600.000đ?", vị phụ huynh này thắc mắc.

Một số trường công đã loạn thu như vậy nhưng trường dân lập còn loạn thu hơn. Như Trường Đoàn Thị Điểm, một trường dân lập được coi là một trong những trường thu học phí cao nhất Hà Nội là một ví dụ. Năm nào trường này cũng có "truyền thống" tăng học phí đối với một số khối học nhất định. Và không chỉ tăng học phí, tiền xe ôtô đưa đón, sách, tài liệu học tiếng Anh, trường cũng tận thu để... kinh doanh.

Phụ huynh của một học sinh lớp 3 ở Trường Đoàn Thị Điểm bất bình: "Tiền xe ôtô trường thu 500.000đ/cháu/tháng thế mà con tôi có được ngồi thoải mái đâu. Vì trên xe trường nhồi nhét tới 80 cháu". Một phụ huynh khác có con đang học lớp 5 thì phàn nàn với báo giới: "Chẳng hiểu "sáng kiến" của trường thế nào, trong khi sách tiếng Anh Let's Go từ lớp 1 đến lớp 5 đã có phiên bản mới tái bản lần 3 rồi nhưng nhà trường vẫn yêu cầu phụ huynh mua sách phiên bản cũ tái bản lần 2. Mà mua sách phiên bản cũ tái bản lần 2 thì chỉ có mua... ở trường vì ở ngoài loại sách này bán hết rồi còn đâu nữa mà mua...".

Vị phụ huynh này nói tiếp: "Chưa kể đến so với phiên bản mới tái bản lần 3 bán ngoài thị trường, sách Let's Go mà nhà trường bán cho học sinh còn đắt hơn 50 nghìn đồng". Thì trường chất lượng cao mà, đi đôi với đó phải là tiền cao và trường "hô" cao bao nhiêu đành phải chịu thôi! Như một phụ huynh khác cũng ở Trường Đoàn Thị Điểm than phiền: nộp quỹ lớp 1,5 triệu đồng/năm thế mà giáo viên chủ nhiệm còn... chê ít!--PageBreak--

Tự nguyện hay miễn cưỡng?

Thực ra, tất cả khoản loạn thu trên đây, đều nằm ở những danh mục không thuộc quy định của ngành giáo dục. Theo quy định thì học phí, quỹ Đoàn đội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể là khoản thu bắt buộc. Và khi không thuộc danh mục quy định của ngành thì các trường mới dễ "tung tác", dễ tạo ra bình phong để không thể bị quy trách nhiệm khi núp dưới danh nghĩa "tự nguyện", "thỏa thuận"...

Như ở Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) trong năm học 2009 - 2010 là một ví dụ. Chẳng hiểu Ban giám hiệu và Ban đại diện Cha mẹ học sinh trường thỏa thuận thế nào mà đưa ra mức tiền đóng góp cho học sinh trong việc đóng góp mua máy chiếu cao tới mức... chóng mặt: đối với khối 11, 12 đóng 230.000đ/hs; khối 10 phải chịu 350.000đ/hs. Thế nhưng sau khi quá nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh thắc mắc thì cuối năm học nhà trường lại phải trả lại 37.000đ/hs ở khối 11 và 12. Còn khối 10 trả lại 57.000đ/hs. Động thái phải "hồi" lại một phần tiền cho học sinh khi bị phản ứng đã cho thấy số tiền chi tiêu này của nhà trường có dấu hiệu không minh bạch.

Hay ở khoản tiền gọi là "Hỗ trợ tăng tiết và đổi mới kiểm tra", nhà trường đã thu của học sinh toàn trường 370.000đ/hs. Trong khi thực tế, đối với khối 10, 11 thì không có một tiết học nào tăng. Vậy số tiền gần 700 triệu đồng này chi vào mục đích gì không ai rõ. Còn đối với học sinh lớp 12 có tăng tiết thì số tiết tăng này (để ôn thi tốt nghiệp) lại được nhà trường nghĩ thêm ra một khoản 395.000đ/hs gọi là tiền ôn thi tốt nghiệp, bất chấp quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội là: "Các trường tuyệt đối không thu tiền ôn tập của học sinh, trường nào đã trót thu thì buộc phải trả lại".

Vô lý nữa là khoản tiền được coi là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh gồm các danh mục thu như tiền vệ sinh, an ninh... thì tiền trả cho nhân viên hợp đồng bảo vệ, làm sạch lại lấy từ ngân sách. Và trong một văn bản kê khai những danh mục này, có hẳn bút tích của ông Nguyễn Hữu Đồng, Hiệu trưởng nhà trường ghi “định giá” số tiền nộp quy định của từng loại. Hay tiền làm nội thất Phòng Truyền thống của trường. Khoản tiền này đã được Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cấp kinh phí nhưng cũng được bổ vào đầu học sinh với mức thu học sinh khối 10, 11 phải nộp từ 20.000đ/hs, khối 12: 50.000đ/hs. Hiện nay, 60 triệu đồng tiền thu này, Trường Phạm Hồng Thái vẫn không quyết toán công khai được với các bậc phụ huynh trong trường.

Ngoài ra, Trường Phạm Hồng Thái còn rất nhiều khoản thu tương tự. Tính ra tổng số tiền lạm thu của trường đã lên đến hàng tỉ đồng và số tiền nói trên đã được tập thể giáo viên tố cáo lên Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội. Khi bị tố cáo, ông Nguyễn Hữu Đồng hiệu trưởng, lại đổ trách nhiệm cho Ban Đại diện CMHS nhà trường, khẳng định bản thân không liên quan. Nhưng đã gần nửa năm trôi qua mà vẫn chưa có kết luận chính thức của Thanh tra Sở?

Tuy nhiên, không phải tập thể giáo viên và phụ huynh nào cũng dám công khai và đấu tranh vì quyền lợi của học sinh như ở Trường THPT Phạm Hồng Thái. Vì hầu hết phụ huynh học sinh hiện nay đều an phận với tâm lý "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Hơn nữa, nếu ra mặt công khai đấu tranh với các khoản loạn thu thì con cái của họ biết "tránh đâu" trong quá trình học tập, sinh hoạt ở trường. Đó là chưa nói đến, ở nhiều trường có cách giải quyết theo kiểu "ban bóng" khi bị thắc mắc về khoản lạm thu. Chẳng hạn, có phụ huynh thắc mắc với nhà trường về khoản tiền loạn thu thì nhà trường trả lời đó là việc của Ban đại diện cha mẹ học sinh chứ không phải của trường.

Thỏa thuận các khoản thu, nhưng giá tiền lại được Hiệu trưởng định trước.

Còn khi thắc mắc với Ban đại diện cha mẹ học sinh thì phụ huynh chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời: "Đại đa số phụ huynh trong trường đều nhất trí với khoản đóng góp như vậy. Còn không phải tự ý chúng tôi quyết định" Chính cách giải quyết "ban bóng" này mà khiến nhiều phụ huynh phải chấp nhận nộp tiền tự nguyện trong tâm trạng... miễn cưỡng. Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng năm nào cũng xảy ra loạn thu.

Một nguyên nhân nữa cũng góp phần khiến cho loạn thu mà không thể không kể ra đây ấy chính là sự quá hào phóng của một số phụ huynh. Nếu chứng kiến cảnh nộp tiền tự nguyện, thỏa thuận tại một số trường mới thấy không ít phụ huynh có tâm lý này. Ấy là khi nộp tiền trái tuyến, để thể hiện mình sẵn sàng "đầu tư" cho con, vì thầy cô giáo, có vị phụ huynh rút phăng 2 triệu đồng trong túi ra nộp cho nhà trường mà không cần để ý liệu hành động ấy của mình có làm khó cho những người đang đứng đằng sau để chờ tới lượt nộp không? Hay là nộp quỹ lớp, chưa cần thông báo cụ thể ra sao, có vị đứng dậy hô to: "Thôi, vì tương lai con em chúng ta, tôi đóng góp tiên phong 3 triệu đồng" mà không cần biết rằng còn có rất nhiều phụ huynh kinh tế eo hẹp, khoản tiền ấy có khi bằng cả tháng lương của họ

“Phải công khai, minh bạch”

Giải quyết chuyện loạn thu, cái khó của cơ quan quản lý, là nằm ở câu chuyện "thỏa thuận" của phụ huynh. Một số phụ huynh "nộp tiền tay phải nhưng tay trái lại phàn nàn về việc loạn thu". Và cũng chỉ phàn nàn thôi chứ ít ai chính thức viết đơn gửi Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội để phản ánh vấn đề này. Bởi vậy, trong chuyện loạn thu, Sở cũng đang thực hiện ráo riết những giải pháp được coi là chống loạn thu như kiểm tra đột xuất các khoản thu ở các trường trong địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, cũng chưa xử lý nghiêm minh cụ thể một trường hợp nào.

Một giải pháp hữu hiệu để chống lạm thu là phải công khai, minh bạch dù là ở khoản thu nào. Nếu trường nào không thực hiện điều này, phụ huynh phải yêu cầu thực hiện bằng được. Nếu trường nào không thực hiện thì phụ huynh: "Có thể gửi đơn về chúng tôi mà không cần công khai cụ thể danh tính để dựa trên thông tin đó, chúng tôi sẽ kiểm tra và đưa ra những biện pháp xử lý thích đáng trong trường hợp sai phạm".

Sắp tới, Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra những khoản thu chi ở các trường trên địa bàn Hà Nội. Nếu phát hiện trường nào loạn thu, lạm thu, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội sẽ buộc trường đó hồi trả lại cho học sinh đồng thời phải bị kỷ luật.

(Nguyễn Hiệp Thống - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội)

Tú Anh
.
.