Cần nghiêm trị hành vi vô văn hoá trong giao thông

Thứ Ba, 12/10/2010, 14:25
Khoảng 12h30’ ngày 4/10, tại nút giao thông ngã 5 Ô Chợ Dừa, tổ công tác của Đội CSGT số 3 (thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) gồm 4 đồng chí làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã phát hiện một thanh niên điều khiển chiếc xe máy SH mang BKS 29Z4-6666 có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về TTATGT nên đã ra hiệu lệnh yêu cầu lái xe dừng phương tiện lại để kiểm tra hành chính.

Nhổ nước bọt, bóp cổ... CSGT

Người điều khiển chiếc xe là Nguyễn Trình Thanh Phương (trú tại khu tập thể Điện lực, Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Khi các chiến sĩ CSGT kiểm tra, Phương đã không xuất trình được cả giấy đăng ký xe máy lẫn giấy phép lái xe.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ đối với Phương và yêu cầu đối tượng này ký vào biên bản vi phạm. Song không những không chấp hành, Phương còn dùng những lời lẽ thiếu văn hóa lăng mạ tổ công tác và thách thức các chiến sĩ CSGT. Thế rồi, bất ngờ Phương... nhổ nước bọt vào mặt Trung úy Quách Anh Tuấn là chiến sĩ CSGT trong tổ công tác. Hành động vô văn hóa của Phương không chỉ một lần mà còn lặp lại, không dưới 4 lần.

Hành động của Phương khiến nhiều người dân có mặt tại hiện trường rất phẫn nộ. Anh Bùi Văn Nam, nhà trên phố Khâm Thiên cho biết, anh không ngờ một thanh niên điển trai, đi xe đẹp với biển số đẹp mà lại có hành vi vô văn hóa đến như vậy. Anh cũng đề nghị lực lượng CSGT phải xử lý thật nghiêm với đối tượng này.

Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội, cho biết: "Hành vi của Phương rõ ràng là một hành động vô văn hóa. Có vẻ như Phương muốn... chọc tức lực lượng chức năng để khiến CSGT mất bình tĩnh mà có phản ứng thiếu kiềm chế để Phương vin vào đó mà lu loa. Tuy nhiên, các chiến sĩ CSGT đã làm rất đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao". Bên cạnh việc xử lý về vi phạm luật giao thông đường bộ, Phương sẽ bị xem xét về việc đã có các hành vi, cử chỉ lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ theo điều 38 của Nghị định 34 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

"Cơ quan điều tra cũng đang tiến hành xác minh BKS "tứ quý 6" do Phương điều khiển có đúng là của chiếc xe SH này không. Giấy triệu tập lên Cơ quan Công an để làm rõ lai lịch xuất xứ của chiếc xe lẫn người điều khiển cũng đã được gửi tới cho đối tượng" - Trung tá Tài cho biết thêm.

Tiếp ngay sau vụ việc của Nguyễn Trình Thanh Phương, vào lúc 18h40’ ngày 5/10, một tổ công tác cũng của Đội CSGT số 3 làm việc tại ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn phát hiện một thanh niên điều khiển xe gắn máy đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm. Trung úy Đinh Xuân Thăng, cán bộ Đội 3 đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Thanh niên đó không những không chấp hành mà còn lao thẳng vào người Trung úy Thăng, khiến anh bị ngã. Trước lúc bị quần chúng bắt giao công an, đối tượng còn kịp đâm đổ một xe môtô khác và làm người điều khiển môtô ngã ra đường.

Trong khi Lực lượng Công an đang lập biên bản vi phạm hành chính, Trung úy Thăng phát hiện có 3 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đi xe gắn máy đến cản trở tổ công tác làm nhiệm vụ. Một thanh niên còn cầm dao nhọn, tiến sát chỗ đồng chí Thăng đứng. Rất cảnh giác, Trung úy Thăng phối hợp với các lực lượng khác bắt cả 3 thanh niên này giao cho Công an phường Nam Đồng xử lý.

Trước đó, ngày 13/7/2010,  tổ công tác Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao thông Giải Phóng - Trường Chinh - Đại La, phát hiện xe ôtô bốn chỗ ngồi màu đen biển kiểm soát 30T-3949, vi phạm luật rẽ trái sang đường không sử dụng đèn tín hiệu báo trước và không thắt dây an toàn, đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra giấy tờ. Điều khiển chiếc xe vi phạm là Lưu Hải Long (trú tại Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Khi Lực lượng Công an đang tiến hành lập biên bản xử lý các lỗi vi phạm, Long đã giằng biên bản xé nát, lao vào giật áo thậm chí... bóp cổ một chiến sĩ CSGT.

Chưa hết, khoảng 20 phút sau, một phụ nữ chạy tới xưng là vợ của Long rồi cùng Long lăng mạ tổ công tác. Long còn dùng vật cứng màu đen tấn công tổ công tác sau đó lên xe bỏ chạy. Vợ của Long ở lại dùng vỏ chai hành hung các chiến sĩ nhằm cản đường cho Long chạy thoát. Tổ công tác cùng sự giúp sức của quần chúng nhân dân đã đuổi theo bắt giữ cả hai đối tượng đưa về Công an phường Phương Liệt để giải quyết.

Những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội rất kém, một số người coi thường Luật Giao thông và lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông.

Những lỗi thông thường nhất là vượt đèn đỏ, người đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở ba... cho đến chuyện lăng mạ, tấn công CSGT xảy ra như cơm bữa. Không những thế, nhiều lái xe còn giở chiêu "cùn" như khóa xe bỏ đấy, hoặc ngồi trong xe ôtô khóa trái cửa xe lại.

Trung tá Trần Hải Quân, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh cho biết, Cơ quan Công an đã từng phải khởi tố bị can đối với một lái xe sử dụng chiêu "chây ỳ". Vụ việc xảy ra vào tháng 10/2009 khi bị lực lượng tuần tra giao thông ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra thì lái xe của một xe ôtô tải không chấp hành mà cứ đỗ ngay ở đường dẫn lên cầu Thăng Long đến nửa ngày trời, khiến đoạn đường bị tắc nghẽn. Đã thế, anh ta còn khóa trái cửa xe rồi ngồi lỳ trong đó.

"Lỗi" văn hóa

Bên cạnh hành vi coi thường pháp luật về giao thông, vấn đề văn hóa của người dân khi tham gia giao thông cũng đang trở nên nan giải không kém. Nó đã khiến cho nạn tắc đường trở thành căn bệnh trầm kha ở thủ đô.

Dĩ nhiên, chuyện tắc đường có nhiều nguyên do như sự phát triển "nóng" của các phương tiện giao thông cá nhân; hạ tầng giao thông các tuyến đường mới mở không theo kịp... song giá như người dân tham gia giao thông có văn hóa hơn, thì nạn tắc đường có lẽ sẽ giảm đi rất nhiều.

Nếu như có dịp di chuyển từ quận Ba Đình, Hoàn Kiếm về phía quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Từ Liêm... vào những giờ cao điểm sẽ thấy rõ nhất sự bát nháo, hỗn loạn và văn hóa tham gia giao thông của người dân yếu đến mức nào.

Ở những tuyến đường không có dải phân cách sẽ là cảnh cả 2 luồng chen nhau, cứ hở bất kỳ một khoảng trống nào là có xe len vào. Bởi vậy lẽ ra chỉ bị ùn ứ tạm thời thì thành ra tắc nghẽn hoàn toàn. Một số ngã ba, ngã tư cho phép rẽ phải khi có đèn đỏ, thì cũng thường bị các xe đi thẳng chặn mất. Thế là ở dưới bóp còi inh ỏi, ở trên vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Phần vì không biết tránh đi đâu, phần vì thấy có... CSGT. Nếu không có Lực lượng Công an, hoặc thấy CSGT đứng xa thì xảy ra cảnh... a lô xô mạnh ai nấy vượt. Người viết bài này không ít lần gặp cảnh một số phương tiện dừng lại khi đèn đỏ (đúng làn đường) liền bị những người điều khiển phương tiện ở phía dưới réo, thúc: "Dở hơi à? làm gì có công an đâu mà dừng lại, vượt đi" (!?).--PageBreak--

Theo Trung tá Tài, cùng với sự phát triển của xã hội, sự tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng thì nhận thức về pháp luật của người tham gia giao thông đã được nâng cao một cách rõ rệt. Tuy nhiên nó lại không tỉ lệ thuận với ý thức tham gia giao thông, không muốn nói là lại tỉ lệ nghịch.

Trong số hàng triệu người tham gia giao thông ở thủ đô mỗi ngày, Trung tá Tài nhận thấy có một lớp người rõ ràng là có học thức, học vị, song khi tham gia giao thông lại thường có thái độ hống hách, cửa quyền. Lớp người này thường xuyên dùng vị trí xã hội của họ, các mối quan hệ... để xin xỏ khi bị phạt. Khi không xin được thì dọa dẫm, thách thức với lực lượng chức năng.

Còn một bộ phận nữa là một số thanh niên choai choai, học sinh THPT hoặc sinh viên đại học thì đúng là coi trời bằng vung. Số người này thường xuyên không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ... thách thức CSGT. Phải chăng do quá quen với việc đi lại ngông nghênh trên đường, "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" mà dẫn tới chuyện nhổ nước bọt, bóp cổ CSGT như đã đề cập ở phần đầu bài viết?

Về vấn đề này, Trung tá Tài cho biết, rõ ràng tình trạng thanh niên, nhất là đám choai choai thường có những hành động vi phạm Luật Giao thông, thách thức đối với lực lượng CSGT là đáng báo động. Tuy nhiên, do một số khó khăn chủ quan và khách quan mà chuyện này chưa được xử lý một cách rốt ráo. Tỉ như sự thiếu thốn về phương tiện, xe của các đối tượng thường là xe phân khối lớn, đuổi sao kịp? Đôi khi còn do đường đông,... đặc biệt hành lang pháp lý bảo vệ người thi hành công vụ chưa hoàn thiện.

Trung tá Tài lấy ví dụ, giả sử nếu lực lượng CSGT tiến hành đuổi bắt đối tượng vi phạm mà không may đối tượng tự ngã, hoặc đâm vào ai đó bị thương, bị tử vong thì trách nhiệm liên đới là rất nặng nề. Pháp luật cần phải có những quy định rõ ràng, đảm bảo quyền lợi trách nhiệm của người tham gia giao thông lẫn lực lượng thi hành công vụ.

Thêm vào đó, văn hóa giao thông ở nước ta cũng cần phải có một thái độ chung tay tích cực của toàn xã hội. Ngành giao thông hay lực lượng CSGT không thể đơn độc mà thành công. Thực tế giao thông ở ta quả còn nhiều bất cập và giải quyết nó không thể bằng lý thuyết mà phải dựa trên thực tế, tháo gỡ dần.

Lực lượng CSGT tổ chức phân luồng phục vụ Đại lễ bất kể ngày đêm.
Lực lượng CSGT tiến hành lập biên bản với Nguyễn Trình Thanh Phương.
Tình trạng không đội mũ bảo hiểm là phổ biến đối với các thanh niên choai choai ở Hà Nội.

Một ví dụ nhỏ như chuyện bịt ngã tư là một giải pháp không hề tồi, khi mà điểm giao cắt tập trung ở một điểm được chia nhỏ ra làm 4 và khi chưa có ngã tư lớn thì 4 điểm quay xe cũng giống như vòng xuyến lớn. Thực tế có ngã tư không cần ngăn thì bỏ hoặc chỉ bắt ôtô không rẽ ở ngã tư cũng là một thử nghiệm. Thế nhưng, không ít người thấy bịt ngã tư là kêu ca phàn nàn rằng giải pháp dở, trong khi khách quan mà nhận xét thì rõ ràng đã giảm được tình trạng ùn tắc kéo dài. Khi kết thúc quá trình thử nghiệm, lực lượng chức năng dỡ hàng rào cũng kêu là lãng phí hàng rào. Phải nên để cơ quan hữu quan về giao thông tìm tòi, thử nghiệm dù là giải pháp tình thế hơn là cứ bạ cái là chê bôi, dè bỉu.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 6.559 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 5.610 người, bị thương 4.885. Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 276 vụ, làm chết 126 người, bị thương 172 người. Tính trung bình có 30 người chết/ngày vì tai nạn giao thông. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn lực lượng đã kiểm tra xử lý 3.060.840 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; phạt 683,2 tỉ đồng; tước giấy phép lái xe 99.034 trường hợp; tạm giữ 12.498 ôtô, 394.539 môtô, xe gắn máy, 10.924 phương tiện khác; xử lý 940.601 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 3.649 trường hợp vi phạm sử dụng rượu bia quá nồng độ...

Minh Tiến
.
.