Cần thận trọng khi dựng bia Tiến sĩ thời nay

Thứ Hai, 10/11/2008, 15:00
Thông tin về dự án “Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam” vừa đưa ra đã được dư luận  xã hội rất quan tâm, đặc biệt từ các nhà khoa học. Nhìn chung, luồng dư luận phản đối dường như chiếm phần đa số.

Nhất là dự án chiếm tới một diện tích 25 ha và quý danh của các tiến sĩ sẽ được tạc trên đá hoa cương và sẽ được các cụ rùa cõng lên như các tiến sĩ xưa ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám; rồi trung tâm lại có cả nhà nghỉ ngơi viết luận án cho các ông nghè tương lai nên lại càng bị phản đối quyết liệt hơn.

Theo chúng tôi, cần có cái nhìn cẩn trọng hơn khi xem xét vấn đề nhạy cảm này, song không nên vì những “con sâu mà làm rầu cả nồi canh”, để từ chỗ nhân đà phê phán đó đi đến phủi sạch công lao của các nhà khoa học.

Tôi cũng đồng ý với nhiều nhà khoa học, là việc xây dựng một trung tâm tiến sĩ, chiếm một diện tích quá lớn như vậy là lãng phí và không khả thi bởi nhiều lý do.

Thứ nhất: Việc xây nhà nghỉ ngơi và viết luận án cho các tiến sĩ tương lai, rất dễ gây ra hiểu lầm cho xã hội là làm ông nghè thời nay cũng có những dự án được tài trợ kiểu như các trại sáng tác của các văn nghệ sĩ theo kiểu từng đợt mà xã hội đã biết.

Chúng ta không coi thường các thành tựu của các trại sáng tác đó, nhưng cần nhớ rằng viết luận án tiến sĩ là một công việc nghiêm túc không thể theo kiểu có hứng như các văn nghệ sĩ được, mà đây là công việc đòi hỏi phải sưu tầm, trao đổi học thuật với khối lượng tư liệu lớn cho nên không thể vào trại tập trung là ra sản phẩm được.

Và nếu có những dự án kiểu từng đợt, từng lớp tiến sĩ như thế ra đời thì ai là những người sẽ được cho vào các  dự án đó? Lúc đó lại nảy sinh ra nhiều câu hỏi khó trả lời. Sẽ ra sao, nếu đến một lúc nào đó ở nước ta sẽ xuất hiện các trại viết luận án tiến sĩ?

Thứ hai: Một trung tâm Văn Miếu mới lại nằm cách thủ đô đến ngót trăm cây số lại càng không khả thi. Ngày nay, với thời đại công nghệ thông tin hiện đại, chẳng ai hơi đâu lại cất công bỏ thời gian, công sức để đi tham quan một trung tâm ít sức hấp dẫn xa đến thế.

Có chăng chỉ là một số không nhiều các tiến sĩ tò mò xem người ta có quên khắc tên mình trên đó hay không. Còn người nước ngoài sẽ chẳng ai hoài công đến thăm viếng một nơi viển vông như vậy.

Thứ ba: Việc đánh đồng tất cả các tiến sĩ như nhau là điều quan trọng nhất không thể chấp nhận. Chúng ta thừa biết ở đất nước ta cũng có nhiều loại tiến sĩ, không thể xếp vào loại “cá mè một lứa” được.

Nhiều tiến sĩ, kể cả đào tạo ở nước ngoài về lẫn đào tạo trong nước, có bằng tiến sĩ ngót chục năm nhưng vẫn không viết nổi bài  báo cho một tạp chí Trung ương chứ chưa nói đến tạp chí ngành hay tạp chí nước ngoài. Điều đó nói lên khả năng tự nghiên cứu của họ như thế nào chứ chưa nói đến những phát minh to tát nào cả.

Thứ tư: Việc thành lập một trung tâm tiến sĩ như vậy vừa thừa lại vừa thiếu. Thiếu do, khái niệm tiến sĩ không bao quát hết các nhà khoa học đích thực mà không có bằng tiến sĩ như Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo và nhiều nhà khoa học thực thụ khác nữa.

Thừa do, trong khái niệm đó không phân biệt rõ đâu là tiến sĩ “giấy”, đâu là tiến sĩ thứ thiệt, đâu là tiến sĩ mua bán, ngoại giao hay do người khác viết thay luận án.

Thứ năm: Với dự án 20.000 tiến sĩ sẽ phải đạt được trong mấy năm sắp tới thì không biết phải có bao nhiêu rùa mới cõng nổi các kiểu tiến sĩ? Bao nhiêu đất đai, bao nhiêu bia đá và công sức để lập ra một trung tâm nhiều tai tiếng như thế thì thật sự là rất lãng phí cho dân, cho nước.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì khá nhiều “sâu” mà dẫn đến đổ cả “nồi canh”, vì những tiến sĩ “giấy” mà đi đến phủ nhận tất cả công lao của nhiều tiến sĩ thực thụ, bỏ nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học thì chúng ta lại đi đến một cực khác của sự phê phán.

Đó là sự phủ định sạch trơn, không chọn lọc, kế thừa. Vẫn cần thiết phải ghi nhận những công lao khoa học của các nhà khoa học thực sự, để họ được người đời vinh danh nhắc nhở, song cách làm nên đơn giản hơn, ít tốn kém và ít tai tiếng hơn.

Đó là lập ra một website trên mạng Internet như tác giả Nguyễn Phan Khiêm đã nêu ra. Có điều trên website đó nên đặt tên là trang ghi danh thành tựu các nhà khoa học Việt Nam như nhà văn Lại Nguyên Ân đề nghị, song cần có sự bổ sung và phản biện thêm như sau.

Với khái niệm các nhà khoa học sẽ bao quát được cả những người làm khoa học thực sự nhưng không có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, khi lập ra trang này, những người làm dự án không nên đánh sòng đưa tất cả các tiến sĩ vào đó mà nên có sự chọn lọc cẩn thận theo những tiêu chí nhất định, để lọc bỏ bớt những tiến sĩ không thực chất.

Ngày nay, để trở thành nhà khoa học, đương nhiên là phải có bằng tiến sĩ, song không phải tiến sĩ nào cũng nên đưa vào trang này, để tránh tai tiếng cho nền khoa học nước ta. Có nhiều tiêu chuẩn để xem xét, song chúng ta không nên cầu toàn phải là những nhà khoa học tầm cỡ thế giới mới đưa vào thì có lẽ chúng ta không có nhiều.

Về tiêu chuẩn viết được nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học nước ngoài, cũng là hơi quá tầm đối với các nhà khoa học Việt Nam, do có nhiều lĩnh vực không dễ đăng trên tạp chí nước ngoài, và số người đạt được tiêu chí này chắc cũng khá khiêm tốn.

Chẳng hạn trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và một số lĩnh vực khác có được mấy nhà khoa học thường xuyên được đăng tải trên tạp chí  nước ngoài, do đặc thù của lĩnh vực này.

Dĩ nhiên, chúng ta cần phấn đấu để có được nhiều nhà khoa học danh tiếng, có công trình công bố ở nước ngoài chứ không dừng lại ở trong nước. Theo chúng tôi, chỉ cần một tiêu chí đơn giản hơn, song cũng đủ để phân loại các tiến sĩ thực chất hay không.

Đó là căn cứ vào các công trình khoa học, các bài báo được đăng trên tạp chí Trung ương và tạp chí ngành là khá rõ, chứ không chỉ căn cứ vào các nội san trường hay ngành để xem xét. Sự sàng lọc ở đây, có thể phân ra rất rõ rệt và khá sòng phẳng.

Có lẽ nào một tiến sĩ đã có bằng ngót 10 năm mà không viết nổi năm bảy bài báo khoa học đăng ở trên tạp chí Trung ương và ngành. Người đó có xứng đáng giữ bằng hay không? Và đích thực đó là tiến sĩ kiểu gì chắc chúng ta tự luận ra.

Hơn thế, nếu chỉ căn cứ theo tiêu chí này, những người soạn thảo ra trang web này cũng chẳng phải mất nhiều công sức, tiền bạc để tìm ra những tiến sĩ có các công trình tương ứng, bằng cách vào trang web của các trường đại học, chúng ta sẽ tìm ra những cứ liệu này.

Thật đáng hổ thẹn có không ít tiến sĩ có bằng đã lâu nhưng đọc vào phần lý lịch khoa học của họ thật đáng buồn nếu như không nói là đáng thất vọng cho học thuật của họ chỉ xét ở bình diện trong nước chứ chưa nói nước ngoài. Trong phần nghiên cứu khoa học của họ ngoài mấy bài báo nội san cấp trường và hội nghị khoa học cấp trường, cấp khoa và chỉ dừng lại ở đó mà thôi.

Theo chúng tôi, chẳng cần đao to búa lớn gì, chỉ với tiêu chí đơn giản nhưng thực chất này, chúng ta đã loại ra được không ít các tiến sĩ hữu danh vô thực, mà việc đưa tên họ vào trang web các nhà khoa học Việt Nam đã là một sự nhem nhuốc chứ chưa nói đến việc bắt các cụ rùa đáng kính kia phải cõng oan họ trong trung tâm tiến sĩ kia.

Cùng với việc lập trang web về các nhà khoa học Việt Nam với tiêu chí đơn giản nói trên cũng không gây ra nhiều bàn cãi phức tạp và cũng không cần phải đưa ra hội đồng định giá chất lượng các nhà khoa học, nếu các tiêu chí đó đã quá rõ ràng minh bạch.

Có người sẽ phản biện lại là, có những tiến sĩ sẽ nhờ người viết báo hoặc nhờ quen biết để đăng thì vẫn sẽ không phân định được thực hư. Thực ra, với một thời gian đủ dài để đánh giá, thì những người giả danh kia không thể nhờ mãi vào tiền bạc và quen biết để đăng mãi những bài báo kém chất lượng được.

Và tính liêm sỉ trong họ chẳng lẽ không bị đụng chạm đến hay sao và chắc họ sẽ bỏ cuộc một lúc nào đó. Lại có người cho rằng, trước đây người đó viết nhiều nhưng do bận việc nên không có thời gian viết nữa.

Chúng tôi nghĩ cách ngụy biện này cũng không thuyết phục vì giả định trước đây họ có viết nhưng hiện tại do chạy xô nhiều quá nên không viết được thì người như thế cũng không đáng được ghi danh.

Trừ các nhà khoa học đã lớn tuổi, bị hạn chế về sức lực, trí tuệ, còn những người trong độ tuổi mà không nghiên cứu khoa học - ít ra là viết các bài báo khoa học để lại chút gì cho đời thì họ sẽ không xứng đáng mang danh nhà khoa học.

Chí ít, việc công bố các bài báo đó cũng là sự thể hiện tâm huyết vì cộng đồng, vì xã hội  mà nhà văn Lại Nguyên Ân có đề cập đến trên tạp chí Tia sáng.

Ngoài ra, nếu cứ nhất thiết phải ghi danh bằng hiện vật trực quan thì, chúng ta nên thay khái niệm Trung tâm Tiến sĩ bằng Trung tâm Danh nhân khoa học Việt Nam, cũng với tiêu chí nêu trên và song song với việc lập ra trang web như đã nêu.

Việc ghi danh công lao của các nhà khoa học là cần thiết, thể hiện tâm huyết của những người lập dự án, song để công việc được xã hội ủng hộ, ghi nhận và đi vào thực chất hơn, thiết tưởng cũng chỉ nên dừng ở mức độ những công trình gọn nhẹ đó.

Làm được như thế, vừa tiết kiệm được đất đai, tiền của, thời gian và sức lực,  và quan trọng hơn vừa tránh được tai tiếng không đáng có. Và ít ra các nhà khoa học cũng không phải áy náy, hổ thẹn khi mình bị xếp vào cùng “chiếu” với những người không đáng xếp - các tiến sĩ “giấy”, các ông “nghè rởm” đang nhan nhản quanh ta

TS. Trần Hồng Lưu (Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng)
.
.