Căng thẳng quan hệ Nhật – Hàn đe dọa sự bùng nổ của K- pop

Thứ Năm, 13/09/2012, 12:10

Trên những con đường ở quận Shin-Okubo của thành phố Tokyo (Nhật Bản) nhan nhản những hình ảnh quảng cáo phim truyện, âm nhạc cũng như những bí mật sắc đẹp của Hàn Quốc. Các cô gái Nhật Bản thích thú ngắm nhìn những bức ảnh chụp các ca sĩ nổi tiếng của hai ban nhạc Big Bang và U-KISS trong làng K-pop. Nhưng tình hình căng thẳng tăng cao hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc quanh vùng đảo tranh chấp đang gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi văn hóa giữa hai nước láng giềng, nhất là sự bùng nổ K-pop ở Nhật Bản.

Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia bất ngờ căng thẳng sau khi Tổng thống Lee Myung-bak của Hàn Quốc viếng thăm đảo đá mà nước này gọi là Dokdo, còn Nhật Bản gọi là Takeshima. Nhưng, có những dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng này đang chuyển dần từ lĩnh vực ngoại giao sang lĩnh vực văn hóa mà cụ thể là nhạc pop Hàn Quốc, viết tắt là K-pop.

Hôm 24/8, Thứ trưởng Ngoại giao Tsuyoshi Yamaguchi của Nhật Bản xuất hiện trên truyền hình tuyên bố nam diễn viên phim truyền hình Hàn Quốc Song Il-guk có lẽ sẽ gặp "khó khăn" nếu muốn đến Nhật Bản sau khi anh có mặt trên đảo tranh chấp giữa hai nước vào ngày Quốc khánh Hàn Quốc. Sự tham gia của Song Il-guk trong cuộc bơi tiếp sức (cùng với các ngôi sao K-pop khác và khoảng 40 sinh viên) đến vùng đảo tranh chấp Dokdo-Takeshima nối liền Seoul và Tokyo vào ngày 14/8 vừa qua khiến cho hai kênh truyền hình vệ tinh Nhật Bản phải tạm hoãn phát sóng hai phim do diễn viên Song Il-guk đóng.

Diễn viên Song Il-guk cùng với các ngôi sao K-pop và khoảng 40 sinh viên tham gia cuộc bơi tiếp sức đến vùng đảo tranh chấp nối liền Tokyo và Seoul, ngày 14/8.

Nhật Bản được coi là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho văn hóa phim ảnh và nhạc pop Hàn Quốc, với gần 40% thị phần. Từ khi phim truyền hình Hàn Quốc được phát sóng lần đầu tiên tại Nhật Bản vào đầu thập niên 2000, phim truyện và sau đó là K-pop trở thành trào lưu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ ở xứ sở Mặt trời mọc. Tương tự, văn hóa nhạc pop Nhật Bản (gọi là J-pop) cũng bắt đầu cất cánh tại xứ Hàn sau khi một lệnh cấm chính thức được gỡ bỏ ở Hàn Quốc vào năm 1998.

Dòng chảy văn hóa Hàn Quốc đổ vào Nhật Bản từng gây nhiều tranh cãi ở nước này, và vào năm 2011 nhiều người đã đổ ra đường biểu tình bên ngoài trụ sở chính của mạng truyền hình Fuji ở Tokyo để chống đối việc cơ quan này phát sóng quá nhiều phim ảnh Hàn Quốc. Nhưng cũng trong năm 2011, hai nhóm nữ K-pop nổi tiếng là Kara và Girls Generation có doanh thu tổng cộng đến 114 triệu USD ở Nhật Bản - theo báo cáo của Oricon Inc., công ty thống kê số liệu trong ngành kinh doanh giải trí.

Quảng cáo K-pop ở Nhật Bản.

Và, cũng trong năm 2011, sự bùng nổ của K-pop đã giúp đẩy giá đất ở quận Shin-Okubo của Nhật Bản tăng 1,9%, trong khi giá đất thương mại và thổ cư trong nước rơi xuống còn 3,1% và 2,3% - theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Nhưng khi nói về giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, Kazuo Korenaga - Giám đốc điều hành Hiệp hội Kinh tế Nhật - Hàn ở Tokyo, cơ quan quảng bá kinh doanh và trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia - cho rằng, "Chính trị là chính trị và kinh tế là kinh tế. Các lĩnh vực kinh tế, bao gồm văn hóa Hàn Quốc, không nên bị ảnh hưởng bởi chính trị".

Hôm 27/8, Đại sứ Hàn Quốc ở Nhật Bản là Shin Kak-soo đã có cuộc viếng thăm Nagasaki và khích lệ những sự trao đổi nền tảng nên được tiếp tục bất chấp mối quan hệ song phương đang ở giai đoạn khó khăn.

Nhóm nhạc nữ Kara chinh phục trái tim của thanh niên Nhật Bản qua những bài hát và bước nhảy tươi tắn. Từ khi xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào tháng 8-2010 với đĩa đơn "Mister", số đĩa đơn bán ra tăng lên 470.000 đĩa và nhóm nhạc này còn giành được giải thưởng dành cho "Những người mới" của Nhật Bản trong lĩnh vực giải trí.

Kara trong video ca nhạc "Mister".

Năm 2011, Kara trở thành sự kiện nổi bật gây xôn xao làng giải trí ở Nhật Bản, thúc đẩy K-pop mở rộng ảnh hưởng ra khắp châu Á. Girls Generation, nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất của K-pop, lần đầu tiên được nhóm nhạc nam lớn nhất Nhật Bản "SMAP" mô phỏng điệu nhảy trong chương trình truyền hình gọi là "SMAPxSMAP" của Fuji TV.

8 thành viên nữ của Girls Generation nói và hát được 3 thứ tiếng nước ngoài là Anh, Nhật và Hoa. Tiffany, một thành viên của nhóm nhạc, giải thích: "Chúng tôi tập trung vào các ngôn ngữ khác vì muốn kết nối với các fan và khán giả nước ngoài".

Girls Generation biểu diễn ở Hiigata, Nhật Bản, tháng 8/2011.

Tháng 10/2010, Girls Generation  được xếp đầu bảng xếp hạng đĩa đơn Oricon của Nhật Bản - sự kiện đầu tiên dành cho một nhóm nhạc nữ bên ngoài Nhật Bản. Kim Young-min, Giám đốc điều hành công ty quản lý nhạc pop SM Entertainment (đơn vị tạo ra hai ngôi sao BoA và Super Junior) ở Seoul, cho biết ông nhận định châu Á là thị trường lớn nhất của K-pop không kém Mỹ. Girls Generation và Kara được cho là hai nhóm nhạc góp phần rất lớn trong việc quảng bá K-pop ở Nhật Bản

An An (tổng hợp)
.
.