Căng thẳng thỏa thuận thương mại mới Anh - EU

Thứ Năm, 13/02/2020, 15:50
Theo một tuyên bố chính trị mà Brussels và London đã ký kết vào tháng 10-2019, quan hệ Anh - Liên minh Châu Âu (EU) trong tương lai sẽ lấy một thỏa thuận thương mại toàn diện làm cốt lõi. Với ràng buộc đó, cuộc thương thảo về hình dáng quan hệ mới giữa đảo quốc sương mù và lục địa già sẽ mang nặng khía cạnh kinh tế.

Tuy nhiên, đây sẽ là một cuộc thương lượng cam go do quan điểm và lợi ích của hai bên khá cách xa nhau.

Nước Anh đã ngừng tham gia các thể chế và quá trình ra quyết định của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 1-2 sau khi thỏa thuận rời khỏi EU - Brexit được nghị viện hai bên phê chuẩn. Tuy nhiên,  Anh vẫn ở lại thị trường chung EU trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31-12.

Vấn đề gây tranh cãi nhất giữa hai bên hiện là “một sân chơi bình đẳng” nhằm phòng ngừa việc nước Anh vượt qua đối tác thương mại lớn nhất của mình. Điều này, theo EU, sẽ yêu cầu Anh tuân thủ các quy tắc của EU về trợ cấp nhà nước cho các công ty và về tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn nơi làm việc và tiêu chuẩn lao động. EU cũng muốn duy trì quyền đánh cá ở vùng biển của Anh. Và EU yêu cầu một hệ thống quản trị để giải quyết các tranh chấp vẫn duy trì vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra quan điểm của Anh đối với vấn đề thỏa thuận tự do thương mại với EU thời hậu Brexit. Tuy nhiên giới quan sát nhận định những yêu cầu đàm phán với EU của Thủ tướng Johnson dường như là không phù hợp với thực trạng hiện tại. Ông Johnson đã khẳng định bất cứ thỏa thuận nào giữa hai bờ eo biển Manche sẽ là giữa "hai bên bình đẳng chủ quyền".

Về lý thuyết, đây là điều không thể bàn cãi nhưng trên thực tế, mọi thứ sẽ khác. EU có 446 triệu dân trong khi Anh chỉ có 66 triệu người. Nền kinh tế của EU lớn gấp gần 6 lần so với kinh tế Anh. Thương mại EU ít phụ thuộc vào thương mại với Anh hơn là Anh dựa vào EU. Điều đó cho thấy không thể nhìn nhận đây là mối quan hệ giữa hai bên ngang nhau.

Thủ tướng Anh cũng cố gắng tạo dựng niềm tin với người dân rằng EU sẽ đồng ý với một thỏa thuận theo mô hình như giữa EU với Canada và quan hệ kiểu như Australia với EU, được chủ yếu dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là một cách kịch khác hợp lý. Tuy nhiên quan điểm này cũng không tỏ ra hợp lý. Không thể so sánh quan hệ giữa Anh với EU với quan hệ giữa Anh và Canada vì khoảng cách địa lý là vô cùng quan trọng trong việc quyết định dòng chảy thương mại song phương.

Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay và Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ.

Anh là đối tác thương mại quan trọng với EU hơn so với Canada và ngược lại khối EU cũng có nhiều cách để có thể làm gián đoạn nền kinh tế Anh. Đối với Australia, thương mại với EU là vấn đề có thể có các nhân nhượng bởi quan hệ giao thương này không mang tính sống còn. Trong khi đó, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Anh và Anh không thể chấp nhận mối quan hệ thương mại với EU giống như với Australia.

Ở phía bên kia, EU cũng đã nêu mục tiêu tôn chỉ đàm phán của EU. Trước tiên, EU nhìn nhận việc đàm phán với "đối tác mới" phải theo phương các "một gói chung". Trong đó có các điều khoản liên quan đến quản lý như "những thỏa thuận kinh tế bao gồm thương mại, các đảm bảo sân chơi bình đẳng"; những thỏa thuận an ninh bao gồm nâng cao năng lực pháp luật, hợp tác tư pháp, chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng.

Hơn thế, thỏa thuận đàm phán gồm rất nhều vấn đề, và khá phức tạp trong từng lĩnh vực. Những điểm này bao gồm bảo vệ dữ liệu, tham gia vào các chương trình hạt nhân EU, giao thương hàng hóa và dịch vụ, sở hữu trí tuệ, quản lý chi tiêu công, sự dịch chuyển dòng người, hàng không, giao thông đường bộ, năng lượng, đánh bắt cá, hợp tác pháp lý, hợp tác chính sách đối ngoại và an ninh mạng.

Với việc các cuộc đàm phán thương mại chính thức sẽ bắt đầu vào tháng 3 London và Brussels chỉ còn rất ít thời gian để quyết định xem liệu những tiến bộ đạt được đã đủ hay chưa và liệu có nên gia hạn thời gian biểu hiện tại hay không. Brussels vẫn luôn khẳng định rằng 11 tháng không đủ để thảo luận tất cả các vấn đề được đưa ra trên bàn đàm phán và do đó đã thúc giục gia hạn giai đoạn chuyển tiếp.

Từ giờ cho đến ngày 30/6, London có quyền yêu cầu gia hạn thời gian chuyển tiếp, tuy nhiên Chính phủ Anh mới đây cho biết họ không đòi hỏi thêm thời gian, ngay cả nếu điều đó đồng nghĩa với việc phải tiến hành hoạt động thương mại với các mức thuế quan cao theo thỏa thuận trong khuôn khổ WTO bắt đầu từ ngày 1-1-2021.

Các xung đột căn bản về phạm vi, bản chất các thỏa thuận dự định trong tương lai là gay gắt trong khi có rất ít thời gian để hai bên đàm phán đi đến nhất trí chung. Kết quả nhiều khả năng có thể xảy ra là không đạt được thỏa thuận. Nếu vậy, sẽ xuất hiện một sự rạn nứt lớn hơn trong quan hệ Anh-EU, và chính phủ của ông Johnson nhiều khả năng sẽ buộc tội cho EU. Thậm chí, London có thể tìm cách tạo đồng minh liên kết với Washington để chống lại Brussels.

Giới quan sát nhận đinh khả năng EU sẽ nhượng bộ các yêu cầu của Anh là điều hoàn toàn không thể xảy ra. Chẳng hạn như để EU rút lại vấn đề yêu cầu "sân chơi bình đẳng" điều này đòi hỏi EU phải tin tưởng Anh không cạnh tranh bằng cách làm hỏng các tiêu chuẩn của EU. Tuy nhiên, kịch bản "không đạt được thỏa thuận nào" đem lại kết quả tồi tệ hơn rất nhiều so với kết quả đạt được thỏa thuận tự do thương mại về hàng hóa. Ngoài ra một dự dịch chuyển đột ngột từ các thỏa thuận hiện có cũng có thể tạo ra cú sốc. 

Có thể nói việc giảm thiểu những gián đoạn kinh tế tức thời do Brexit gây ra sẽ vẫn là ưu tiên chính của London trong những tháng tới. Quả thực, khoảng 45% lượng hàng xuất khẩu của Anh là sang EU, trong khi khoảng 53% lượng hàng nhập khẩu của Anh là từ khối này. Vì lý do đó, một thỏa thuận thương mại với EU sẽ bảo toàn nhiều nhất có thể mối quan hệ kinh tế của London với các nước láng giềng châu Âu.

Nếu điều đó không xảy ra, nhiều khả năng đầu năm sau nước Anh sẽ phải hoàn toàn hứng chịu sự gián đoạn trong các mối quan hệ thương mại mà nước Anh đã dày công xây đắp trong 47 năm qua với EU.

Nam Sơn
.
.