Cảnh báo nguy hiểm khi dùng cà độc dược chữa bệnh

Thứ Tư, 16/04/2014, 13:30

Người bị đau dạ dày, kể cả bị ung thư nếu uống thuốc hay chữa trị theo Tây y thì tốn kém, mất thời gian vàng, mà lại để nhiều di chứng nặng nề như suy gan, suy thận… Trong trường hợp này, mạn đà la (cà độc dược) là phương thuốc thần tiên vì đáp ứng các yếu tố mong cầu của người bệnh do giá rẻ, dễ áp dụng, không có tác dụng phụ và quan trọng nhất là hiệu quả.

Mạn đà la trị suyễn rất hay, giảm đau đại tài, sát khuẩn thần hiệu. Nói chung đó là phương dược thần hiệu dành cho người nghèo lỡ mắc bệnh nan y. Trong khi sừng tê giác, nấm linh chi, sừng con dinh (một loài thú hư hư thực thực mà có người tin nhờ ăn rắn nên cái sừng của loài thú này là kho dược liệu - PV) quá đắt mà lại toàn là đồ giả thì phương thuốc mạn đà la dễ kiếm tìm vì nó mọc hoang ở khắp nơi. Sử dụng nó rất đơn giản, chỉ việc dùng lá quấn như điếu thuốc rồi hút. Hút càng nhiều thì càng chóng hết bệnh!

Trên đây là chỉ dẫn của nhiều người về phương thuốc bí truyền mạn đà la. Vậy thực hư việc này như thế nào?

1. Có một thực trạng liên quan đến ngành y là có lẽ do sợ gặp các bác sĩ kém tay nghề lại non y đức, sợ vào bệnh viện gặp bác sĩ nếu không có bệnh thành có bệnh, nên ngày càng có nhiều người bệnh thích tự mình làm bác sĩ, thầy thuốc. Có bệnh, bất kể bệnh nặng hay nhẹ, thay vì đến gặp những người mặc áo blue trắng để được chẩn đoán chính xác, điều trị theo đúng phác đồ thì nhiều người bệnh tự xác định tình trạng bệnh tật của mình và tự tìm hướng điều trị thông qua các loại thầy bà trời ơi, hay làm theo chỉ dẫn của người này người kia với các chủng thuốc dân gian chưa qua kiểm chứng qua cửa miệng của nhiều người thiếu hiểu biết...

Bà Nguyễn Thị Mai, 52 tuổi, bị chứng viêm đa xoang có thể nói là một người như thế. Bà này kể tình trạng bệnh tật của mình rất nặng, xoang có mủ rất tanh hôi nếu không nạo sẽ đau đớn vô cùng.

"Ba năm trước tôi đến bệnh viện tai mũi họng khám và được bác sĩ đè ra nạo xoang, rồi kê toa mua cả bịch thuốc. Uống xong chẳng thấy bớt bao nhiêu nên tôi nản, tôi không thèm tái khám. Nhờ có mấy người bạn sinh hoạt chung nhóm Đạo tràng mách nước nên tôi áp dụng bài thuốc cà độc dược. Tôi mới hít 2 lần, thấy bớt rất nhiều, dịch mũi không chảy ra nữa. Thấy hay quá nên tôi chỉ cho nhiều người cũng bị xoang dạng nặng như mình" - bà Mai, giọng hồ hởi.

Bà Mai không phải trường hợp hiếm hoi “thần tượng” cây cà độc dược. Trên nhiều diễn đàn về sức khỏe, rất nhiều người tán tụng cà độc dược lên đến tận mây xanh. Người bảo hoa cà độc dược là khắc tinh của các chứng ho, suyễn, phong thấp, đau tức ngực; kẻ bảo lá cà độc dược chủ trị các chứng đau loét dạ dày, chặn đứng các cơn hen suyễn, trị dứt điểm các chứng đau răng, động kinh, trĩ, tê thấp, đau thần kinh tọa.

"Nói ra sợ mọi người không tin chứ qua tham khảo các y văn trong nước từ xưa đến nay, đặc biệt là từ tham khảo các nghiên cứu từ nước ngoài nên tôi biết người Aztec (một nền văn minh, đế chế trong khu vực của Mexico bắt đầu từ những năm 1248 và kéo dài đến năm 1521 khi bị người Tây Ban Nha đánh bại-PV) từ ngàn xưa đã biết sử dụng lá cà độc dược nhằm mục đích chữa trị các chứng bệnh kể trên. Họ còn dùng lá cà độc dược làm gối lót nhằm chữa chứng mất ngủ, hay phối với dầu mè tạo ra dung dịch điều trị các bệnh nhiễm trùng tai" - ông Tĩnh, 64 tuổi, cán bộ hưu trí với tự bạch chuyên nghiên cứu về cây thuốc quý trong dân gian để phổ biến giúp người, nhà ở quận 12, bộc bạch như thế.

Một người bạn trong nhóm "đồng chí hướng" với ông Tĩnh là ông Bình, còn cung cấp những thông tin “oách” hơn về cây cà độc dược. Theo ông này, thổ dân Châu Mỹ thuở sơ khai đã xem cà độc dược là loài thực vật linh thiêng, huyền diệu vì nó có tác dụng gây ảo giác, khai sáng tầm nhìn, giúp con người có khả năng giao tiếp với linh hồn người chết và các vị thần linh trong tâm tưởng của họ.

Thân, lá và trái của cây cà độc dược.

"Không cần phải nói nhiều, chỉ riêng tên gọi cà độc dược đã nói lên tất cả tính năng thần kỳ của nó. Nếu không có tính thuốc siêu thần hiệu dùng để chữa trị nhiều loại bệnh tật thì nó không bao giờ được gắn với từ "dược" ở phần cuối như thế" - ông Bình, lý luận - "Nó thuộc họ cà nhưng gắn với cụm từ "độc dược" bởi cái tính "độc" của nó. Các thầy thuốc, lương y đã nói rồi, thuốc độc bình thường sẽ là thuốc độc nhưng nếu biết cách sử dụng thì nó sẽ là vị thuốc cứu người. Phần độc chất trong cà độc dược nó chính là như vậy!".

Trên một số diễn đàn về sức khỏe, có người còn mách bảo nhau là cà độc dược khi được phối với một số vị thuốc còn phát huy tác dụng chữa các chứng bệnh về gan như xơ gan cổ trướng, giảm chức năng gan, gan yếu, chai gan... (???). Hai ông Tĩnh - Bình mà tôi gặp cũng có niềm tin như thế.

2. Cà độc dược là cây gì và liệu nó có các tính năng chữa bệnh như nhiều người tin thần hiệu và được các lương y hàng đầu Việt Nam ghi rõ trong các y văn? Theo tài liệu Đông Dược của NXB Y học (dùng giảng dạy ở khoa Y học cổ truyền - Trường đại học Y Hà Nội), cà độc dược hay mạn đà la có 2 loại: loại cây hoa trắng hoặc loại thân cây, cuống lá tím, hoa có đốm tím. Cả hai loại này đều thân cây thảo, có quả hình cầu, mặt ngoài có nhiều gai mềm, mọc ở cả miền núi và đồng bằng.

Còn có nhiều tên gọi khác như hìa kía piếu (người Dao), sùa tùa (H'mông), cà lục dược (Tày)..., Cà độc dược được ghi nhận có vị cay tính ấm, có độc, vào hai kinh phế và vị, nằm trong nhóm thuốc bình suyễn gồm 3 vị là cà độc dược, ma hoàng (một loại  thảo dược vị cay tính ấm vào hai kinh phế và bàng quang được dùng để giải cảm hàn, bình suyễn) và địa long (toàn thân đã chế biến phơi khô của con giun đất).  

Về tác dụng chữa trị của cà độc dược, các y văn ghi loại thảo dược có độc này qua ứng dụng lâm sàng cho thấy có tác dụng định suyễn (dùng hoa, lá khô thái nhỏ thành sợi cuốn lại như điếu thuốc lá mà hút sẽ cắt được cơn hen khí quản, chỉ dùng cho người lớn) và giảm đau, đặc biệt là đau khớp và đau dạ dày với liều dùng 0,4g sắc uống hoặc dùng 12g sắc nước xông và rửa vào chỗ khớp bị đau. Không những thế, cà độc dược còn được ngành y học cổ truyền ghi nhận có tác dụng sát khuẩn, chữa rắn cắn bằng cách dùng quả tươi giã nát đắp vào vết thương, mụn nhọt hoặc chỗ bị chấn thương với liều dùng 0,3-0,4gr/ngày. 

Các y văn mà chúng tôi tiếp cận chỉ nói như thế về tác dụng chữa trị của cà độc dược với liều dùng hạn chế (chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau). Hoàn toàn không có chuyện chữa đủ thứ bệnh, đặc biệt là chữa các chứng bệnh về gan như ông Minh và nhiều người lầm tưởng. Đây quả là sự nhầm lẫn vô cùng tai hại vì theo tìm hiểu của chúng tôi, cây cà được dùng làm dược liệu bảo vệ gan không phải cà độc dược mà là cà gai leo.

Khi được phối hợp với cây mật nhân, một công ty dược mà chúng tôi không tiện nêu tên cho rằng "có tác dụng bảo vệ gan hàng đầu, giúp phục hồi tế bào gan, đặc biệt là xơ-gan và viêm gan virút"… Sự thật của lời quảng cáo này đến đâu thì chỉ có trời mới biết bởi đó là lời quảng cáo chứ không phải đúc kết từ công trình nghiên cứu chính thống.

3. Nhưng câu chuyện về cà độc dược không dừng lại ở đó. Khi biết chúng tôi tìm thông tin về loại cây thuốc có độc này, một đồng nghiệp chuyên viết về y tế kể lại câu chuyện hơn 10 năm trước liên quan đến vấn nạn nhiều người tự "giết" mình cùng người thân khi tự ý dùng cà độc dược chữa các chứng viêm xoang, hen suyễn: "Còn nhớ khi ấy, lúc nhận được tin, chúng tôi đến phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy và được các bác sĩ cho biết người bị ngộ độc tên Lan, mới 20 tuổi, ngụ quận 11, TP HCM.

Trước đó, thấy một số người mua hoa và lá của cà độc dược từ nhóm người ăn mặc như người dân tộc để chữa hen và xoang nghe đâu rất có hiệu quả, Lan bắt chước mua về sắc lấy nước uống trị chứng hen và ngay lập tức xuất hiện triệu chứng ngộ độc như lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim nhanh bất thường...

Tìm hiểu từ bác sĩ Trần Quốc Túy, khi ấy là Trưởng khoa Nội tổng hợp, mới biết Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận rất nhiều ca như thế. Với trường hợp ngộ độc như Lan, bác sĩ phải sử dụng thuốc giải độc và rửa ruột. Riêng những trường hợp không uống trong mà hít như kiểu hút thuốc nhằm để chữa xoang sẽ bị chứng mất khứu giác, nghĩa là mất khả năng phân biệt các mùi vị".

Theo bác sĩ Trương Thế Dũng (Trưởng đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin) thì tình trạng người bệnh viêm xoang, hen suyễn tự ý làm bác sĩ cho mình với các liệu pháp chữa trị từ những người quảng cáo "thuốc gia truyền" hay hít khói từ lá cà độc dược rất phổ biến và vô cùng nguy hại: "Khi bị xoang, bệnh nhân thường chảy dịch nước mũi và khi ngửi khói cà độc dược, thấy nước dịch không chảy nữa họ cứ nghĩ thuốc hay mà không hề biết rằng được như thế là bởi chất atropin có trong cà độc dược làm cho các mao mạch trong mũi co thắt lại. Như thế mũi không chảy nước và việc không chảy nước như thế chỉ là dứt triệu chứng chứ không dứt bệnh".

Cũng theo bác sĩ Trương Thế Dũng, người bệnh khi hít phải chất atropin bị mất khứu giác là chuyện nhỏ, nhiều trường hợp ngộ độc nặng còn gây nhiều biến chứng khôn lường.

Biến chứng khôn lường mà bác sĩ Dũng đề cập được cố GS-TS Đỗ Tất Lợi nói rất rõ trong dược điển “Từ điển cây thuốc Việt Nam”. Theo đó, bên cạnh chất atropin, trong hoa-thân-lá của cà độc dược còn có độc chất hyoxin. Cả hai chất này được liệt vào nhóm độc bảng A nên việc sử dụng nhất thiết phải có sự chỉ định, theo dõi kỹ của bác sĩ và lương y có kinh nghiệm, tuyệt đối không tự ý đốt hít hay sắc nước uống trong.

"Nếu dùng quá liều, dùng không đúng cách thì việc ngộ độc sẽ mau chóng diễn ra, không được cấp cứu kịp thời sẽ bị tăng nhịp thở, gây say choáng, loạn thần, nặng thì gây tê liệt tứ chi và phát điên" - một lương y lưu ý.

Được biết, một số tài liệu tuyên truyền của ngành y tế lưu ý cà độc dược không được sử dụng cho trẻ em, và chống chỉ định với người có bệnh lý về tim mạch hay thể trạng yếu. Nguy hại hơn, đã có thông tin đối tượng xấu chiết từ cà độc dược ra chất gọi là "hơi thở của quỷ" khiến người dùng rơi vào trạng thái vô thức, dễ dàng làm theo sai khiến của người khác nên được dư luận quốc tế đánh giá là "loại thuốc đáng sợ nhất thế giới"

N.Thành Dũng
.
.