Cảnh báo về một thế giới không còn thuốc kháng sinh

Thứ Bảy, 29/03/2014, 16:15

Nhân loại đang đối mặt với nguy cơ rất thật trong tương lai không còn thuốc kháng sinh, lúc đó con người sẽ chết vì những bệnh mà hiện nay y khoa dễ chữa trị khỏi. Các chuyên gia y tế đang theo dõi sự gia tăng của hiện tượng kháng thuốc cho biết, vi khuẩn biến đổi có thể khiến cho bệnh tình trở nên khó chữa trị hơn và nguy cơ tử vong sẽ là rất cao.

Việc sử dụng bừa bãi và không đúng cách thuốc kháng sinh hiện nay sẽ xóa sạch sự tiến bộ y khoa đạt được trong 20 - 30 năm qua - theo nhận định của Patrice Courvalin, lãnh đạo Khoa Các tác nhân kháng khuẩn, Viện Pasteur Pháp.

Timothy Walsh, giáo sư Khoa Vi trùng học, Đại học Cardiff, phân tích: "Thuốc kháng sinh hầu như đã không còn hiệu quả tại một số nơi trên thế giới. Tại những nơi như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, hay có thể là Nga, Đông Nam Á và Nam Mỹ, thuốc kháng sinh đang mất dần công năng điều trị của nó".

Hiện tượng kháng thuốc xuất hiện thông qua những thay đổi trong mã di truyền của vi khuẩn. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh không đúng hay không cần thiết, sử dụng trong thời gian quá ngắn hay với liều thấp sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn đã biến đổi mà còn khiến chúng mạnh hơn và lan rộng. Đó là hiện tượng đang phổ biến ở châu Á và châu Phi. Ngoài ra, còn có vấn đề các chủ trại chăn nuôi còn sử dung kháng sinh bừa bãi nhằm mục đích giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh và tăng sức đề kháng của cơ thể.

Một số liệu thống kê khiến mọi người phải giật mình: 80% các loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong các trại chăn nuôi ở Mỹ. Gail Hansen - nữ bác sĩ thú y, người chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và hiện là thành viên của Pew Health Group (PHG) - cho biết, vi khuẩn có khả năng kỳ lạ là biết chia sẻ các gene, bao gồm các gene giúp chúng kháng với các loại thuốc kháng sinh đặc biệt.

Patrice Courvalin, lãnh đạo Khoa các tác nhân kháng khuẩn Viện Pasteur Pháp.

Thời gian qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho công bố 3 loại thuốc kháng sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến trị bệnh ở người là: cephalosporin, fluoroquinolone và macrolide (đang được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi ở Anh). Vụ bùng phát dịch khuẩn E-coli ở Đức trong năm 2013 giết chết 39 người và gây bệnh cho hơn 3.000 người khác chính là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan trong chăn  nuôi.

Hiện nay, những loại thuốc kháng sinh tiêu chuẩn gần như hoàn toàn vô hiệu trước các mầm bệnh như là MRSA - viết tắt của "vi khuẩn sát thủ Staphylococcus aureus kháng thuốc kháng sinh methicillin". Tháng 6/2013, các nhà khoa học Anh lần đầu tiên phát hiện MRSA hiện diện trong sữa bò ở nước này. Trước tình hình lạm dụng thuốc kháng sinh như hiện nay, các tập đoàn dược phẩm hàng đầu trên thế giới dù có cố gắng chạy đua để tìm ra loại kháng sinh mới mạnh hơn cũng đành chịu thua.

Trong khi đó, WHO khuyến cáo: Nếu con người không tìm ra phương thuốc mới chống lại MRSA thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ bước vào một "kỷ nguyên hậu - kháng sinh" hay quay trở lại "kỷ nguyên tiền - kháng sinh" - nghĩa là đến lúc đó mọi bệnh nhiễm trùng đều không chữa được.

Viện dẫn một trường hợp đáng lo ngại: vào năm 2012 trên thế giới có khoảng 450.000 người mắc bệnh gọi là lao kháng nhiều loại thuốc - gọi tắt là MDR-TB và 170.000 người đã chết vì nó. Theo các chuyên gia y tế, MDR-TB không phản ứng với phần lớn các loại thuốc chữa bệnh lao - như là isoniazid và rifampin.

MRSA chụp từ kính hiển vi điện tử.

Mối lo ngại khác nữa là sự lan rộng của dòng vi khuẩn đa kháng thuốc gọi là Klebsiella pneumonia - dạng nhiễm trùng đường tiết niệu, đường hô hấp và máu. Chúng ta nên nhớ rằng, thuốc kháng sinh đã cứu mạng cho hàng trăm triệu con người từ khi Alexander Fleming phát hiện penicillin đầu tiên vào năm 1928.

Các chuyên gia lo sợ vào một ngày nào đó con người sẽ chết vì những bệnh có thể chữa khỏi hiện nay như là viêm màng não và nhiễm trùng máu. Courvalin khuyên bắt đầu từ bây giờ mọi người nên thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh và các chủ trại chăn nuôi nên ngừng cho vật nuôi dùng thuốc kháng sinh

Duy Minh (tổng hợp)
.
.