Cảnh sát ASEAN trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường
Tội phạm môi trường nhìn chung có thể được hiểu là những hành động phạm pháp trực tiếp gây hại đến môi trường. Những hành động này bao gồm: buôn bán động vật hoang dã trái phép, buôn bán chất khí gây thủng tầng ozone (ODS), kinh doanh trái phép các chất thải nguy hại, đánh bắt, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép và khai thác, buôn lậu gỗ.
Đây là những hành vi vi phạm các hiệp ước quốc tế được thiết lập để hạn chế tình trạng buôn bán các chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường hay buôn lậu các loài động thực vật quý hiếm.
Riêng tại quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nạn buôn bán động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường.
Mặc dù con số thống kê có thể chưa đầy đủ và chính xác, nhưng có điều chắc chắn là tỉ lệ tội phạm môi trường đang ngày một tăng tại các quốc gia ASEAN. Chúng đã và đang mở rộng hoạt động sang các loại hình tội phạm mới, tinh vi hơn và được tổ chức tốt hơn.
Đây chính là lý do khiến lực lượng cảnh sát môi trường các quốc gia ASEAN có cuộc họp quốc tế được tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan từ ngày 7 đến 9/1/2009 để bàn thảo về các biện pháp chống tội phạm môi trường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc trấn áp nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép và khai thác, buôn lậu gỗ.
Đây là một cuộc họp thường niên tổ chức tại các quốc gia ASEAN mỗi năm một lần. Ngoài đại diện lực lượng cảnh sát môi trường của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, tham dự cuộc họp còn có đại diện Cơ quan Bảo vệ môi trường quốc tế (EIA), Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) và đại diện lực lượng cảnh sát Mỹ, Trung Quốc, Hồng Công và Macao.
Tê tê - Loài động vật hoang dã bị săn bắt nhiều nhất tại các quốc gia ASEAN. |
Tại Đông Nam Á, nhức nhối nhất vẫn là nạn buôn bán, bắt giữ và giết hại động vật hoang dã trong đó có những loài thú quý như hổ, báo, tê tê... Theo báo cáo tại cuộc họp của Đại tá Subsak Chavalviwat thuộc Cục Cảnh sát môi trường Thái Lan, chỉ trong hai tháng 6 và 7/2008, Cảnh sát Thái Lan đã phá 100 vụ án liên quan đến tội phạm môi trường, trong đó phần lớn là buôn bán động vật hoang dã.
Nghiêm trọng nhất là việc buôn bán thịt và xương hổ nuôi nhốt ở tỉnh Nonthaburi vào tháng 6/2008. Tại một ngôi nhà, cảnh sát đã tìm thấy 6 con hổ sống, 22 kg thịt hổ và 48kg xương hổ cùng các sản phẩm động vật hoang dã khác.
Nhận định của Đại tá Chavalviwat là số hàng đặc biệt này sẽ được cung ứng cho các nhà hàng, các hiệu thuốc đông dược ở Trung Quốc mà cũng có thể được chuyển tới các khu phố người Hoa ở thủ đô Bangkok hay thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Còn theo báo cáo của đại diện Cục Cảnh sát môi trường Indonesia, tại đảo Sumatra, chỉ trong một thời gian ngắn điều tra, cảnh sát đã tóm gọn một đường dây chuyên săn bắt và bán da thú có liên quan đến vụ giết hại 60 con hổ và báo từ năm 2000 đến 2008. Tất cả 11 tên tội phạm liên quan đến đường dây này đều phải lãnh án tù giam và phạt tiền.
Theo ông Chumphon Suckasaem, đại diện Cảnh sát Thái Lan tại Hệ thống Bảo vệ động vật hoang dã của ASEAN (ASEAN-WEN), một tổ chức trực thuộc ASEAN được thành lập vào năm 2005 có nhiệm vụ theo dõi, giám sát và phát hiện các hoạt động buôn bán động vật hoang dã thì sau hổ, báo, đến lượt tê tê là động vật hoang dã bị bắt và được buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất tại các quốc gia ASEAN. Chỉ trong hai năm 2007-2008, cảnh sát môi trường các quốc gia ASEAN đã thu giữ 30.000 con tê tê từ các nhóm tội phạm môi trường.
Tại cuộc họp lần này, đại diện Cảnh sát môi trường các quốc gia ASEAN còn kiến nghị ASEAN triển khai việc tập huấn kỹ thuật về bảo tồn và nghiên cứu sinh vật học nhằm giúp phát triển môi trường an toàn cho động vật hoang dã, đồng thời triển khai các chiến dịch kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của quần chúng trong việc bảo tồn các loại động vật quý hiếm, từ chối hợp tác với các tổ chức tội phạm môi trường và tố cáo hoạt động của chúng cho nhà chức trách, thành lập các đội đặc nhiệm chống tội phạm môi trường
Cuộc họp lần này còn đánh giá hoạt động hiệu quả của ASEAN-WEN. Chỉ trong vòng có mấy năm thành lập, ASEAN-WEN đã làm được nhiều công việc được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như triển khai các kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các tổ chức bảo vệ môi trường của các quốc gia ASEAN, phối hợp với cảnh sát bảo vệ môi trường các quốc gia ASEAN trấn áp các hoạt động tội phạm môi trường, phối hợp với cảnh sát môi trường các quốc gia ASEAN thành lập những mạng lưới khu vực để tập trung trấn áp các nhóm tội phạm môi trường riêng biệt