"Cuộc chiến" taxi truyền thống và taxi công nghệ:

Cạnh tranh phải dựa trên luật pháp

Thứ Năm, 12/10/2017, 18:16
Nhưng "khẩu hiệu" đã gắn trên taxi của Vinasun: "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh" hay "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam" sẽ bị gỡ xuống. Tuy vậy, có vẻ như cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ chưa có hồi kết.

Anh Quang Minh chuyên đi làm bằng taxi, một tháng có khi anh chi cả chục triệu đồng cho việc đi lại. Từ ngày có phương tiện giao thông "công nghệ" Uber, Grab, anh gần như chuyển sang loại phương tiện này vì vừa sang trọng, vừa rẻ, nhanh chóng, tiện lợi, an toàn.

Hơn hết là Uber, Grab không hề chê quãng đường… gần, bao nhiêu cũng đi. Còn với taxi truyền thống vừa đắt, chất lượng phục vụ kém lại còn kém, quá gần là từ chối phục vụ! Anh Minh cho biết: "Từ ngày đi taxi công nghê,å tôi tiết kiệm được 3-4 triệu đồng/tháng. Chỉ cần so sánh như thế để thấy phương tiện nào tốt hơn, tiện lợi hơn".

Mới đây vợ chồng ông Sự, 74 tuổi, bà Hoa 69 tuổi từ Hải Phòng vào đám cưới cô cháu gái tại TP Hồ Chí Minh. Ông bà bắt xe của một hãng taxi truyền thống từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà người thân trên đường Vũ Huy Tấn, Bình Thạnh. Khi thấy một chiếc xe, có sự điều hành của nhân viên hãng taxi nọ trờ tới, ông bà mở cửa định bước lên thì bị tài xế và nhân viên điều hành đuổi xuống vì chưa… đến lượt.

Taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab.

Bước lên chiếc xe sau, tài xế hỏi đường và ra giá 150 ngàn. Ông Sự phản ứng "chưa đi sao đã tính tiền". Tài xế nói trống không: "Đi thì đi, không đi thì thôi, mà có thì đi xe sau chứ xe này có người đi rồi". Về nhà ông kể cho người thân nghe mà vẫn chưa hết bực mình vì thái độ phục vụ của nhân viên điều hành và tài xế taxi.

Thực tế nhiều lần đi từ sân bay Tân Sơn Nhất, nếu đi Grab về nhà người thân của ông chỉ hết gần 80 ngàn đồng cả tiền ra vào cổng. Ông Sự nói, bực nhất là tài xế làm như mình không biết đường nên cứ chạy lòng vòng cho mất thời gian, rồi ông thề "từ nay ông “cạch” cái hãng taxi đó".

Chúng ta không tẩy chay taxi truyền thống nhưng vì quyền lợi của chính người có quyền được hưởng, nếu các hãng taxi truyền thống biết đặt quyền lợi khách hàng lên trên lợi nhuận. Cùng tham gia giao thông nhưng chỉ thấy người đi đường phàn nàn về văn hóa ứng xử và việc chấp hành luật giao thông của tài xế taxi truyền thống nhiều hơn. Thực tế không phải tài xế taxi truyền thống nào cũng vậy, nhưng cũng có nhiều "con sâu" làm ảnh hưởng tới uy tín của chính họ.

Có hành khách thì cho rằng, cần quên đi cái lề thói kinh doanh độc quyền, mấy chiêu trò này (dán khẩu hiệu lên xe) không lấy lại được uy tín, cũng như thu hút được hành khách quay lại với taxi truyền thống.  Hành khách này còn cho biết vĩnh viễn không bao giờ đi hãng này. Nhưng cũng có người thì lại tỏ thái độ thông cảm, bênh vực tài xế taxi. Người này kêu gọi mọi người đừng trách tài xế.

Bởi ai cũng vì cuộc sống, vì gia đình, vì miếng cơm mà làm nghề. Chỉ cần cho khách hàng thấy họ có được sự phục vụ tử tế, giá cả hợp lý, sự an toàn cho khách và người đi đường... Hãy tươi cười mở cửa cho khách, hãy nhiệt thành xách hành lý cho họ, hãy bước ra che dù cho họ khi trời mưa, hãy đừng vì đón khách mà tạt đầu xe khác, bất chấp sự nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng của người tham gia giao thông. Hành khách này cho biết vẫn trung thành với "taxi ngoắc, taxi phone" như Vinasun, Mai Linh… dù biết "taxi công nghệ" đa phần rẻ hơn (giờ cao điểm giá không rẻ hơn).

Mất khách, lỗi do ai? Nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc xuất hiện các khẩu hiệu phản đối Uber, Grab trên các xe taxi truyền thống. Nhưng điều cốt lõi nhất là "ai và nơi nào phục vụ tốt hơn thì khách hàng có quyền lựa chọn".

Cũng có ý kiến cho rằng: thứ nhất, Vinasun khẳng định 2 hãng trên đã làm "sai" luật, vậy nên kiện họ ra tòa chứ sao lại kêu gọi vậy? Thứ hai, khách hàng vốn là thượng đế, những hãng xe truyền thống phải tự hỏi tại sao khách hàng không chọn xe hãng mình mà chọn Grab và Uber? Thứ ba, quy luật kinh tế thị trường vốn vậy, là doanh nghiệp tham gia thị trường thì chấp nhận sự cạnh tranh của thị trường. Thứ tư, việc làm này vô hình trung Vinasun lại tự "vạch áo cho người xem những yếu kém" của mình, khác nào PR ngược.

Phản ứng của các taxi thuộc Vinasun tại TP. Hồ Chí Minh cũng khiến nhiều chuyên gia pháp luật có những quan điểm trái ngược nhau. Có luật sư cho rằng hành vi đó là hành vi "gièm pha doanh nghiệp khác" vi phạm luật cạnh tranh. Coi chừng bị kiện ngược.

Nhưng có ý kiến khẳng định việc yêu cầu, đề nghị Uber, Grab thực hiện, tuân thủ đúng luật pháp Việt Nam cũng chẳng sai, hoàn toàn phù hợp. Bởi về luật cạnh tranh, taxi truyền thống không sai. Họ có quyền yêu cầu đơn vị khác làm đúng pháp luật. "Những đề nghị, yêu cầu" trên không bôi nhọ, làm xấu… đối thủ. Trong kinh doanh bất cứ ai cũng có thể yêu cầu người khác, đơn vị khác chấp hành đúng luật pháp. Nội dung trên các khẩu hiệu dán trên xe taxi của Vinasun chỉ mang tính nhận định chủ quan, không có giá trị khẳng định về mặt pháp luật…

Theo Chủ tịch Trung tâm trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Hậu thì cách hành xử trên của doanh nghiệp, hoặc của tài xế taxi truyền thống là không phù hợp. "Nếu Uber, Grab hoạt động sai, trốn thuế thì sẽ có các cơ quan thẩm quyền xử lý theo pháp luật. Ngược lại nếu có giấy phép kinh doanh thì không ai có quyền ngăm cấm họ hoạt động. Việc xuất hiện Uber, Grab phần nào ảnh hưởng tới doanh thu của các doanh nghiệp cũng như của các tài xế, nhưng đây là câu chuyện cung - cầu. Vì vậy dù ai phản đối đi chăng nữa thì người tiêu dùng mới là người có quyền lựa chọn…", ông Hậu chia sẻ.

Chiều 9-10, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Công ty Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) liên quan đến việc taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ Uber, Grab. Tại buổi làm việc, Sở GT-VT đã yêu cầu Vinasun tháo bỏ toàn bộ những decal có nội dung phản đối Uber, Grab dán trên xe của taxi Vinasun ngay trong ngày 9-10, chậm nhất là ngày 10-10.

"Việc Vinasun dán những khẩu hiệu như vậy trên các xe taxi là việc làm không hay, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh của TP Hồ Chí Minh nói riêng, toàn quốc nói chung", ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GT-VT khẳng định. Đồng thời ông Lâm cho biết Sở sẽ báo cáo vụ việc lên Bộ GTVT và Chính phủ.

Phát biểu trong buổi làm việc, đại diện Sở Công thương cũng đã yêu cầu Vinasun "phải có trách nhiệm với những bản decal được dán trên xe taxi" trong hai ngày tới đây. Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: "Tài xế không thể nào tự tiện gắn những decal này lên xe được. Nội dung của những decal nói trên có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Hiện tại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị lên UBND TP.HCM chuyển thông tin liên quan đến Bộ Công thương để thống nhất chỉ đạo, xem xét, xử lý sau khi điều tra rõ hành vi dán decal là do Vinasun làm hay là do tài xế Vinasun tự làm".

Về phía Vinasun, lãnh đạo công ty này cho biết, họ không có chủ trương dán khẩu hiệu phản đố Uber và Grab, đó là do các lái xe tự ý làm. Nhưng sau khi vụ việc được dư luận phản ánh, công ty đã có cuộc họp và thống nhất yêu cầu các tài xế tháo gỡ khẩu hiệu phản đối. Các xe đang chở khách đi tỉnh, theo ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun, trễ nhất là đến 7 giờ ngày 11-10, buộc các xe phải dỡ bỏ hết khẩu hiệu.

Tuy nhiên với tư cách là đại diện Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, ông Tạ Long Hỷ đã đề xuất "Sở GT-VT sớm cho dừng ngay thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ điện tử phục vụ hành khách".

Sở GT-VT đang rà soát, đánh giá kết quả thí điểm Uber, Grab trên địa bàn TP và sẽ có đánh giá khách quan, chính xác. Sở sẽ kiến nghị lên TP và Bộ GT-VT để có những quy định pháp luật rõ ràng quản lý hoạt động của các xe hợp đồng công nghệ điện tử nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo ông Trần Quang  Lâm, trong thời gian chờ đợi Bộ GT-VT tổng kết thí điểm, các hãng taxi cần chấp hành, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Đức Hà
.
.