Cạnh tranh sản xuất pin mặt trời

Chủ Nhật, 23/12/2012, 11:15

Michael Zhu là Phó Chủ tịch Suntech Power, công ty đặt trụ sở tại thành phố Wuxi ở bờ biển phía đông Trung Quốc và hàng năm có sản lượng 10 triệu tấm năng lượng mặt trời, gần 1/3 trong số đó bán cho nước Đức. Không công ty nào trên thế giới vượt qua được công ty của Zhu và không nước nào trên thế giới mua sản phẩm của Suntech nhiều hơn Đức.

Zhu ca ngợi nước Đức, nơi có những chính khách mạnh dạn bảo trợ nền công nghiệp sản xuất năng lượng xanh và những khách hàng có ý thức về sinh thái của nước này. Còn Reiner Beutel, Giám đốc điều hành nhà máy chế tạo pin năng lượng mặt trời Sovello  đang có mặt ở một nhà máy công nghệ mặt trời cách đó 8.500km, ở Bitterfeld-Wolfen - được gọi là "Thung lũng Mặt trời" của nước Đức.

Ông nói rằng, ông không muốn bị Trung Quốc đánh bại sản phẩm mới nhất của Sovello là tấm năng lượng mặt trời thuộc dòng "T Series" dài 1,5m và rộng 90cm, với phần khung bằng nhôm, thích hợp để lắp đặt trên mái nhà. Tấm năng lượng mặt trời của Beutel bao gồm 108 pin polycrystalline-silicon và nặng 17,4kg. Kích thước và trọng lượng của tấm năng lượng mặt trời thay đổi khác nhau tùy theo nhà sản xuất.

Trong những năm gần đây, từ khi việc chế tạo tấm năng lượng mặt trời trở nên dễ dàng hơn trước kia, ngày càng có nhiều công ty đầu tư vào lĩnh vực này - không chỉ có Đức và Trung Quốc, mà còn có cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi mức cung vượt xa mức cầu thì các công ty tìm cách giảm giá mạnh - đến 50% vào năm 2011 - để thu hút khách hàng. Hậu quả là ở Đức có khoảng chục công ty rơi vào tình cảnh phải nộp đơn xin phá sản từ tháng 12/2011. Nhiều cơ sở sản xuất tấm năng lượng mặt trời nằm ở khu vực miền Đông nước Đức - bao gồm các thành phố Brandenburg, Thuringia, Saxony và bang Saxony-Anhalt, nơi có thành phố Bitterfeld.

Tháng 4/2012, Bitterfeld đã mất đi Q-Cells, công ty tấm năng lượng mặt trời đầu tiên và nổi tiếng nhất của thành phố. Và ở Bitterfeld, người ta hy vọng Sovello có thể tồn tại qua cơn khủng hoảng hiện nay. Sovello có lực lượng lao động 1.250 người, nhiều hơn các cơ sở công nghệ mặt trời khác ở đây. Trong khi đó, có đến 12.000 người làm việc cho Công ty Suntech Power của Trung Quốc.

Một nhà máy năng lượng mặt trời gần Bitterfeld, trung tâm của công nghiệp năng lượng mặt trời Đức.

Chất lượng Đức nhưng giá cả Trung Quốc - đó là những gì mà Beutel mong muốn thực hiện ở Bitterfeld trong cuộc "đấu tay đôi" với Suntech. Cũng giống như Michael Zhu, Beutel chỉ bước vào lĩnh vực công nghệ năng lượng mặt trời cách đây 2 năm, khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang bùng phát. Nhiều năm trước đó, Reiner Beutel làm việc cho một công ty sản xuất dụng cụ điện và những nhà cung cấp phụ tùng ôtô. Beutel tự giới thiệu ông là "chuyên gia về tái cơ cấu và cắt giảm giá thành" trong lĩnh vực năng lượng mặt trời đang cạnh tranh khốc liệt với châu Á.

Reiner Beutel bắt đầu giao dịch với người Trung Quốc cách đây 20 năm, lúc ông đang làm việc trong ngành sản xuất dụng cụ điện. Thời gian đó, Beutel đã biết nếu muốn đứng vững phải hạ giá thành sản xuất. Beutel được một nhà đầu tư thuê dụng để đến "Thung lũng Mặt trời" vực dậy ngành công nghiệp năng lượng mặt trời mà Q-Cells đã gây dựng. Cách đây 11 năm, có 4 người đàn ông - 3 chuyên gia kỹ thuật và 1 cố vấn kinh doanh - lập nên Công ty Q-Cells tại một ngôi làng gần Bitterfeld và Wolfen - hai thành phố công nghiệp hóa chất của CHDC Đức có đến hàng chục ngàn người thất nghiệp sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Sau khi ra đời, Q-Cells tuyển dụng hàng trăm công nhân và tạo dựng nên "Thung lũng Mặt trời". Không lâu sau số nhân công của Q-Cells  tăng lên 3.000 rồi 10.000 người. Trở lại thời điểm đó, không một công ty nào khác trên thế giới sản xuất pin mặt trời (hay còn gọi là pin quang điện, tế bào quang điện) nhiều hơn Q-Cells ở Bitterfeld. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở về trước Q-Cells chỉ sản xuất pin mặt trời hơn là các module hoàn chỉnh như các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc và những nước khác.

Hiện nay, Reiner Beutel mua những mặt hàng như nhôm và kính từ Trung Quốc với giá rẻ để tiết kiệm chi phí sản xuất. Tháng 12/2011, Beutel bay đến Mỹ để mua một số thiết bị máy móc bán đấu giá của một công ty công nghệ năng lượng mặt trời bị phá sản ở Devens, bang Massachusetts. Thiết bị mà Beutel mong muốn sở hữu là những lò nung chảy silicon ở 1.400oC để sau đó cán thành các dải mỏng dùng trong chế tạo pin mặt trời bởi Beutel muốn tiết kiệm điện năng tiêu thụ cho nhà máy cũng như nguyên vật liệu sản xuất.

Beutel hy vọng những lò nung chảy silicon của Mỹ sẽ giúp ông đánh bại đối thủ Trung Quốc trong cuộc chơi giá cả. Beutel mua 180 lò nung và một số thiết bị khác của Mỹ với giá 4 triệu euro rồi chở tất cả về Bitterfeld. Beutel cho biết đây là cuộc đầu tư lớn đầu tiên và cuối cùng của ông cho ngành năng lượng mặt trời ở Đức.

Từ tháng 1/2012, Beutel cho lắp đặt các lò nung tại nhà máy Plant 3, nơi mà Annett Henssler đang làm việc. Henssler là nữ chuyên gia kỹ thuật về sản xuất các phiến mỏng silicon. Michael Zhu cho biết, khách hàng của Suntech bao gồm Ấn Độ, Brazil, Chile, Romania, Ukraina và cả Nam Phi trong tương lai. Điều đó cho thấy chẳng bao lâu nữa nước Đức sẽ không còn là thị trường chủ yếu của Suntech

Duy Ân (tổng hợp)
.
.