Cấp lại thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật: Không thể “cá mè một lứa”

Thứ Tư, 04/12/2013, 13:45

Theo đúng lộ trình, bắt đầu từ tháng 4/2014, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) sẽ chính thức tiến hành cấp Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật cho các nghệ sĩ, người mẫu trên cả nước. Trước thời điểm đó, Thông tư Hướng dẫn việc cấp Thẻ hành nghề biểu diễn cho các nghệ sĩ, người mẫu cũng được ban hành. Tuy nhiên, bản thân những người trong cuộc, đối tượng trực tiếp sẽ sử dụng tấm thẻ gây tranh cãi này, các nghệ sĩ, người mẫu, nhất là các nghệ sĩ tên tuổi, đã đạt được danh hiệu cấp Nhà nước như NSND, NSƯT đang chứa chất nhiều tâm tư…
>> Cấp lại "thẻ hành nghề biểu diễn": Đổi mới hay sự thụt lùi của tư duy?

Luật sư Lê Đăng Thọ - Đoàn Luật sư Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Invenco: Chưa có điều khoản pháp luật nào quy định cấm nghệ sĩ hành nghề vĩnh viễn

PV: Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật  chuẩn bị  được ban hành có bị coi là một loại giấy phép con, một thủ tục hành chính nặng cơ chế "xin cho", gây nên những nhiêu khê, phiền phức cho các nghệ sĩ, thưa luật sư?

Luật sư Lê Đăng Thọ: Theo tôi "Thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật" đúng là một dạng "giấy phép con". Nếu trước đây đã lưu hành và bãi bỏ thì bây giờ càng không nên thực hiện trở lại. Điều này đi ngược với xu thế đơn giản hóa thủ tục hành chính trên thế giới và nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với sân chơi toàn cầu nên càng cần tuân thủ các luật chơi.

"Thẻ hành nghề" có thể gây bó buộc cho các nghệ sĩ, bắt buộc họ phải có mới được biểu diễn, dễ gây cản trở cho quá trình hành nghề hợp pháp của công dân là hoàn toàn không nên. Nghệ thuật biểu diễn thường rất đa dạng. Một nghệ sĩ có thể chỉ tham gia một phần nhỏ như giọng hát, điệu múa, thậm chí chỉ đóng góp vào cả chương trình chung một khuôn mặt, cánh tay... Thế nhưng vẫn bắt người ta phải xin cấp thẻ mới được làm nghề là không cần thiết, có cảm giác gây khó dễ cho nghệ sĩ.

PV: Vậy trong những trường hợp cụ thể, nếu một cô gái có tham vọng trở thành ca sĩ, người mẫu, diễn viên, muốn bước chân vào showbiz, mà họ lại có năng khiếu, được công chúng đón nhận, được các "bầu sô" tạo cơ hội và không vi phạm pháp luật, thì Bộ VH-TT&DL lẫn Cục Nghệ thuật biểu diễn có quyền không cấp thẻ hành nghề cho họ, cấm họ hoạt động nghệ thuật chỉ vì họ đã có những hành vi bị một bộ phận dư luận cho là phản cảm như đăng các bộ ảnh trong trang phục hở hang lên facebook cá nhân...?

Luật sư Lê Đăng Thọ: Thực ra tất cả các hành vi như ăn mặc phản cảm, hát nhép, phát ngôn thiếu chuẩn mực gây phản cảm đều đã được quy định tại Nghị định 75/2010 của Chính phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang”. Vậy nếu mức phạt còn nhẹ thì nên kiến nghị theo hướng tăng lên để đủ sức răn đe chứ không nhất thiết phải ban hành thêm một loại "giấy phép con".

Luật đã có rồi thì cứ thế mà thực thi, nếu nghệ sĩ vi phạm hành chính trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trình diễn thời trang các cơ quan liên quan cứ chiểu theo Nghị định 75/2010 mà thi hành. Nghệ sĩ biểu diễn cũng phải chịu trách nhiệm trước đơn vị tổ chức chương trình, ký hợp đồng với các đơn vị ấy, và phải thông qua công đoạn duyệt chương trình nên các cơ quan quản lý cứ "nắm" các đơn vị kia là được.

PV: Theo luật sư thì  Bộ VH-TT&DL cùng Cục Nghệ thuật biểu diễn với cương vị một cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành được phân công, có thẩm quyền cho phép hay không cho phép ai hành nghề theo quy định của pháp luật. Việc cấp thẻ hành nghề và thu hồi thẻ vĩnh viễn, tức cấm một cá nhân hành nghề có là vi hiến, nhất là những cá nhân đó không có hành vi vi phạm pháp luật, không bị tước quyền công dân?

Luật sư Lê Đăng Thọ: Nghị định 75 và các quy định khác của pháp luật không thấy nói đến chuyện cấm nghệ sĩ biểu diễn vĩnh viễn trong trường hợp người ta vẫn có quyền công dân, không vi phạm pháp luật hình sự. Như tôi đã giải thích, các hành vi vi phạm hành chính thì cứ xử theo Nghị định 75, hoặc theo các điều khoản tăng nặng nếu đặt trường hợp có nghị định mới thay thế Nghị định 75. Nghệ sĩ cũng là công dân, phải được quyền hành nghề hợp pháp theo bảo hộ của pháp luật.

Nếu nghệ sĩ đó có khả năng, các nhà hát, các công ty tổ chức biểu diễn mời họ, thì họ có quyền tham gia biểu diễn và các cơ quan quản lý nhà nước có quyền duyệt tiết mục mà họ biểu diễn theo quy định. Còn nghệ sĩ vi phạm tới đâu thì cứ xử phạt tới đó, nhưng cấm nghệ sĩ hành nghề vĩnh viễn thì chưa có điều khoản pháp luật nào quy định chuyện này.

NSƯT Minh Vượng.
NSƯT Minh Vượng: Đừng vì mấy "con sâu" mà làm khó các nghệ sĩ

Tôi thực tình đang rất bức xúc. Tôi nhớ trước đây đã có lần cấp cái thẻ này, sau rồi bỏ. Mỗi lần như thế là quá tốn giấy mực, tốn tiền bạc. Tôi thấy còn bao nhiêu chuyện đáng quan tâm mà người ta không để ý, lại cứ mãi loay hoay cái thẻ.

Nghệ thuật biểu diễn còn đầy bất cập, chuyện đối xử, đãi ngộ nghệ sĩ cũng đã tròn vẹn đâu. Ví như vừa rồi truy tặng danh hiệu NSƯT cho anh Văn Hiệp. Tôi thấy thương anh ấy quá. Lúc anh ấy còn sống, còn cống hiến, vắt mình ra để biểu diễn phục vụ nhân dân thì chả ai nghĩ đến chuyện phong tặng. Tới khi nằm xuống rồi mới cuống lên. Như thế để làm gì?

Tôi hiểu các nhà quản lý muốn siết lại, làm lành mạnh hơn môi trường biểu diễn nghệ thuật. Nhưng trên thực tế, điều đó cũng gần như chỉ nhắm vào thế hệ trẻ, đúng ra là một vài gương mặt trẻ trong showbiz, xem họ hát cái gì, diễn cái gì, mặc cái gì, nói năng những gì... Vậy tại sao chỉ vì chừng đó cá nhân, vì mấy "con sâu" ấy mà bắt cả các NSND, NSƯT cũng phải làm đơn xin cấp thẻ. nghệ sĩ phải có trách nhiệm công dân, phải có lương tâm khi đứng trên sàn diễn. Ngoài tư cách nghệ sĩ còn phải ghi nhớ tư cách công dân, sảy tay sảy chân sửa được chứ sảy miệng thì không sửa được. Không thể đánh đồng "cá mè một lứa" tất cả các nghệ sĩ.--PageBreak--

Tôi tự hào vì trước đây, những năm 90, nhà báo - nhà viết kịch Lê Quý Hiền khi viết về tôi đã nhận xét: "Chị diễn không phải với tư cách một nghệ sĩ mà với tư cách một công dân". Vậy nên tôi sẽ không làm đơn xin cấp thẻ. Thế là lẩm cẩm. Ở đất nước gần 100 triệu dân này, có bao nhiêu NSND, bao nhiêu NSƯT. Danh hiệu cao quý đó do Đảng, Nhà nước cấp, được đích thân Chủ tịch nước ký tặng, được cả một Hội đồng nghệ thuật cấp Nhà nước thẩm định, công nhận. Vậy tại sao lại còn phải cần một ông A, ông B ở Cục ở Bộ nào đó ngồi xét rồi cấp thẻ hành nghề cho chúng tôi. Bất cứ nghệ sĩ nào đứng trên sân khấu đều phải có ý thức giữ gìn tên tuổi, danh phận của mình.

Tôi biết nhiều nghệ sĩ khác cũng không bằng lòng về cái thẻ này. Tôi có cảm giác nhà quản lý đang giành thuận lợi về họ, đẩy cái khó cho các nghệ sĩ. Theo tôi tất cả đã có quy định rồi, và vẫn đang thực thi. Với một chương trình nghệ thuật của nhà hát, như Nhà hát Chèo Hà Nội, nơi tôi đang cộng tác thì Giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật phải chịu trách nhiệm trước Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VH-TT&DL về cái chương trình ấy...

Còn ví dụ những chương trình theo xu hướng xã hội hóa thì chính bản thân "ông bầu" đứng ra tổ chức và người cấp phép, duyệt chương trình ấy phải chịu trách nhiệm. Anh ngồi duyệt anh phải chịu trách nhiệm chứ, cả một hội đồng duyệt được lập ra để làm gì? Nếu chương trình này có sạn, nếu cô ca sĩ này ăn mặc không đúng quy định, anh có quyền ngừng cấp phép. Khi duyệt đã duyệt luôn cả trang phục rồi, thì cứ y án mà làm. Còn đêm diễn ấy có gì "phản cảm" thì phạt trực tiếp "ông bầu", phạt luôn cả người diễn viên để cho "ông bầu" ấy ý thức được rằng à tại sao anh này, cô này lúc duyệt thì mặc thế này nhưng khi diễn lại ăn mặc thế khác mà vẫn cho ra diễn. Đã quy định như thế rồi thì tại sao phải cấp thẻ làm gì nữa, tôi rất không đồng tình.

Nghe cái tên của tôi, sự hiện diện của tôi đã là sự tin tưởng của công chúng. Tôi kiêu hãnh với cái danh hiệu NSƯT do đích thân Chủ tịch nước ký tặng. Tôi còn nhớ ở lần cấp thẻ trước, các bên liên quan phải ngồi duyệt lại từng cái tên, duyệt chuyện bằng cấp, học hành.

Có một số anh chị trong miền Nam đã rất chạnh lòng. Họ đi lên từ gian khó, thời trước không có điều kiện học hành bài bản, không có bằng cấp. Nhưng nhờ tài năng thiên phú cùng sự nỗ lực cá nhân, các anh chị ấy đã khẳng định được tên tuổi, xây dựng được hình ảnh của mình trong lòng khán giả. Vậy tại sao còn phải so đo chuyện bằng cấp?

Nhạc sĩ Lê Tâm
Nhạc sĩ Lê Tâm: Cấp thẻ sẽ tạo ra những "thảm họa" mới        

Việc quản lý bằng thẻ hành nghề là cách đi vào rừng rậm không có lối ra. Dùng thẻ nó thô sơ giống như cách quản lý giao thông. Nếu như việc quản lý giao thông khá rõ ràng vì đi đúng vạch hay chèn vạch thì bất kỳ ai cũng dễ dàng thấy, thậm chí mắt của robot cũng phạt được, không cần nghĩ vì nó đơn giản chỉ có hai lựa chọn có hay là không. Nhưng hoạt động nghệ thuật có đặc thù riêng, lĩnh vực hoạt động này có biên độ rộng vô tận và không cụ thể thì ai đủ trình độ để quản lý những sáng tạo?

Những sáng tạo được thời gian thẩm định thì buộc phải có một đặc điểm là đã cũ, đã chết. Vậy quản lý sao được những điều mới mẻ. Sự sáng tạo vĩ đại và thảm họa (từ hay được dùng gần đây) đôi khi chỉ cách một bước chân. Tự giao cho mình quyền quyết định những sáng tạo không phải là cách nghĩ đúng và khiêm tốn. Việc tổ chức thẩm định để cấp thẻ và tổ chức theo dõi biểu diễn để phạt là một việc quá xa tầm với và bất khả thi.

Thời chưa xa, người làm nghệ thuật chỉ được coi như những người có chuyên môn, nghĩa là cứ ăn với tập thì làm gì chả đàn hay hát giỏi chứ không được coi là những tài năng. Người nghệ sĩ tuy không được đánh giá cao nhưng không bị quản lý bằng thẻ. Việc dùng thẻ chắc chắn không thể giảm thảm họa được. Thậm chí nó lại trở thành thảm họa mới.

Người nghệ sĩ phải tự chịu trách nhiệm của mình với tràng vỗ tay khán giả, sẵn sàng chấp nhận bị cộng đồng mạng "ném đá", người nghe tẩy chay sản phẩm băng đĩa. Đó là hoạt động phê bình tự nhiên, trực tiếp và sòng  phẳng nhất. Trên thế giới, rất nhiều các nghệ sĩ lớn đã không được đào tạo qua trường lớp chính quy và họ cũng không sinh hoạt theo một đoàn thể chính thống nào, thậm chí có những người không biết chữ chứ đừng nói việc đọc ghi nốt nhạc như Pavaroti vẫn trở thành tượng đài sừng sững để mọi người ngưỡng mộ, và sức lay động trong tác phẩm của họ thì vang khắp địa cầu. Vậy lấy thước đo nào để đo tài năng đây?

Nghệ thuật vốn là môn không dành riêng cho một ai mà phát triển trăm hoa đua nở. Sao phải cấp thẻ cho hoa nở? Tôi không thể tưởng tượng được nhạc sĩ Trần Tiến muốn biểu diễn lại phải đi xin cấp thẻ… Cái gì sai về mặt pháp luật đã có hệ thống pháp luật giải quyết. Cái sai về đạo đức có cộng đồng lên tiếng, cái gì kém cỏi về nghệ thuật thì bị đồng nghiệp chê cười. Đối với nghệ sĩ thì bị đồng nghiệp coi thường mới là nỗi nhục lớn nhất chứ không phải bất kỳ văn bằng giấy tờ nào cả

Mỹ Trân (thực hiện)
.
.