Cậu bé bị bỏ rơi nặng 1,3kg và chuyện cảm động ở trong lồng kính

Thứ Bảy, 01/01/2011, 17:35
Một bé trai sinh non cân nặng chỉ 1,3kg bị bỏ rơi trong tình trạng 9 phần chết chỉ có 1 phần sống. Em không có ai thân thích cả. Người mẹ đã bỏ đi ngay sau khi em mới chào đời. Ấy vậy mà tập thể y, bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn tận tình, áp dụng tất cả các phương pháp y học hiện đại nhất, tốn kém nhất để giành lại sự sống cho cậu bé bất hạnh này.

Câu chuyện của bé trai Nguyễn Văn Dũng và rất nhiều nhũ nhi sinh non khác chiến đấu với tử thần, là những câu chuyện cảm động về tấm lòng của những người thầy thuốc Việt Nam.

Nếu theo quy định của y học, sinh dưới 37 tuần thai và trọng lượng chưa đến 2kg là sinh non thì trường hợp bé Dũng và những nhũ nhi dưới đây là cực kỳ non bởi khi sinh ra các em mới chỉ 25 - 30 tuần thai, nặng chưa đến 2kg. Cho nên để giành giật lấy sự sống là  "cuộc chiến" đầy cam go, thách thức của những nhũ nhi nằm trong lồng kính và "tử thần".

Cô đơn trong lồng kính

Mới được 28 tuần thai, phải hơn 10 tuần nữa mới đủ ngày, đủ tháng "chui" ra khỏi bụng mẹ, thế mà bé Nguyễn Văn Dũng, ở Ngũ Đông, Điệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình chỉ vì mẹ bị nhiễm độc thai nghén đã phải chào đời vào ngày 14/7 vừa qua tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Ngày chào đời, nhìn Dũng tội nghiệp lắm, chỉ nặng 1,3kg, trông như chiếc chai LaVie nhỏ, toàn thân tím tái, da nhăn nheo như quả táo tàu. Miệng bé nhệch ra muốn khóc mà không thể khóc được vì suy hô hấp nặng, phổi chưa hoàn chỉnh. Đã vậy, cơ quan tiêu hóa còn rối loạn, không thể tiếp nhận bất kể chất dinh dưỡng nào. Phản xạ và trương cơ lực thì kém... Lúc ấy đúng là Dũng chỉ 1 phần sống, mà 9 phần chết.

Nhưng ngay cả khi chỉ số sống của Dũng chỉ có 1 phần nhỏ nhoi như vậy, các bác sĩ cũng quyết vực lên để đưa Dũng đến gần với sự sống. Bằng tất cả những gì có thể - phương pháp y học tiến bộ, hiện đại nhất mà Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang áp dụng trong chuyên khoa sơ sinh, sự tận tâm, tận lực - tập thể các bác sĩ, y tá ở Khoa Sơ sinh đã "thổi hồn vào xác" Dũng, giúp Dũng được làm người.

Về chuyện sinh mệnh của con người, đôi khi có người quan niệm "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", nhưng riêng với trường hợp của Dũng thì "nhân định thắng thiên" là chuyện rõ mồn một. Bởi có lúc tưởng như Dũng đã nằm trong tay "thần chết", tim đã ngừng đập, mũi đã ngừng thở vậy mà bằng các phương pháp điều trị tích cực như thở ôxy, sử dụng máy hỗ trợ phổi, truyền máu, dịch, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch... Dũng thoát chết.

Nhớ lại lần đó, cho đến bây giờ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa Sơ sinh đồng thời là người trực tiếp điều trị cho Dũng vẫn không hết ám ảnh: "Sau một thời gian dài thở máy, chúng tôi mới tập cho bé "cai máy" để thở tự nhiên. Bởi với trẻ sơ sinh non tháng, việc tự thở mới khẳng định được bé sống được hay không. Hôm ấy, vừa rút máy thở, tôi vẫn còn đang đứng cạnh để theo dõi, hơi thở của bé vẫn đang đều, ngực vẫn phập phồng, bỗng nhiên, ngắt quãng rồi lịm dần, môi tím ngắt, toàn thân thâm đen, búng mạnh vào gan bàn chân, bé cũng không khóc. Hoảng quá nhưng kịp trấn tĩnh, tôi đã cùng một số bác sĩ, y tá nữa cấp cứu khẩn trương  để cứu sống Dũng. Và khoảng 30 phút sau thì Dũng thoát nạn. Đúng là...".

Bác sĩ Hà tâm sự thêm: "...Lần đấy tôi thót tim, dù đã mấy chục năm trong nghề và không biết bao nhiêu lần đối mặt với những ca hiểm nguy dở sống dở chết. Vậy mà khi ở trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" của Dũng, tôi vẫn có cảm giác tim mình như bị ai bóp nghẹt".

Lần giở tập hồ sơ bệnh án của bé, tôi hiểu được những pha thót tim của bác sĩ Hà. Tính ra trong 3 tháng đầu đời, kể từ khi sinh ra, Dũng đã trải qua 13 lần truyền dịch, 9 lần xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, 7 lần xét nghiệm hóa sinh máu, 4 lần truyền máu, nằm lồng kính liên tục để điều trị vàng da và giữ thân nhiệt như trong bụng mẹ, và ngày nào cũng 8 lần thở ôxy, đặc biệt là những ngày đầu.

Tuy nhiên, với bé Dũng đáng buồn nhất là trong 3 tháng chống chọi với bệnh tật, giành giật sự sống ấy chỉ có mình bé bên cạnh các bác sĩ. Còn mẹ, người đã sinh thành ra bé, đáng lẽ phải sống cùng bé trong những tháng ngày nguy nan nhất, phải xót thương, lo âu, phải đau nỗi đau của bé, lại lạnh lùng bỏ rơi "hòn máu" mang nặng đẻ đau của mình chỉ vì Dũng là đứa trẻ không có cha.

Thách thức thực sự mới bắt đầu khi các nhũ nhi thoát khỏi lồng kính.

Có lẽ đối với Dũng, sau này khi lớn lên, đủ trưởng thành để có thể hiểu mọi bất trắc của cuộc đời sẽ không bao giờ quên cái ngày mình đã sinh ra. Bởi đó là ngày hạnh phúc nhất khi em được sinh ra làm người nhưng cũng lại là bất hạnh nhất của cuộc đời vì đã phải một mình côi cút chịu đựng nỗi đau hành hạ của bệnh tật, chịu đựng cảnh lạnh lẽo, bơ vơ của đứa con bị bỏ rơi thay vì được thương yêu, chiều chuộng như những trẻ sơ sinh khác.

Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Thanh Hà xúc động: "Khổ cho bé Dũng lắm, ngày nào cũng có 10 lượt gồm 8 lượt gửi sữa và 2 lượt thăm nom, trong khi những trẻ sơ sinh khác, cha mẹ, ông bà... đều sốt sắng, lo âu vào thăm con, cháu, thậm chí có người còn xin thêm lượt để vào thăm, thì Dũng nằm cô đơn trong lồng kính, không một người thân nào vào thăm. Bảng đánh dấu số lần người nhà vào thăm và đưa sữa cho trẻ sinh non, đến tên của Dũng lúc nào cũng bỏ trống".

Bây giờ Dũng đã được 3kg và sức khỏe đã ổn định hơn. Bé đã được chuyển vào trại dành cho trẻ mồ côi để được chăm sóc, nuôi dưỡng lâu dài. Hôm chia tay, bác sĩ, y tá ở Khoa Sơ sinh ai cũng xúc động, bùi ngùi bế đi bế lại Dũng để nâng niu, nựng nịu. Họ dặn đi dặn lại cách chăm sóc, nuôi dưỡng với những người đến đón Dũng. Vì khi xuất viện khỏi Khoa Sơ sinh, thách thức mới để duy trì sự sống của Dũng thực sự mới bắt đầu...

Phép mầu nhiệm

Cũng như Dũng, bé trai Nguyễn Như Khánh Duy ở Hà Nội mặc dù mới chỉ 30 tuần thai nhưng vì mẹ bị nhiễm trùng ối, nhiễm trùng thai nên phải chào đời sớm những 10 tuần tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. So với nhiều trẻ sinh non khác, nếu với số tuổi thai ấy, trọng lượng lại nặng những 1,4kg như của Duy thì cơ hội sống, khả năng chống chọi với bệnh tật của trẻ không đến nỗi "ngàn cân treo sợi tóc". Nhưng vì mẹ Duy bị nhiễm trùng ối nặng đã khiến cho thể trạng non nớt của Duy bị ảnh hưởng nặng.

Khi sinh ra, Duy bị viêm da toàn thân, xuất huyết toàn thân, rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm, bạch cầu tăng cao, phản xạ dường như không có, hô hấp kém... Nếu theo cách tính điểm của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đánh giá sức khỏe của trẻ sơ sinh thì 5 yếu tố gồm: nhịp tim, màu sắc da, phản xạ, trương lực... đạt 7 điểm, cơ hội sống của nhũ nhi hoàn toàn yên tâm. Nhưng  Duy chỉ được 2 điểm. Bởi vậy, hy vọng sống, được làm người của bé rất mong manh.

Duy trở thành thách thức lớn trong cuộc chạy đua không cân sức giữa các bác sĩ Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với tử thần. Tuy nhiên, họ không tuyệt vọng, không chấp nhận khoanh tay đứng nhìn "tử thần" cướp đi sự sống của Duy. Mà "còn nước còn tát", hơn nữa sinh linh nhỏ bé kia dẫu thoi thóp nhưng vẫn đang khao khát sống, đang cố gắng thở những hơi thở mệt nhọc, cho nên với tình cảm của những người cũng đã làm bậc sinh thành, với trách nhiệm của "lương y như từ mẫu", các bác sĩ đã bằng mọi cách,  giành lại sự sống cho bé.

Đến hôm nay, đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày Duy chào đời, Duy đã biết cười, biết khóc, phản xạ đã tốt hơn, sắc mặt không còn tím tái, xuất huyết dưới da cũng không còn, chỉ số bạch cầu đã trở lại bình thường.... Dẫu vậy thì bác sĩ Phan Thị Huệ, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn lo lắng: "Chúng tôi chưa hoàn toàn yên tâm với thể trạng của bé. Bởi những diễn biến bất thường, nguy hiểm của trẻ sinh non vẫn xảy ra với Duy. Chỉ cách đây mấy hôm thôi, chúng tôi tưởng rằng, bé đã tuột khỏi tay...".

Và đó là hôm mà chị Huệ tâm sự trong cuộc đời làm nghề y của chị sẽ không bao giờ chị quên bởi sự căng thẳng và quyết liệt đến nỗi có cảm giác chị đang đối mặt trực tiếp với tử thần để giằng co, giành giật sự sống cho bé. Hôm đó, bỗng nhiên bé sốt cao. Các triệu chứng cho thấy bé bị viêm phổi. Mà bệnh này thì khó tránh được, đặc biệt là ở trẻ sinh non bởi bộ phận hô hấp chưa hoàn thiện.

Đã thế việc thở bằng máy dễ dẫn đến nhiễm khuẩn đường thở do thiếu độ ẩm, vi khuẩn xâm nhập qua ống dẫn khí... Cho nên việc bé bị viêm phổi là chuyện bác sĩ cũng đã tiên lượng trước. Nhưng do thể trạng quá yếu, non nớt, mặc dù đã được tiêm thuốc hỗ trợ phổi, truyền các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng... bé vẫn bị nguy ngập trong tình trạng toàn thân tím tái, môi thâm đen do không có sự trao đổi khí, đặc biệt là ôxy, nguy cơ tử vong rất cao. Bởi vậy, biện pháp đầu tiên mà các bác sĩ thực hiện là bằng mọi cách phải giúp bé thở.

Giành giật sự sống đầy cam go của những nhũ nhi trong lồng kính.

Tuy nhiên, oái oăm ở chỗ, dù đã bằng mọi cách để giúp bé thở vậy mà bé vẫn không thể nào thở được. Cơ thể vẫn tím tái, vẫn thiếu ôxy, thậm chí có lúc mắt bé trợn lên như sắp "ra đi". Nhưng hy vọng cuối cùng mà các bác sĩ có thể níu lấy như chiếc phao cứu sinh là thỉnh thoảng bé vẫn nấc. Nấc, nghĩa là bé vẫn cố gắng thở. Và đúng khi tưởng như sợi dây liên kết, sự "phối hợp" nhịp nhàng giữa bé Duy và bác sĩ không còn thì bé lại... hồi sinh. "Quả là kỳ diệu như có phép mầu nhiệm", bác sĩ Huệ thốt lên. Phép mầu nhiệm ấy còn kỳ diệu hơn nữa khi chính thể trạng tưởng như non nớt, yếu đuối lại trở thành sức mạnh bền bỉ, gan góc của Duy để  bé thoát khỏi tay "tử thần" và sống đến ngày hôm nay.

Chết đi sống lại

Để giành lấy sự sống, thì đối với bất kỳ trẻ sinh non nào cũng là cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách và cần phải bền bỉ. Ở Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, những nhũ nhi sinh non ở đây cũng vậy. Tuy nhiên, so với những trẻ sinh non ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các nhũ nhi sinh non ở đây thường là bệnh nặng hơn. Bởi đây là tuyến điều trị cuối cùng dành cho trẻ sơ sinh, trong đó có trẻ sinh non.

Đã thế, khi sinh ra, những nhũ nhi này không được điều trị ngay bằng những biện pháp y học tiến bộ nhất, hiện đại nhất mà chỉ bằng những chuyên môn thông thường ở địa phương sau đó mới chuyển lên tuyến trên. Ít nhất, phải mất một ngày sau khi sinh các em mới tiếp cận được với những phương pháp này. Đó là một thiệt thòi cho các em. Cũng chính bởi thiệt thòi này, mà các bác sĩ ở đây rất gìn giữ cho các em, ngay cả trong chuyện cung cấp thông tin.

Bởi theo họ, nói nhiều về các bé quá, khác nào sự quở quang nếu theo duy tâm. Cuối cùng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tú, một trong những người trực tiếp điều trị cho các bé chỉ nhận định chung: "Để khẳng định một điều gì bây giờ thì chúng tôi không khẳng định được. Nhưng chỉ biết chúng tôi đã, đang và sẽ cố gắng làm hết sức để các cháu ở lại được với bố mẹ”. Và những gì mà các bác sĩ như bác sĩ Tú ở đây đang cố gắng là áp dụng những biện pháp y học tiên tiến nhất, hiện đại nhất mà Bệnh viện Nhi Trung ương có để điều trị cho nhũ nhi sinh non dựa trên cơ sở "bệnh nào sẽ điều trị theo phương pháp nấy".

Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng các bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh tại các bệnh viện đều có chung một  nhận định: tỉ lệ các bà mẹ sinh non ngày càng nhiều. Minh chứng là tại các khoa, trẻ sinh non chiếm 50 - 70%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm độc thai nghén, nội tiết tố của mẹ kém, đa thai... Mà khi trẻ sinh non, nhẹ cân nhiều thì sức khỏe của một số trẻ nhất định không được bảo đảm.

Sự không bảo đảm này còn kéo dài dai dẳng mãi đến khi các em trưởng thành. Bởi trẻ sinh non thường mắc những bệnh mãn tính về phổi, thần kinh, xương... với tỉ lệ rất cao. Thậm chí có bé tàn phế cả đời vì mù lòa, thiểu năng trí tuệ, sống thực vật vì bại não... Và đây thực sự mới là những thách thức lớn đặt ra không chỉ đối với các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh mà đối với nền y học nói chung.

Cứu sống và nuôi dưỡng trẻ sinh non, thiếu tháng nhẹ cân đã là một thành công đáng kể của y học tiến bộ. Nhưng làm thế nào để tất cả trẻ sinh non, nhẹ cân được sống, được làm người bình thường hoàn toàn với sức khỏe và trí tuệ mới là thành công trọn vẹn hơn nữa mà y học tiến bộ cần tiến tới trong tương lai

Duy Hưng
.
.