“Cây gậy và củ cà rốt” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc

Thứ Hai, 09/04/2018, 18:26
Nỗi sợ hãi và bất ổn về tranh chấp thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới hôm 4-4 đã giảm mạnh trước khi phục hồi mong manh vào đầu giờ chiều.

Những đòn trả đũa

Theo hãng tin NPR, những biến động trên các thị trường chứng khoán là do sự lo lắng về mức độ cạnh tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc và một số quốc gia khác ở châu Âu. Tính đến chiều 4-4, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ như Dow Joness, S&P 500 và Nasdaq đều giảm hơn 1%. Dow Jones tụt mất 429 điểm, tương đương 1,8%; trong khi đó, S&P 500 cũng mất 35,25 điểm, tương đương 1,37%. Nasdaq Future cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi mất 115,5 điểm, tương đương 1,82%.

Sàn giao dịch chứng khoán châu Á cũng chung cảnh ngộ chìm trong sắc đỏ với hàng loạt chỉ số lao dốc. Sự hỗn loạn này theo sau thông báo của chính quyền Bắc Kinh về việc áp đặt mức thuế mới lên đến 25% cho 128 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng quyết định tăng mức thuế thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 2-4 sẽ ảnh hưởng tới số hàng nhập khẩu từ Mỹ có giá trị khoảng 3 tỷ USD trong đó có thịt lợn và rượu.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong số 128 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bị áp mức thuế có các sản phẩm thịt lợn, đậu nành và nhôm vụn nhập khẩu là 25%. Hơn 120 mặt hàng khác gồm xe hơi và các sản phẩm hóa học sẽ chịu mức thuế 15%. Tổng cộng, 128 mặt hàng Mỹ bị đánh thuế có tổng kim ngạch nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 3 tỷ USD trong năm 2017.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã âm ỉ suốt nhiều năm qua.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tiết lộ, danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ bị áp mức thuế mới có thể sẽ có thêm tên của rượu whisky, thuốc lá, thịt bò, hoa quả, các loại hạt, sâm, ethanol hay các sản phẩm từ nhựa... Tờ USA Today cho hay, con số trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong kim ngạch thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Trong năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 115,6 tỷ USD. Nhưng việc đánh thuế này có thể ảnh hưởng mạnh đến nông dân Mỹ bởi hàng nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 20 tỷ USD trong năm 2017. Trong đó, thịt lợn chiếm 1,1 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ ba của thịt lợn Mỹ còn người trồng đậu nành ở Mỹ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc bởi 61% số đậu nành Mỹ được tiêu thụ tại đây.

Vài giờ sau khi quyết định trả đũa của Trung Quốc có hiệu lực, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters đã lên tiếng phản đối, gọi bước đi của Bắc Kinh làm “méo mó thị trường toàn cầu” và tổn hại tới “an ninh quốc gia của Mỹ”. Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra cùng ngày còn cáo buộc rằng, sự trợ cấp và khả năng sản xuất dư thừa của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng thép.

“Thay vì nhắm mục tiêu vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, Trung Quốc cần ngừng các hoạt động kinh doanh không lành mạnh làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ và bóp méo thị trường toàn cầu”, bà Lindsay Walters nêu rõ. Trong khi đó, hãng CNN ngày 4-4 đưa tin, Mỹ dự định đánh thuế 25% đối với 1.300 mặt hàng Trung Quốc có giá trị khoảng 50 tỷ USD với lý giải rằng đây là đòn trừng phạt vì Trung Quốc "trộm bí mật thương mại", bao gồm phần mềm, bằng sáng chế và các công nghệ khác của Mỹ.

Nhiều mặt hàng trong diện "tầm ngắm" lần này thuộc ngành hàng không, công nghệ và máy móc. Các mặt hàng còn lại sẽ bao gồm trang thiết bị y tế, thuốc, sản phẩm giáo dục như sách chữ nổi dành cho người mù. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết, các mức thuế này nhằm buộc Chính phủ Trung Quốc phải thay đổi những chính sách mà Đại diện Thương mại Mỹ nói là kết quả của việc chuyển giao "phi kinh tế" tài sản trí tuệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc theo kế hoạch "Made in China 2025".

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hồi tuần trước cũng đã hé lộ rằng, thuế quan theo Điều khoản 301 sẽ chú trọng vào những ngành công nghiệp Trung Quốc hưởng lợi từ kế hoạch "Made in China 2025" vốn muốn thay thế hàng nhập khẩu công nghệ hiện đại bằng các sản phẩm trong nước.

Chiêu trò đàm phán

Chương trình “Made in China 2025” được Trung Quốc đưa ra vào tháng 5 năm 2015 nhắm vào 10 ngành công nghiệp chiến lược: công nghệ thông tin tiên tiến, robot, máy bay, đóng tàu và kỹ thuật biển, trang bị đường ray tiên tiến, xe năng lượng mới, trang bị phát điện, máy móc nông nghiệp, dược phẩm và các chất liệu tiên tiến. Đây là một phần trong tầm nhìn của Trung Quốc về một nền kinh tế phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu, đầu tư và nhiều hơn vào các dịch vụ, sản xuất công nghiệp thông minh.

Mục tiêu của “Made in China 2025” là tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng yếu lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Hiện nay, con số này tương đối thấp đối với những hàng hóa công nghệ cao, trong khi sản phẩm nước ngoài chiếm trung bình hơn 50%.

Thậm chí, Trung Quốc còn phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài một số loại hàng hóa như những hệ thống điều khiển số cao cấp và các bộ phận thủy lực cao cấp. Mục đích quan trọng nữa của “Made in China 2025” là độc lập về công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và khiến Trung Quốc không còn dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt thương mại. Và điều này đã gây lo ngại cho Mỹ, được thể hiện rõ nét bằng bản báo cáo dài hơn 200 trang của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ hồi tháng 3.

Phát biểu trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã khẳng định, điều này không có lợi cho Mỹ, Mỹ phải hành động ngay và gìn giữ công nghệ hiện đại của Mỹ là "tương lai kinh tế Mỹ".

Trên thực tế, Mỹ đang có mức thâm hụt thương mại kỷ lục với Trung Quốc: 375 tỷ USD vào năm 2017. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố, ông muốn giảm mức này xuống còn 100 tỷ USD. Và điều mà ông chủ Nhà Trắng quan ngại hơn tất cả là các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong tương lai gần.

Hãng CNN đưa tin, có thể phải mất trên hai tháng trước khi chính sách thuế nhập khẩu mới mà Mỹ muốn áp với Trung Quốc mới có hiệu lực. Nếu chuyện này xảy ra, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ thực sự bùng nổ. Việc này, như nhận định của nhà kinh tế học từng được trao giải Nobel Robert Shiller, sẽ “kìm hãm sự phát triển trong tương lai” của cả Mỹ và Trung Quốc.

Có lẽ vì lo sợ điều đó nên mặc dù có hành động trả đũa Mỹ, Bắc Kinh thời gian qua vẫn kêu gọi Washington giải quyết bất đồng về thương mại và thuế quan thông qua đối thoại và đàm phán. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói: “Đàm phán vẫn là ưu tiên của chúng tôi nhưng cần 2 bên mới tiến hành được".

Một quan chức thương mại Mỹ thì nói rằng Washington có thể theo đuổi các cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được cho là đang cân nhắc chuyến đi tới Trung Quốc để họp với ông Liu He, cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Và những cuộc điều tra

Hãng NBC News cho hay, căng thăng thương mại Mỹ-Trung Quốc gia tăng từ hồi tháng 2, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ. Nguyên do là vì cao lương của Mỹ được xuất sang Trung Quốc với giá thấp hơn giá bình thường, làm tổn thương các nhà sản xuất trong nước. Thời gian mà cuộc điều tra chống bán phá giá xem xét là từ ngày 1-11-2016 đến ngày 31-10-2017, còn điều tra về thiệt hại của ngành sẽ xem xét trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2013 đến 31-10-2017.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ hoàn tất điều tra vào ngày 4-2-2019, nhưng hạn chót có thể dời đến ngày 4-8-2019. Một năm trước, cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự cũng đã được tiến hành với bã rượu khô (DDGS, sản phẩm phụ của quá trình chiết xuất etanol từ ngũ cốc lên men) của Mỹ, mặc dù thuế giá trị gia tăng với sản phẩm này gần đây đã được giảm.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nói rõ, cao lương do Mỹ sản xuất được "bán phá giá rộng rãi"  và Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều sản phẩm cao lương nhất từ Mỹ. Theo số liệu hải quan, năm ngoái, Trung Quốc nhập 960 triệu USD sản phẩm cao lương từ Mỹ.

Mỹ áp đặt mức thuế mới với thép nhập khẩu Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã hoàn tất điều tra một số sản phẩm thép nhất định nhập khẩu Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã trình báo cáo lên Tổng thống Donald Trump và ông Trump đã ký quyết định nâng định mức thuế với thép của Trung Quốc. Nhập khẩu thép vào Mỹ đã giảm trong năm 2016, do Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép nhập từ Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Tuy vậy, theo Viện Sắt thép Hoa Kỳ, nhập khẩu thép vào Mỹ vẫn tăng 15,5% trong năm 2017. Cùng với đó, một cuộc điều tra khác đã khiến Tổng thống Donald Trump áp thuế cao đối với máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ. Tháng 12 năm 2017, DOC cũng thông báo tự khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) đối với tấm nhôm hợp kim thông thường nhập khẩu từ Trung Quốc.

DOC cho biết, năm 2016, tấm nhôm hợp kim thông thường nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đạt mức 603,6 triệu USD và DOC ước tính biên độ phá giá của sản phẩm này là 56,54% đến 59,72%. Hiện Mỹ vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cuộc điều tra này dự kiến kéo dài trong khoảng một năm, sẽ có thể là một động lực thúc đẩy chính quyền Trung Quốc ngăn chặn mối đe dọa an ninh tới từ Triều Tiên như là một động thái "giảng hòa" với Washington.

Michael R. Wessel, một thành viên của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung nói: “Trung Quốc đã tham gia vào những vụ trộm cắp và ép buộc chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ của Mỹ trong nhiều năm. Những hoạt động này chưa bao giờ thuyên giảm, chúng còn tăng nhanh hơn khi Trung Quốc đang tìm kiếm sự tự chủ về công nghệ mới và chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nếu cuộc điều tra gian lận thương mại này ra kết luận Trung Quốc đã làm thiệt hại nền kinh tế Mỹ thì chính quyền có thể phản ứng bằng cách dùng hàng rào thuế quan, hoặc hàng loạt biện pháp trừng phạt khác”.

Theo nhiều nhà phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc bắt nguồn từ chương trình “Made in China 2025”. Với người Trung Quốc, “Made in China 2025” có thể là một chiến lược tuyệt vời cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất nhưng nó lại đang khiến các công ty nước ngoài tại quốc gia này cảm thấy lo ngại.

Tân Hoa Xã cho hay, chiến lược 10 năm này nhằm dịch chuyển kinh tế Trung Quốc từ sản xuất cần nhiều nhân công và giá trị thấp sang sản xuất nhiều giá trị gia tăng hơn, thông qua các kế hoạch đổi mới, áp dụng công nghệ vào sản xuất, tăng cường cơ sở công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển các thương hiệu Trung Quốc và thực hiện sản xuất công nghiệp xanh.

“Made in China 2025” cũng thúc đẩy các bước đột phá trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm mà Trung Quốc muốn trở thành quốc gia đứng đầu trong tương lai. Lý do của hướng đi mới này là lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng cần phải chuyển đổi ngành công nghiệp sản xuất của nước này để có thể tiếp tục theo kịp hoặc vượt qua các nước phát triển khác.

Hiện Bắc Kinh đang tập trung vào xây dựng các trung tâm đổi mới, đề xuất tới năm 2020 sẽ thành lập được 15 trung tâm đổi mới sản xuất và sẽ mở rộng lên 40 vào năm 2025. Các trung tâm này sẽ xây dựng nền tảng cho phát triển công nghiệp, giúp phát triển công nghệ, hỗ trợ sản xuất thông minh và tạo ra các vật liệu mới.  

Ngọc Khuê
.
.