Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:

Cha tôi, người thầy đầu tiên của chúng tôi

Thứ Ba, 05/01/2016, 14:00
GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (bây giờ gọi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo) trong 29 năm, từ năm 1946 đến 1975. Vợ ông là bà Vi Kim Ngọc - con gái chính thất nguyên Tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định.


Ông bà sinh hạ được 4 người con, tất cả đều thành danh. Trong đó, người con trai út PGS.TS Nguyễn Văn Huy người "nối dõi" cha mình làm nghiên cứu và là vị giám đốc Bảo tàng dân tộc học trong 19 năm liên tục, Bảo tàng nằm trên con đường mang tên Nguyễn Văn Huyên như một mối duyên trời định...

Sưu tập tem - Bài học đầu đời về tính kiên trì

GS.TS Nguyễn Văn Huyên có một thói quen là sưu tập tem, thói quen ấy đã được ông "truyền" lại, hướng dẫn cho các con của mình, đặc biệt là cậu con trai Nguyễn Văn Huy ngay từ hồi cậu bắt đầu có nhận thức về nó.

Ông bảo với các con rằng đừng xem thường các con tem, vì qua chơi tem người ta sẽ học được rất nhiều điều, học được địa lý, qua hình ảnh của các nước trên con tem, chơi tem học được lịch sử, hiểu con người, thiên nhiên, cây cỏ hoa lá qua những hình ảnh trên mỗi con tem. Từ con tem, các con ông sẽ phải tìm sách đủ loại trên giá sách của ông để đọc và tìm hiểu.

Với GS.TS Nguyễn Văn Huyên, nó như bộ bách khoa toàn thư, và đồng thời, chơi tem học được cái tỉ mỉ, cái nâng giữ của mình với hiện vật, từ cái răng tem để không bị đứt, rách. Bởi vậy mà trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có dao và kéo, kéo để cắt bì thư, dao để rạch cho đỡ bị rách.

GS. Nguyễn Văn Huyên và vợ, tháng 8-1975.

Thời ấy GS.TS Nguyễn Văn Huyên đang là Bộ trưởng Bộ Giáo dục nên ông nhận được rất nhiều thư trong nước, nước ngoài. Việc đầu tiên khi ông nhận được thư là cắt cái góc có con tem ra một chỗ rồi mới đưa thư cho Ban thư ký. Thỉnh thoảng ông lại mang về cho con trai Nguyễn Văn Huy một phong bì đựng đầy góc tem thư. Đầu tiên là phải ngâm nó một thời gian trong nước để cho cậu bé Nguyễn Văn Huy học được tính kiên trì, mê say. Nhưng khổ nỗi, chính sự đam mê quá đà nên Huy lại mê tem, suốt ngày chỉ chơi tem mà không chịu học hành gì, đến lớp học có khi cứ ngồi nghĩ đến... tem và thậm chí bỏ học để đi đổi được tận đẩu đâu một con tem ưng ý.

Vì mê mẩn sưu tập tem nên Nguyễn Văn Huy chểnh mảng học hành. Cộng với một thú chơi thứ hai là mê chơi cờ tướng, chơi với các bạn, các anh chị, thậm chí với... các cụ già. Chơi nhiều thì học... đuối dần. Cậu bé Huy bị một môn không đủ điểm và bị... lưu ban học thêm một năm lớp 5. Thời điểm ấy, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Khi thầy giáo hỏi ý kiến ông, ông đã bảo, để cho con học lại một năm nữa cho... chắc kiến thức.

GS.TS Nguyễn Văn Huyên gọi con lại và nhẹ nhàng khuyên bảo: "Cuộc đời con rất dài và chủ yếu do con tự quyết định, con phải phấn đấu từ bây giờ thì mới có tương lai, tương lai là do sự nỗ lực của con". Sau vụ lưu ban đó, Nguyễn Văn Huy đã tỉnh ngộ bỏ hẳn thú chơi tem và cờ tướng để quyết tâm học hành. Mặc dù, thỉnh thoảng Nguyễn Văn Huy vẫn được bố cho một phong bì đầy tem nhưng chỉ chơi vào lúc rảnh rỗi, khi đã làm xong bài tập.

GS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: "Điều tuyệt vời của bố tôi là rất thân các con, nhưng không can thiệp quá sâu vào đời sống riêng cũng như chiều chuộng quá mức để các con ỷ lại. Ai mà nghĩ là con của Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại bị... lưu ban! Nhưng ông hiểu rõ tâm tính từng đứa con một, ông làm vậy là có ý của ông. Bản thân tôi đã nhận ra và có một bài học nhớ đời và tự sửa chữa. Chính vì thế nên tôi nể trọng bố tôi cũng như cách sống của ông. Ông không thực sự bên cạnh các con nhiều vì quá bận rộn, nhưng đi đâu làm gì tôi cũng nghĩ đến bố và tưởng tượng xem, nếu là bố trong trường hợp ấy ông sẽ làm gì và xử sự như thế nào?

Sau việc lưu ban, ông bà không mắng mỏ gì mà ông vẫn cắt tem về cho tôi, vì ông hiểu rõ giá trị của việc chơi tem, tập cho tôi tính kiên trì, sự phân loại hợp lý, logic từng chủng loại, từng chủ đề... Điều này giúp ích cho tôi rất nhiều sau này khi tôi làm công việc liên quan đến bảo tàng. Việc bố huấn luyện mình chơi tem phát huy tác dụng, từ việc tôn trọng hiện vật, cách thức bảo quản, sắp xếp cho hợp lý, logic... Cho nên tôi rất biết ơn bố về việc đó. Dù vô tình hay hữu ý nhưng ông cũng đã cho mình một cái... nghề ngay khi mình mới học lớp 5.

Sau này, khi tôi đã lớn, ông lại truyền niềm yêu thích cho các cháu cả khi ông đã về hưu. Cho đến nay chúng tôi có cả một bộ sưu tập tem rất lớn, thậm chí là tôi vẫn giữ rất nhiều tem thư bố tôi cắt từ phong bì mà chưa làm cho nó rã ra. Bây giờ tôi giống bố ở chỗ, luôn có cái kéo và con dao trên bàn làm việc, nhận được một bức thư hoặc phong bì là phải cắt (chứ không bao giờ xé) cái góc có tem cất đi cho... các cháu.

Những bức thư của tình yêu

GS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại rằng, cha ông là một người chăm viết thư cho các con và qua mỗi bức thư, ông đều thể hiện tình yêu thương cũng như sự quan tâm lớn dành cho các con, dù ông bận trăm công nghìn việc.

Năm 1966, khi sơ tán lên Thái Nguyên, anh sinh viên năm thứ 4 Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Nguyễn Văn Huy viết thư cho bố xin lời khuyên nên chọn ngành nào: Sử hiện đại, dân tộc học hay khảo cổ học... Trong thư trả lời, ông cụ đã viết: "Con hãy trao đổi với các thầy và con tự quyết định lấy cái việc học đấy, nhưng kinh nghiệm của cậu là chỉ có say mê và khi say mê thì sẽ nghiên cứu sâu, ngành nào cũng hay, cũng có đóng góp cho xã hội". Khi nhận được thư bố, Nguyễn Văn Huy đã không trao đổi với các thầy mà quyết định chọn ngành Dân tộc học vì nghĩ đến thư viện sách thời Pháp về dân tộc học mà bố đã lưu giữ bao nhiêu năm ở nhà. GS.TS Nguyễn Văn Huy đã chọn đi theo con đường mà thực ra nó đã có trong máu ông từ thời thơ bé.

GS. TS Nguyễn Văn Huy kể lại rằng, cha ông viết thư cho tất cả các con và coi đó như một sợi dây tình cảm gắn bó lâu bền. Đặc biệt, các chị em của ông ai cũng có ý thức giữ gìn những bức thư, như những kỷ vật thiêng liêng. Điều này có được là do truyền thống gia đình, từ người mẹ tuyệt vời đầy hy sinh của ông. Bà là người đã giữ tất cả những kỷ vật dù nhỏ hay to của cha ông như những báu vật thiêng liêng.

Gia đình GS. Nguyễn Văn Huyên tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, năm 1951.

Có những bức thư mà chị em ông đã thuộc làu từng chữ. Bức thư của GS.TS Nguyễn Văn Huyên gửi vợ năm 1956 có đoạn viết: "Hôm trước Huyên nhận được thư Ngọc lại càng nhớ nhà thêm. Thấy chú Huy cứ đau bụng là Huyên lại lo ngại, lại ân hận trong lòng là để Ngọc ở nhà phải một mình sớm hôm áy náy vì con. Nghĩ tới lệ càng thêm tràn mắt. Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói, đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước.

Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng trong một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức của mình để thoát khỏi vòng áp chế. Ngọc cũng cảm thấy là trong 10 năm, hai ta sống với nhau hoàn toàn trong cảnh tạm bợ mà thôi. Ngọc thấy là Huyên không thiết gì ngoài cái tình thân mật trong gia đình, còn danh lợi thì dửng dưng không ham muốn, có thì dùng không bao giờ tự đi kiếm. Mà Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú cũng có trí cao thượng không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vong nô lệ...

Ngọc cũng thường nghĩ thế với Huyên từ khi chúng ta mới đắp cái tổ chim con ở gần ga Hàng Cỏ. Nữ Hạnh sinh ra ở đó, trong một bầu không khí mịt mù. Khi chú Bích Hà ra đời thì chúng ta đã thấy một chút tia sáng ló lên ở phương Đông. Vì thế Hà mới có tên là Bích Hà, Bích Hà là một vùng ánh sáng đỏ khi mặt trời mới hé trong cảnh bình minh. Đó là lúc bên Tây phương sao đã đổi ngôi rồi vậy! Và Hạnh sinh ra lúc thế giới đảo điên cần phải trau dồi lấy tính nết, sửa mình để chờ tranh thủ. Hạnh là chị lớn gây lấy cái rễ cho các rễ để đưa đường cho các em. Bích Hà sinh rồi thì chúng ta thấy ở ngoài trận thế vẫn không thuận lợi cho ta, ở trong thì cả nhà ốm yếu, cảm như lòng trời không tựa lòng ta. Nên khi sinh được Nữ Hiếu chúng ta lại nghĩ hay quay lại gia đình, sửa cái bụng Hiếu đã cảm giời đó. Hiếu là nghĩ đến trước ta mà cũng nghĩ đến sau ta nữa.

Khi xảy ra việc Nhật đuổi Pháp ở nước ta thì chúng ta mới thấy cảnh bình minh năm xưa mới mất hẳn. Chúng ta xoa tay nhảy vào vòng mà hy vọng. Chú Huy ra đời trong một buổi tuy cái nguy đầy rẫy nhưng ánh sáng huy hoàng đã bắt đầu bao phủ cả một góc trời Nam. Nhưng chúng ta muốn ánh sáng ấy đầy hạnh phúc và hòa bình trong thế hệ tương lai này nên chú Huy mới được gọi là Văn Huy. Bố là Văn Huyên, một ánh sáng nhẹ nhàng, mẹ là Kim Ngọc một vật quý không vết, con là Văn Huy phải tiến một bước dài trong các nguồn hạnh phúc của các chị lớn"...

Bảo tàng tư nhân Nguyễn Văn Huyên - niềm tự hào không chỉ của một gia đình

GS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại rằng, cụ Huyên là người mê sách, những cuốn sách cụ yêu quý thường được bọc bìa cứng bằng da, nạm chữ vàng, cuối gáy có ghi chữ "Nguyễn Văn Huyên" và thường được bọc, cất giữ cẩn thận. Ngày xưa, khi đang làm Bộ trưởng bận rộn không có thời gian nhưng có hai điều cụ không bao giờ bỏ đó là: cứ chủ nhật là cụ soạn lại thư viện, sắp xếp sách vở, một lý do quan trọng trước hết là nếu không sắp xếp thì bị mối, con đuôi dài đục rỗng.

Mỗi lần soạn thư viện, cụ Huyên thường cho con trai Nguyễn Văn Huy tham gia cùng để trau dồi tình yêu sách. Điều thứ hai là dù khi làm việc cụ toàn tâm toàn ý với giáo dục đã đành nhưng máu nghiên cứu về lịch sử vẫn thấm vào cuộc đời và công việc, buổi tối rảnh rỗi cụ vẫn ghi chép rất nhiều, vẫn chép tay hàng tập giữ liệu lịch sử. Niềm say mê của cụ với sự logic trong vấn đề giữ gìn tư liệu nên đã giúp các con rất nhiều khi làm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Hiện tại, có hàng nghìn kỷ vật liên quan đến cuộc đời, hoạt động của dòng tộc và bản thân cụ Nguyễn Văn Huyên nhưng ở Bảo tàng thì chỉ mới trưng bày khoảng 400 kỷ vật. 

GS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: Cả một đời, cha mẹ ông sống thanh sạch và là những người thầy lớn cho các con. Cụ Huyên là một nhà dân tộc học nên rất bám vào thực tiễn của đời sống, cụ quan niệm dân tộc học là cuộc sống nên trong 29 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cụ luôn bám trò, bám thầy, bám trường, ở đâu khó khăn là đến đó, ở những nơi khó khăn, xa xôi rất nhiều hiểm nguy cụ đều đặt chân đến. Tình yêu cuộc sống, con người, công việc của cụ cũng như hy sinh của người mẹ rất mực thương con và hy sinh cả đời cho chồng và các con đã là một tấm gương sáng để cho các con học tập.

Để có sự thành đạt của ngày hôm nay, ngoài hình bóng người cha, ông và các chị đã học được những bài học lớn từ người mẹ. Bà vốn là con gái cưng của cụ Vi Văn Định, nguyên là Tổng đốc tỉnh Thái Bình. Lớn lên trong nhung lụa, nhưng khi gặp GS.TS Nguyễn Văn Huyên và trở thành vợ ông, bà bỏ tất cả để đi theo kháng chiến.

Cũng phải nói thêm một chi tiết rằng, chị gái và cháu gái của bà đều là vợ của các nhà khoa học, trí thức tên tuổi  như GS. Hồ Đắc Di, GS. Tôn Thất Tùng... Các anh chị em trong gia đình GS. TS Nguyễn Văn Huy đều xem mẹ mình như một tấm gương sáng về sự nỗ lực vươn lên... Bà vừa lo lắng cho gia đình vừa đi học bổ túc văn hóa, rồi học trung cấp y và trở thành người kỹ thuật viên đứng đầu phòng nghiên cứu của GS. Đặng Văn Ngữ. Bà học tiếng Pháp và học vẽ tranh. Sau này bà đã trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của họa sĩ Vi Kim Ngọc hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Với ba thế hệ làm khoa học, gia đình giáo sư Nguyễn Văn Huyên đều đã có những thành tựu đối với đời sống. Thế hệ thứ ba, cháu ngoại GS Nguyễn Văn Huyên là TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, là một chuyên gia tim mạch có tên tuổi với nhiều cống hiến trong nền Y học Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất là các con cháu dù ở lĩnh vực nào cũng đều đoàn kết, yêu thương nhau để cùng xây dựng một truyền  thống gia đình với những mốc son đã ghi dấu cùng năm tháng.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.