Châm cứu Việt Nam: Chặng đường "bị gậy" tới đại cường

Thứ Sáu, 22/01/2010, 09:00
GS-TSKH Nguyễn Tài Thu hẹn với chúng tôi sau chuyến Đoàn Việt Nam sang Pháp dự Đại hội VII Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới (WFAS) và Hội nghị khoa học quốc tế (từ ngày 3 đến 8/11/2009) trở về sẽ có thêm thông tin cập nhật. Vâng, chúng tôi quả là may mắn được thầy ưu ái dành thời gian.

Xuân này nữa đã qua tuổi 80 (Canh Ngọ - 1930), như nhiều người bệnh luôn cầu mong: nhờ trời, Giáo sư (GS) vẫn mạnh giỏi. Người gầy, khuôn mặt đẹp, phúc hậu, phong thái khoan thai, hòa nhã, giọng trầm ấm, hay gợi chuyện, dễ gần, với ai cũng niềm nở như ai...

Thầy kể vui: -Mình mới được "thăng chức to lắm". Chả là GS Đặng Lương Nguyệt, Chủ tịch WFAS người Trung Quốc phát biểu chúc mừng thầy được Đại hội VII tái bầu giữ chức Phó chủ tịch duy nhất của WFAS. GS Đặng Lương Nguyệt vui mừng nhắc lại: Kể từ ngày thành lập WFAS năm 1985, thành viên tích cực này của WHO, chưa có tiền lệ, cũng chưa có người tài cao, đức cả, tuổi tác như Bác sĩ (BS) Nguyễn Tài Thu: Liên tục 7 khóa, 24 năm, xem ra ngày càng được tín nhiệm cao. Xin nhiệt liệt chào mừng Lão Đại ca...

Chúng tôi cùng cười và thưa: - Thật đáng quý vì cách tôn gọi này bày tỏ sự thân thiết, hết sức ngưỡng mộ của người đứng đầu WFAS đối với thầy...

Nhớ lại thời điểm "ra trận"

Ngày 9/1/1979, anh bộ đội Cụ Hồ - BS Nguyễn Tài Thu nhận quyết định đi Pháp. Anh xác định nhiệm vụ trước Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn và Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị: - Chuyến đi này như ra mặt trận. Xin hứa phải đánh thắng!...

Cuộc chiến 17 ngày trên biên giới phía Bắc, quân lính Pônpốt tràn sang đất ta tàn sát đồng bào mình ở phía tây nam, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt trên mọi lĩnh vực. Đất nước rơi vào khủng hoảng, bị cô lập, vô vàn khó khăn, thử thách. Góp phần gỡ thế bí, Trung ương mở "mũi nhọn châm cứu", chọn "tung thâm" trên đất Pháp đang là một "cường quốc" có Viện Hàn lâm châm cứu nổi tiếng và quan hệ rộng rãi khắp thế giới. Đại sứ quán ta ở Paris và cả hệ thống tổ chức cá nhân hảo tâm đã chuẩn bị thành phố Toulouse làm "cửa mở - đột phá khẩu".

"Chiến sĩ đặc công" Nguyễn Tài Thu "đột nhập" vào Tòa thị chính tỉnh theo lời mời của Hội Châm cứu miền Nam Pháp. Trên bục giảng, trước cử tọa hơn 400 đại biểu thượng lưu trí thức, anh giới thiệu Châm cứu Việt Nam, rồi, dùng châm cứu chữa câm điếc, bại liệt... Người Tây ưa thực dụng: "trăm nghe không bằng một thấy". Người ta "đột ngột" đưa tới một người bệnh 70 tuổi đang lên cơn hen rất nặng, bệnh chưa thấy đề cập trong thuyết trình. Chỉ sau 15 phút, cụ bà hết cơn hen, tỉnh táo, vui vẻ cảm ơn "con cháu Hồ Chí Minh".

Lại báo cáo 10 năm châm tê tại Việt Nam. Cũng thực dụng, thử tài. Một dạng kỹ thuật không dễ chút nào, mới nghe đã thấy... "khó lọt tai" với cả các bậc thầy châm cứu nước ngoài.  Hàng trăm đôi mắt mục sở thị tại chỗ, hàng triệu người xem truyền hình trên các châu lục dõi xem, nhiều fan nín thở lo "nhỡ ra"... Bệnh nhân dám nhận làm "chuột bạch" đầu tiên là nữ bác sĩ Franico đến từ Bệnh viện Ranguei 31 tuổi chưa chồng. Trên bàn mổ, cô vô tư nhai kẹo, mặc cho các phẫu thuật viên dao kéo va chạm lách cách ở dưới bụng mình. Đầu xuôi thì đuôi lọt. "Tình nguyện viên" "xếp ngạch" trước, cả trên Paris xin châm tê từ thủ thuật đơn giản: nhổ răng, thai nhi to quá cỡ..., đến lấy sỏi mật, cắt u xơ, u nang buồng trứng, cắt nối đại tràng, câm điếc nói nghe trở lại, bại liệt được phục hồi, mổ các loại ung thư nội tạng...

Hàng trăm "giám khảo" cả khắp nước Pháp và châu Âu tới Đại hội Châm cứu toàn quốc Pháp lần thứ ba (27/1/1979) để "chấm thi" tay nghề và "xoay" anh "thí sinh" Việt Nam. Sau 53 ngày hết sức mệt mỏi, căng thẳng, tên tuổi "siêu thủ khoa" Nguyễn Tài Thu gắn liền với cụm từ Châm cứu Việt Nam lừng danh khắp toàn cầu, mở đường thăng hoa cùng dân tộc.

GS - TSKH Nguyễn Tài Thu đang điều trị cho bệnh nhân.

"Cây kim thần" Nguyễn Tài Thu tới dự Đại hội lần thứ nhất Hội đồng Châm cứu Tây Thái Bình Dương được bầu Đồng Chủ tịch ngay năm đầu thành lập 1982. Rồi năm 1985, Phó chủ tịch WFAS. Ngày đó nhiều bạn hữu quốc tế ban đầu muốn mời BS Thu giữ ghế Chủ tịch, bạn chưa hiểu như ta hiểu: nước có lịch sử châm cứu bằng văn tự mấy ngàn năm, lực lượng cán bộ hùng hậu, cơ sở vật chất dồi dào, có văn phòng WFAS đặt tại Bắc Kinh... vai trò nước bạn thật quan trọng. Mấy anh em gợi lên ý đó, thầy Thu nhắc lại nhiệm vụ vào WFAS là học hỏi trao đổi chuyên môn, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế - một đường lối bất di bất dịch của Bác Hồ di huấn lại cho Đảng ta là như vậy.

Bước chuẩn bị "bị gậy"

Năm 1967, Hội Châm cứu Việt Nam ra đời, tập hợp đội ngũ, phát triển chuyên môn và đào tạo cán bộ. Chủ tịch Hội 10 năm đầu là Lão Lương y Đặng Văn Cáp, người chăm sóc Bác Hồ từ năm 1928, khi Người hoạt động ở Xiêm. 14 năm sau, giấc mơ ấp ủ đã cháy bỏng của BS Thu thành hiện thực. Anh cầm Quyết định ngày 24/4/1982 về việc thành lập Viện Châm cứu mới đủ chức năng khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân tài, biên soạn tư liệu, hợp pháp quốc tế...

Anh đạp xe mấy ngày liền đi khắp nội ngoại thành tìm đất, rồi đến UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trần Vĩ ký ngay cho miếng đất trên cánh đồng Si. Nhưng, cả đất cùng mấy ngôi nhà gạch bỏ hoang Tổng công ty UNIMEX đòi đúng 64.000 đôla Mỹ. Anh vạch một kế hoạch kiếm tiền quy mô, huy động toàn bộ nội - ngoại lực vốn có. Trong đó, khá táo bạo là thành lập Ban vận động xây dựng Viện Châm cứu Việt Nam đóng đại bản doanh tại thủ đô nước Pháp. Thực ra thì khó khăn chỉ là kinh phí, còn chủ trương lập Viện đã được lãnh đạo ngành nhất trí từ sau ngày đất nước thống nhất 1975. Chuyến đi Pháp năm 1979 là bước thử nghiệm tiềm lực đã chuẩn bị từ sau những năm 60.

Liền đó, liên tiếp đến các nước châu Âu, khối Xã hội chủ nghĩa. Chuyến đi sau "đại thắng" hơn chuyến trước. Vậy là đồng tiền hảo tâm chủ yếu từ ngoài nước cộng với công sức, tiết kiệm đóng góp của anh chị em trong cơ quan mà có cơ ngơi ngày nay: Viện Châm cứu Trung ương 49 Thái Thịnh, Hà Nội.--PageBreak--

Năm 1960, như một cột mốc đánh dấu bước phát triển tự chủ của ngành Đông y với chủ trương Đông - Tây y phối hợp, Bác Hồ đưa ra tại Đại hội III của Đảng. Các vị lãnh đạo Bộ Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thạch đều rất ủng hộ các bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản đi sâu nghiên cứu thuốc nam, thuốc bắc và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. "Phòng thí nghiệm" ở hậu phương, ngoài tiền tuyến đâu đâu cũng có vì thuốc tây rất thiếu. Mổ xẻ, cắt chân, cưa tay không có thuốc gây mê, gây tê thì buộc garô, day bấm huyệt, sẵn kim biết châm thì thử châm tê. Đề tài nghiên cứu châm tê bắt đầu từ đó, tại chiến trường năm 1971.

Từ phương pháp thủy châm tiêm thẳng thuốc chữa lao vào huyệt ở phổi của BS Phạm Ngọc Thạch, anh tiếp tục nghiên cứu thì thấy Vitamin B1, C, Novocain... rẻ tiền, dễ mua mà hiệu lực của thuốc lại cao hơn, nhanh khỏi hơn. Từ kinh nghiệm của bản thân đi thực tế tại các chiến trường, lại có thời gian làm công tác tuyên huấn, làm báo Đông y, anh đã vừa tổng kết vừa phổ biến rộng rãi nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn kỹ thuật châm cứu, châm tê để sau này làm cứ liệu giảng dạy ở nước ngoài, không một nước nào so sánh được.

Giáo sư gọi đó là thời gian vật chất chuẩn bị tiềm lực để "đem chuông đi đấm xứ người". Nhưng có thể ví von một chút được không - chúng tôi hỏi vui - rằng người biết mục đích đi kiếm tiền xây Viện, thì gọi là những năm "chuẩn bị bị gậy"? Giáo sư cười: - Cũng là một ý hay. Cũng thực dụng lắm chứ, đâu phải cần danh tiếng! Ấy thế nhưng không thể quên ra nước ngoài để học hỏi, giới thiệu và hữu nghị.

Một đại cường y học bổ sung

Bác Hồ dạy: Thuốc tây, thuốc ta đều hay, có bệnh thuốc này không chữa được, thuốc kia chữa khỏi. Cần phối hợp tùy bệnh, tùy người, tùy lúc.

Báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn ta tại Pháp lần này được đánh giá là rất xuất sắc. Các vị trong đoàn được hỏi đều nói "Cụ chỉ dùng từ ở mức cao nhất" đó thôi. Thực tế, có đi mới thấy hết bạn hữu xa gần đánh giá cao như thế nào, ngưỡng mộ hai chữ Việt Nam ra sao, mà nói riêng là Châm cứu Việt Nam, là GS cây kim thần Nguyễn Tài Thu.

Thật vậy, trong các văn bản của Đại hội đánh giá về hai mặt chất lượng hoạt động cơ bản của Liên hiệp Hội là phục vụ đại chúng và kỹ thuật cao, hiệu quả lớn thì Việt Nam luôn luôn đứng sau Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), sau đó 3 nước tiêu biểu nữa là Hàn Quốc, Nhật Bản, bên Âu Mỹ là Canada - trong tổng số hơn 60 nước tham gia WFAS và 124 tổ chức quốc tế. Mấy anh nói vui: Việt Nam luôn được giao và phải nhận toàn những việc "hóc búa", nào: Biên soạn khoa học châm cứu thế giới; nghiên cứu cải tiến và đẩy mạnh sản xuất dụng cụ thiết bị châm cứu; tổng kết, đánh giá các mô hình, phác đồ phòng trị bệnh bằng châm cứu; nghiên cứu nâng cao hiệu quả chữa trị các bệnh nan y, bệnh thời đại như: u tuyến giáp, động kinh, béo phì, bán thân bất toại, di chứng liệt não, liệt chi dưới do viêm tủy, đau tê tay chân vì bệnh cột sống, co cứng gân cơ, bệnh tâm thần kinh, nghiện ma túy, thuốc lá...

- Thưa thầy, trong hai tiêu chí cơ bản vừa nêu, Việt Nam được bạn bè đồng nghiệp ca ngợi muốn khai thác học tập cụ thể, chẳng hạn tính đại chúng là ở những hoạt động nào của Hội và Viện Châm cứu nước ta? Chúng tôi hỏi.

- Dùng từ khác thì là tính phổ cập đem lại hiệu quả của châm cứu. Phổ cập ra nước ngoài thì ta đã có quan hệ với bốn mươi mấy nước: ta sang bạn chữa bệnh, giảng dạy và bạn sang ta học tập. Theo Nghị quyết Đại hội VII thì năm 2011, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho toàn thế giới, lúc đó số nước quan hệ còn nhiều nữa. Thực tình ta chưa đủ sức đáp ứng hết "lời mời".

Ở trong nước thì ta có các hệ thống từ Trung ương tới các làng xã: bên Tây y là bệnh viện, trạm xá đều có châm cứu, bên cạnh đó là các cơ sở Hội, rồi phòng mạch tư nhân. Tuy nhiên, quốc tế đánh giá rất cao châm cứu nước ta còn ở chỗ đối tượng phục vụ là người nghèo, trẻ em tàn tật (GS là Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật), nạn nhân chiến tranh, người cao tuổi... kèm theo là những biện pháp tích cực như chữa bệnh miễn phí, tới các vùng sâu, vùng cao phục vụ và đào tạo châm cứu cho y tế cơ sở. Độc đáo ở ta là châm tê phẫu thuật ra đời trong chiến tranh do thiếu thuốc, đến nay sức khỏe con người ngày càng đe dọa nghiêm trọng là hiểm họa ma túy, thuốc lá... thì châm cứu nghiên cứu cắt cơn nghiện.

Đó cũng là một yêu cầu không dễ về chuyên môn nên Hội nghị khoa học quốc tế lần này mời GS chủ trì điều khiển một trong 3 tiểu ban - 3 Hội trường chuyên đề về trị các chứng đau, tê liệt, châm tê phẫu thuật và cắt các loại cơn nghiện.

- Thưa thầy, Việt Nam được tôn gọi là "đại cường" (trong số 4 nước: Trung Quốc, Việt Nam, Pháp và Mỹ), thầy là "Lão Đại ca". Vậy về phía ta, nhân năm mới Canh Dần - 2010 có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, của riêng thủ đô, thầy có thể chia sẻ gì về mong muốn của mình qua Chuyên đề ANTG - một diễn đàn rất được đông đảo bạn đọc gần xa mến mộ đón nhận như món quà đầu Xuân?

- Vâng! Với ngành thì chúng tôi rất mừng sau Nghị quyết năm 2006 số 46 của Bộ Chính trị về phát triển Y học cổ truyền dân tộc thành nền Y học khoa học và đại chúng; mới đây, Ban Bí thư lại ra Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4-7-2008 về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Trung ương Hội và Viện Châm cứu đã trình Bộ Y tế về chủ trương triển khai đường lối của Đảng trong ngành, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ nhà châm cứu đức tài, nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật cao châm cứu phối hợp tới mọi làng bản với đối tượng ưu tiên là người bệnh thuộc các diện chính sách.

Về phần cá nhân, nay tuổi đã cao, ngày 4/10 vừa qua tôi gửi thư kính chuyển nguyện vọng, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chấp nhận cho xây dựng tại làng quê tôi xã Vân Canh, huyện Hoài Đức một Trung tâm đào tạo và ứng dụng châm cứu Việt Nam. Gọi là đây như một lưu niệm dâng đời để tri ân Đảng, Bác Hồ kính yêu, nhân dân Hà Nội thân thương, cùng dòng tộc Nguyễn Tài ruột thịt đã đùm bọc giáo dưỡng mình có được chút công đức nhỏ mọn làm rạng rỡ thêm cho non sông gấm vóc Hồ Chí Minh và  quê hương Rồng bay tròn ngàn năm văn hiến.

Xin cảm ơn quý báo An ninh thế giới!

Trịnh Tố Long
.
.