Hoạt động vận tải tại TP HCM thời điểm giá xăng, dầu giảm sâu:

Chậm giảm cước và chở quá tải để trục lợi

Thứ Sáu, 11/09/2015, 20:35
Ngày 3/9 vừa qua, giá xăng A92 đã có mức giảm kỷ lục gần 1.200 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng giảm từ 100 - 700 đồng mỗi lít. Như vậy, sau 5 lần giảm liên tiếp trong vòng 3 tháng gần đây, giá xăng đã giảm 3.000 đồng một lít; giá dầu diezen giảm 3.470 đồng/lít sau các lần tăng giảm từ đầu năm đến nay.

Nhưng cũng giống như những lần giá xăng dầu giảm trước đây,  việc giảm giá cước của doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn diễn ra khá chậm trễ, nhỏ giọt và có hiện tượng chây ì. Đã vậy, giới kinh doanh vận tải vẫn đang tồn tại tình trạng chở quá tải để trục lợi.

Giá bán lẻ xăng dầu đã giảm sâu, cước vận tải và nhiều loại hàng hóa vẫn chưa chịu giảm.

Xăng dầu giảm, cước vận tải vẫn chưa chịu giảm

Chịu ảnh hưởng trực tiếp mỗi lần giá xăng tăng giảm, nhưng theo thông tin chúng tôi nắm được từ Hiệp hội taxi TP HCM, ngày 5/9 Hiệp hội mới có văn bản vận động các DN hội viên nên nhanh nhất cũng phải đến ngày 8/9 việc giảm cước mới có thể được thực hiện.

Hơn thế, việc đồng loạt điều chỉnh đồng hồ để các đầu xe thực hiện giảm cước cùng lúc là không đơn giản. Bởi những hãng ít xe còn dễ, với hãng có vài ngàn đầu xe, việc bố trí đủ nhân sự để mở niêm, điều chỉnh đồng hồ tính cước và bố trí bãi đậu cho cả chừng ấy đầu xe cùng lúc cũng là vấn đề khó.

Đại diện một hãng taxi than vãn rằng, giá xăng tăng, giảm liên tục cũng khiến các hãng phát mệt với chuyện điều chỉnh đồng hồ tính cước. Do đó, sau khi quyết định giảm cước theo giá xăng, có DN phải mất cả tuần mới thực hiện xong. Và như vậy, trong khoảng thời gian chờ nhà cung cấp dịch vụ giảm giá cước, người đi taxi vẫn cứ phải trả theo giá cũ? Thực trạng này càng khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi ngoài chuyện phải gánh cả tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí trong cơ cấu giá thành xăng, dầu.

Giá dầu diezen cũng đã giảm không ít, nhưng tại Bến xe Miền Đông, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến cho biết, đến thời điểm này mới có khoảng 8-9 DN vận tải trong số hơn 200 DN, nhà xe đang hoạt động tại bến thực hiện giảm giá vé ở mức 4-10%. Theo ông Hải, bến xe không có chức năng bắt buộc DN phải thực hiện giảm giá vé theo giá xăng dầu.

Các cơ quan nắm giá cước của DN vận tải là Cục Thuế, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành cũng chỉ căn cứ vào các khoản cấu thành trong giá vé tự kê khai của DN vận tải để đồng thuận với mức giá do DN đưa ra. Chỉ những chi phí nào không hợp lý mới yêu cầu DN giải thích. Điều này dẫn đến hiện tượng cùng chạy trên một tuyến nhưng giá vé khác nhau do chi phí DN vận tải bỏ ra khác nhau?

Chẳng hạn, có nhà xe đầu tư mỗi phương tiện ở mức 3 tỉ đồng, rồi kê khai các khoản chi phí cấu tạo lên giá thành vận chuyển cao như khấu hao phương tiện, thay thế phụ tùng thiết bị, lương tài xế, nhân viên phục vụ và các loại dịch vụ kèm theo cao nên giá vé buộc phải cao. Ngược lại, những nhà xe đầu tư phương tiện rẻ, kê khai chi phí thấp nên giá vé sẽ rẻ hơn đã dùng cách này để "đè" những DN, nhà xe yếu trên tuyến.

Nhiều doanh nghiệp vận tải khách, nhà xe ở TP Hcm chưa chịu giảm giá vé.

Những nhà xe không giảm giá vé, khi buộc phải kê khai lại giá cước đồng loạt đưa ra lý do rằng trước đây, thời điểm giá dầu tăng cao, nhiều DN không tăng giá vé để cạnh tranh. Nay khi giá dầu giảm, DN mới chỉ có lãi rất ít nên chưa xem xét việc giảm giá vé? Chỉ cần DN vận tải giải trình như vậy, các cơ quan quản lý về giá sẽ… "bó tay"?

Theo ông Hải, để cạnh tranh thu hút khách đi xe, DN vận tải, nhà xe cũng phải tính toán mức giá vé phù hợp nhất. Do đó giám sát hiệu quả nhất đối với giá vé của DN vận tải vẫn là hành khách đi xe. Nhưng trước xu thế khách đi xe đồng loạt quay ra chọn loại xe thương hiệu, chất lượng dịch vụ tốt dù đắt mấy cũng đi, thì nhà xe, DN vận tải thương hiệu chả cần phải bận tâm nhiều đến việc giảm giá vé.

Tính toán của một chủ xe chạy tuyến Nam - Bắc cho kết quả: Qua các lần tăng giảm, từ đầu năm tới nay giá dầu diezen đã giảm hơn 3.400 đồng/lít, nên cứ chạy 100km hết chừng 30 lít dầu, nhà xe đã giảm chi phí được khoảng 100.000 đồng. Chạy một lượt từ TP HCM đi Hà Nội chỉ tính với quãng đường khoảng 1.500 km, nhà xe đã giảm được 1,5 triệu đồng tiền dầu. Số tiền này đem chia đều cho 45 khách đi xe, mỗi vé có thể giảm được trên 30.000 đồng.

Với lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, hiện cũng mới chỉ có vài DN vận tải giảm cước ở mức một vài phần trăm. Theo ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố, các DN vận tải hàng hóa bằng xe container và chủ hàng đều có điều khoản ràng buộc với nhau rằng khi giá dầu tăng giảm 5% trở lên, sẽ tiến hành xem xét việc tăng giảm giá cước.

Song với thực trạng giá dầu diezen chỉ giảm nhỏ giọt mỗi lít một vài trăm đồng/lần như đợt này, việc điều chỉnh giảm giá cước khó có thể được thực hiện ngay. Mà khi các DN chủ lực không giảm giá cước để điều tiết thị trường, chắc chắn các DN vận tải nhỏ và chủ xe container lẻ khác cũng sẽ theo đó giữ nguyên giá cước.

Ông Thuận, một chủ xe container ở quận 7 tính toán, với mức tiêu hao nhiên liệu cao nhất cũng chỉ là 45 lít dầu cho 100 km, nếu giá dầu giảm được 500 đồng/lít, DN vận chuyển hàng hóa cũng chỉ giảm cước được ở mức không quá 50.000 đồng cho một chuyến cả đi lẫn về với container từ khu vực cảng Cát Lái, TP HCM đi các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An, Tây Ninh… do đó, khi xăng dầu giảm giá, các mặt hàng khác như vật tư, thiết bị phụ tùng không chịu giảm theo, chỉ một mình cước vận tải giảm là không đáng kể.

Nhưng thực tế, giá đầu diezen đã giảm được hơn 3.000 đồng/lít từ đầu năm tới nay, nên cộng lại cứ chạy 100 km DN vận tải phải giảm cước ở mức 150 ngàn đồng thời điểm này mới được cho là hợp lý.

Chở quá tải để trục lợi còn phổ biến

Đã không chịu giảm cước vận chuyển, nhiều DN vận tải hàng hóa còn bất chấp vi phạm về chở quá tải để cạnh tranh lẫn nhau và thu lợi. Hơn một năm trở lại đây đã có trên 26.000 trường hợp bị Thanh tra GTVT thành phố xử phạt lỗi chở quá khổ, quá tải. Trong đó số lượng xe vi phạm về chở quá tải so với thiết kế chiếm con số 11.640.

Cụ thể hơn, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT thành phố cho biết, hành vi chở quá tải thiết kế trên 60 đến 100% đối với xe có sức chở dưới 5 tấn và trên 50% đến 100% đối với xe có sức chở đối với xe tải trọng từ 5 tấn trở lên chiếm 5.480 trường hợp. Thậm chí, chỉ cần lỗi vi phạm chở gấp đôi tải trọng cho phép với xe dưới 5 tấn của cá nhân đã bị phạt tới 24,5 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung tước bằng lái 3 tháng với tài xế, nhưng vẫn có đến 806 trường hợp bất chấp khoản phạt nặng này, ngang nhiên vi phạm.

Ông Việt cho rằng, tuy với xe dưới 5 tấn, hành vi chở quá tải gấp rưỡi, gấp đôi mức cho phép không gây hư hại nhiều đến cầu đường, song vi phạm này uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông do dễ gây hư hỏng phương tiện, lật xe, mất lái khi đang lưu thông trên đường. Còn với xe khách, ngoài chuyện giá vé chỉ được một số ít DN giảm nhỏ giọt từ đầu năm đến nay và việc xe khách được tự do khai thác, vận chuyển hàng hóa để thu lợi vẫn được các cơ quan quản lý bỏ ngỏ, chưa đưa vào diện phải kiểm soát.

Thì kết quả kiểm tra với xe khách trong đợt cao điểm vừa qua vẫn thể hiện rằng trong số 1.354 phương tiện được Thanh tra GTVT TP HCM kiểm tra vẫn có đến 500 xe vi phạm về điều kiện kỹ thuật của phương tiện, về điều kiện kinh doanh vận tải và một số vi phạm khác. Điều này càng chứng tỏ thực trạng dù đã kê khai chi phí khấu hao, sửa chữa, bảo dưỡng… trong giá vé, song vẫn còn nhiều nhà xe không chịu đầu tư để hoàn thiện các điều kiện đảm bảo an toàn cho người đi xe.

Cân kiểm soát tải trọng với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Để siết chặt kiểm soát vi phạm về chở quá tải đối với các loại xe có sức chở lớn, hiện nay các cảng biển ở TP HCM đã được phép tra cứu thông tin, dữ liệu về tải trọng xe từ mạng của Cục Đăng kiểm nếu nghi ngờ. Xe vào cảng cũng buộc phải qua cân, phát hiện quá tải, đại diện cảng sẽ mời Thanh tra GTVT xuống xử lý. Như vậy, việc kiểm soát tải trọng với các loại xe tải lớn chở hàng ra vào cảng biển trên địa bàn hiện đã tạm ổn.

Nhưng với hàng trăm ngàn đầu xe tải hoạt động hàng ngày ở thành phố, số lượng xe được đưa vào cân kiểm tra tải trọng do Thanh tra GTVT và CSGT thực hiện được là không lớn do việc kiểm tra chỉ được tiến hành thủ công và không thể cùng lúc đưa hết số xe tải đang chạy trên đường vào cân. Vì vậy ông Việt cho rằng, chỉ có thể khắc phục hạn chế này bằng các trạm cân tự động mới có thể kiểm soát được toàn bộ số xe tải lưu thông trên tuyến.

Hiện TP HCM đã có dự án đầu tư 4 trạm cân tự động từ vốn ngân sách và 2 trạm được đầu tư bằng hình thức BOT.

Thông tin từ ông Việt còn cho biết, các trạm cân tự động có vốn ngân sách dự tính sẽ được đặt để kiểm soát tải trọng cả 2 chiều trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh; khu vực cầu Phú Mỹ hướng từ quận 7 sang quận 2; một trạm nữa đặt tại khu vực cầu Giồng Ông Tố để kiểm soát tải trọng xe vào cảng Cát Lái và trạm còn lại dự kiến đặt tại cầu Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Cả 2 trạm đầu tư bằng hình thức BOT sẽ được đặt trên Quốc lộ 1, đoạn gần trạm thu phí An Sương - An Lạc để kiểm soát toàn bộ xe trên tuyến.

Theo ông Việt, các hệ thống trạm cân tự động này có ưu điểm là không có sự tác động của con người nên sẽ không lo xảy ra sai phạm. Khi đó, lực lượng xử phạt chỉ cần liên kết chặt chẽ với hệ thống các trạm đăng kiểm, xe nào không chấp hành sẽ cho ngưng đăng kiểm là có thể xử lý triệt để với xe vi phạm. Tuy nhiên, để có thể dùng hình ảnh, dữ liệu vi phạm từ hệ thống cân tự động đưa vào phạt nguội, hiện còn thiếu quy định pháp quy về xử phạt hành chính theo phương thức này.

Thái Bảo
.
.