Chậm giảm giá cước taxi: Có phải do “tắc” kiểm định đồng hồ?

Thứ Sáu, 05/12/2008, 10:00
Do đó mỗi lần điều chỉnh giá xăng thì Công ty chúng tôi phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu tính toán lại giá cước. Vì trong ngành vận tải chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 25 - 30% giá thành vận tải. Mà khó khăn nhất là khi vừa tính xong đang làm thủ tục đăng ký áp dụng giá cước mới thì giá xăng lại điều chỉnh phải hủy bỏ bảng giá cước đó tính lại giá cước khác.

TP Hồ Chí Minh: Xăng dầu giảm nhỏ giọt, taxi khó hạ giá cước (!?)

Cách đây hơn một tuần, Ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc điều hành Công ty Taxi Vinasun - khi trả lời báo chí về việc giảm giá cước taxi đã cho biết, xe Vinasun điều chỉnh giảm giá cước từ 11.000đ/km xuống còn 10.500 đồng/km, ngay khi giá xăng còn ở mức 14.000đ/lít. Nay giá xăng dầu tiếp tục giảm thêm 1.000đ/lít nên đơn vị quyết định giảm giá cước còn 10.000đ/km.

Thế nhưng, do ùn ứ ở trạm kiểm định nên hiện nay taxi Vinasun có 3 giá cước gồm: giá cước 11.000đ/km đối với xe chưa điều chỉnh đồng hồ tính cước, 10.500đ/km đối với xe đã điều chỉnh và 10.000đ/km cho loại xe vừa điều chỉnh từ ngày 16/11.

Điều này cho thấy nhiều hãng taxi tuyên bố giảm giá cước taxi nhưng thực tế chỉ có số xe nào được kiểm định mới giảm, còn lại là xe chưa giảm vì còn chờ kiểm định đồng hồ.

Do đó, người tiêu dùng vẫn trả giá cước taxi cao cho xe chưa kiểm định đồng hồ taxi trong một thời gian dài. Bởi vì có không ít doanh nghiệp lợi dụng dịp xếp hàng chờ kiểm định đồng hồ để đủng đỉnh hạ giá cước taxi.

Nhân viên Trung tâm KTTCĐL chất lượng khu vực 1 kiểm định đồng hồ cước taxi.

Trên thực tế, giá cước taxi dường như bao giờ cũng là vấn đề "nhạy cảm" đối với doanh nghiệp. Chúng tôi có buổi làm việc với ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Hãng taxi Mai Linh, xung quanh vấn đề giảm giá cước theo giá xăng dầu hiện nay.

Theo ông Việt, khi giá xăng ở ngưỡng 19.000đ/lít, taxi Mai Linh có giá 15.000đ cho km đầu tiên và 11.500đ cho 30 km tiếp theo.

Tuy nhiên, kể từ 0 giờ ngày 15/11, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh: xăng A92 còn 13.000đ/lít, giá cước taxi Mai Linh sẽ giảm còn 10.000 đ/km, giá mở cửa là 12.000đ (trước đây 15.000đ), từ km 26 trở đi chỉ còn 7.000 đ/km.

Để nhanh chóng đưa giá cước mới vào phục vụ, từ 20 giờ ngày 17/11, Tập đoàn Mai Linh đã tiến hành đăng ký điều chỉnh giá cước đồng hồ taxi tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Sở Khoa học Công nghệ TP HCM.

Tuy nhiên, do tình trạng quá tải, chi cục chỉ có thể điều chỉnh đồng hồ, dán tem, niêm chì... được từ khoảng 230 xe/đêm, nên theo dự kiến, phải đến thứ sáu, ngày 21/11/2008, toàn bộ 2.000 taxi Mai Linh mới hoàn tất việc điều chỉnh giá cước đồng hồ taxi.

Theo ông Việt, để điều chỉnh lại giá cước thì doanh nghiệp kinh doanh taxi phải có văn bản trình Sở Tài chính, và thời gian để nhận được phúc đáp từ Sở này là 3 ngày. Tuy nhiên, sau khi công văn được gửi đi, Mai Linh đã bắt tay ngay vào việc thực hiện giảm giá cước.

Ông Việt nhấn mạnh: "Sở dĩ Mai Linh cho giảm giá cước trước khi nhận được công văn đồng ý của Sở là bởi chắc chắn 100% Sở sẽ đồng ý cho doanh nghiệp hạ giá cước nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng". Vấn đề là mọi thứ phải được thực hiện theo đúng trình tự pháp lý, mà đôi lúc, những trình tự này đều phức tạp và rối rắm.

Hơn nữa, có một điều mà giới kinh doanh taxi rất ngại, đó chính là từ lúc Chính phủ chấp thuận phương án thả nổi giá xăng dầu thì giới kinh doanh taxi luôn lâm vào tình trạng bị động. Xăng dầu khi tăng thì tăng cao đột ngột, nhưng lúc giảm (theo tỉ giá dầu thô thế giới) thì lại giảm nhỏ giọt.

Ngày hôm nay giảm 500đ, ngày tiếp theo lại giảm 500đ và ngày kế nữa xuống thêm 1.000đ. Cách giảm nhỏ giọt này khiến giới kinh doanh taxi muốn điều chỉnh giá cước bỗng lâm vào tình trạng "không biết đường nào mà lần".

Bởi, trong cơ cấu giá thành taxi thì giá nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 23-31%, tùy theo dòng xe sang, xe trung bình hay bình dân. Chính vì vậy, khi giá xăng giảm nhỏ giọt, việc điều chỉnh cước là gần như không thể, bởi không lẽ giảm 200 hoặc 150đ/km(!?).

Vẫn liên quan đến vấn đề giảm giá cước, đại diện công ti taxi Hoàng Long cho biết: “Trong mỗi lần điều chỉnh thay đổi giá cước, Công ty chúng tôi đều có làm thủ tục đăng ký đúng quy trình. Thủ tục đăng ký này đơn giản và không có vấn đề gì.

Điều khó khăn nhất ở đây là tính lại giá làm sao cho hợp lý vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa đảm bảo lợi nhuận cho Công ty và nhất là làm sao thu hút được khách hàng. Trong đó giá cả cũng không kém phần quan trọng quyết định thu hút khách hàng.

Do đó mỗi lần điều chỉnh giá xăng thì Công ty chúng tôi phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu tính toán lại giá cước. Vì trong ngành vận tải chi phí nhiên liệu chiếm khoảng từ 25 - 30% giá thành vận tải. Mà khó khăn nhất là khi vừa tính xong đang làm thủ tục đăng ký áp dụng giá cước mới thì giá xăng lại điều chỉnh phải hủy bỏ bảng giá cước đó tính lại giá cước khác.

Cụ thể từ ngày 7/10/2008 đến ngày 15/11/2008 giá xăng giảm tất cả 6 lần gây khó khăn rất lớn cho ngành vận tải taxi vì khi xăng lên giá chênh lệch rất cao từ 11.300đ/lít lên 13.000đ/lít, rồi 14.500đ/lít và lên 19.000đ/lít, nhưng khi xuống giá chỉ có từ 500đ/lít đến 1.000đ/lít và giảm nhiều lần nên ngành vận tải taxi không thể nào điều chỉnh theo kịp giá xăng được”.

Bên cạnh đó, mỗi khi các hãng taxi lập trình lại chuyện giảm giá cước thì ở một số địa phương không có Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng như Bình Phước hay Sóc Trăng... giới kinh doanh taxi phải trực tiếp chịu chi phí mời cơ quan này xuống các địa phương thẩm định quy trình giảm giá cước. Nghĩa là, chuyện giảm giá cước đối với giới kinh doanh taxi cũng là cả một vấn đề, chứ không đơn giản chỉ là "xăng giảm, taxi giảm ngay".

Vì vậy ông Việt cho rằng thay vì tiền kiểm như hiện nay, Nhà nước hãy áp dụng cơ chế hậu kiểm cho giới kinh doanh taxi tự điều chỉnh giá cước theo giá nhiên liệu. Nếu cơ chế hậu kiểm được thông qua, giới kinh doanh taxi rất thuận lợi trong việc điều chỉnh giá cước để đảm bảo quyền lợi giữa người kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Khi cơ chế hậu kiểm được thông qua, Nhà nước sẽ đóng vai trò giám sát. Nếu phát hiện doanh nghiệp kinh doanh taxi vi phạm về giá cước, niêm chì... sau khi đã thông báo, thì cơ quan chức năng đó sẽ phạt thật nặng đơn vị kinh doanh taxi. Thậm chí, nếu cần thiết cơ quan chức năng có thể kiến nghị rút quyền kinh doanh của đơn vị sai phạm.--PageBreak--

Hà Nội: chậm giảm giá cước là do chính các hãng

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội, cho biết sau cuộc họp của Sở với các hãng taxi hôm 19/11 với "tối hậu thư" được đưa ra là ngày 25/11 các hãng phải giảm giá cước, tính tới chiều 27/11 đã có 92 hãng taxi giảm giá cước.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Trưởng Trung tâm điều hành vận tải, Công ty Cổ phần taxi Hà Nội, cho biết sau cuộc họp với Sở GT-VT, công ty đã triển khai ngay việc giảm giá cước xuống từ 10-15%. Điều khiến ông Hưng phàn nàn là việc kiểm định đồng hồ hiện rất mất thời gian, bởi sau khi đăng ký, các hãng sẽ phải chờ được kiểm định.

Cũng như ông Hưng, tại cuộc họp với Sở GT-VT, đại diện các hãng taxi đều than phiền việc kiểm định đồng hồ quá chậm. Hà Nội hiện có 104 hãng taxi với 10.000 xe, mặc dù các doanh nghiệp đã kiến nghị rất nhiều nhưng hiện ngoài một trạm tại Cầu Giấy mới chỉ bổ sung được 2 trạm di động.

Phải chăng do việc kiểm định quá chậm khiến cho việc giảm giá cước bị chậm? Chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Văn Sửu, Trưởng phòng Đo lường cơ độ dài (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng khu vực I), nơi đang thực hiện việc kiểm định đồng hồ. Điều bất ngờ là ông Sửu khẳng định không hề có chuyện các doanh nghiệp phải chờ đợi mới được được kiểm định như các hãng taxi phàn nàn.

Quả thực trong danh sách xe taxi kiểm định năm 2008 và chi tiết từng ngày cho thấy, thời điểm xăng tăng giá từ 14.000đ/lít lên 19.000đ/lít thì trung tâm đã kiểm định cho tới 600-700 xe/ngày bởi thời điểm đó các hãng đua nhau mang xe đến kiểm định, hãng ít thì 20 xe, nhiều thì tới vài trăm.

Nhưng sang tháng 10, khi giá xăng có xu hướng giảm thì số lượng xe mà các hãng đưa tới cũng giảm đáng kể, còn thời điểm trước ngày 25/11 thì còn ít nữa khi có hãng đưa có vẻn vẹn... 1 xe đến kiểm định. Cụ thể, trong khi thời điểm tháng 8 là 4.063 xe, tháng 9 là 1.042 xe nhưng tháng 10 chỉ có 884 xe được mang tới kiểm định.

Cá biệt như Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài đăng ký giám sát cài đặt cho 177 xe vào ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hà Nội Tourist đăng ký cài đặt cho 132 xe vào ngày 23/11 nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì mà lại... xin hoãn. 

Như vậy, về năng lực của trung tâm kiểm định là hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, bởi vào lúc cao điểm nhất, có ngày trung tâm đã kiểm định cho tới 800 xe.

Vấn đề đặt ra ở đây là rõ ràng đã có tình trạng các hãng đã cố tình trì hoãn để "gỡ gạc" bởi thêm một ngày chưa giảm cước là thu về thêm cả số tiền không nhỏ vì doanh thu của mỗi xe ít nhất vài trăm ngàn tới cả triệu đồng/ngày, mà mỗi hãng ít cũng trăm xe, nhiều thì tới ngót ngàn chiếc, đấy là chưa nói có những hãng thực tế chỉ có cái tên và hàng tháng thu tiền thương hiệu bởi xe đã bán hết cho tài xế nên đương nhiên càng trì hoãn được lâu thì càng lợi, cuối cùng thiệt nhất là khách hàng.

Để phục vụ nhu cầu người dân đi lại trong dịp tết cũng là để đảm bảo an toàn giao thông dịp cuối năm, thời gian tới Thanh tra giao thông sẽ phối hợp với Công an TP Hà Nội, Cục Thuế, Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng  thành lập tổ công tác liên ngành, mở đợt kiểm tra chất lượng taxi cũng như tình hình hoạt động của các hãng trên địa bàn.

Tổ công tác sẽ tập trung xử lý nghiêm các lỗi vi phạm về đồng hồ tính cước, giấy phép lái xe, đừng đỗ sai quy định gây ùn tắc giao thông...

Tân Lương-Kinh Hữu
.
.