Chậm với xích lô

Thứ Năm, 05/12/2019, 06:55
Trong mắt du khách, xích lô là phương tiện mang đậm nét truyền thống văn hoá Việt, một phương tiện di chuyển ấn tượng, độc đáo sau xe ngựa một thời nay quá vãng.

Ngồi trên những chiếc xích lô bóng loáng, được các bác tài đạp chầm chậm trên phố, du khách mới cảm nhận hết cảnh sắc xung quanh thật thú vị. Đó chính là những khoảnh khắc tạo ra sự khác biệt cho du khách khi đến thành phố một thời được gọi là hòn ngọc Viễn Đông.

Xích lô phục vụ du khách ngoại

Chỉ vì muốn ngắm Sài Gòn buổi sớm mai còn vắng xe cộ, một du khách Nhật đi từ chợ Bến Thành về một khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng, quãng đường chưa đến 10 phút đạp xe nhưng bị bác tài xích lô dạo "chém" tới 2,9 triệu đồng. Thông tin trên gây chấn động trong giới xích lô tour vào đầu tháng 8 vừa qua, đa phần họ không đồng tình với hành vi hành nghề bất chánh. 

Trong khi đó Nghiệp đoàn xích lô tour phản ứng khá gay gắt về hành vi chụp giựt bởi "con sâu làm rầu nồi canh", khiến chính quyền bất ngờ tỏ ra bối rối nhảy vào cuộc điều tra, khắc phục. Cũng may, sự cố đáng tiếc trên đã được giải quyết kịp thời, chứ nếu không, du khách sẽ nghi ngờ mỗi khi nhớ về một thành phố thông minh, thân thiện, nghĩa tình. 

Hình ảnh xích lô nghiệp đoàn thường thấy ở TP HCM.

Theo bà Trần Phương, Trưởng phòng kinh doanh Xích lô tours (Công ty XNK Khang Thịnh), cho biết sự cố trên ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến môi trường hành nghề của giới xích lô chân chính. Bởi du khách đi xích lô tour hiện thời có tới 41% là Việt kiều, tỷ lệ còn lại thuộc về du khách ngoại quốc. 

Cũng theo bà Trần Phương, vào những năm 2000 trở về trước, TP HCM xe máy chưa nhiều, chạy xích lô còn kiếm ăn được, gần chục năm trở lại đây xe máy tăng nhanh và gần đây xe ôm công nghệ bùng phát, song, họ thật sự khó khăn hơn khi thành phố có lệnh cấm xe xích lô, đưa giới này lâm vào cảnh bế tắc. 

Rất nhiều người trong số họ bỏ nghề, xe bán sắt vụn, số còn lại tiếp tục bám nghề để mưu sinh chỉ vì không thể làm được việc gì khác đành phải chạy "chui".

Đệ nhất xích lô của ông Trần Văn Bảy, sau khi ông mất được một Công ty đem về lưu giữ, xem như là kỷ vật của một đời người.

Nhiều bác tài "sống sót" đến giờ từng trải qua những tháng ngày xích lô bị cấm, khi đó ngày cơm bụi, tối gặm bánh mì, lấy xích lô làm giường qua đêm trên góc phố là chuyện thường nhật. Đối với họ không còn biết khổ là gì, bởi họ bế tắc trong kiếm việc làm nên đành tạm lui, tính kế. Họ tự an ủi rằng xích lô là chiếc cần câu cơm, một trong số những biểu tượng Sài Gòn còn sót lại và họ đang cố níu giữ.

Điển hình cho giới xích lô Sài Gòn cho đến thời điểm này có lẽ là "đệ nhất xích lô" Trần Văn Bảy. Ông Bảy sinh năm 1916, quê gốc ở ấp Bình Hưng, xã Thành Công, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Năm 17 tuổi ông rời quê hương lên Sài Gòn sau đó làm nghề đạp xích lô. Mấy chục năm qua ông lấy vỉa hè dọc đường Cô Bắc, quận 1, làm nhà, chiếc xích lô làm chỗ che mưa nắng cho ông. 

Do hoàn cảnh nên ông không nhà, không vợ con, tối ngủ trên xích lô lại mang bệnh tật. Cách đây gần chục năm Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hoà (Bình Dương) tình cờ phát hiện đã đến bày tỏ nguyện vọng với ông và chính quyền địa phương được đưa ông về công ty để phụng dưỡng. 

Năm 2009, ông mất do tuổi cao sức yếu lại bệnh tật nặng, phần mộ của ông được an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Sau khi ông mất, chiếc xích lô cũ kỹ gắn bó cả đời với ông giờ đây được xem như là kỷ vật cũng được nghĩa trang lưu giữ hết sức trang trọng.

Cách đây mấy năm, vận hội cho giới xích lô cũng mở ra, chính quyền cho phép một số Nghiệp đoàn xích lô hình thành, trong đó có Nghiệp đoàn Xích lô tours quy tụ khoảng 30 bác tài có tuổi đời không dưới 40, điểm chung muôn thuở của họ là nghèo và có kinh nghiệm hành nghề cả chục năm trở lên. 

Họ cử đại diện liên kết với các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn… để đưa khách tham quan quanh thành phố theo yêu cầu, thu nhập dần ổn định. Bác tài xích lô Văn Chí Dũng, 52 tuổi, quê Đồng Tháp, cho biết xích lô bây giờ chỉ có phục vụ du khách ngoại quốc, chứ khách nội không ai đi vì sợ bị chê là quê mùa.

Nhưng đối với du khách ngoại quốc thì họ nghĩ khác, ngồi trên những chiếc xe hơi bóng lộn đang dần trở nên nhàm chán. 

Còn ngồi trên chiếc xích lô truyền thống bóng loáng, được trang trí thêm chút "hoa lá cành" mui mới, nệm êm, một phương tiện đi lại nhẹ nhàng, mang cảm giác hoài cổ pha chút lãng mạn sẽ lưu lại khoảnh khắc đẹp, giàu cảm xúc trong cuộc đời vốn đong đầy hạnh phúc cho những ai biết lựa chọn. 

Trong thực tế nhiều người hiện nay còn thể hiện theo kiểu độc, lạ khi cùng lúc huy động 20 - 30 chiếc xích lô tours, trang hoàng cờ hoa lộng lẫy di chuyển hàng chục cây số trong những đám rước dâu hoặc tổ chức các sự kiện, lễ hội.

Trải nghiệm thú vị cho du khách

Hãy xem trải nghiệm trên những chiếc xích lô là một phần của tour du lịch khi đến thành phố HCM. Có như vậy mới cảm nhận hết sự tuyệt vời giữa Sài Gòn không ngừng chuyển động, một chuyến đi chậm, nhẹ nhàng lướt qua trên phố vào thời điểm còn thưa người càng làm cho du khách hiểu thành phố này hơn. 

Chỉ cần bước khỏi xích lô, du khách dễ dàng chạm chân vào bất kỳ con hẻm nhỏ nào để thưởng thức ly cà phê vỉa hè, hoặc giả ghé thăm ngôi chùa cổ kính, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những kỳ quan kiến trúc Đông Dương cổ xưa trong lòng thành phố.

Những chiếc xích lô một thời như thế này nay trở nên quá vãng.

Quả thật ít có phương tiện nào tiện lợi hơn xích lô. Giả sử lấy Phố Tây trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1) làm điểm khởi đầu, cuộc hành trình của du khách được bác xích lô chầm chậm lượn lờ trên phố theo từng vòng quay bánh xe đến chợ Bến Thành, một biểu tượng cũng đồng thời là nhân chứng hơn 300 năm lịch sử Sài Gòn dường như vẫn còn nguyên vẹn, dập dìu du khách thập phương. 

Hay xuôi theo con đường Trương Định rợp bóng cây xanh đến Dinh Thống Nhất, nơi hai miền Nam - Bắc 45 năm trước vui chung ngày hội đoàn viên.

Cuộc hành trình tuy không xa hoa, lộng lẫy nhưng cũng có thể kéo dài trong thú vị khi du khách muốn ghé thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, nơi lưu giữ những lát cắt lịch sử đầy biến động nhưng luôn gắn liền với thành phố được danh dự mang tên Bác. Ngoài ra còn nhiều điểm đến nổi tiếng khác như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, bến Bạch Đằng… cũng không kém phần thú vị. 

Ngoài các tour điểm trên, hiện còn có một số tour xích lô đơn lẻ tham quan chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ truyền thống Bình Tây, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ngọc Hoàng (cựu Tổng thống Mỹ B. Obama từng đặt chân đến)… Giá cố định xích lô tour hiện nay tầm 150.000 đồng/ giờ. 

Nhưng để cho chắc ăn, tránh trình trạng bị chặt chém, du khách nên đặt trước tour thông qua các đơn vị lữ hành hoặc nghiệp đoàn xích lô để được đưa rước tận nơi, đồng thời cũng nên thoả thuận trước cả phí mua vé vào cửa các điểm tham quan.

Mặc khác, để tránh bị say nắng, tắc đường, ảnh hưởng đến chất lượng tour du khách nên lưu ý đến thời điểm xuất phát, sáng sớm tầm 7 hoặc 8 giờ, hoặc chiều muộn phải tầm 16 - 17h. 

Phần lớn xích lô giờ trôi dạt ra ngoại thành làm phương tiện kiếm sống của nhiều người.

Hơn nữa thời tiết ở TP HCM vào mùa này thường có những cơn mưa bất chợt, du khách cũng nên chuẩn bị trang phục phù hợp, tiện lợi cho chuyến đi. Tuy nhiên, hầu hết xích lô tour đều có gắn mui nên du khách cũng chẳng phải lo mưa nắng, nếu mưa to thì các bác tài có chuẩn bị thêm tấm bạt để che chắn phía trước, nhưng đôi khi ngồi xích lô chầm chậm trôi đi dưới làn mưa bay lất phất có cảm giác thú vị riêng của nó.

Việt kiều Phong Nguyễn, 56 tuổi, lần đầu về nước kể từ sau năm 1975, sau khi trải nghiệm 2 giờ đồng hồ trên xích lô dạo quanh phố phường đã có cảm nhận tương đối xác đáng: Ngồi trên xích lô đương nhiên không giống như xe máy hay taxi, nó đơn sơ, di chuyển chầm chậm, lắc lư theo một nhạc điệu trên đường phố, nó cũng có thể dễ dàng lách qua những con phố hẹp khiến cho du khách chưa từng đi xích lô sẽ có cảm giác hơi xóc, nhưng bù lại là dịp tốt để trò chuyện với những bác tài luôn thân thiện, vui tính, tận tâm.

Họ có thể giao tiếp tiếng Anh ở trình độ cơ bản như chào hỏi, chỉ đường, hơn nữa bác tài là người hiểu biết rõ về các điểm đến cũng như những quán ăn ngon, hợp vệ sinh trên các đường tour mà họ đi qua. Có lẽ chính vì vậy mà nó được nhiều du khách nước ngoài yêu thích, mang đến cho họ cảm giác thú vị, thậm chí có nhiều du khách chợp mắt ngay trên xích lô lúc đi dạo cũng chẳng sao cả.

Trong ký ức của nhiều Việt kiều, xích lô là một hình ảnh đẹp một thời gần gũi với họ, nhất là đối với những người từng có quãng thời gian gắn bó với thành phố thân yêu này. Xích lô tuy không sang trọng nhưng nó đã từng đi vào thơ ca, phim ảnh, hội họa… và trở thành nét đẹp văn hoá trong tâm thức của người Việt. 

Chừng đó cũng đủ thấy du lịch bằng xích lô là một trong những trải nghiệm thú vị mà du khách nước ngoài nhất định phải thử khi đến Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng.

Có một nhà văn đã từng nói: Xích lô là một món quà văn hoá truyền thống vô giá mà lịch sử đã trao tặng cho đất nước Việt Nam. Mặc dù xã hội ngày một văn minh, xe pháo ngày càng hiện đại, sang trọng, không ai đoán chắc rằng phương tiện giao thông này sẽ còn tồn tại mãi, nhưng nếu một ngày nào đó nó đi vào quên lãng hoặc biến mất khỏi đời sống con người thành thị thì cũng tiếc thật!

Kỳ Phương
.
.