Chàng trai Thái đam mê nghiệp múa
- Tấm lòng thiện nguyện của chàng trai xứ Quảng
- Chàng trai xứ Nghệ đăng quang Đường lên đỉnh Olympia năm 2019
Không chỉ là thủ khoa đầu vào của Khoa Múa trong kì thi đại học, Nùng Văn Minh còn là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh với bảng thành tích học tập đáng nể. Với chàng trai sinh năm 1996 này, múa không chỉ là đam mê, mà còn là hành trình khổ luyện, vượt khó vươn lên.
Nùng Văn Minh đã trải qua hành trình khổ luyện và thành công trong nghiệp múa. |
Rời bản làng đi học múa
Ở bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu của Nùng Văn Minh, việc rời nương rẫy, rời con dao cái cuốc để theo đuổi con chữ là điều lạ lẫm. Chuyện học đại học ở Thủ đô Hà Nội, lại học một ngành nghệ thuật, càng là một ước mơ xa vời. Vậy mà Minh vì đam mê những điệu múa đầy biến ảo trên sân khấu đã làm được điều tưởng như viển vông ấy khi là người hiếm hoi của cả tỉnh rời bản làng dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Nhà Minh nghèo, bố mẹ vất vả tối ngày để lo cho 3 chị em Minh có cái ăn cái mặc. Bố Minh - một người nông dân cần cù lao động nhưng cũng là nghệ nhân biết chế tạo và chơi đàn tính tẩu, đàn nhị, sáo của dân tộc Thái. Khi dân bản không còn mấy mặn mà với các nhạc cụ của dân tộc mình thì cha Minh vẫn đau đáu với việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống.
Trong ngôi nhà sàn ở bản Nà Hoi, mỗi tối, sau một ngày lao động mệt nhọc, cả nhà quây quần nghe bố chơi đàn, thổi sáo. Nguồn âm nhạc ấy thấm dần vào Minh, có lẽ cũng vì thế mà Minh có năng khiếu cảm thụ nhạc và hát rất hay.
Ngày còn ở bản, Minh hăng hái tham gia biểu diễn văn nghệ. Chàng trai người Thái thích nhảy sạp và say mê điệu múa xòe trong những dịp lễ hội của dân tộc mình. Tốt nghiệp THCS, vì muốn được đi học tiếp nên Minh thi vào trường THPT nội trú ở tỉnh nhưng không đỗ. Cùng lúc đó, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai xuống huyện tuyển sinh, Minh đăng ký thi. Lần này, may mắn đã mỉm cười khi Minh trúng tuyển vào lớp múa.
Bố mẹ không biết chữ nên chẳng thể định hướng chuyện học hành cho Minh. Nhưng thấy cậu con trai hồ hởi tự đi lo giấy tờ và các thủ tục nhập học thì chỉ biết động viên con cố gắng để theo đuổi đam mê. 15 tuổi, Minh khăn gói lên đường gắn bó với sàn tập múa.
Những ngày đầu làm quen với môn múa, ngoài vóc dáng cao gầy và sức khỏe dẻo dai là lợi thế, còn lại tất cả đều khó khăn và lạ lẫm với Minh. Cơ thể cứng đơ, chân tay vốn chỉ quen lao động nặng nhọc giờ đây vụng về, lóng ngóng với những động tác múa. Minh phải gồng mình luyện tập với chế độ khắc nghiệt để hình thể dần trở nên mềm dẻo và thanh thoát. Mỗi lần thực hiện các động tác cơ bản của múa ballet như ép dẻo, uốn người, xoạc, Minh đau đến phát khóc nhưng vẫn cắn răng tập.
Những lúc đau nhất, Minh thường nghĩ về bố mẹ, về chị gái và em trai ở bản Nà Hoi đang dõi theo và kỳ vọng vào Minh. Người mẹ miền núi đã dặn cậu con trai ngày đầu xa nhà đi học là không được ngại ngùng, rụt rè, cố bắt chước và làm theo những gì thầy cô dạy. Minh nhận ra, những áp lực trên sàn tập chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhọc nhằn của bố khi đi làm phụ hồ, sự tần tảo của mẹ trên nương rẫy. Đó là động lực để Minh khổ luyện trên sàn tập.
Nùng Văn Minh là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Các thầy cô nhìn nhận Minh thực sự có năng khiếu, đã luôn quan tâm và chỉ dạy tận tình cho cậu học trò chăm ngoan và cầu thị trong suốt 3 năm học ở Lào Cai. Dần dần, hình thể cậu trai bản cũng mang nét mềm dẻo, thanh thoát của một diễn viên múa. Trải qua các cuộc thi do trường tổ chức và đạt nhiều thành tích, Minh trở nên dày dạn kinh nghiệm trình diễn trên sân khấu, chinh phục được các động tác khó.
Khổ luyện thành tài
Học xong 3 năm trung cấp, Minh được trường giữ lại làm việc ở trung tâm thể nghiệm, chuyên đi biểu diễn phục vụ các sự kiện trong trường và tỉnh. Nhưng, cũng chính trong thời gian đó, Minh ấp ủ kế hoạch xuống Hà Nội học đại học ngành múa bởi thấy sự nghiệp diễn viên không thể lâu dài. Và, điều quan trọng, Minh muốn được trực tiếp hướng dẫn các lớp đàn em, muốn được truyền lửa, truyền nghề. Sau một năm vừa đi biểu diễn vừa ôn thi, Minh trở thành thủ khoa đầu vào của Khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 2015.
Từ trường trung cấp ở Lào Cai xuống Hà Nội, Minh đã thực hiện một cú nhảy ngoạn mục mang đầy dấu ấn trong cuộc đời mình. Với một người chỉn chu và nghiêm túc như Minh, chuyên ngành huấn luyện múa là một sự lựa chọn đúng đắn. Một thế giới khác mở ra trước mắt, Minh bắt nhịp với một cuộc sống phố thị ồn ào, môi trường luyện tập chuyên nghiệp cùng các thầy cô có trình độ và nhiều bạn “con nhà nòi”.
Minh được học múa bài bản hơn, được tiếp cận nhiều thể loại múa và học phương pháp huấn luyện, biên đạo bài. Nhưng, Minh cũng hiểu rằng, để tiến bộ được trong học tập, để được rèn nghề thì phải miệt mài luyện tập. Các bạn cố gắng một, Minh phải nỗ lực gấp nhiều lần. Với tinh thần cầu thị, Minh luôn lĩnh hội sự chỉ dạy của các thầy cô, không ngừng học hỏi ở các bạn, các anh chị thuộc hàng solist của các nhà hát cùng học.
Ngày đầu, khi biên đạo múa, Minh rụt rè, bỡ ngỡ thực hiện những động tác vụng về nhưng càng thực hành lại càng tự tin và mềm dẻo hơn. Những buổi tập triền miên, mồ hôi rơi theo từng động tác, những chấn thương, những cơn đau xương khớp Minh cũng quen dần, coi đó như một phần tất yếu của hành trình luyện tập.
Thương bố mẹ vất vả, từ năm thứ hai đại học, Minh tự bươn chải cuộc sống nhờ đi diễn ở các sự kiện. Từ những buổi khai trương nhà hàng, công ty đến các lễ kỷ niệm, các liveshow của các ca sĩ nổi tiếng, Minh đều tham gia nhiệt tình và nghiêm túc. Nhiều người khi tiếp xúc đều nhận xét Minh ít nói, già dặn so với tuổi 23. Nhưng khi đã quen thân mới cảm nhận được nhiệt huyết và sự sôi nổi Minh dành cho nghiệp múa cũng như các hoạt động đoàn đội của trường trong vai trò lớp trưởng của lớp huấn luyện múa K35.
Minh cùng bố mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp đại học. |
Năm thứ ba đại học, Minh là một trong số những diễn viên Việt Nam được nhận thư mời và cử sang Nhật Bản tập múa và biểu diễn trong chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Chàng trai người Thái đã sang Nhật 2 lần để tập và biểu diễn vở “Không tín hiệu” của đạo diễn người Nhật và sau đó được công diễn tại Việt Nam.
Được luyện tập cùng các bạn diễn và đạo diễn người Nhật, Minh đã học hỏi được kĩ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, chuẩn mực của múa đương đại xứ Phù Tang. Trong bài múa, khi thực hiện đoạn solo, Minh đã lồng ghép một cách khéo léo điệu múa của dân tộc Mông và được đạo diễn người Nhật Bản đánh giá cao. Đó là những kỉ niệm đáng nhớ trong quãng đời sinh viên của Minh.
Vừa đi diễn để tự túc cuộc sống, vừa tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường, vẫn miệt mài học tập và sở hữu bảng thành tích “khủng” - đó là kết quả của sự cố gắng song hành, là sự miệt mài, khổ luyện của Minh. 4 năm liền Minh đều là sinh viên giỏi, trong đó ngay năm học đầu tiên Minh đã được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Năm 2017, Minh đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ học sinh sinh viên các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc, đoạt Huy chương đồng Giải vô địch khiêu vũ thể thao quốc tế Hà Nội mở rộng. Minh còn giành giải Nhất diễn viên múa cuộc thi tài năng học sinh, sinh viên Khoa Múa.
Được nhận học bổng Vừ A Dính - quỹ học bổng dành cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số nghèo, học giỏi, phấn đấu rèn luyện tốt, là niềm vinh dự tự hào đối với chàng trai dân tộc Thái tài hoa này. Với điểm học tập toàn khóa là 8.59/10, Minh đã tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Huấn luyện múa và trở thành thủ khoa đầu ra của toàn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đó không chỉ là niềm vui của bản thân Minh mà còn là niềm tự hào của gia đình và cả bản Nà Hoi.
Ở bản của Minh, Minh là người thứ ba theo nghiệp múa, sau thầy giáo và em gái thầy đang làm việc ở Lào Cai. Ban đầu, Minh chỉ nghĩ học xong ở Hà Nội sẽ trở về quê hương. Nhưng, khi ra trường, với mong muốn được có cơ hội học tập chuyên sâu hơn về múa để đào tạo những lớp đàn em và có thể đóng góp cho ngành múa Việt Nam, Minh ở lại Hà Nội.
7 năm gắn với sàn tập, Minh hiểu rằng múa là một nghề khắc nghiệt, tuổi nghề ngắn. Một diễn viên múa là nam giới vừa phải có sức khỏe để làm trụ, bê vác bạn múa trong các tiết mục, vừa phải đạt tới sự điêu luyện, tinh tế trong từng động tác hình thể, biểu cảm gương mặt. Để trở thành một nghệ sĩ múa không chỉ cần lòng đam mê, tính kỉ luật, độ tập trung mà cả những phút thăng hoa theo từng động tác.
Đến với múa không thể nóng vội bởi múa cần thời gian và sự liên tục trong tập luyện. Khi lựa chọn ngành biên đạo và huấn luyện múa, Minh đã tự ép mình vào nghề. Bởi biên đạo một bài múa đòi hỏi sự công phu, từ việc nắm nội dung chủ đề bài múa, đến sáng tạo các điệu múa, chọn lựa vũ công, truyền tải cho họ tinh thần của bài múa, phối hợp để cùng dựng động tác.
Được sang Nhật luyện tập và biểu diễn tại Nhà hát Kaat ở thành phố Yokohama là một kỷ niệm đáng nhớ với Minh. |
Việc thẩm thấu âm nhạc là vô cùng quan trọng bởi âm nhạc là linh hồn của múa, là sự song hành hòa quyện không thể tách rời. Có tận mắt chứng kiến Minh trên sàn tập trong một buổi huấn luyện múa, mới thấy hết được sự chuyên nghiệp, chỉn chu trong từng động tác, khả năng bao quát và phản xạ linh hoạt với các tình huống trên sàn tập của người trai bản này.
Nhìn lại quãng thời gian đã qua, Minh thấy rằng những quyết định dấn thân và đẩy mình về phía thử thách, áp lực đều đúng đắn vì nhờ đó mà có cơ hội rèn nghề và gặt hái được nhiều thành công. Nhiều người thường nghĩ con trai không hợp với múa và múa không phải là một nghề. Nhưng Minh đã tự chứng minh điều ngược lại, rằng con trai cũng có thể đam mê và thành công với múa.
Với Minh lúc này, những thành công gặt hái trong học tập mới chỉ là khởi đầu. Sẽ còn nhiều khó khăn và chông gai phía trước. Duy chỉ một điều chắc chắn, là bước chân chàng trai người Thái này sẽ gắn bó lâu dài với sàn tập với những điệu múa đầy biến ảo và thăng hoa.