Chất gây ung thư có trong một số đồ uống đóng hộp sản xuất tại Đài Loan

Thứ Năm, 02/06/2011, 03:30

* Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế): Tại việt nam Chất phụ gia thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc Đài Loan chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
* Việt Nam sẽ rà soát các loại nước giải khát, thực phẩm nhập khẩu.

Nhà chức trách Đài Loan vừa tiến hành bắt giữ Lai Chun-Chieh (Lại Hầu Kiệt), 57 tuổi, chủ nhân Công ty sản xuất hương liệu Yu Shen tại thành phố Đông Quan. Yu Shen có dây chuyền sản xuất ở cả hai bên bờ eo biển Đài Loan, chuyên cung cấp một loại hóa chất tạo ra màu đục đặc trưng của những loại nước ép trái cây, sữa… (mà lẽ ra phải là dầu cọ - có chi phí đắt hơn 5 lần), cho 45 hãng sản xuất thực phẩm lớn tại Đài Loan. Loại hóa chất này là Di (2-ethylhexyl) phthalate - viết tắt là DEHP, thường được dùng như một chất tạo độ dẻo cho một số sản phẩm nhựa công nghiệp.

Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới, DEHP bị phát hiện có trong thực phẩm. Ngày 19-5, cơ quan chức năng quận Changhua đã thu giữ 127 thùng, mỗi thùng chứa 25kg chất DEHP, và khoảng 10.000 loại thực phẩm hỗn hợp từ 4 công ty chế biến thực phẩm trong quận Changhua, thành phố Taichung và thành phố Tân Đài Bắc.

Tiếp theo, ngày 20/5, Cục Y tế Đài Loan đã ra lệnh ngừng bán tất cả những loại thực phẩm có pha chất DEHP tại siêu thị, nhà hàng trên toàn vùng lãnh thổ. Tổng cộng đã có hơn 460.000 chai nước uống thể thao, nước ép trái cây, 20 tấn trái cây và bột sữa chua bị đình chỉ lưu hành.

Theo Tiến sĩ - dược sĩ Đào Đại Cường, giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, thì DEHP khi vào người, sau một thời gian sẽ gây bệnh ung thư, đồng thời phá vỡ hệ thống nội tiết, làm mất cân bằng mức độ nội tiết tố (hormone) trong cơ thể. Bên cạnh đó, sự tích lũy chất DEHP trong cơ thể người một thời gian dài có thể dẫn đến hiện tượng "nữ hóa". Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các bà mẹ đang mang thai và trẻ sơ sinh là nam giới, nhất là vào độ tuổi dậy thì. Ngoài ra mất cân bằng  nội tiết còn gây rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, bệnh tiểu đường, suy tuyến yên, tuyến giáp…

Hiện tại, các công tố viên Đài Loan đang tiến hành thẩm vấn Lại Hầu Kiệt. Theo tính toán ban đầu, mỗi tháng Công ty Yu Shen bán ra một lượng chất DEHP trị giá khoảng 3 triệu Đài tệ. Năm 2010, Yu Shen đã bán ra hơn 200 tấn DEHP, và các công ty đã mua loại chất này, gồm TaiSugar, Weichuan, King Car, Su-Pao, Song Hey, Young Co LTD và Uni President.

Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Cục Y tế Đài Loan lập tức thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan An toàn thực phẩm quốc tế, đồng thời cũng thông báo đến các cơ quan y tế Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ vì sản phẩm chứa chất phụ gia DEHP cũng có thể đã được xuất khẩu sang các quốc gia này.

Trong công nghiệp, DEHP là một hợp chất hữu cơ, được sử dụng nhằm mục đích làm cho nhựa PVC mềm và dễ uốn. Nếu sử dụng dầu cọ làm chất phụ gia để tạo độ "dẻo" trong thực phẩm thì chi phí đầu vào sẽ đắt nên một số nhà sản xuất thay thế nó bằng DEHP. Nước trái cây, sữa khi có DEHP, nhìn sẽ thấy "đục", "béo". Điều này khiến người tiêu dùng tin rằng mình đang uống loại nước trái cây nguyên chất, được xay nguyên cả quả và không loại bỏ chất xơ, chất bã, hoặc sữa tươi còn đủ thành phần chất kem.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chất tạo đục là 1 trong 16 nhóm chất phụ gia thực phẩm. Hiện ở Việt Nam, chất phụ gia thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Đài Loan chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Qua thông tin trên báo, Cục sẽ rà soát lại các đơn vị nhập khẩu loại phụ gia này. Nếu phát hiện được chất tạo đục độc hại có nguồn gốc từ Đài Loan đã được đưa vào Việt Nam, Cục sẽ chỉ đạo các địa phương kiểm tra nhằm phát hiện các cơ sở sản xuất thực phẩm có sử dụng; đồng thời rà soát các loại nước giải khát, thực phẩm đang được bày bán trên thị trường.

Theo ông Lê Văn Giang, muốn biết chất tạo đục sử dụng hóa chất công nghiệp có ảnh hưởng thế nào thì phải thu được mẫu thực phẩm, giám định để biết liều lượng chất độc. Từ đó mới có căn cứ xác định mức độ độc hại đối với người sử dụng.

H.V.

Tại Đài Loan, DEHP được tìm thấy trong 55 loại thực phẩm như sữa chua hương dâu Dahu Strawberry Farm, nước cam Sunkist, thạch và một số loại nước ép trái cây khác như nước ổi, nước táo với hàm lượng 30 phần triệu ppm trong mỗi chai dung tích nửa lít. Theo các chuyên gia, hàm lượng này vượt quá mức cho phép và có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, theo Giáo sư Chang-Chun Li, thuộc Đại học Quốc gia Chengkung, DEHP là một chất gây ung thư nguy hiểm, nhưng sẽ không tích lũy nếu ngừng uống. Ông Li, nói: "Việc xét nghiệm nước tiểu sẽ cho biết lượng DEHP tích lũy trong cơ thể là bao nhiêu, và cần có thời gian theo dõi lâu dài thì mới xác định được sự ảnh hưởng của DEHP trên hệ nội tiết".

Được biết Singapore đã nhập khẩu hơn 100 thương hiệu thức uống từ Đài Loan, chẳng hạn như Allswell Starfruit, nước ép trái cây Lucky. Một nhà sản xuất thực phẩm tại Đài Loan là Young Co, LTD đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng vì đã sử dụng DEHP làm chất phụ gia trong sản phẩm, đồng thời hoàn trả lại tiền cho những ai đã lỡ mua, đồng thời khuyên người tiêu dùng ở nước ngoài ngưng ngay việc mua các sản phẩm của họ.

Theo quy định của Cục Y tế Đài Loan, những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tới 300.000 Đài tệ, còn việc sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm thì người gây ra có thể bị phạt tới 100.000 Đài tệ - một số tiền mà theo dư luận, thì vẫn còn quá rẻ! Theo ông Kang Jaw Jou, Tổng giám đốc Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan, thì bộ luật hình sự cần thiết phải sửa đổi để tăng hình phạt đối với những vi phạm như trên.

Tại TP HCM, trong một số siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng, theo ghi nhận của chúng tôi, có bày bán một số chủng loại thực phẩm nhập từ Đài Loan. Nhưng vì Công ty Yu Shen chỉ là đơn vị cung cấp chất DEHP cho những hãng sản xuất thực phẩm nên để biết trong các loại thực phẩm nhập khẩu ấy, loại nào có chứa chất DEHP hay không thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, nhằm bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng.

Vũ Cao
.
.