Chất tạo màu gây khó cho Coca Cola và Pepsi
Theo Hãng tin BBC, hai hãng sản xuất đồ uống có gas lớn nhất thế giới là Coca-Cola và Pepsi đã buộc phải thay đổi thành phần các loại nước giải khát nổi tiếng của mình để tránh khả năng phải in trên bao bì các sản phẩm những lời cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vụ rắc rối này nảy sinh sau khi chính quyền bang California đã quyết định đưa vào danh sách các chất gây ung thư loại hóa chất có tên 4-methylimidazole (4-MEI), thường được sử dụng trong các chất tạo màu dùng cho các sản phẩm đồ uống của Coca-Cola và Pepsi.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học vì quyền lợi xã hội Mỹ (CSPI) - trước đó đã tập trung nghiên cứu về thành phần của một loạt các loại nước giải khát nổi tiếng như Coca-Cola, Pepsi-Cola, Dr Pepper, 365 Cola - đã đưa ra kết luận cho rằng, hàm lượng cao của chất hóa học 4-MEI có trong thành phần chất tạo màu có thể gây ra ung thư cho những động vật được thử nghiệm.
Nhưng theo tuyên bố của Cơ quan Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), những loại đồ uống sử dụng loại chất tạo màu trên vẫn hoàn toàn an toàn, ngay cả khi không cần thay đổi hàm lượng của chúng. "Cần phải uống cả ngàn chai nước ngọt một ngày mới tích lũy được một liều lượng chất độc có thể gây ung thư ở các loài động vật gặm nhấm" - đại diện FDA tuyên bố.
Kết quả là bắt đầu từ tháng 1/2012, 4-MEI đã bị đưa vào danh sách các chất hóa học có khả năng gây ung thư, dựa theo tinh thần của một văn bản pháp lý có tên "Đạo luật về nước uống an toàn và các loại độc tố" có hiệu lực từ năm 1986 tại bang California, còn được biết dưới cái tên "Đề xuất số 65". Theo đạo luật này, bất kỳ loại thực phẩm nào có hàm lượng nhiều hơn 29 microgram loại chất nói trên đều phải dán kèm thêm một nhãn cảnh báo người dùng về nguy cơ đối với sức khỏe. Trong khi một chai Coca-Cola thông thường hiện nay chứa khoảng 140 microgram chất 4-MEI.
Với quyết định trên, chính quyền bang California đã yêu cầu hai nhà sản xuất nước ngọt hàng đầu buộc phải lựa chọn - hoặc là phải thay đổi công thức chế tạo để giảm bớt chất 4-MEI, hoặc là phải in cảnh báo về nguy cơ bệnh ung thư trên các bao bì của mình. Tất nhiên, hai nhà sản xuất nước ngọt hàng đầu trên thế giới chẳng dại gì chọn yêu cầu thứ hai.
Cả hai hãng Coca-Cola và PepsiCo đã chính thức đưa ra đề nghị đối với các nhà cung cấp chất tạo màu để họ giảm bớt hàm lượng chất 4-MEI trong quá trình chế tạo. Tuy nhiên, cũng theo tuyên bố của các đại diện Coca-Cola và PepsiCo, công thức hiện nay trong các sản phẩm đồ uống của họ thực ra không gây ra bất cứ nguy cơ nào cho sức khỏe.
Bước đầu, công thức chế tạo nước ngọt mới của Coca-Cola và PepsiCo sẽ được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Coca-Cola và Pepsi hiện đang cùng nhau nắm giữ khoảng 90% thị trường đồ uống có ga trên khắp nước Mỹ. Các đại diện của họ đã cam kết rằng, việc thay đổi công thức sản xuất sẽ không làm thay đổi hương vị của các loại nước. Còn các sản phẩm của họ tại các quốc gia còn lại trên khắp thế giới vẫn sẽ được sản xuất theo công thức cũ.
Cần biết là công thức chính xác của Coca-Cola, loại nước uống có gas nổi tiếng nhất thế giới, từ lâu nay vẫn là một bí mật thương mại được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Công thức nguyên gốc của loại nước này được cho là đang lưu giữ trong tình trạng liên tục được giám sát tại một két sắt của một ngân hàng ở Atlanta. Chính vì vậy, đã có không ít những giả thuyết và âm mưu xung quanh công thức bí ẩn này. Đầu tiên là vụ trang web "This American Life" cho công bố bức ảnh chụp công thức viết tay, từng được đăng trên tờ Atlanta Journal-Constitution vào ngày 8/2/1979.
Tháng 5/2007, một cựu nhân viên của Coca-Cola có tên Hoya Williams (trước đó làm việc tại trụ sở của Coca-Cola ở Atlanta) đã bị Tòa Thượng thẩm liên bang kết án 8 năm tù vì âm mưu bán bí mật của hãng cho các đối thủ cạnh tranh. Trước đó một năm (2006), 3 công dân Mỹ đã tìm cách móc nối, chào bán cho Hãng Pepsi bí mật về công thức chế tạo loại nước ngọt có gas nổi tiếng nhất thế giới với giá hơn 1,5 triệu USD. Nhưng thương vụ mờ ám trên đã không thành, do đối thủ cạnh tranh chính của Coca-Cola đã không có dự định vi phạm pháp luật. Cả ba sau đó đã ra tự thú với Cục Điều tra liên bang, Mỹ