Châu Âu, INSTEX và Iran

Thứ Hai, 21/10/2019, 17:16
Tính đến tháng 10-2019, cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) đã có tổng cộng 11 thành viên là các quốc gia châu Âu. Đây là cơ chế do Anh, Đức và Pháp khởi xướng nhằm giúp Tehran “lách” các lệnh trừng phạt từ Washington, đồng thời thuyết phục Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).

Theo giới quan sát, dù nhiều quốc gia coi trọng INSTEX và thể hiện xu hướng rời xa Washington nhưng vẫn còn đó những câu hỏi xung quanh tính hiệu quả thực sự của cơ chế này.

Động thái chính trị

Châu Âu đã nhận ra những biến động nguy hiểm sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, gia tăng trừng phạt Iran và trả đũa những nước không tuân thủ cấm vận. Hàng loạt tập đoàn lớn của châu Âu và ngân hàng phương Tây đã rời Iran vì sợ bị cấm tại thị trường Mỹ.

Dưới sức ép của chính quyền ông Donald Trump, Liên minh châu Âu (EU) tìm mọi cách để bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì nhóm này tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn là các tập đoàn lớn nhưng lại thiếu vốn và lực để chịu đòn trả đũa.

Rõ ràng, châu Âu không hề muốn khuất phục trước các quyết định độc đoán của Mỹ vì cần phải bảo vệ thỏa thuận hạt nhân 2015, mà EU tin rằng đây là cái cớ lớn nhất khiến Iran không thể chạy đua vũ trang. Bởi vậy, cơ chế mậu dịch INSTEX được lập ra, với sự đỡ đầu của Paris, Berlin và London nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tại châu Âu tiếp tục buôn bán với Iran.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng cảnh báo châu Âu và Iran “coi chừng hậu quả”.

Thế nhưng, từ khi ra đời, Tehran đã nhiều lần tuyên bố thất vọng với cách vận hành của INSTEX. Lý do Tehran viện dẫn liên quan đến chuyện EU chưa thể liên kết việc thanh toán của INSTEX với các nguồn tài chính từ việc mua dầu thô của Iran. Tehran thậm chí còn gây sức ép khi cho rằng châu Âu không có đầy đủ nguồn ngân quỹ trả trước để bù đắp xuất khẩu cho Iran.

Phía Tehran muốn đẩy INSTEX vào các giao dịch dầu mỏ khi đưa ra gợi ý Anh, Pháp và Đức cần tạo ra một nguồn tiền bền vững để thực hiện mục tiêu hai trong một: thu mua dầu từ Iran và thanh toán thương mại. Ý đồ của Tehran rất rõ: muốn đặt quan hệ thương mại dầu mỏ lâu dài với EU, đồng thời đưa INSTEX vào quỹ đạo hoạt động ổn định.

Ngoài ra, Iran cũng không quên “nhắc nhẹ” châu Âu sẽ mạnh tay hơn nếu không đạt được các yêu cầu liên quan đến INSTEX, cảnh báo sẵn sàng gia tăng nguồn dự trữ urani được làm giàu. Giọt nước tràn ly xảy đến, khi các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bất ngờ bị tấn công và Iran bắt giữ tàu chở dầu cho UAE vào giữa tháng 9.

Bối cảnh này cho thấy nhiều bất lợi kinh tế - xã hội nếu EU không hành động ngay, đặc biệt là hạ nhiệt căng thẳng Vùng Vịnh. Thế nên, bước đi đầu tiên để chính thức đưa INSTEX vận hành là việc Anh, Đức, Pháp thống nhất tài trợ 15 tỷ euro cho quỹ tín dụng dài hạn của cơ chế này. Phía EU tuyên bố Iran sẽ nhận khoản tiền khủng này làm 3 đợt, song song với việc phối hợp với Tehran, thông qua INSTEX, để xử lý các vấn đề kinh tế song phương.

Trong khi đó, Tehran hứa hẹn sẽ nối lại việc thực thi thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 nếu nhận được số tiền trên trước khi hết năm nay, bên cạnh cam kết sẽ xây dựng bộ phận quản lý tham gia INSTEX để guồng máy hợp tác với EU được thuận buồm xuôi gió.

Cơ chế nhiều hoài nghi

INSTEX đã bắt đầu xử lý thành công những giao dịch đầu tiên. Thế nhưng, điểm khác biệt trong cách xây dựng cơ chế này theo hướng châu Âu khiến INSTEX tồn tại nhiều hạn chế. Đáng chú ý nhất chính là sự khập khiễng trong cách hỗ trợ thanh toán mà phía EU mặc định liên quan đến y tế, thực phẩm và dược phẩm, còn Iran lại chú trọng vào xuất khẩu dầu mỏ. Bên cạnh đó, Iran chỉ mới hoan nghênh sáng kiến của châu Âu là “bước đầu khích lệ” để cứu hiệp định hạt nhân.

Giới quan chức Iran chỉ trích INSTEX, kêu gọi Tehran từ bỏ việc trông cậy vào EU, nhấn mạnh INSTEX chưa đáp ứng đầy đủ những kỳ vọng của Iran đối với các cường quốc châu Âu theo cam kết để tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

INSTEX ra đời nhằm giúp Tehran “lách” các lệnh trừng phạt từ Washington, đồng thời thuyết phục Tehran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015.

Một số chuyên gia không mấy lạc quan khi một nguồn tin ẩn danh cho biết cơ chế INSTEX chưa thể hoạt động hiệu quả nếu Iran cứ chỉ hứa suông và chỉ trích, không thực hiện hành động nào cụ thể ngoài phát đi tuyên bố “đang nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân Iran”.

Việc cơ chế hỗ trợ thương mại song phương giữa EU và Iran vận hành chứng tỏ rằng các cường quốc EU, bao gồm cả những đồng minh của Mỹ như Anh, đã bắt đầu tách biệt khỏi Washington trong quan hệ kinh tế và điều này sẽ có tác động trong dài hạn. Quan ngại xuất hiện, liên quan đến khả năng liệu chính quyền ông Donald Trump có để yên hay không vì Washington từng cảnh báo châu Âu “coi chừng hậu quả”.

Trái với niềm tin của số ít rằng INSTEX được lập ra để “né” sự trừng phạt của Mỹ và khởi động cho tiến trình cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, giới quan sát đánh giá, các quốc gia P5+1 khó có thể cứu vãn thỏa thuận 2015 khi tất cả đã chìm quá sâu dưới cái bóng của Mỹ. Tình hình chính trị phức tạp càng khiến các quốc gia dễ nản chí: Anh chật vật với vụ “ly hôn” EU (Brexit), Đức loay hoay với những đóng góp quốc phòng NATO, Nga chưa bao giờ ủng hộ các hành động đơn phương của Mỹ, còn Trung Quốc đang vướng phải chiến tranh thương mại gay gắt với “xứ cờ hoa”.

Ngay cả EU, tác giả của INSTEX, cũng đang âm thầm hứng chịu nhiều khủng hoảng khiến liên minh chia rẽ, càng khiến nhiều người nghi ngờ về kết quả mà INSTEX sẽ đem lại...

Trần Quân
.
.