Châu Âu đồng loạt từ chối bán độc dược cho Mỹ

Thứ Năm, 30/06/2011, 03:20

Trong nhiều tháng trở lại đây, rất nhiều bang của Mỹ đã phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhu cầu thuốc tiêm độc gây chết người dùng cho tù nhân nhận bản án tử hình. Thậm chí, một số vụ thi hành án tử hình vừa qua ở Mỹ đã phải trì hoãn do sự thiếu hụt về nguồn cung cấp thuốc độc.

Người Mỹ buộc phải yêu cầu Đức và một số quốc gia châu Âu cung cấp thuốc. Tuy nhiên, cũng giống như những quốc gia châu Âu trước đó, trong tuần qua Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Rôsler đã thẳng thừng từ chối Mỹ.

Philipp Rôsler không dừng lại ở đó. Vị Bộ trưởng người Đức gốc Việt đã ra lệnh cấm việc buôn bán chất gây tê độc, một nguyên liệu chủ yếu trong hỗn hợp 3 loại thuốc đang được dùng trong thi hành án tử hình ở rất nhiều bang nước Mỹ.

Người Mỹ rất muốn đặt hàng Đức loại độc dược này và trước đây đã từng có lần được Đức cung cấp. Tuy nhiên, lần này Bộ trưởng Rôsler kiên quyết: "Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, tôi sẽ ngăn cấm việc này và không ai có thể sắp xếp được một cách thức hợp pháp ở đây".

Cho đến hiện nay, không  một đơn đặt hàng nào từ phía Mỹ được Đức chấp nhận. Đây cũng là quan điểm của Chính phủ Đức. Chính Thủ tướng Đức ra lệnh từ chối lời đề nghị của người Mỹ về cung cấp thuốc độc.

Một vài vụ thi hành án ở Mỹ đã phải trì hoãn do sự thiếu hụt về nguồn cung cấp thuốc độc.

Hiện có 34 bang nước Mỹ thi hành án tử hình sử dụng hình thức tiêm thuốc độc như cách thức chủ yếu hoặc duy nhất. Sắp tới, nước Mỹ sẽ chỉ còn 33 bang áp dụng cách thi hành án này do hiệu lệnh cấm tại bang Illinois sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 tới.

Từ trước tới nay, chỉ duy nhất có Công ty Dược phẩm Hospira tại bang Illinois, Mỹ sản xuất loại thuốc độc dùng cho thi hành án. Song, tháng 1/2011, công ty này được yêu cầu tạm ngưng việc sản xuất loại thuốc này thì chính quyền nhiều bang trên toàn nước Mỹ bắt buộc phải hoãn việc thi hành án tử hình do thiếu nguồn độc dược.

Có một số ý kiến trong hệ thống những quan chức quan liêu ủng hộ việc tìm loại thuốc tương đương vào sử dụng thay thế. Điều này đã dẫn tới một cuộc tranh chấp toàn cầu để tìm ra những nhà cung cấp mới cho loại thuốc độc này. Nhưng các nỗ lực đã không đến được kết quả đáng mong đợi.

Ngay tháng 1/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Rôsler đã yêu cầu các công ty dược hóa phẩm của Đức kiềm chế việc giao thuốc độc cho người Mỹ. Với quan điểm và cái nhìn khác với người Mỹ, một số quốc gia châu Âu vẫn phản đối việc duy trì án tử hình như Mỹ và một số nước. Ngay cả những quốc gia không phản đối tử hình thì phương thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc vẫn bị coi là phương pháp vô nhân tính.

Quan điểm này cho rằng, nhiều loại thuốc độc không đủ mạnh để làm tê liệt cảm giác đau đớn của người bị tử hình khiến cơn đau của tử tù quá dài. Dường như những phương cách truyền thống hơn như xử bắn hay dùng ghế điện sẽ gây ra cái chết nhanh chóng và ít đau đớn hơn cho phạm nhân.

Mới đây, một công ty dược phẩm của Ấn Độ có tên là Công ty Dược phẩm Kayem Pvt. Ltd., nơi cung cấp thuốc cho bang Nam Dakota và Nebraska cũng tuyên bố xem xét lại việc buôn bán thuốc độc "với những nơi mà mục đích chỉ đơn giản là để thi hành án và lạm dụng, sử dụng sai tác dụng thuốc". Thêm vào đó, tù nhân bị lãnh án tử hình trong hai bang đó đã có những khiếu nại hợp pháp về chất lượng của các nhà cung cấp tại Ấn Độ. Và sau đó chính quyền phải cho trì hoãn lại việc thi hành án tại đây.

Do sự lan tràn của việc thiếu hụt thuốc, một số bang khác của Mỹ cũng đã quay sang Anh cầu cứu nguồn cung cấp thuốc độc. Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Công dân tự do Mỹ ACLU đã nhận được báo cáo liên bang và báo cáo của bang California về việc tìm kiếm đó. Theo các bản báo cáo ấy, ít nhất 10 bang đã đặt hàng thuốc của Công ty Dream Pharma, Ltd. - một công ty có văn phòng nhỏ tại London.

Một nguồn tin  khác được công bố bởi ACLU cho biết, ngay khi đó Chính phủ Anh đã gửi thư cho chính quyền của Obama, yêu cầu Mỹ chấm dứt việc nhập khẩu thuốc dùng để thi hành án tử hình từ Anh. London cũng sử dụng một yêu cầu nghiêm cấm các công ty ở Anh cung cấp thuốc cho việc thi hành án.

Cũng trong tuần qua, Công ty Dược phẩm Lundbeck của Đan Mạch, nơi sản xuất loại thuốc "pentobarbital" được coi là tương đương và có thể thay thế loại thuốc mà Đức cung cấp trong "cocktail tử hình" cũng lên tiếng rằng, việc ngăn chặn sự sản xuất loại thuốc này đáp ứng cho thi hành án tử hình là việc rất cần thiết. Được biết có gần 11 bang, gồm cả Oklahoma, Texas và Ohio, đã có được nguồn cung cấp chất "pentobarbital" từ Công ty Lundbeck của Đan Mạch.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Công ty Mads Kronborg tuyên bố: "Chúng tôi lo sợ và đang tìm những con đường mới nhằm ngăn chặn tù nhân khỏi việc bị dùng thứ thuốc này".

Ông này còn cho biết, công ty đang xem xét việc ngưng sản xuất sản phẩm trên, nhưng loại thuốc này lại được dùng để chữa trị chứng động kinh nên hiện vẫn được tiếp tục sản xuất. Công ty Lundbeck cũng đã liên lạc với tù nhân và chính quyền các bang trong nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng thuốc thi hành án tử hình.

Thêm vào đó, Đại sứ Đan Mạch tại Washington đã gửi một bức thư tới chính quyền của các bang sử dụng "pentobarbital" nêu rõ: "Chính phủ Đan Mạch chúng tôi một cách kính cẩn nhất, mong muốn các bạn và chính quyền, sử dụng hết các quyền mà các bạn được giao cho để đặt dấu chấm hết cho việc lạm dụng sử dụng thuốc độc (pentobarbital) cho thi hành hình phạt tử hình"

Nguyễn Phương Linh (tổng hợp)
.
.