Châu Âu trước nguy cơ suy thoái kinh tế

Thứ Bảy, 23/08/2008, 09:30
Sau 6 tháng đầu năm 2008, các nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đều ghi nhận những tín hiệu xấu về mức tăng trưởng. Tây Ban Nha, Ailen, Đan Mạch đã hoặc đang rơi vào suy thoái. Italia  bị đình trệ, Pháp suy yếu nhanh. Đức, vốn vẫn là đầu tàu kinh tế của EU, cũng đang bị hụt hơi. Theo giới phân tích, châu Âu giờ đây khó tránh khỏi những tác động do cuộc khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ gây ra.

Thomas Mayer, chuyên gia về kinh tế của Ngân hàng Deutsch Bank của Đức tại London, nhận định châu Âu đang hứng chịu những thay đổi to lớn về kinh tế và tất cả các tin tức xấu trên thế giới cuối cùng lại đổ lên đầu cựu lục địa này.

Trong kinh tế học, một nền kinh tế bị coi là suy thoái khi tỉ lệ tăng trưởng giảm trong hai quý liên tục. Như vậy, Đan Mạch là thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên bị suy thoái kinh tế. Kinh tế Italia cũng trong trạng thái èo uột với mức tăng trưởng được dự báo là 0,4% cho năm nay và cả năm tới.

Ngay cả đối với Đức, giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng nền kinh tế này bị suy thoái. Xuất khẩu trong tháng 5 thấp hơn 3,2% so với tháng 4. Đây là mức suy giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2004. Chính phủ Berlin dự báo tăng trưởng sẽ tăng khoảng 1,7% trong năm nay.

Sở dĩ, nền kinh tế Đức giữ được nhịp độ, tuy có chậm hơn, là vì nước này là đối tác chính, cung cấp máy móc và thiết bị cho Trung Quốc và các nước đang phát triển. Hiện nay, Đức đang phải đối phó với tình trạng lạm phát lên cao, gây khó khăn cho đời sống người lao động.

Đáng lo ngại hơn cả là tình hình Tây Ban Nha. Kinh tế nước này có thể bị suy thoái trong năm nay do sự suy yếu của thị trường địa ốc. Ông Carlos Diez, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty giao dịch chứng khoán Intermoney tại Madrid, cho rằng kinh tế Tây Ban Nha sẽ đi xuống theo hướng giống như Mỹ, nhưng tốc độ suy giảm nhanh hơn nhiều.

Tình hình tại Anh không đến nỗi tồi tệ như Tây Ban Nha cho dù thị trường địa ốc cũng ảm đạm. Tuy nhiên, mối lo ngại lạm phát đã làm tiêu tan khả năng ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất chỉ đạo.

Nếu hầu hết các nhà quan sát đều dự báo là châu Âu sẽ hứng chịu những chao đảo của thị trường tài chính thế giới và những khó khăn của nền kinh tế Mỹ, thì sự suy giảm nhanh chóng của các nền kinh tế trên cựu lục địa này đã gây ra nhiều ngạc nhiên.

Thậm chí, tờ International Herald Tribune còn trích dẫn nhận định bi quan của một số chuyên gia, theo đó khả năng thoát ra khỏi suy thoái của châu Âu sẽ chậm hơn Mỹ

Hà Bắc (tổng hợp)
.
.