Châu Phi - Sàn quyết đấu mới của các “ông lớn”

Thứ Tư, 26/04/2017, 13:35
Châu Phi đang trỗi dậy. Lục địa Đen đang trở thành động cơ tăng trưởng lớn kế tiếp của thế giới, sau châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, EU... những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tạo ra cuộc đua khốc liệt ở Lục địa Đen giàu có nhưng cũng không ít rắc rối, hỗn loạn.

Ấn Độ không muốn “chậm chân”

Trong bài viết "Kết hợp giữa hiện đại hóa và truyền thống, châu Phi có thể tăng trưởng nhanh thứ hai trên thế giới" mới đăng trên trang tin National Interest (Mỹ) tác giả Eliot Pence, Giám đốc Điều hành Hội đồng Mỹ-Nigeria miêu tả: Châu phi là một lục địa đang hiện đại hóa nhanh hơn bất cứ châu lục nào trong lịch sử.

Hiện nay, châu Phi đang đô thị hóa với tốc độ nhanh gần gấp đôi tỷ lệ của Trung Quốc. Và cũng trong 35 năm tới, châu Phi sẽ có lực lượng lao động lớn nhất, hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc. Đây sẽ là công xưởng của thế giới trong tương lai gần khi hơn 500 triệu người sẽ dịch chuyển vào các thành phố của châu Phi trong vòng 35 năm tới.

Châu Phi - nơi có con người trẻ, tài nguyên thiên nhiên giàu có và đất canh tác màu mỡ là mảnh đất mà nhiều cường quốc tìm tới và sẽ quyết đấu để giành được nhiều “phần thưởng” cho mình nhất.

Thủ tướng Nhật Bản và nguyên thủ các nước châu Phi tại TICAD6. Ảnh: AP.

Trang tin World Affairs mới đây có bài phân tích về việc Ấn Độ đang tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc để giành chỗ đứng tại châu Phi của tác giả Nilanjana Bhaowmick. Theo Nilanjana Bhaowmick, hiện các công ty Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt để giành thị phần ở châu Phi.

Kim ngạch thương mại hằng năm giữa Trung Quốc và châu Phi đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD, trong khi đó thương mại của Ấn Độ với châu lục này mới chỉ đạt 75 tỷ USD. Với thương mại song phương đang tăng trưởng quá nhanh ở mức 700% so với thập niên 90, hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Để tạo chỗ đứng vững chắc ở châu Phi, Ấn Độ đã có những bước đi quyết liệt hơn nhằm cạnh tranh với vai trò của Trung Quốc ở đây. Thủ tướng Ấn Độ đã đến thăm Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Kenya... là 4 trong 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Đây là những nước có đường bờ biển dài và nối với Ấn Độ thông qua Ấn Độ Dương. Kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh hàng hải là những lĩnh vực ưu tiên trong các cuộc thảo luận giữa ông N.Modi và các nhà lãnh đạo châu Phi. 35 tỷ USD đã được Ấn Độ đầu tư vào châu Phi.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ vào 4 quốc gia châu Phi nói riêng và châu lục nói chung tập trung vào sắt thép, xe cơ giới, ôtô, sản phẩm dầu khí, dệt may, cơ khí chế tạo, máy nông cụ, dược phẩm... trong khi các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm dầu thô, khoáng sản, than, vàng, gỗ, nông sản... Các tập đoàn và công ty lớn của Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực thăm dò, khai thác than đá, dầu mỏ ở Mozambique và khí tự nhiên tại Tanzania.

Hiện nhiều tập đoàn, công ty nổi tiếng của Ấn Độ như Tata Group, OVL, OIL, JSPL, JSW, Reliance, Mahindra, Ranbaxy, Cipla... đã và đang hoạt động hiệu quả tại các quốc gia châu Phi trong nhiều thập kỷ qua. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của châu Phi, với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 75 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015.

Đặc biệt, các sản phẩm nhập khẩu từ châu Phi đang đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, Lục địa Đen đang thực sự trở thành thị trường xuất khẩu mới và nhiều tiềm năng của Ấn Độ. Điều này có ý nghĩa rất lớn do thị trường xuất khẩu truyền thống của Ấn Độ ở châu Âu và Bắc Mỹ đang sụt giảm đáng kể.

Một con đường ở Kenya đang được nhà thầu Trung Quốc thi công. Ảnh: Business Daily.

Trung Quốc và giấc mơ của châu Phi

Ấn Độ tăng tốc, Trung Quốc cũng không chịu nhường bước. Trang tin Allafrica.com mới đây có bài phân tích với tựa đề “Đầu tư vào châu Phi - không đủ chỗ cho tất cả mọi người” của chuyên gia kinh tế Rosa Whitaker. Theo tác giả, Trung Quốc đang "di chuyển không ngừng trên khắp châu Phi".

Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt để giành ảnh hưởng và thị phần ở châu Phi. Bắc Kinh đã nhận thấy hàng hóa và người tiêu dùng châu Phi là điều cần thiết để duy trì tính năng động lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc. Để đảm bảo việc tiếp cận các hàng hóa này, đồng thời mở rộng thị trường châu Phi cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc, Bắc Kinh đang triển khai các doanh nghiệp nhà nước nhằm giành được các hợp đồng cơ sở hạ tầng ở châu lục này, đồng thời huy động các ngân hàng của họ tăng cường tài trợ cho các dự án.

Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự đoán đến năm 2025, tiêu dùng hộ gia đình ở châu Phi và chi tiêu kinh doanh sẽ đạt 5,6 nghìn tỷ USD. Con số tương đương với gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Quốc gia châu Á này đã để mắt đến sự "cất cánh" của nền kinh tế châu Phi và đang đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng cần thiết để biến điều đó thành hiện thực.

Tháng 12/2015, tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) tổ chức tại Nam Phi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ 60 tỷ USD cho các khoản vay mới, tín dụng xuất khẩu, quỹ đầu tư và trợ cấp cho Lục địa Đen. Các tính toán của dự án Sáng kiến nghiên cứu (SAIS) của Trung Quốc về châu Phi cho thấy trong giai đoạn 2000-2014, các nhà tài trợ Trung Quốc đã chuyển 86,3 tỷ USD cho các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước ở châu Phi.

Trang tin "National Interest" mới đây đăng bài phân tích của nhà báo Mỹ Frederick Kuo nhận định rằng: Vài thập kỷ tới, thế giới sẽ thấy châu Phi tiến tới vị trí trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu chứ không phải "vị trí bên lề" như hiện nay. Một lục địa lớn, gần gấp 4 lần diện tích nước Mỹ, với dân số trẻ đang bùng nổ, giàu tài nguyên thiên nhiên, đô thị hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế cao... sẽ đảm bảo vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và chính trị toàn cầu.

Các quốc gia châu Phi sẽ tham gia với sự quyết đoán và "lớn tiếng" hơn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, đồng thời phát triển nền kinh tế với quy mô ngày càng sâu rộng hơn. Đặc biệt, cuối cùng Lục địa Đen sẽ khẳng định vị trí, vai trò nổi bật của mình trên toàn thế giới trong tương lai không xa.

Trong khi từ lâu phương Tây đã gần như bỏ quên châu Phi, hoặc đơn giản là chỉ chú ý đến châu lục này trong các lĩnh vực như: tài nguyên thiên nhiên, thị trường, an ninh, quốc phòng... thì việc Trung Quốc tiến vào châu Phi đã bất ngờ biến giấc mơ châu Phi trở thành hiện thực. Rõ ràng Trung Quốc đang thành công ở châu Phi bằng chính sách tiếp cận của mình. Lý do nào các quốc gia châu Phi chào đón Trung Quốc?

Michiko Kitaba, Giáo sư trường Đại học Kansai (Nhật Bản) cho rằng, cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã xây dựng ở châu Phi là một trong những yếu tố chính khiến Bắc Kinh trở nên nổi tiếng tại các quốc gia châu Phi. Hàng loạt công trình bến cảng, sân bay, đường sắt và hệ thống giao thông đường bộ mới là khoản "tiền thưởng" lớn không chỉ cho các chính phủ, mà còn cho người dân của các nước nhận khoản vay.

Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, hợp đồng thuê bến cảng và các khu định cư rộng lớn dành cho người Trung Quốc sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước này trong tương lai.

Chính sách "xoay trục" sang châu Phi của Nhật Bản

Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang tìm cách tăng cường vị thế toàn cầu của nước này và trong nỗ lực đó, mối quan hệ của Tokyo với các quốc gia châu Phi đang trở thành một nhân tố quan trọng. Một trong những biểu hiện đáng kể nhất gần đây của chính sách “xoay trục” của Tokyo sang châu lục này diễn ra vào cuối tháng 8-2016, khi Thủ tướng Abe có chuyến công du tới Kenya để tham dự Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD6), một hội nghị có sự tham dự của Nhật Bản và 54 quốc gia châu Phi cùng một số tổ chức quốc tế khác.

Tại TICAD6, Thủ tướng Abe đưa ra cam kết về khoản đầu tư 30 tỷ USD của Nhật Bản cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu lục trong vòng ba năm tới, một cam kết lớn nhất trong lịch sử các kỳ hội nghị TICAD.

Cam kết đầu tư lần này của Thủ tướng Abe phản ánh một sự chuyển đổi rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với châu Phi, đó là chuyển từ viện trợ sang thương mại và từ chính phủ tới khu vực tư nhân. Trước kia, chính sách đối ngoại của Nhật Bản với châu Phi chỉ xoay quanh mục tiêu thể hiện sức mạnh mềm, chủ yếu được thể hiện dưới dạng viện trợ phát triển.

Nhưng trong những năm gần đây, áp lực kinh tế trong nước cộng với sự cạnh tranh của các quốc gia khác tại châu Phi đã buộc Tokyo phải cân nhắc lại. Đối thủ lớn nhất của Nhật Bản trong việc tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi là Trung Quốc.

Tokyo hiện đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với châu Phi chủ yếu là vì tầm quan trọng của các nước này đối với nền kinh tế Nhật Bản. Rất nhiều khoáng sản và nguyên liệu thô dùng để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản, từ ô tô đến các loại đồ dùng gia đình, là đến từ các quốc gia châu Phi. Bằng việc mở rộng đầu tư và khuyến khích hợp tác liên doanh, Tokyo hy vọng giành được chuỗi cung ứng các nguyên liệu này.

Ngoài mục đích kinh tế, Thủ tướng Abe cũng hy vọng nhận được sự ủng hộ của châu Phi trong chiến dịch kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó Nhật Bản tìm cách có được một ghế trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ.

Một nhà máy do nhà thầu Trung Quốc xây dựng ở Kenya. Ảnh: African Leadership Magazine.

Tân Tổng thống Mỹ cũng không quên châu Phi

Sau những thành công lớn của các cường quốc ở châu Á, Mỹ đã phải “giật mình” thừa nhận đầu tư chưa đúng mức vào châu Phi. Trang tin "National Interest" dẫn phân tích của tác giả Ahmed Charai, chuyên gia gốc Ma-rốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho rằng để có thể thực hiện được các mục tiêu như: tạo việc làm cho người Mỹ, thành công trong cuộc chiến chống khủng bố, thách thức Trung Quốc và tránh những thất bại mà người tiền nhiệm đã mắc phải..., tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nên tập trung vào châu Phi.

Thứ nhất, lục địa nghèo nhất thế giới này đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, mở đường cho một số vùng đất trở thành trung tâm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặt ra mối đe dọa cho người dân tại đây cũng như ở các nước xa xôi khác, trong đó có Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Chỉ số khủng bố toàn cầu, nhóm khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới gây thương vong lớn nhất không phải IS mà là nhóm Boko Haram ở Nigeria. Thứ hai, một số khu vực tại châu Phi đang là một trong những "điểm sáng" của thế giới.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 6 trong số 13 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất nằm trên lục địa này. Thực tế, hầu hết các nước này có xu thế thân Mỹ, sát cánh với Mỹ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Đây là một lợi thế với Mỹ.

Đã có một thời gian dài, Chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama không để lại “dấu ấn” với châu lục này. Kim ngạch thương mại của Mỹ với châu lục này, thông qua một thỏa thuận thương mại tự do, rốt cục chỉ dừng lại ở việc nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, khai thác tài nguyên chính là một trong những nguyên nhân gây xung đột đẫm máu tại lục địa này.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi cũng cho kết quả mờ nhạt. Điều này giải thích tại sao các nước ở châu Á như Trung Quốc đã nhân cơ hội này "nhảy" vào và trở thành quốc gia nước ngoài chiếm ưu thế ở châu Phi, không chỉ trong lĩnh vực thương mại. Đầu năm 2016, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc thành lập một căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Để Mỹ có thể cạnh tranh ảnh hưởng với các nước lớn ở châu Á, theo chuyên gia Ahmed Charai, Tổng thống Donald Trump đang có cơ hội để tạo nên sự thay đổi mang tính lịch sử khi tăng cường đầu tư có chiều sâu vào lục địa này. Ngoài ra, duy trì cam kết tăng cường khả năng quân sự của Mỹ về các nguồn lực quân sự trong hợp tác với quân đội bản xứ trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi cũng là cách để Mỹ cạnh tranh và thể hiện ảnh hưởng của mình tại Lục địa Đen với các đối thủ khác.

Chuyên gia Ahmed Charai nhấn mạnh, ngoài lợi ích trực tiếp, Tổng thống Trump sẽ thấy rằng việc giúp đỡ người dân châu Phi để họ đạt được ước mơ của mình cũng chính là giúp ông đạt được mục tiêu có lợi cho Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên, châu Phi cũng là vùng đất dữ với hàng chục nhánh khủng bố và rất nhiều điểm nóng xung đột. Kết hợp đầu tư, làm giàu cho châu Phi trong bối cảnh khủng hoảng, xung đột diễn ra ở khắp nơi là bài toán khó cho các quốc gia đầu tư vào đây.

Hoa Huyền
.
.