Bảo hộ bản quyền văn học nghệ thuật: Chế tài đuổi theo… công nghệ

Thứ Hai, 11/12/2017, 16:20
Thay vì chỉ phục vụ một số lượng người nhất định trong một không gian, khoảng thời gian nhất định, kỹ thuật số và internet đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các tác phẩm, khai thác tài nguyên sáng tạo vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng đặt hàng loạt thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam không là một ngoại lệ.


Bản quyền số trị giá 5% GDP

Theo thống kê của Liên đoàn quốc tế các nhà soạn nhạc, soạn lời quốc tế (CISAC), hệ thống quyền tác giả đang có vai trò rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 99 triệu người làm việc có liên quan công nghiệp bản quyền. Riêng các nước đang phát triển, công nghiệp bản quyền đã tạo được khoảng 25 triệu việc làm.

Giáo sư Jorgen Blomqvist, nguyên Trưởng phòng pháp luật quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng cho biết, theo thống kê của WIPO, bình quân trên thế giới, công nghiệp bản quyền đang đóng góp từ 3% đến 5% vào thu nhập quốc dân mỗi năm.

Giáo sư Jorgen Blomqvist, nguyên Trưởng phòng pháp luật quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Kỷ nguyên kỹ thuật số và Internet đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho con người trong tiếp cận, khai thác tài nguyên sáng tạo, vượt qua các giới hạn về không gian, thời gian nhưng cũng khiến cho nhiều chính sách về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền văn học, nghệ thuật đã không còn phù hợp.

Mong muốn duy trì, phát triển sự bảo hộ đối với tác phẩm văn học và nghệ thuật, bảo hộ các quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm một cách có hiệu quả và đồng bộ nhất, từ năm 1996, WIPO đã thông qua Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).

Theo giáo sư Jorgen Blomqvist, các hiệp ước này góp phần đáng kể trong việc bảo hộ bản quyền cũng như khắc phục các vấn đề về bảo hộ bản quyền nảy sinh khi kỹ thuật số và Internet phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, việc tham gia các hiệp ước, bảo hộ bản quyền, phát triển công nghiệp văn hóa mà vẫn đảm bảo khai thác đúng, không vi phạm pháp luật trong kỷ nguyên số này là thách thức đặt ra với rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Với các nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức này rất lớn. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì không thể không bảo hộ bản quyền, trong đó có bảo hộ bản quyền trên môi trường số và Internet.

Do đó, bên cạnh chính sách pháp luật bảo hộ bản quyền truyền thống, các giới hạn và ngoại lệ trong thực thi bản quyền cũng buộc phải có những thay đổi và cần cụ thể hơn trong các quy định về trường hợp nào thì bắt buộc phải trả tiền tác giả; trường hợp nào tổ chức, cá nhân được phép khai thác nhưng phải trả tiền bản quyền; trong những trường hợp nào tổ chức cá nhân được phép khai thác và cũng không phải trả tiền...

Thực tế, việc thực thi pháp luật về bảo hộ bản quyền trong môi trường số là thách thức chung của các quốc gia, không phải riêng Việt Nam. Bà Susan Warren, một cán bộ thư viện của thành phố Bờ Biển Vàng (Goald Coast City), Australia cũng chia sẻ rằng, năm 2015, hàng trăm thủ thư của thư viện đã từng bị cho là có hành vi trái pháp luật về bản quyền.

Thư viện thành phố Bờ Biển Vàng là dịch vụ thư viện công cộng có quy mô lớn thứ 2 của Australia, có đến 3 triệu người ghé thăm mỗi năm, trong đó có khoảng 2,5 triệu khách truy cập online. Để triển khai áp dụng công nghệ mới vào cung cấp dịch vụ thư viện số, các thủ thư đã số hóa và tải lên những tài liệu chưa được công bố.

Công nghệ Việt Nam hiện nay đã có thể “đo đếm” chính xác các tác phẩm âm nhạc được phát sóng trên truyền hình.

Sau sự việc này, Hiệp hội Thư viện và thông tin Australia đã phát động chiến dịch “Khúc mắc về bản quyền” nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề gặp phải trong bản quyền đối với tác phẩm chưa công bố.

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần khởi động, chiến dịch đã thu hút 12.266 lượt truy cập trên trang web chính, hơn 1.000 người tham dự tại hơn 100 sự kiện, đứng vị trí số 1 trên Twitter với 1.500 thành viên, gần 10 triệu lượt người xem và thu hút gần 23 triệu lượt người xem, nghe qua các chương trình phát sóng trên radio, các cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Chiến dịch đã giúp đỡ các thủ thư trong việc thuyết phục chính phủ sửa đổi Luật Bản quyền tác giả, tạo điều thuận lợi cho việc cải cách, bảo tồn, lưu trữ nội dung số. Tháng 6/2017, Luật Bản quyền sửa đổi, bổ sung đã được thông qua nhằm điều chỉnh những quy định lỗi thời nằm trong Luật Bản quyền Australia...

Lại câu chuyện kinh phí

Tuy nhiên, trao đổi quanh vấn đề bảo bộ bản quyền nói chung, bảo hộ bản quyền trong văn học nghệ thuật nói riêng trên môi trường số, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng phòng Thông tin và Hợp tác quốc tế, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho hay, hiện nay, hệ thống pháp luật về quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam đã tương đối đầy đủ. Cục Bản quyền tác giả cũng đang nghiên cứu các Hiệp ước WCT và WPPT của WIPO. Các nội dung trong hai hiệp ước này không quá mới nhưng nếu Việt Nam tham gia thì sẽ tạo áp lực lên các cơ quan thực thi pháp luật.

Tại Việt Nam, thực thi pháp luật về bảo hộ bản quyền trong môi trường bình thường đã khó, thực thi pháp luật bảo hộ bản quyền trong môi trường số còn khó hơn. Việc phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên mạng Internet một cách kịp thời cũng vô cùng khó. Phát hiện vi phạm phải dựa và kỹ thuật mà kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế. Năng lực của cơ quan thực thi pháp luật về lĩnh vực này cũng còn nhiều vấn đề phải bàn.

Câu chuyện bộ phim bị khán giả livestream bộc lộ thêm nhiều vấn đề về bản quyền hiện nay.

Ngược lại, theo ông Đặng Đình Long, Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ và truyền thông AiBiz thì kỹ thuật để kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm bản quyền trong môi trường số không hẳn là vấn đề lớn đối với Việt Nam hiện nay.

AiBiz đã xây dựng và phát triển thành công công nghệ tự động ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, người biểu diễn, kênh - chương trình - thời điểm phát sóng trên radio, truyền hình. Các tác phẩm đã số hóa, nằm trong kho dữ liệu, nếu được phát sóng, AiBiz sẽ ghi nhận, đối chiếu với hệ thống thư viện số của đơn vị. Hệ thống thư viện này bao gồm 200.000 ca khúc, được xây dựng từ sự hỗ trợ của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và các cá nhân - chủ sở hữu quyền.

Bất kỳ các ca khúc nào phát sóng trên truyền hình hoặc radio sẽ được thu và đối chiếu bằng các đoạn âm thanh khác nhau. Nếu trùng khớp sóng đến 95% thì hệ thống sẽ tự động ghi nhận là ca khúc đã được phát sóng trên kênh nào, trên chương trình nào, bắt đầu giờ phút giây nào và kết thúc giờ phút giây nào, của tác giả nào, ai hát. Trường hợp các ca khúc phát sóng không nằm trong kho dữ liệu có sẵn, hệ thống sẽ tự động đưa lại cho thẩm định viên xem ca khúc này của ai. Thẩm định viên sẽ có trách nhiệm mô tả cho máy hiểu.

Công nghệ này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, AiBiz mới xây dựng từ năm 2016 và bắt đầu áp dụng từ tháng 7 năm 2017. Hiện nay, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, khá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã tìm đến hợp tác với AiBiz để xem tác phẩm của họ được sử dụng như thế nào và độ phủ của tác phẩm đến đâu, tác phẩm của họ được bao nhiêu ca sĩ hát trên truyền hình, radio.

Dự kiến, cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, AiBiz sẽ thống kê được việc sử dụng tác phẩm trên các trang Internet mỗi tháng. Các dữ liệu thu được sẽ lưu trong 1 năm và có thể trích xuất bất kỳ đoạn nào, tác phẩm nào nếu có yêu cầu.

Cũng theo ông Đặng Đình Long, trước AiBiz, công nghệ nói trên đã được khá nhiều đơn vị áp dụng nhưng mới chỉ gói gọn trong việc kiểm soát sử dụng tác phẩm trên hệ thống, các trang của riêng họ. Như vậy, khó khăn trong kiểm soát thực thi bản quyền trên môi trường số không còn nằm ở kỹ thuật, công nghệ mà là nằm ở... kinh phí. Để có thể so sánh với các tác phẩm được sử dụng phát sóng trên truyền hình, radio, trên Internet đòi hỏi phải có một thư viện dữ liệu  khổng lồ các tác phẩm.

Theo Cục Bản quyền tác giả thì hiện nay có đến 14 lĩnh vực, trong đó, có những lĩnh vực rất phức tạp như mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng. Việc phân biệt tranh thật, tranh giả, thế giới nhiều khi còn lao đao, trong khi tại Việt Nam, đến thời điểm này cũng chưa có “địa chỉ” thẩm định thường xuyên nào đủ tin cậy và uy tín. Vì vậy, AiBiz cũng mới chỉ áp dụng công nghệ kiểm soát của mình trong lĩnh vực âm nhạc và như thế cũng đã gặp khá nhiều khó khăn. Lý do là ở các nước phát triển, ca khúc quốc tế đã được số hóa hết, có kho dữ liệu để đối chiếu và họ đã áp dụng được một số năm.

Ở Việt Nam, công nghệ này còn rất mới mẻ, thư viện dữ liệu tác phẩm chưa được xây dựng đầy đủ. Cục Bản quyền tác giả cũng đã có chủ trương xây dựng kho dữ liệu tác phẩm nhưng việc này đòi hỏi rất nhiều công sức và vô cùng tốn kém. Hiện tại, ý tưởng này vẫn đang dừng ở... đề án trên giấy.

Thực tiễn muôn màu

Soi chiếu vấn đề dưới góc độ thực thi pháp luật, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, khúc mắc lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong bảo hộ bản quyền trên môi trường số không hẳn là vấn đề kỹ thuật, công nghệ. Nhiều quy định pháp luật đã có nhưng chưa cụ thể, chưa giúp người ta dễ định nghĩa ngay được hành vi.

Khi gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế và khu vực, tham gia các hiệp ước thì các quy định phải rõ ràng hơn. Chưa kể, rất nhiều trường hợp, quy định pháp luật đã có nhưng người dân chưa hiểu. Sự việc khán giả mua vé xem phim rồi livestream vừa qua là một điển hình.

Rõ ràng, ngay lúc livestream là người ta đã tạo ra một bản sao, về nguyên tắc của pháp luật Việt Nam đó là sao chép. Nhưng cũng phải hiểu, bản thân việc livestream cũng giống như là phân phối phát tán cho người dùng còn việc phân phối phát tán được thực hiện như thế nào, xác định nó là hành vi tái phát sóng hay hành vi truyền đạt bình thường thì không có cơ chế để giải thích. Livestream một tác phẩm có bản quyền của người khác là vi phạm pháp luật còn tự tạo ra một sản phẩm, tự trình diễn 1 ca khúc mà livestream thì không sai.

Trong khi đó, luật chỉ quy định chung và cũng không thể đưa ra những quy định chi tiết rõ ràng về những phát sinh liên tục trong đời sống như thế được.

“Pháp luật của chúng ta đang quá phức tạp còn sử dụng công nghệ hiện nay lại quá đơn giản. Khi mọi người tiếp cận công nghệ mới quá nhanh mà không tiếp cận câu chuyện pháp luật kịp thời thì có sự chênh nhau giữa hiểu biết về pháp luật và hiểu biết, sử dung về công nghệ dẫn đến vi phạm là rất dễ. Kiểu như mọi người đều học được cách livestream rất dễ dàng nhưng không phải ai cũng học được cách livestream cho đúng...” - luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Minh Hải
.
.