Chết người do ngộ độc khí thải

Thứ Năm, 17/04/2014, 21:30

Hàng năm có đến hàng chục người chết vì ngộ độc chất thải động cơ, khí gas hay than, củi và khí độc hầm, lò… còn số người bị tàn phá bởi ngộ độc chất khí thải thì gấp mấy lần. Báo chí đã nói không ít nhưng hình như người dân vẫn không mấy quan tâm!? Làm sao để tránh hậu quả đau lòng?

Điểm qua một số vụ nhiễm độc khí độc

Sự việc được phát hiện khi anh Nguyễn Văn Quang, 36 tuổi, quản lý nhà nghỉ P&T Plaza, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương nhận được điện thoại của gia đình P. vào chiều 26/3/2014, nói P. mấy ngày nay không về nhà. Linh tính, anh Quang đến nhà nghỉ P&T Plaza thì thấy các cửa đều đóng, khóa trái. Anh Quang mượn thang của hàng xóm trèo vào thì phát hiện P. cùng hai cô gái nằm chết trên sàn nhà tầng 1 trong tình trạng không mảnh vải che thân. Riêng P. và một cô gái chết trong tư thế ôm chặt nhau.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng thấy trong phòng có bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá, đồ chơi tình dục dành cho phụ nữ, một số viên thuốc dạng con nhộng vỏ màu vàng, bên trong chứa bột trắng, quần áo của các nạn nhân vứt bừa bãi trong phòng. Đặc biệt một máy phát điện và chiếc xe máy Airblade màu đen, biển kiểm soát Hải Phòng đều hết xăng.

Mọi đồ vật không có dấu hiệu dịch chuyển, xáo trộn hay đổ vỡ; hệ thống quạt thông gió không hoạt động. Sự việc được làm sáng tỏ: Do có mối quan hệ từ trước với H.H.P., 36 tuổi, nên chiều ngày 24/3 N.T.N. và V.T.H. đều 34 tuổi, đi xe máy Airblade từ TP Hải Phòng đến  thị xã Chí Linh chơi. P. chở hai bạn gái đến nhà nghỉ P&T Plaza - hiện bỏ hoang - ở khu Mít Sắt, phường Thái Học.

Trước đây P. là nhân viên kỹ thuật của nhà nghỉ có dịch vụ hát karaoke, massage này nên có chìa khóa... Nhà nghỉ đã ngừng hoạt động khoảng 4 tháng,  nên các thiết bị bên trong được chuyển đi nơi khác gần hết và điện lưới đã cắt. Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, xác minh nguồn gốc chiếc máy phát điện, lấy lời khai của những người dân xung quanh, Cơ quan điều tra nhận định: P. thuê 1 máy phát điện về chạy máy vi tính để có nhạc...

Nhà nghỉ P&T Plaza (Chí Linh, Hải Dương) nơi ba người chết vì khí thải động cơ.

Đến nửa đêm, máy phát hết xăng, P. đưa xe máy vào trong phòng, đóng kín cửa, nổ máy để lấy điện mở nhạc chơi tiếp. Do phòng kín, quạt thông gió không hoạt động nên ba đối tượng (đã sử dụng chất ma túy, quan hệ tình dục) sau nhiều giờ hít phải khí độc do động cơ máy phát điện và xe máy xả ra nên đã tử vong. Trên da các nạn nhân có những mảng hoen màu hồng tươi, một dấu hiệu thường thấy khi ngộ độc oxytcacbon và cơ thể họ không có dấu vết do tác động để lại.

Khoảng 8 giờ ngày 14/2/2014, anh Lê Văn Hưng, 22 tuổi, ở đội 22, thôn Xuân Nguyên, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, sang nhà anh trai là Lê Văn Hùng, 27 tuổi. Thấy cửa đóng kín, nghi có chuyện chẳng lành, anh Hưng phá cửa vào trong thì thấy mẹ mình, bà Nguyễn Thị Lự, 51 tuổi, anh Lê Văn Hùng, chị dâu Nguyễn Thị Thái, 26 tuổi, cùng hai cháu Lê Văn Dũng, 5 tuổi và Lê Văn Tâm, 3 tuổi, nằm bất động trên tấm phản trong căn phòng rộng khoảng 10m2, một nồi than vẫn đang đỏ lửa.

Bà Lự cùng hai cháu đã tử vong. Anh Hùng, chị Thái rất nguy kịch, được đưa đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Tĩnh Gia rồi BVĐK Thanh Hóa. Công an tỉnh đã khám nghiệm hiện trường và tử thi. Nguyên nhân chết người được xác định là ngộ độc khí.

Ngày 15/2, chị Thái đã tỉnh và kể lại: Do cháu Tâm ốm, nên tối 1/2, bà nội sang thăm. Nghĩ cháu đang ốm sẽ khó ngủ nên bà về nhà lấy  than củi bỏ vào nồi nhôm cũ mang sang để giữa nhà giữ ấm cho cháu...

Đêm ấy, bà ngủ lại cùng các cháu để xem bệnh tình của cháu thế nào. Lúc tối, chị Thái đã thấy khói than bốc lên mù mịt, trong khi các cửa đã đóng kín (dù ngôi nhà cấp 4 của gia đình rất nhỏ) nhưng cũng không hề nghĩ điều gì sẽ xảy ra, sau đó không biết mình lịm đi lúc nào. Khi nhập viện, anh Hùng hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở (suy hô hấp), toàn thân duỗi cứng, phải đặt nội khí quản - thở máy.

Tại nhà máy sản xuất bột cá - dầu cá của Công ty CP Đầu tư du lịch và Phát triển thủy sản IDI (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Phó giám đốc Triệu Bá Trà cùng 2 kỹ sư Lâm Thanh Phong và Trần Tấn Lợi trèo lên bồn số 5, cao 6 m để mở nắp lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định. Anh Phong dùng dụng cụ đưa xuống bồn lấy mẫu, nhưng do lượng dầu cá chỉ chiếm 1/3 bồn nên không lấy được. Anh Phong liền trèo vào bồn bằng thang thép.

Khoảng mấy phút sau không thấy anh Phong trở lên, anh Trà cùng anh Lợi trèo vào xem sao thì bị choáng. Thấy có sự cố, Giám đốc Mai Hữu Tôn cùng các kỹ sư Lê Đình Thái và Lê Xuân Thuận đã ngay lập tức xuống bồn để cứu đồng nghiệp. Thế nhưng tất cả đều gặp nạn. Vụ tai nạn làm 6 người bị tử vong v.v..

Gia tăng những cái chết vì ngộ độc khí thải

Các khí độc như CO, CO2, NO2 (Nitơ Dioxit), SO2 (Dioxit sunfua), H2S (Hydro sunfua, HCN (Hydro xianua), CH4 (Metan) và các đồng đẳng của nó… là những khí độc chết người rất hay gặp phải trong đời sống thường nhật. Đây là sản phẩm khí thải khi đốt cháy xăng, dầu, than, củi, khí gas nói chung; sản phẩm lên men hay được sinh ra từ hầm chứa nguyên liệu, lò (gồm cả giếng khô hoặc ít nước), hang động…

Trong số các chất này, làm chết nhiều người nhất là CO và CO2. Về nguyên lý, động cơ 4 kỳ đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch để thành CO2  nhưng thực tế bao giờ cũng sinh ra một lượng CO đáng kể, khi động cơ càng cũ thì lượng CO sinh ra càng nhiều. CO đặc biệt nguy hiểm vì ái lực hóa học của nó với sắt trong Hemoglobin (Hb - chất vận chuyển ôxy) của hồng cầu mạnh hơn 240 lần so với ái lực hóa học của ôxy với Hb và khi đã thành HbCO (CacboxyHemoglobin) thì chất này chậm phân ly hơn HbO2  (OxyHemoglobin) 3.600 lần (gần như không phân ly), nghĩa là vô hiệu hóa chức năng vận chuyển ôxy của hồng cầu. Nếu không khí có 1% thể tích CO thì máu người sẽ có 50% HbCO, trong khi  máu có 40% HbCO các triệu chứng ngộ độc nặng xuất hiện nhanh chóng; có 70% HbCO sẽ chết tức khắc.

Hàm lượng CO2 trong không khí bình thường khoảng 0,04%; nếu trong 1m2 không khí có 50 - 60ml CO2, con người chết sau 30 - 60 phút. Khi ngộ độc sẽ có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ù tai, khó nhìn, có cảm giác như hai thái dương bị ép chặt, choáng váng, lợm giọng, buồn nôn; do trương lực cơ và cơ lực bị suy giảm trầm trọng nên rất khó khăn khi cử động chân tay và cơ thể, vì thế khi ý thức chưa bị rối loạn có muốn chạy ra khỏi nơi nguy hiểm cũng không chạy được.

Nặng hơn thì liệt hoặc có kèm theo triệu chứng rối loạn tâm thần. Nạn nhân hôn mê, khó thở, thở chậm do trung tâm chỉ huy hô hấp ở hành não bị ức chế; mạch nhanh, yếu, không đều; thân nhiệt giảm… Những người thoát chết hoặc nhiều lần hít phải CO nồng độ thấp có thể rối loạn trí nhớ, rối loạn cảm giác và trí tuệ suy giảm…

Hiện nay, thị trường có bán nhiều loại mặt nạ phòng độc và thiết bị cảnh báo cầm tay (nước ta đã sản xuất máy KC.03.DA04 có thể đo được nhiều thông số như CH4, CO hoặc CO2 - gọi chung là COx) để đảm bảo an toàn cho người lao động…

Thế nhưng, nhiều cơ sở sản xuất mà người lao động phải tiếp xúc với khí độc vẫn “điếc không sợ súng”; người dân thì do thiếu hiểu biết và kinh tế khó khăn nên vẫn phó mặc tính mạng cho trời, vì thế số người chết do ngộ độc các loại khí nói trên cứ tăng đều hàng năm!

Việt Hùng
.
.