Chết thật vì sống ảo

Thứ Sáu, 08/03/2019, 13:57
Lấy cảm hứng từ cảnh những con cá voi xanh lao lên bãi biển tự sát, Philipp Budeikin đã tạo ra một “trò chơi” thử thách bản lĩnh quái đản, mà kết thúc là người chơi phải tự sát để được cộng đồng mạng tung hô. Trò này kích hoạt tính phiêu lưu, bốc đồng ở giới trẻ, nên đã nhanh chóng trở thành trào lưu toàn cầu, bởi sức lan tỏa của Internet.


Hậu quả là hàng trăm đứa trẻ ở nhiều nước đã tự tìm đến cái chết, gây bao nỗi khổ đau, bàng hoàng cho gia đình và xã hội. sự nguy hại của nó vẫn còn hiện hữu, khi mà trên Youtube ngày càng nhiều những clip hướng dẫn thực hành, còn bọn trẻ thì vanh vách khi kể về nó…

Từ thử thách quái đản

Bận bịu công việc nên bố con tôi hiếm khi có thời gian trò chuyện với nhau. Hôm rồi nghe con bé kể chuyện bọn trong lớp chuyền tay xem clip giới thiệu về “thử thách cá voi xanh”. Tò mò, tôi bảo con mở mạng ra xem. Trên các ứng dụng như Youtube, Google, Facebook, Instagram,... chỉ cần gõ cụm từ “Blue Whale Challenge”, hay “thử thách cá voi xanh”… chớp mắt đã “xổ” ra bạt ngàn kết quả, trong đó có nhiều clip do người Việt thực hiện, với những hướng dẫn cách chơi khá tỉ mỉ. Đọc và xem, người tôi chợt lạnh đi, bởi hình dung được điều gì sẽ xảy ra với lũ trẻ, khi chúng bị đắm chìm vào “trò chơi” quái đản và chết chóc này.

Người chơi rạch da tạo hình cá voi xanh.

“Thử thách cá voi xanh” là trò chơi truyền thông xã hội mang tính tẩy não, khởi phát từ nước Nga vào năm 2015. “Cha đẻ” của nó là Philipp Budeikin (21 tuổi, người Nga), kẻ đã bị cảnh sát bắt vào tháng 5-2017 với cáo buộc đứng đằng sau nhiều vụ tự sát của thanh thiếu niên nước này.

Được biết, người muốn tham gia trò này phải kết nối qua mạng với admin (chủ trò - quản trị chương trình). Nếu chấp nhận, “chủ trò” sẽ add (thêm) người chơi vào một nhóm chat (tán gẫu) có đông thành viên và gửi cho họ một phần mềm bí mật để cài vào máy tính hoặc điện thoại. Mỗi ngày “chủ trò” gửi cho người chơi một thử thách, yêu cầu  thực hiện từ lúc 4 giờ 20 sáng và phải hoàn thành xong trong ngày, báo cáo kết quả bằng hình ảnh để chứng minh đã làm đúng yêu cầu từ “chủ trò”.

“Thử thách cá voi xanh” có 50 level (cấp độ) với độ khó tăng dần, phải tự giác thực hiện trong vòng 50 ngày. Ban đầu, thử thách đưa ra cũng khá nhẹ nhàng, chỉ là yêu cầu người chơi trao đổi trên diễn đàn mạng về cá voi xanh, xem phim hoặc dùng bút bi vẽ hình loài cá này lên cơ thể. Càng về sau, thách thức càng lớn. Chẳng hạn như người chơi phải thức giấc và đi dạo giữa đêm khuya, xem phim kinh dị do “chủ trò” gửi. Tiếp đến, người chơi phải giết vật nuôi trong nhà, rồi đến màn dùng dao sắc, lưỡi lam hoặc kim khâu… để khắc lên da thịt, tạo hình cá voi ở cánh tay, cẳng chân, hoặc tự rạch môi, dùng kim đâm liên tục vào tay, hay đứng trên nóc tòa nhà cao tầng...

Philipp Budeikin - kẻ tạo ra trò chơi “thử thách cá voi xanh” quái đản.

Sau mỗi lần hành xác, “chủ trò” dùng đòn tâm lý, bắt thành viên phải chuyện trò, tâm sự với “đồng đạo” (người cùng chơi), để củng cố thêm niềm tin tuyệt đối vào những thứ mình đang làm. Nếu đổi ý, người chơi sẽ bị “chủ trò” rung dọa, gây áp lực buộc phải tiếp tục tham gia. Chưa hết, admin còn tổ chức các hoạt động tập thể qua mạng mang tính tà giáo, như lễ kết nạp người chơi vào hàng ngũ “cá voi”… nhằm gắn kết thành viên, bắt họ phải nghiêm chỉnh tuân thủ luật chơi.

Điều khủng khiếp nhất nằm ở level thứ 50, vào ngày thứ 50 của chương trình. Đây là “bài” cuối cùng, người chơi bị “chủ trò” yêu cầu phải tự kết liễu sự sống của mình bằng các cách khác nhau, như nhảy lầu, treo cổ, dùng lưỡi lam cắt đứt động mạch… như những con cá voi xanh lao lên bờ tự sát. Ghê sợ hơn, admin còn yêu cầu người chơi trước lúc quyên sinh, phải “selfie” (tự chụp ảnh bằng điện thoại thông minh) và post (đăng tải) lên mạng xã hội, cùng lời giải thích việc tìm đến cái chết là “noi gương” loài cá ấy.

Với “bản lĩnh dám chết”, nạn nhân sẽ được tung hô là người chiến thắng và ca tụng là “cá voi xanh”, theo đúng ý nghĩa, tên gọi của chương trình. Giá như họ biết, gã “chủ trò” Philipp Budeikin, sau khi bị bắt giữ đã mai mỉa rằng những người tự sát vì thứ mà gã nghĩ ra, hoàn toàn đáng bị như vậy. Và rằng, “họ rất vui khi được chết”, còn gã chỉ cố gắng “thanh lọc làm trong sạch xã hội”! 

Đến những cuộc quyên sinh

Ra đời tại Nga vào cuối năm 2015, “trò chơi” quái gở này nhanh chóng được giới trẻ nước này hào hứng đón nhận. Quả thực, với chuyên môn được đào tạo về tâm lý học, Philipp Budeikin quá hiểu để tạo ra một chương trình hấp dẫn đối với thanh thiếu niên, nhất là nữ giới đang có vấn đề về tâm lý, như tự kỷ, trầm cảm, bị bỏ rơi, hoàn cảnh bất hạnh, bệnh tật, chán đời…

Hiện trường vụ nhảy lầu tự tử của Yulia Konstaninova và Veronica Volkova.

Chỉ sau 6 tháng xuất hiện trên các mạng xã hội tại Nga, “thử thách cá voi xanh” đã thu hút được nhiều học sinh, sinh viên nước này tham gia. Hậu quả là từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016, đã có ít nhất 130 người tìm đến cái chết, chỉ vì muốn chứng minh bản lĩnh của mình. Sau khi Philipp Budeikin bị bắt giữ, trò này vẫn tiếp tục lây lan như một thứ dịch bệnh nguy hiểm. Với tính chất không biên giới của Internet, “thử thách cá voi xanh” đã tán phát ra nhiều châu lục với tốc độ chóng mặt và không thể kiểm soát, trở thành một trào lưu bệnh hoạn, xui khiến bao người tìm đến cái chết khi tuổi còn xanh.

Tại thành phố Ust-Ilimsk, vùng Siberia, Liên bang Nga, vụ nhảy lầu tự sát của hai nữ sinh Yulia Konstaninova 15 tuổi và Veronica Volkova 16 tuổi, đã khiến cộng đồng học sinh và phụ huynh nước này choáng váng. Kết quả điều tra phát hiện, trước khi rủ bạn gieo mình xuống đất từ nóc tòa căn hộ cao tầng, Yulia đã viết trên trang cá nhân của mình chữ "End" (kết thúc), cùng bức ảnh con cá voi xanh lao lên bãi cát để tự sát.

Nadia - một thiếu nữ tài sắc ở bang Georgia (Mỹ) cũng bất ngờ tìm đến cái chết, trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai có thể hiểu căn cớ vì đâu mà cô gái ấy lại dại dột từ bỏ cuộc sống. Cho đến khi phát hiện tại phòng ngủ của Nadia nhiều hình vẽ cá voi và dòng chữ:"I am a blue whale" (Tôi là một con cá voi xanh), bên cạnh là di thư tuyên bố tự tử, lời chào vĩnh biệt, cùng nhiều dòng trạng thái trên mạng xã hội… thì người ta mới vỡ lẽ. Thì ra cô gái đã bị tẩy não, nhồi sọ tới mức trầm cảm và ám ảnh trong 50 ngày thử thách cùng “cá voi xanh”.

Cuối năm 2017, nam sinh Ankan Dey, 14 tuổi, học lớp 10 tại một ngôi trường ở thị trấn Anandpur, bang Tây Bengal, Ấn Độ đã được phát hiện chết ngạt trong 1 chiếc túi nilon ở phòng tắm. Kết quả điều tra cho thấy nạn nhân là “tín đồ” của trò chơi tự sát mang tên loài cá. Trước đó không lâu, cậu bé Manpreet Sahans (ở Mumbai, Ấn Độ) cũng nhảy lầu tự tử vẫn với nguyên nhân này…

Ngăn ngừa hậu quả xấu

Có thể thấy, chỉ vì những cái like dạo, lời tung hô trên mạng xã hội, hoặc bị tẩy não, nhồi sọ quá mức, mà giới trẻ đã và đang phải trả giá bằng cả mạng sống của mình, để lại niềm đau khôn nguôi cho gia đình, nỗi kinh hãi cho cộng đồng xã hội. Đáng sợ nhất là sau những cái chết ấy, vẫn còn những cái chết tiếp nối bởi lý do tương tự.

Các nạn nhân Yulia Konstaninova và Veronica Volkova ở Thành phố  Ust-Ilimsk, vùng Siberia, Nga.

Nhận thức rõ nguy cơ ấy, nhiều quốc gia đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn. Các nước như Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… liên tục đưa ra những lời cảnh báo các bậc cha mẹ không được để con em mình tham gia thử thách cùng “cá voi xanh". Nhiều đường dây nóng đã được lập ra để lắng nghe trẻ em tâm sự và tư vấn cho họ cách giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống.

Tại Ấn Độ và Brazil, các chuyên gia tâm lý đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giúp giới trẻ nhận diện nguy cơ chết người đến từ trò chơi này. Còn ở Trung Quốc, chính quyền đã thi hành một chính sách mạnh tay, đó là mọi hình ảnh, nội dung liên quan đến "thử thách cá voi xanh" trên mạng đều bị ẩn hoặc làm mờ, hoặc ngăn chặn truy cập, nhằm loại bỏ triệt để nguy cơ “trò chơi tự sát” xâm nhập vào nước này. Mặt khác, bất cứ ai bị phát hiện tuyên truyền về nó sẽ bị bắt giữ và xử lý nghiêm khắc.

Việt Nam không phải ngoại lệ, bởi Internet đã tạo ra một thế giới phẳng về thông tin. Bằng chứng là đã có khá nhiều clip bằng tiếng Việt trên Youtube giới thiệu và hướng dẫn trò chơi đáng sợ này. Tháng 4-2018, lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện tin đồn học sinh Trường THCS thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tự rạch tay mình để tạo hình cá voi như hướng dẫn trên mạng.

Ngành chức năng địa phương đã khẩn trương xác minh, nhưng không phát hiện có học sinh nào dính dáng đến chuyện này. Tuy nhiên đây là một nguy cơ hiện hữu, không thể chủ quan, mất cảnh giác hay thờ ơ, bỏ mặc. Luật An ninh mạng đã có hiệu lực và những clip phản văn hóa quảng bá về trò chơi rùng rợn này cần phải bị gỡ bỏ, người làm ra và tán phát chúng phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành.

Trao đổi với phóng viên  chuyên đề An ninh thế giới về lý do giới trẻ tham gia “thử thách cá voi xanh”, bà Đào Kim Hoa - giáo viên Trường THCS Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận định: “Giới trẻ luôn đầy ắp sự tò mò và hứng thú với điều mới lạ. Trò chơi này hấp dẫn họ bởi những thử thách đưa ra đã đánh trúng tâm lý bồng bột, bốc đồng, mong muốn thể hiện mình, trên cái nền non nớt về nhận thức và kinh nghiệm sống. Khi nhập cuộc rồi, họ từng bước bị tẩy não theo cường độ tăng dần, đến mức u mê, để rồi bị dẫn dụ làm theo mọi yêu cầu của kẻ chủ trò như một cái máy, kể cả khi bị thúc giục tìm đến cái chết để hoàn thành thử thách cuối cùng. Họ tham gia còn vì mất khả năng phân biệt đúng sai, do thường xuyên tương tác với nhóm xã hội có cùng nhận thức lệch lạc như mình, hoặc chịu sức ép tâm lý không muốn bị loại khỏi nhóm mà mình tham gia và các áp lực khác. Những giá trị ảo như sự tung hô trên thế giới ảo, sự ghi nhận bản lĩnh của cộng đồng… được đẩy cao đến mức giúp họ chiến thắng được nỗi sợ thần chết. Nếu họ kịp dừng lại trước cái chết, thì với những thứ được tiêm nhiễm trong 49 ngày trước đó, cũng đủ biến họ thành những người lệch lạc về nhân cách, thậm chí là biến thái đáng sợ”.

Vẫn theo bà Hoa, để giúp trẻ nhận ra những hiểm họa từ  Internet, mạng xã hội, phòng tránh được những thứ “dịch bệnh” tương tự trò chơi tự sát nói trên, các bậc cha mẹ học sinh cần quan tâm nhiều hơn đến con cái, hãy nói với con về cách sử dụng mạng Internet, mạng xã hội sao cho an toàn. 

Trước khi tham gia vào thứ gì đó trên thế giới “ảo”, hãy tìm hiểu thật kỹ để thấy được những lợi ích cũng như hiểm họa của nó, để quyết định có nên tham gia hay không. Phải luôn có tâm thế cảnh giác, hãy giữ kín những điều riêng tư và thông tin cá nhân. Cũng đừng dễ tin vào những thứ nhìn thấy trên mạng, cẩn trọng khi kết bạn. Hãy dừng lại và phán đoán, đừng vội tham gia vào những trò tiêu khiển vô bổ, mất thời gian. Nói không với những chương trình yêu cầu người dùng cung cấp thông tin hay hình ảnh cá nhân, hoặc bất cứ điều gì có thể khiến mình gặp nguy hiểm, phiền toái. Nếu gặp những điều phiền phức, bất thường, những nội dung xấu, hãy chia sẻ ngay với cha mẹ.

Ngoài ra, cha mẹ hãy khéo léo giám sát việc vào mạng và quan hệ của con thông qua việc kiểm tra lịch sử truy cập hay bí mật kiểm tra điện thoại. “Con cái sẽ an toàn trên mặt đất cũng như trên mạng, nếu các bậc cha mẹ thực sự quan tâm đến chúng và có phương pháp đúng. Muốn vậy thì chính chúng ta cũng phải thường xuyên tự trau dồi tri thức để có thể làm bạn và làm thầy của con” - bà Hoa tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.