"Chí Phèo" sống mãi trong lòng khán giả

Thứ Tư, 08/08/2018, 11:35
Nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường, người đã để lại tên tuổi vang dội với vai diễn Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", đã qua đời ở tuổi 73 sau một trận tai biến. Sự ra đi của ông đã để lại sự tiếc nuối lớn lao trong lòng bạn bè và công chúng.

Một điều tiếc nuối hơn là ông ra đi, khi nhiều dự án làm phim ông đạo diễn còn dang dở. Một trong những bộ phim ấy được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao, một nhà văn mà ông yêu thích "Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc".

1. NSƯT Bùi Cường đến với điện ảnh muộn hơn bạn bè đồng trang lứa. Thời điểm thi vào Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh khóa II, Bùi Cường đã tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện rồi về làm việc ở Xí nghiệp Điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian này, Bùi Cường đã tham gia đội kịch công nhân thành phố và đã từng đoạt Huy chương Vàng với vở diễn "Anh Tư".

Nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường.

Hồi đó, Bùi Cường đã bước vào tuổi 25, cũng không còn trẻ để bắt đầu học đại học. Đắn đo mãi, đến ngày cuối cùng, ông mới nhờ người yêu (là vợ ông bây giờ) đi nộp hồ sơ hộ. NSƯT Bùi Cường kể lại, khi tham gia thi tiểu phẩm, ông diễn vở kịch "Dạy em".

Trong ban giám khảo có đạo diễn Phạm Văn Khoa (là người sau này mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo), đã thử phản xạ tình huống: Khi Bùi Cường đang "dạy em" dọn dẹp nhà cửa, thì có một tiếng gọi "Cường ơi!", như một thói quen, Bùi Cường trả lời: "Ơi, chờ tao tí!", rồi quay sang cậu em bảo: "Thấy chưa, anh chưa kịp ăn cơm tối, bạn anh đã gọi đi làm ca rồi, vậy mà em không chịu giúp đỡ anh chăm lo nhà cửa...".

Sau này, Bùi Cường mới "chột dạ" nghĩ, hồi đó, có lẽ do may mắn ông mới đỗ, chứ chẳng ai lại xưng hô với các thầy giáo trong ban giám khảo là "mày - tao" như thế! Bùi Cường trúng tuyển năm đó và vì lớn tuổi nhất lớp nên ông được bầu làm lớp trưởng của lớp diễn viên khóa II đã đào tạo nên những diễn viên nổi tiếng như Bùi Bài Bình, Ngọc Thu, Vũ Đình Thân, Thanh Quý, Minh Châu, Phương Thanh...

Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Cũng từ đó, ông bắt đầu con đường điện ảnh của mình với những thành công ngoài mong đợi. Đặc biệt, với vai diễn Chí Phèo, Bùi Cường đã ghi dấu ấn trong tâm trí khán giả. Tôi từng có dịp phỏng vấn NSƯT Bùi Cường về vai diễn Chí Phèo, một vai diễn để đời của ông.

Ông đã chia sẻ: "Một buổi sáng, đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa gọi tôi đến bảo: "Cường này, cậu có thể cắt ngắn mái tóc dài đi không (hồi đó có mốt đàn ông để tóc dài ngang vai). Tôi bảo, vâng, nếu là vì nghề diễn thì em sẵn sàng. Đạo diễn bảo, mình đang làm phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", phim chuyển thể từ 3 tác phẩm "Sống mòn", "Lão Hạc" và "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, mình muốn mời Cường vào vai Chí Phèo, Cường thử vào vai xem sao nhé!".

Từ khi nhận được lời mời của đạo diễn Phạm Văn Khoa, ông đã ráo riết tìm đọc sách của nhà văn Nam Cao để hình dung một Chí Phèo cho hợp lý. Anh thấy có hai điều đặc biệt ở Chí Phèo, một là dáng đi say rượu, hai là giọng cười đầy riêng biệt của Chí. Bùi Cường cũng uống rượu để thử say xem thế nào, nhưng càng uống càng thấy mình... tỉnh. Giọng cười hô hố, ha há cũng chả giống ai nhưng không thể lột tả được chân dung Chí Phèo. Hồi đó hàng xóm có nuôi một con chó, và có lần ông thấy nó bị... hóc xương cứ ặc ặc trong cổ như vừa khóc, vừa cười, vừa đau đớn. Từ cảnh của con chó, Bùi Cường quyết định sẽ cho Chí Phèo tiếng cười kiểu như thế.

Ông cũng chia sẻ, cảnh quay khó nhất đối với Bùi Cường chính là lúc Chí Phèo nhìn thấy Thị Nở nằm tênh hênh ở vườn chuối. Sự vô ý của Thị đã khiến lòng Chí... rạo rực.

Bùi Cường kể lại: "Đạo diễn đã phải thuê một người mẫu đóng thế cho nghệ sĩ Đức Lưu trong cảnh Chí Phèo sờ vào bộ ngực "tơ hơ" của Thị Nở trong đêm trăng ở vườn chuối. Phải quay vài "đúp" mới thực hiện được xong cảnh "nhạy cảm" ấy. Khi xem "Làng Vũ Đại ngày ấy”, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nhận xét: Bùi Cường có khả năng thiên bẩm là vạch ra những cái lố bịch của người đời chỉ bằng một vài động tác cực kỳ đơn giản.

Quả vậy, có cảm giác trong con người anh luôn tiềm ẩn một sức diễn chưa hề vơi cạn. Bảng danh sách các vai diễn trong phim của ông cứ kéo dài ra mãi. Các vai đó dù lớn, dù nhỏ hầu hết đều được Bùi Cường thể hiện có sức nặng, tất nhiên ở những mức độ khác nhau.

Ngay sau đó, vai diễn Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" đã mang lại cho ông Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983). Sau thành công của vai diễn Chí Phèo, Bùi Cường được mời vào một loạt vai diễn tiếp theo như Trần Tuấn trong phim "Phút thứ 89" (đạo diễn Quốc Long), Trần Quân trong phim "Kẻ giết người" (đạo diễn Hoài Linh), tướng cướp trong "Dòng sông vàng" (đạo diễn Kiều Tuấn), Mộc trong phim "Không có đường chân trời" (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), chủ quán trong phim "Vụ áp phe Đông Dương" (đạo diễn Trần Đắc), Năm Hòa trong phim "Biệt động Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân)...

Sau khi thành công với những vai diễn, NSƯT Bùi Cường lại thử sức ở vai trò đạo diễn và ông đã có những bộ phim để lại dấu ấn trong lòng người xem như "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", "Người đàn bà không con"... Gần đây tôi có dịp gặp Bùi Cường tại Hãng phim Hội nhà văn khi ông đang tìm tư liệu. Trong dáng vẻ khá tất bật ông bảo, thị trường phim ảnh bây giờ cần những cái chớp nhoáng, nhanh để kịp phát sóng và ông vẫn làm phim để kịp xu thế theo "đơn đặt hàng" nhưng vẫn ấp ủ cho mình những bộ phim điện ảnh hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật cao.

2. NSƯT Ngọc Thu, người thủ vai chị Út Tịch trong phim "Mẹ vắng nhà" tâm sự: "Anh Bùi Cường khi vào học lớp diễn viên với chúng tôi thì được bầu làm lớp trưởng, một phần vì anh ấy hơn hẳn chúng tôi 10 tuổi, lại đã có gia đình nên anh chững chạc lắm. Vẻ chững chạc của một người hiền lành, nhân hậu, tử tế. Anh như người anh cả, mà chúng tôi vẫn gọi bằng cái tên thân mật "Cường già".

Nghệ sĩ Bùi Cường vào vai Chí Phèo.

Trong lớp có chuyện gì thì anh như người anh lớn, khuyên nhủ, bảo ban các em, hồi ấy anh gầy gò, thư sinh, chiều chuộng các em trong lớp. Cứ có hẹn hò tụ tập ở đâu là anh có mặt đầy đủ.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm rất thú vị: Hồi ấy con trai mà để tóc dài thì nhà trường phạt và cả lớp tất cả con trai, vì nghịch nên cắt trọc đầu hết. Anh Cường ở ngoại trú có hôm vào trường, mấy ông em nghịch ngầm bảo, anh ngồi lên chúng em cắt ngắn cho anh, anh bảo: "Thôi anh xin chúng mày, anh có vợ con rồi, ai cắt trọc!".

Mấy ông em hứa tới hứa lui là chỉ cắt tỉa vớ vẩn thôi, ai cắt trọc của anh, nhưng rồi khi anh ấy ngồi lên thì tông đơ hết, anh đành chịu, có mắng, có khó chịu chút xíu nhưng tính anh hiền lành, nên cứ bị mấy ông em tinh quái "qua mặt". Tính anh cũng nhát lắm, vì khỏe mạnh nên anh ít khi đi khám bệnh, mà khám bệnh sợ có bệnh, sợ phải nằm viện nên chả bao giờ chịu đi đâu.

Mới đây, trong lần tụ tập anh còn bảo, đang làm phim "Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc", cũng tổn hao sức lực lắm. Anh làm không phải vì tiền vì kinh tế nhà anh khá ổn định nhờ vào tài kinh doanh của vợ, nhưng vì đam mê nghề nên không có món ăn tinh thần là không chịu được. Anh còn chia sẻ, xong phim này thì sang năm đưa bà Mùi đi châu Âu, vì hai vợ chồng nói thế, chưa dẫn nhau đi ra khỏi lãnh thổ lần nào, vậy mà anh chưa kịp thực hiện dự định thì đã rời xa cõi tạm...".

Trong sự thương tiếc người diễn viên, đạo diễn thân thiết, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: Khi chị vào làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, NSƯT Bùi Cường đã là một diễn viên nổi tiếng bởi vai diễn Chí Phèo. Bên cạnh anh luôn có nhiều bạn bè thân thiết và yêu quý.

Đó là chưa kể, trong số những diễn viên thời bấy giờ, anh là một trong những người có gia đình hạnh phúc tròn vẹn, ấm no với người vợ làm kinh doanh áo dài nổi tiếng. Nhưng lúc gặp và chơi với nghệ sĩ Bùi Cường, kể cả trong lúc vui nhất, chị vẫn thấy trong đôi mắt anh phảng phất một nét buồn. Khi đã thành bạn bè thân thiết, chị mới biết hóa ra đó là nỗi buồn "bẩm sinh" trong anh từ khi là một cậu bé mồ côi từ lúc trong bụng mẹ.

Thân phụ của nghệ sĩ Bùi Cường là liệt sĩ – hy sinh trong lúc đánh giáp lá cà với quân Pháp ở chợ Đồng Xuân trong thời kỳ 60 ngày đêm kháng Pháp đầy anh dũng của người Hà nội. Mẹ anh ở vậy nuôi con trong khó khăn, gian khổ. Có lẽ vì thế, nghệ sĩ Bùi Cường luôn yêu thương mẹ mình hết thảy. May mắn là anh có cuộc hôn nhân hạnh phúc với chị Mùi, một người đàn bà sinh ra là để dành cho anh. Chị Mùi, một người may áo dài nổi tiếng của Hà Nội đã thay anh gánh vác gia đình, chăm sóc hai con gái để anh có thời gian đi làm phim và sống trọn với đam mê điện ảnh.

Nghệ sĩ ưu tú Bùi Cường (ngồi giữa hàng đầu) cùng các bạn lớp điện ảnh khóa II.

NSƯT Trung Anh - người vừa được Đạo diễn Bùi Cường mời vào vai Bá Kiến trong bộ phim sắp tới do ông làm đạo diễn "Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc" đã chia sẻ: Cách đây khoảng hơn một tháng, anh nhận được kịch bản từ đạo diễn Bùi Cường. Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Trung Anh được hợp tác với đạo diễn Bùi Cường nên cũng rất chờ đợi. Họ đang hẹn gặp nhau để trao đổi thêm về một kịch bản mà đạo diễn Bùi Cường đã dành rất nhiều tâm sức để thực hiện, nhưng cuộc gặp chưa được thực hiện thì đạo diễn đột ngột qua đời trước sự thương tiếc và ngỡ ngàng của nhiều bè bạn.

3. NSƯT Bùi Cường đang chuẩn bị được vinh danh vì ông có tên trong danh sách được xét tặng NSND năm 2018, một danh hiệu cao quý dành cho người đã đắm đuối cả một đời với điện ảnh, nghệ thuật. Có lẽ ông còn có rất nhiều dự định phía trước bởi chưa một ngày nào ông nguôi giấc mộng có được những thước phim để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật muôn đời, song những dự định còn  dang dở đã khiến cho người ở lại tiếc thương ông vô ngần. Đặc biệt là người vợ tảo tần, tháo vát chăm lo đời sống kinh tế, nuôi dạy con cái lớn khôn để ông chuyên tâm cho nghệ thuật... Người vợ cả một đời bên anh, từ những ngày Bùi Cường còn làm công nhân Xí nghiệp Điện đến khi là một anh Chí Phèo nổi nênh khắp các rạp chiếu phim hay một đạo diễn vào Nam ra Bắc liên tục. Bà đã sốc và phải nằm viện sau sự ra đi đột ngột của chồng và bao nhiêu hứa hẹn của tuổi già đang chỉ chờ ngày thực hiện...

Cuộc sống luôn là những định mệnh đã được định sẵn đâu đó trong đất trời, và có lẽ, sự ra đi đột ngột và quá nhanh của Bùi Cường, cũng là một định mệnh, để nỗi nhớ thương bóng hình một Bùi Cường khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đầy nhiệt tâm với công việc, đầy hăng say trong mỗi cuộc vui, luôn hiện hữu trong mỗi người...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.