Chiến thắng bệnh trầm cảm để trở thành kình ngư

Thứ Tư, 05/06/2019, 12:35
Kình ngư huyền thoại của thế giới Michael Phelps – người duy nhất 23 lần vô địch Olympic, nắm giữ kỷ lục tuyệt đối về số huy chương giành được, chủ nhân của 7 kỷ lục thế giới – chỉ chút nữa đã tự kết liễu mạng sống của mình.

Trên thực tế, vận động viên nổi danh và là thần tượng của hàng triệu người từ lâu đã mắc chứng bệnh trầm cảm, từng thừa nhận có thời điểm không còn cảm thấy muốn tiếp tục sống nữa. Nhưng điều quan trọng là anh đã biết vượt qua, tự đứng dậy để tiếp tục giành chiến thắng…

Nếu nhìn bên ngoài, cuộc sống của Michael có thể nói là rất lý tưởng. Anh từng giành chiến thắng tại 4 kỳ Olympic liên tục, xô đổ kỷ lục về số lượng huy chương tại thế vận hội và ký kết nhiều hợp đồng quảng cáo hàng triệu đôla với các công ty lớn nhất thế giới. Kình ngư còn kết hôn với người mẫu Nicole Johnson, có với cô hai đứa con.

Tuy nhiên, Michael trên thực tế đã phải thừa nhận, anh đang vật lộn đấu tranh với chứng bệnh trầm cảm. “Tôi đau khổ vì những tâm trạng bất an và không biết liệu mình còn muốn tiếp tục sống hay không. Khi đã chạm đến đáy của nỗi thất vọng, tôi quyết định phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia. Chính quyết định này đã cứu giúp cuộc đời tôi, giúp tôi không lâm vào tình cảnh nguy kịch” – kình ngư nổi tiếng tâm sự.

Theo Michael, anh đã không thể chịu nổi gánh nặng về trách nhiệm của một người đàn ông trên vai mình. Vấn đề là không ai muốn thấy những biểu hiện yếu mềm từ phía các vận động viên. “Xét về mặt sâu xa, đây là quan điểm không đúng. Chúng tôi cũng như tất cả những người bình thường khác, đều có thể phải yêu cầu sự giúp đỡ” – Michael giải thích.

Bác sĩ trị liệu cho Michael là Richard Catanzaro - Trưởng khoa tâm thần tại Bệnh viện Mount Kisco - cho biết có không ít các vận động viên chuyên nghiệp có xu hướng bị bệnh trầm cảm. Nhưng mọi người xung quanh lại không hiểu, những người tài năng có thể cho phép mình có được mọi thứ lại lâm vào tình cảnh như vậy. Chính vì thực tế này, các vấn đề về tâm thần của vận động viên càng có nguy cơ trầm trọng hơn.

“Michael luôn bị vây quanh bởi sự chú ý của báo chí, công chúng, các huấn luyện viên và vận động viên. Chính vì vậy, anh ta bị ngăn cách với cuộc sống sinh hoạt thông thường, nên anh ấy cần có thời gian để nhìn nhận lại mình”.

Ngay từ năm 11 tuổi, Michael đã bị chẩn đoán mắc hội chứng thiếu tập trung và rối loạn tăng động giảm chú ý. Trong các buổi tập luyện, cậu thường tỏ thái độ ương bướng, cáu bẳn. Cho đến khi lớn lên, triệu chứng này vẫn chưa thể hết: Michael có thể quăng cả chai nước vào huấn luyện viên để tỏ thái độ không hài lòng về công việc của ông.

Nhưng những vấn đề thực sự nghiêm trọng đối với anh bắt đầu xảy ra từ năm 2014. Kình ngư này thường xuyên bỏ tập, thay thế vào đó là những buổi liên hoan chơi bời và rượu chè, vùi đầu vào sòng bạc mà không báo trước cho ai biết. Michael nói chung đã chuẩn bị từ bỏ cả thể thao, nhưng các hợp đồng tài trợ đã bắt anh phải tiếp tục thi đấu.

Tháng 3 năm đó, Michael bị bắt tại Baltimore vì lái xe quá tốc độ và vượt qua dải phân cách. Điều tra cho thấy, hàm lượng cồn trong máu vận động viên này cao gấp đôi giới hạn cho phép. Hậu quả là Michael phải nhận bản án một năm tù treo với thời hạn thử thách 18 tháng. Liên đoàn Bơi lội Mỹ cũng cấm anh thi đấu trong nửa năm, đồng thời tước quyền tham gia vào giải Vô địch bơi lội thế giới tại Kazan vào năm 2015.

Vận động viên 23 lần vô địch olympic Michael Phelps.

Kình ngư này thừa nhận, ba tháng dính dáng tới phiên tòa xét xử là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời mình. Có thời điểm, Michael tự nhốt mình trong ngôi nhà tại Baltimore, thậm chí có tới 4 ngày hầu như không thể bước chân ra khỏi giường.

“Có cảm tưởng như tôi đang sa vào một bãi lầy. Tôi chưa bao giờ kêu gọi sự giúp đỡ trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng vào thời điểm đó, tôi đã quỳ xuống và khóc nức nở” – Michael nhớ lại. May mắn là anh vẫn quyết định gọi cấp cứu và được đưa tới Bệnh viện The Meadows tại Phoenix.

Michael đã phải trải qua quá trình trị liệu và hồi phục kéo dài 45 ngày. Ngay sau đó, anh quay trở lại luyện tập để đạt được phong độ lý tưởng. Trong giải vô địch bơi lội của Mỹ năm 2015, Michael đã giành được 3 huy chương vàng. Từ bỏ rượu bia, anh tự hứa sẽ không uống rượu cho đến khi kết thúc Olympic Rio De Janeiro vào tháng 8 năm sau. Anh đã biết tập trung lao vào luyện tập, đồng thời dành những thời gian còn lại cho nghỉ ngơi và hồi phục.

Tại Olympic cuối cùng của sự nghiệp ở Brazil, Michael đã giành tới 5 huy chương vàng, trở thành vận động viên đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng ở nội dung 200 mét hỗn hợp tại 4 kỳ Olympic.

Michael chính thức kết thúc sự nghiệp của mình sau kết thúc Olympic Rio De Janeiro. “Suốt cả cuộc đời tôi đã gắn chặt với bể bơi. Giờ đây tôi sẽ phải học cách sống trong thế giới thực. Đôi khi cuộc sống bình thường có thể nặng nề nhưng cũng có ích. Dù sao thì cuộc sống vẫn quan trọng hơn tấm huy chương vàng” – kình ngư nổi tiếng tâm sự.

Cũng theo Michael, anh luôn có những người thân như vợ và mẹ làm điểm tựa trong những thời điểm khó khăn. Giờ đây, anh còn sẵn sàng kể về những vấn đề tâm lý của mình cho những đứa trẻ: “Cần phải chia sẻ kinh nghiệm. Tôi đã nói với chúng rằng, bất chấp tất cả mọi khó khăn, cũng không được đánh đổi bất cứ giây phút quý giá nào trong cuộc đời mình”.

Michael cũng tìm cách giúp đỡ những thiếu niên có xu hướng bị trầm cảm. Quỹ từ thiện của anh đã sản xuất bộ phim tài liệu “Angst” trong đó kể về những căn bệnh về tâm lý và sang chấn của chúng. Kình ngư này hy vọng bộ phim sẽ khiến công chúng chú ý tới vấn đề trên nhiều hơn.

Michael đồng thời cũng nhấn mạnh, việc chiến thắng hoàn toàn chứng trầm cảm là chuyện không thể, nếu như không nói phải bắt buộc sống chung với nó cả đời. Vấn đề là giờ đây anh đã sẵn sàng đương đầu với nó và nhìn về tương lai với tinh thần lạc quan hơn.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.