Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức đối với ASEAN

Thứ Ba, 17/07/2018, 13:14
Căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên những quan ngại trên toàn cầu. Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giờ đây không chỉ dừng lại ở phạm vi khuôn khổ của hai nước mà còn lan rộng ra các khu vực khác trên thế giới, trong đó có khu vực ASEAN. Điều này không những sẽ tạo ra những thách thức mà còn mang đến những cơ hội cho các nước ASEAN.

Mỹ - Trung là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chi phối hầu hết các mối quan hệ thương mại song phương và đa phương toàn cầu. Cả Mỹ và Trung Quốc cũng luôn coi trọng hợp tác kinh tế, xem đây là nền tảng, cơ sở cho để xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung. Xét trong tương quan mối quan hệ tác động qua lại, cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn được cho dường như không có lợi cho cả hai.

Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên nền kinh tế thế giới là điều mà nhiều người có thể mường tượng. Theo nhận định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu cứ tiếp diễn có thể sẽ khiến cho triển vọng kinh tế toàn cầu trở nền mờ mịt hơn, tiến trình toàn cầu hóa cũng có thể gặp nhiều trắc trở. Hơn nữa, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn sẽ lôi kéo các nền kinh tế khác vào cuộc và châm ngòi cho cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu.

Theo phân tích của Financial Times, vấn đề áp thuế nhập khẩu và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm 1% - 3% trong những năm tới đây.

Bất chấp những biến động gần đây trong quan hệ kinh tế quốc tế khi mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và gia tăng cạnh tranh thị trường ở một số nền kinh tế mới nổi, các nhà kinh tế vẫn tiếp tục đưa ra dự báo tăng trưởng lạc quan cho kinh tế ASEAN trong năm 2018, thậm chí là cả những năm tiếp theo.

Theo cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) và báo Nikkei tiến hành từ ngày 8 - 28/6, dự báo tăng trưởng của ASEAN ở mức 5.0%, không thay đổi so với cuộc khảo sát trước đó vào thời điểm tháng 3.

Với mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ, ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế ASEAN là điều khó có thể tránh khỏi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 là 514,8 tỷ USD. Các nước mà Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa chủ yếu là Việt Nam, Singapore và Malaysia. Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

Trong khi đó, Mỹ hiện là bạn hàng lớn thứ 4 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 212 tỷ USD trong 2015, đồng thời cũng là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào ASEAN với tổng giá trị lên tới 274 tỷ USD. Ngoài ra, quan hệ hợp tác kinh tế hai bên cũng đã mang lại hơn 5 triệu việc làm tại Mỹ.

Các nước ASEAN được kết nối sâu sắc với chuỗi cung ứng khu vực, đóng vai trò là nhà cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc để tiếp tục chế biến và tái xuất sang các nước thứ ba, trong đó có Mỹ. Năm 2016, có 12,4% hàng xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc trong khi 30,1% các sản phẩm đó là hàng hóa trung gian cho việc sản xuất hàng hóa sẽ được xuất khẩu ra khỏi nước này.

Cộng đồng kinh tế ASEAN đứng trước thách thức và thuận lợi.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ làm gián đoạn các công đoạn sản xuất như đang vận hành, trong đó điện và máy móc được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nhất. Năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu điện và máy móc của ASEAN tương ứng với toàn bộ xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc là khoảng 36% trong khi 41% sản phẩm được xuất khẩu đó được Trung Quốc sử dụng để sản xuất tiếp.

Tuy nhiên, theo các phân tích, xung đột thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể sẽ mang đến những cơ hội cho nền kinh tế ASEAN. Cụ thể, trong trường hợp các sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại, khu vực ASEAN có thể hưởng lợi vì nơi đây là cơ sở sản xuất chính của Tập đoàn điện tử Samsung - một đối thủ cạnh tranh lớn đối với Apple.

Đồng thời, để tránh đánh thuế từ đối phương, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tích cực mua nhiều hơn các mặt hàng từ các thị trường, trong đó có ASEAN. Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý cũng như những nét tương đồng về văn hóa, sẽ không ngoại trừ khả năng các nhà đầu tư của Trung Quốc di chuyển đầu tư sang các nền kinh tế ASEAN để tránh bị vướng vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về ngắn hạn, một số nước ASEAN có thể nhận được lợi ích nhất định từ việc trở thành nước xuất khẩu hàng hóa thay thế trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng trong dài hạn, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới tổng lượng trao đổi thương mại giữa ASEAN và hai nước Trung - Mỹ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế của các nước thuộc khối này.

Do vậy, các nước ASEAN, nhất là những nước có mối quan hệ kinh tế gắn liền với Mỹ và Trung Quốc sẽ lưu ý nhiều hơn đến những giải pháp đối phó để vừa tránh được ảnh hưởng tiêu cực vừa xây dựng được định hướng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương bền vững với Trung Quốc và Mỹ trong thời gian tới.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, các chuyên gia cũng đưa ra một số gợi ý đối với các nước trong khu vực ASEAN nhằm tranh thủ thời cơ, tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế. Một mặt, ASEAN cần nhận thức được tầm quan trọng là một khối khu vực có vị trí năng động về địa chính trị toàn cầu. Việc hỗ trợ cho hệ thống thương mại toàn cầu có thể được thực hiện bằng cách duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các diễn đàn khu vực để thúc đẩy sự gắn kết khu vực, hội nhập kinh tế và tăng cường ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Mặt khác, chính phủ các nước trong ASEAN sẽ phải chủ động hơn trong việc tăng cường thúc đẩy cải cách cơ cấu nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài, đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng của các sản phẩm, đảm bảo năng lực cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Kông Anh
.
.