Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang

Thứ Sáu, 17/05/2019, 14:52
Trong bối cảnh áp lực do kinh tế thế giới suy giảm đang tăng lên, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành yếu tố rủi ro quan trọng nhất khiến kinh tế toàn cầu trở nên mất ổn định. Nếu Mỹ và Trung Quốc xảy ra chiến tranh thương mại, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ "tụt dốc không phanh".

Thiệt hại cực lớn từ xung đột... kéo dài

Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1-6 tới. thông báo ngày 13-5 trên trang web của Chính phủ Trung Quốc cho biết gần 2.500 hàng hóa Mỹ sẽ chịu mức thuế 25%. Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ áp đặt mức thuế mới với tổng cộng 5.140 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Phản ứng trên được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10-5 vừa qua về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng yêu cầu đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xúc tiến việc áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Việc Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại được hai bên dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán đã khiến Mỹ cáo buộc Trung Quốc "quay lưng" với những cam kết. Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỷ USD nhập khẩu Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD.

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ nếu Bắc Kinh đáp trả, tình hình sẽ chỉ tồi tệ thêm. Ông cho rằng không có lý gì người tiêu dùng Mỹ phải trả các khoản tăng thuế, và việc tăng thuế có thể tránh được nếu các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác.

Mặc dù có nhiều cuộc tiếp xúc nhưng Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết được các bất đồng thương mại. Ảnh: Washington Post.

Theo Tổng thống Trump, Bắc Kinh sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu không đưa ra được thỏa thuận do các công ty buộc phải rời khỏi Trung Quốc sang các nước khác. Theo ông chủ Nhà Trắng, Bắc Kinh đã có một thỏa thuận tuyệt vời, gần hoàn tất thì lại từ bỏ.

Đánh giá về quyết định nâng mức thuế của Mỹ, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng cả hai bên đều chịu ảnh hưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu xung đột thương mại hai bên kéo dài.

Theo chuyên gia phân tích Nick Marro thuộc Tạp chí Economist, cơ hội để hai bên đạt được thỏa thuận đã giảm đáng kể, và nguy cơ các cuộc đàm phán đổ vỡ đang tăng lên. Ông cho rằng việc tăng thuế của Mỹ đã hủy hoại những "thiện chí" và "thời cơ tích cực" tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai cường quốc.

Nhiều nhà phân tích cũng nói rằng kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, song việc nâng thuế lần này của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến hai cường quốc kinh tế này có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận.

Ông Stefan Legge, giảng viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ, dự báo xung đột thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế còn có thể chịu được. Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này đều chia sẻ quan điểm chung rằng Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn Mỹ nếu căng thẳng thương mại này kéo dài.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ.

Hiểu rõ sự thiệt hại này, ngày 13-5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: "Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sau những nỗ lực từ cả hai bên đã đạt được những tiến triển quan trọng và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khó khăn đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra quyết định đúng đắn".

Tác động của kế hoạch "Made in China 2025"

Trong bối cảnh áp lực do kinh tế thế giới suy giảm đang tăng lên, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành yếu tố rủi ro quan trọng nhất khiến kinh tế toàn cầu trở nên mất ổn định. Đối tượng của tranh chấp thương mại cũng đã chuyển từ sự mất cân bằng thương mại lớn đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp đó mở rộng ra các đề tài như chính sách ngành nghề mà đại diện là kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc...

Liệu có phải tranh cãi giữa Trung Quốc và Mỹ xoay quanh kế hoạch “Made in China 2025”? Liệu Mỹ đã công nhận ý nghĩa tồn tại của chính sách ngành nghề “Made in China 2025” đối với Trung Quốc?

Theo giới phân tích, Trung Quốc và Mỹ vẫn có bất đồng lớn về chính sách ngành nghề được thể hiện trong “Made in China 2025”. Hai bên không sử dụng tên gọi “Made in China 2025” này mà tập trung đàm phán về các biện pháp chính sách cụ thể như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách trợ cấp tài chính quá mức và sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nếu xảy ra chiến tranh thương mại, người tiêu dùng và sản xuất toàn cầu sẽ chịu thiệt lớn. Ảnh: Ron Miller.

Trên thực tế, Trung Quốc đã có phản ứng tích cực đối với những lo ngại của Mỹ về kế hoạch “Made in China 2025”. Mặc dù Trung Quốc không tuyên bố một cách rõ ràng sẽ từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”, nhưng đã không đề cập đến từ khóa này trong các văn kiện và bài phát biểu công khai của chính phủ và tin tức của các phương tiện truyền thông kể từ giữa năm 2018 đến nay, mà sử dụng nhiều hơn các từ khóa có kế hoạch hành động cụ thể như trung tâm đổi mới sáng tạo trong sản xuất, sản xuất thông minh, dự án tăng cường công nghiệp ở cấp cơ sở, ứng dụng vạn vật kết nối Internet vào sản xuất công nghiệp, kế hoạch hành động phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới...

Chẳng hạn, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ thành lập khoảng 15 trung tâm đổi mới sáng tạo trong sản xuất, cố gắng đến năm 2025 thành lập được khoảng 40 trung tâm kiểu này. Từ năm 2015 đến cuối 2018, Trung Quốc đã tổ chức và thực hiện 305 dự án thí điểm sản xuất thông minh bao phủ 92 ngành nghề và 31 tỉnh, thành. Ban đầu, kế hoạch “Made in China 2025” là một chính sách ngành nghề phức hợp được hoạch định để thúc đẩy quá trình nâng cấp và chuyển đổi mô hình ngành sản xuất truyền thống và đối phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

So với chính sách ngành nghề trước đây, chính sách này có những đặc điểm sau: Thúc đẩy chiến lược phát triển lấy đổi mới sáng tạo làm hướng phát triển. Thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch với trọng tâm là sản xuất thông minh. Thực hiện những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Thúc đẩy sản xuất xanh. Hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất trang thiết bị cao cấp.

Do đó, Trung Quốc đã ngừng sử dụng khái niệm chính sách ngành nghề “Made in China 2025” - nhân tố chính gây ra va chạm thương mại Trung - Mỹ, và việc thực hiện từng dự án cụ thể đã không cản trở các mục tiêu chính sách thúc đẩy nâng cấp ngành nghề và đối phó với cách mạng ngành nghề mới. Trên thực tế, một số kế hoạch được đề cập trong hệ thống quy hoạch “Made in China 2025” vừa mang nặng màu sắc kinh tế, vừa đi ngược lại nguyên tắc kinh tế thị trường, cũng như sản xuất tự chủ và thị phần trong quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không những vấp phải sự chỉ trích của chính phủ và giới doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, mà rất nhiều chuyên gia kinh tế và giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng đưa ra ý kiến khác nhau.

Từ những thông tin và những lời chỉ trích của Mỹ nhằm vào kế hoạch “Made in China 2025” cho thấy sự chú ý của Mỹ chủ yếu tập trung vào 3 phương diện. Thứ nhất, kế hoạch “Made in China 2025” có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nghi ngờ có nội dung ép buộc chuyển giao công nghệ cũng như có các biện pháp thương mại không công bằng và trợ cấp trái phép không phù hợp với quy tắc của WTO. Thứ 2, lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo trong thúc đẩy phát triển các công nghệ trọng điểm lưỡng dụng như trí tuệ nhân tạo (AI)... đe dọa an ninh quốc gia.

Thứ 3, có lẽ do dự đoán chủ quan của các phương tiện truyền thông và những người có liên quan, Mỹ lo ngại năng lực công nghệ của Trung Quốc và sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế mới sẽ khiến Mỹ mất đi quyền chủ đạo trong công nghệ và ngành nghề mới. Mỹ cho rằng các biện pháp chính sách này sẽ làm xói mòn thị trường và gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ.

Cuộc chiến khó tránh

Báo Nikkei (Nhật Bản) chỉ rõ, không chỉ là thương mại, một tranh chấp khác giữa Mỹ và Trung Quốc về năng lượng địa chính trị xoay quanh việc nắm giữ công nghệ thế hệ tiếp theo.

Theo báo này, tới thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã có thể nhìn thấy sâu tận gốc rễ và nếu nhìn từ góc độ năng lượng có thể hiểu được đó là cuộc chiến giữa Mỹ - quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới - và Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.

Đối với Mỹ, quốc gia chi phối năng lượng toàn cầu, đang thúc đẩy gia tăng nhanh chóng sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên, Trung Quốc đang thách thức nước này bằng cách kiểm soát việc nắm giữ công nghệ năng lượng thế hệ tiếp theo.

Cụ thể, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), một trong những chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu khai thác thị trường của các nền kinh tế mới nổi và tạo ra một khu vực an ninh rộng khắp dọc theo các tuyến giao thông. Trong mục tiêu trên, nội dung quan trọng mà Trung Quốc hướng tới là ổn định nguồn năng lượng thông qua việc đảm bảo tuyến đường vận chuyển, đặc biệt là tuyến đường trên biển.

Thông qua BRI, Trung Quốc nhắm tới châu Á, Trung Đông để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của năng lượng. Đây là một chiến thuật mang tính truyền thống. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ có thể dẫn đầu trong việc nắm bắt công nghệ năng lượng thế hệ tiếp theo. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng là một lĩnh vực quan trọng nhất trong chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc đến năm 2025” và Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành quyền bá chủ công nghệ thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực này.

Khi nói về phản ứng có thể có của Trung Quốc trước sự leo thang của cuộc chiến thuế quan, Alexei Maslov, người đứng đầu Trường nghiên cứu phương Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia “Trường Kinh tế cao cấp” (HSE), đặc biệt lưu ý: “Trung Quốc có thể làm rất nhiều việc để phản ứng đáp trả. Ví dụ, họ sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, hoặc trong trường hợp cực đoan, đóng băng các cuộc đàm phán về việc cung cấp nông sản Mỹ cho Trung Quốc. Và như vậy, vòng xoáy ngày càng lớn và mạnh hơn... Chiến thương mại Mỹ - Trung là không thể tránh được.

Mặc dù Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nhưng Canada và Mexico cũng là các đối tác lớn thứ 2 và thứ 3 theo đuổi sát nút. Hơn nữa, trong khi Trung Quốc chắc chắn cần duy trì quan hệ thương mại với Mỹ, thì nền kinh tế Mỹ lại ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn. Do vậy, trong khi các nhà đầu tư có thể lo ngại về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thì mối đe dọa lớn nhất với các nhà đầu tư lại là sự thay đổi trong nhận thức rằng Trung Quốc là một nơi ổn định để đầu tư.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư phương Tây trong nhiều thập kỷ qua đã “đánh bóng” các cơ hội kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc, nhưng trên thực tế lại khác. Những tuyên bố hùng hồn của Nhà Trắng về việc “thực hiện thỏa thuận” với Bắc Kinh chỉ là sự “đánh lừa”. Nhiều nhà quan sát lo ngại về khả năng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng trên thực tế, tình trạng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua, từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II và khi Trung Quốc bị nước ngoài chiếm đóng hồi thế kỷ 19.

Có thể thấy rõ, chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump hiện bị thử thách trên cả 4 mặt trận khiến Nhà Trắng phải đối mặt với những phép thử rất cam go trong việc làm thế nào để xử lý được nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền Mỹ. Cũng có thể những dấu hiệu về một cuộc chiến thương mại cũng chỉ là hình thức che lấp những xung đột lớn bên trong giữa Mỹ và Trung Quốc ở khắp toàn cầu.

Hoa Huyền
.
.