Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ trong ký ức của đạo diễn Phạm Thị Thành:

“Chim sâm cầm không chết”

Thứ Năm, 03/09/2015, 21:40
Chiều ngày 29/8/1988 chuyến xe định mệnh chở gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh cùng con gái quỳnh thơ tử nạn gần cầu Phú Lương (địa phận tỉnh Hải Dương). Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hưởng dương 40 tuổi, để lại 50 tác phẩm kịch bản văn học tinh túy.

Mấy thập kỷ trôi qua, cứ đến ngày mất của lưu quang vũ, nhiều đoàn nghệ thuật dựng lại những vở kịch của ông, vở diễn mang tính thời sự nóng hổi, nó như cánh chim báo bão của một tác giả tài năng. Các đồng nghiệp nhắc đến nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với niềm luyến tiếc, nhớ nhung vô bờ, khán giả cả nước không bao giờ quên ông.

Nữ đạo diễn sân khấu đương đại nổi tiếng rưng rưng lệ, khi nhắc đến nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ. Bà chậm rãi đến bên giá sách cầm mấy cuốn và những tờ giấy đã ngả màu thời gian chỉ vào bảo: "Tôi vẫn giữ tất cả những kỷ vật này, đấy là mối duyên giữa tôi và Vũ, Vũ và Quỳnh đã đi quá xa nhưng tôi không bao giờ quên, chúng ta không bao giờ quên hai con người đó".

Tôi biết, lần nào đến nhà bà, mỗi khi nhắc đến nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là bà đều lấy tờ quảng cáo của vở kịch "Sống mãi tuổi 17". Đây là tác phẩm đầu tiên đã đưa nhà thơ, nhà báo Lưu Quang Vũ (khi đó đang công tác tại Tạp chí Sân khấu, 51 Trần Hưng Đạo) đến với nghề viết kịch vào năm 1978.

Bà kể, đó là mùa hè năm 1978, tôi vừa đi học đạo diễn ở Liên Xô về, có ý tưởng thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ, dành cho các khán giả là thanh thiếu niên nhi đồng. Cuối cùng ý tưởng của tôi đã được Bộ Văn hóa ủng hộ. Tôi muốn có một vở kịch khi ra mắt thành lập nhà hát, vở diễn đấy phải gần với khán giả trẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Phạm Thị Thành sau buổi diễn "Nếu anh không đốt lửa".

Tôi được biết đến kịch bản của ông Đào Duy Kỳ viết về Anh hùng Lý Tự Trọng. Ông Đào Duy Kỳ trước đây là bạn chiến đấu cùng với Lý Tự Trọng. Sau khi cầm cuốn kịch bản của ông Kỳ, tôi nghiên cứu nếu chỉ dựa vào cuốn kịch bản này dàn dựng thì khó mà hấp dẫn, sau đó tôi đọc nhiều tài liệu để tham khảo thêm về cuộc đời của người anh hùng và bố cục lại kịch bản.

Khi đã hoàn thành phần sườn đến lúc phải viết thành một tác phẩm dài thì đang nghĩ nhờ người nào viết kịch quen để viết, có một người nói: "Thành tin tôi đi, người đấy chính là Lưu Quang Vũ. Vũ  chưa viết kịch quen nhưng cậu đấy làm báo giỏi mà làm thơ cũng tốt, Thành thử nhờ xem”.

Mặc dù trước đây tôi chưa từng làm việc với Vũ nhưng nghe mọi người nhắc đến Vũ là nhà thơ, và những bài báo Vũ viết trên Tạp chí Sân khấu gây ấn tượng mạnh với nhiều người. Tôi đến nhà Vũ, lúc đấy Vũ và Xuân Quỳnh, bà Khánh (mẹ của Lưu Quang Vũ) và Kít (Lưu Minh Vũ, con của Lưu Quang Vũ và Tố Uyên) và các em của Vũ sống ở một căn hộ trên phố Huế, gần chợ Hôm.

Gặp Vũ tôi bảo: "Thành có cái sườn này nếu Vũ viết được thì Thành đưa cho, Vũ thêm tuyến nhân vật vào nữa nhé. Nếu Vũ viết trong hai tuần xong thì tốt”.

Thời gian chưa đến hai tuần thì đã thấy Vũ đến, trong tay cầm quyển kịch bản. Thời bấy giờ làm gì có điện thoại để liên lạc với nhau tiện như bây giờ, nhà tôi ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không xa nhà Vũ là bao nhiêu, nếu đi bộ mất khoảng 15 phút. Anh ấy bảo: "Vũ viết xong rồi. Liệu Thành có muốn nghe Vũ đọc không?". Tôi bảo: "Có chứ, tôi đang nóng lòng có kịch bản để ra mắt nhà hát".

Vũ đọc xong, tôi thấy hay quá liền bảo: "Không chỉ đạt yêu cầu mà còn hay hơn yêu cầu và trên cơ sở này thì chúng tôi sẽ dàn dựng để ra mắt nhà hát”. Vở kịch có tên "Sống mãi tuổi 17", cái tờ giấy đầu tiên là Đào Duy Kỳ, Phạm Thị Thành, Lưu Quang Vũ là như vậy. Kể từ đó Vũ bắt đầu viết kịch.

Hai năm sau, vở "Sống mãi tuổi 17" tham dự Hội diễn Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, giành Huy chương Vàng. Rất nhiều năm sau này, những vở kịch của Vũ liên tục có giải cao nhất tại các kỳ liên hoan, hội diễn, nhưng quan trọng nhất là khán giả, hàng thập kỷ trôi qua nhưng khán giả chưa bao giờ quên Vũ.

Đạo diễn Phạm Thị Thành ngưng lại, nghẹn ngào. Ký ức xưa cũ ùa về như mới hôm nào. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bắt đầu viết vở kịch đầu tiên năm 30 tuổi, và 10 năm tiếp theo anh đã viết liên tục không ngừng nghỉ 50 vở. Những vở kịch của anh được các đoàn nghệ thuật trên cả nước dàn dựng ở nhiều thể loại từ kịch nói, chèo, cải lương.

Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và giới cây đa cây đề của sân khấu đều có chung một nhận định: "Tính thời sự, tính dự báo, chất nghệ thuật, chất thơ ngồn ngộn trong kịch của Lưu Quang Vũ. Đó thực sự là ngòi bút tài hoa, chạm vào trái tim khán giả. Vũ là một tài năng đích thực, một nhân tài, chỉ sợ 50 năm sau, 100 năm sau cũng chưa chắc đã có người được thứ hai…".

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và NSND Phạm Thị Thành.

Vũ có thói quen hút thuốc lá Ba số nhưng cũng thích hút cả điếu cày. Nhà tôi có một cái điếu cày chỉ để dành riêng cho Vũ. Mỗi lần anh hút thuốc lá xong là phải làm 1 điếu thuốc lào, Vũ cũng nghiền cà phê, các đoàn thường đến nhờ anh viết kịch nên anh hay trốn lắm. Mỗi lần tôi sang nhà chơi thì anh bảo: "Thôi ra ngoài này uống cà phê”. Vũ hút thuốc, tôi cũng hút thuốc. Chúng tôi nói về ý tưởng dàn dựng những vở tiếp theo của Vũ, và nhiều chuyện khác.

Có một câu chuyện như thế này, khi Vũ còn sống, kịch bản "Ông vua hóa hổ" đoàn nghệ thuật Tuyên Quang muốn dựng vở này của Vũ, Vũ giới thiệu với đoàn: "Hãy để chị Thành làm đạo diễn vở này". Vậy là ngay cả khi anh ấy mất rồi tôi còn lên Tuyên Quang dựng vở. Tuyên Quang mời "Ông Vua hóa hổ" từ khi anh còn sống, đến lúc làm thì anh đã mất. Anh chưa lên khai mạc vở được thì đã đi xa rồi.

Ở Vũ có một điểm rất hay mà các nhà viết kịch hiện giờ không có được đó là mặc dù lúc đó Vũ là nhà viết kịch nổi tiếng lắm rồi, trước cửa nhà anh bao giờ cũng có một vài người của các đoàn nghệ thuật đến đặt và mua kịch bản. Anh viết kịch bận, lại đang công tác tại một tờ báo của Hội Sân khấu, làm phóng viên nhưng có đoàn nghệ thuật nào khởi công làm vở của anh thì anh dù bận gì thì bận cũng đều đến dự, hay như hôm duyệt anh cũng đến từ sớm để xem. Đa số các nhà viết kịch hiện giờ chỉ hôm nào tổng duyệt họ mới đến thôi, còn hôm đoàn khởi công dựng vở họ bỏ, họ không đi.

Vũ viết rất giỏi, rất nhanh, không biết anh viết lúc nào cho ra khối lượng đồ sộ và chất lượng nghệ thuật cao đến vậy. Một lần tôi sang nhà Vũ chơi, thấy trên bàn có mấy tờ giấy ghi tên vở “Chim sâm cầm đã chết". Tôi thấy từ "chết" liền bảo: "Này Vũ ơi, đặt cái tên này hay ám lắm hay Vũ đổi là "Chim sâm cầm không chết” đi". Nghe thấy vậy, anh đồng ý, liền cầm bút đổi lại tên. Vậy mà, mới viết được mấy trang thì Vũ đã ra đi. Có một điều nữa là Vũ có thói quen viết hai, ba vở cùng một lúc.

Sau khi hồi tưởng về quá khứ xưa cũ, nữ đạo diễn nhìn ra khoảng không xanh ngoài ban công, nắng chiếu lung linh ngoài sân, bà bảo: "Hôm ấy cũng như hôm nay là rằm tháng Bảy, anh đến nhà mình chơi, xong còn ra nhà Doãn Châu (Họa sĩ Doãn Châu, người cùng chuyến xe định mệnh với vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh) anh bảo: "Vũ mới viết xong 1 vở, Vũ đưa cho Thành dựng cho Đoàn chèo Hải Phòng”.

Hôm đấy, trông Vũ buồn lắm. Vũ bảo: "Quỳnh còn đang nằm trong bệnh viện, bệnh tình cũng đang gay go, cho nên mọi thứ mình cũng không thể có cái gì khác được. Thương Quỳnh lắm”. Trước đấy hai vợ chồng cũng đã hục hặc với nhau. Ngồi chơi một lúc rồi Vũ về.

Sáng hôm sau, Vũ lại qua nhà nói với tôi anh sẽ đưa Quỳnh và cháu Mí (cháu Quỳnh Thơ - con của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh) đi Hải Phòng rồi ra Đồ Sơn chơi. Tôi bảo: "Vũ đừng đi, Quỳnh đang mệt thế đi làm gì?". Nhưng Vũ bảo cho Quỳnh đi để Quỳnh vui.

Vậy là chuyến xe bị tai nạn trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội tại địa phận tỉnh Hải Dương. Sau khi bị tai nạn, Quỳnh và cháu Mí mất ngay tại chỗ. Vũ còn thở thoi thóp, nhưng rất yếu. Họa sĩ Doãn Châu còn cõng Vũ vào nhà thương. Vũ mất tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương. Lúc đấy, ở Hà Nội, nhà viết kịch Chu Thơm đến báo tin cho tôi, "Vũ mất rồi". Tôi không tin. Tôi phải đi gặp Vũ. Làm sao có thể mất được khi vừa mới hai hôm trước còn ở đây, làm sao mà lại nhanh như thế được".

Chu Thơm chở tôi ra nhà  Doãn Châu, có đạo diễn Nguyễn Đình Nghi ở đấy. Anh Đình Nghi bảo: "Thành ơi, Vũ chết thật rồi". Lúc đấy có ông Hạnh ở Nhà hát Kịch, ông bảo: "Chính tôi là người bế Lưu Quang Vũ vào nhà xác". Tôi nghe thấy vậy ngất luôn. Xe Vũ bị tai nạn, xe khác từ Hà Nội xuống đưa Vũ về Hà Nội vào buổi tối. Sắp chở về đến Hà Nội người ta báo đưa Vũ vào Bệnh viện Việt - Đức,  ôtô đã đưa về Bệnh viện Việt - Đức để định gửi vào nhà xác, lúc đấy anh Đình Quang đương giữ chức thứ trưởng, ông bảo: "Thôi để tôi nói đưa Vũ vào Việt - Xô cho thoáng đãng hơn".

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - nhà thơ Xuân Quỳnh.

Lễ truy điệu ở nơi Vũ công tác là Tạp chí Sân khấu - 51 Trần Hưng Đạo. Hôm đưa tang anh, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp và người dân Thủ đô tiễn đưa anh đông kín mấy con phố dọc Bà Triệu, phố Huế. Vũ mất quá đột ngột, lúc đấy mẹ Vũ ở trong miền Nam, gia đình không ai dám nói, sợ bà cụ lo quá. Nhỡ có sao…

Khi anh mất tôi dựng kịch của anh là vở "Điều không thể mất". Đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt vở diễn tại thành phố Đà Nẵng, mời cả gia đình anh vào xem. Tại sao tôi lại chọn vở này, ý tôi muốn nói: "Vũ không thể mất, Vũ vẫn sống mãi trong lòng chúng ta". Trước khi diễn, trên sân khấu có đặt một bàn thờ và di ảnh của anh, diễn viên và khán giả thắp hương cho anh và mọi người đều khóc. Có những đêm diễn xong rồi, khán giả ra về hết, chỉ còn lại diễn viên và đạo diễn ôm nhau khóc khi nhớ đến Vũ.

Trần Mỹ Hiền (ghi theo lời kể của NSND Phạm Thị Thành)
.
.