Chính sách tiền tệ đau đầu các quốc gia

Thứ Năm, 16/01/2020, 19:57
Năm 2020, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn chồng chất, trong đó xung đột thương mại vẫn là rủi ro lớn nhất. Về phương diện chính sách tiền tệ, do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, hơn nữa lạm phát của đa số nền kinh tế thấp hơn mục tiêu, kỳ vọng lạm phát thấp, nên các ngân hàng trung ương chủ yếu sẽ tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2020.

Năm 2019, lập trường chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có sự thay đổi mạnh mẽ, sau khi tăng lãi suất 4 lần liên tiếp trong vòng 7 tháng vào năm 2018. FED đã 3 lần liên tiếp giảm lãi suất theo kiểu “bảo hiểm” lần lượt vào tháng 7, 9 và 10 trong năm 2019, mỗi đợt 25 điểm cơ bản, điều chỉnh giảm vùng mục tiêu lãi suất cơ bản của FED xuống 1,5%-1,7%. Hiện nay, do chưa thấy sự thay đổi lớn của triển vọng kinh tế nên FED có xu hướng giữ nguyên mức lãi suất cơ bản, quan sát độ trễ của chính sách nới lỏng.

Tuy nhiên, cân nhắc đến việc kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong quý IV-2019 và năm 2020, lạm phát sẽ tăng nhẹ song không cao hơn mục tiêu 2%, cộng thêm việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ liên tục gây sức ép buộc FED giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế trong năm bầu cử, năm 2020 không loại trừ khả năng FED sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để giảm lãi suất thêm 1 đến 2 lần nữa, mỗi lần cũng sẽ là 25 điểm cơ bản.

Tháng 10-2019, FED đã bắt đầu tái khởi động việc mở rộng bảng cân đối tài sản, điểm khác biệt so với các vòng nới lỏng định lượng (QE) trước đây là bối cảnh của việc mở rộng bảng cấn đối tài sản là tăng mạnh lãi suất repo, thanh khoảng liên ngân hàng căng thẳng, do đó mục đích là để tăng nguồn cung của quỹ dự trữ, không phải kích thích kinh tế, tài sản mua vào cũng chủ yếu là trái phiếu chính phủ ngắn hạn, chứ không phải trái phiếu chính phủ dài hạn và MBS (chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp) như trong các thời kỳ thực hiện QE. Do áp lực của thị trường repo có thể xuất hiện trở lại trong quý II-2020, nhịp độ mở rộng bảng cân đối tài sản của FED cũng sẽ được điều chỉnh một cách tương ứng.

Với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tháng 9-2019, đơn vị này ban hành chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vòng mới, hạ 10 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi, xuống -0,5%, thực hiện “hệ thống lãi suất 2 cấp” và nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn vòng mới (TLTRO-III). Chỉ 9 tháng sau khi kết thúc gói nới lỏng định lượng trước đó, ECB lại quyết định tái khởi động QE.

FED đã 3 lần liên tiếp giảm lãi suất trong năm 2019.

Do lạm phát lõi vẫn mức rất yếu nên dự báo tân Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ kéo dài chính sách tiền tệ nới lỏng, tiếp tục giảm thêm 10 điểm phần trăm lãi suất trong quý I-2020, đồng thời có thể đẩy nhanh tốc độ mua trái phiếu (tháng 11-2019, quy mô mua trái phiếu mỗi tháng là 20 tỷ euro). Thời kỳ lãi suất âm của Eurozone sẽ tiếp tục kéo dài.

Với Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), trong kịch bản tiêu chuẩn Brexit có thỏa thuận, dự báo nhiều khả năng BoE sẽ duy trì lãi suất và chính sách tiền tệ hiện nay trong 12 tháng tới. Nếu xuất hiện tình huống Brexit cứng hoặc kinh tế suy giảm nhanh, không loại trừ khả năng BoE sẽ giảm lãi suất 1 lần trong năm 2020.

Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ) được cho là sẽ duy trì lãi suất ở mức -0,1% hiện nay. Trong cuộc họp chính sách vào tháng 10-2019, BOJ giữ nguyên lãi suất nhưng đã điều chỉnh hướng dẫn triển vọng, ngầm chỉ khả năng có thể tiếp tục điều chỉnh giá lãi suất. Dự báo nhiều khả năng BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất âm trong năm 2020, ngoại trừ nền kinh tế xuất hiện sự biến động tiêu cực lớn, sẽ ít có khả năng đơn vị này tiếp tục hạ lãi suất.

Về phương diện chính sách tài khóa, năm 2020, chính sách tài khóa toàn cầu sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng nới lỏng trung tính. Để ngăn chặn kinh tế suy giảm quá nhanh hoặc suy thoái, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ tiếp tục đưa ra chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với nước Mỹ, hiệu quả của dự luật giảm thuế năm 2017 tiếp tục giảm.

Tính bền vững của ngân sách công đang là một thách thức toàn cầu nghiêm trọng.

Tháng 7-2019, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 2 dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2020, tăng mạnh giới hạn chi tiêu của chính phủ, hạ thấp rủi ro của vấn đề “đóng cửa” do Chính phủ Liên bang không cấp đủ kinh phí, đồng thời cũng loại bỏ rủi ro vỡ nợ của chính phủ trong năm 2020. Bước tiếp theo, Mỹ vẫn sẽ thông qua việc mở rộng tài khóa để hỗ trợ kinh tế. Một mặt, hiện nay kinh tế Mỹ vẫn trong thời gian suy giảm, cộng thêm việc FED tuyên bố tạm ngừng giảm lãi suất, nên chính phủ sẽ có khuynh hướng sử dụng công cụ tài khóa nhiều hơn để làm chậm tốc độ suy giảm kinh tế Mỹ.

Đối với Nhật Bản, có khả năng đang cân nhắc kế hoạch chi tiêu tài khóa quy mô lớn để thúc đẩy việc đa dạng hóa toàn cầu của ngành sản xuất chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng như 5G. Tình hình của Eurozone phức tạp hơn, các nước thành viên như Đức, Hà Lan... thặng dư tài chính, trong khi các nước khác như Hy Lạp, Tây Ban Nha... lại thâm hụt nghiêm trọng. Sự phân hóa về tài chính trong nội bộ khiến cho việc xây dựng cơ chế ngân sách chung trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các nền kinh tế mới nổi lệ thuộc nghiêm trọng vào thu nhập từ hàng hóa chiến lược cần cảnh giác với khủng hoảng tài chính.

Trong bối cảnh dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp nói chung, tính bền vững của ngân sách công là một thách thức toàn cầu nghiêm trọng. Ở một số khu vực phát triển như châu Âu, việc giảm lãi suất dài hạn, thậm chí là lãi suất âm đã mang lại không gian lớn hơn cho ngân sách của mỗi quốc gia, song cũng làm cho việc tái cấp vốn của các chính phủ quá dễ dàng, điều này sẽ khiến cho các chính phủ mất đi sự cảnh giác cần thiết đối với việc nợ tích lũy, một khi lãi suất biến động có thể sẽ đối diện với áp lực vỡ nợ dây chuyền, trở thành ngòi nổ làm bùng phát khủng hoảng nợ và khủng hoảng kinh tế.

Lan Ngọc (tổng hợp)
.
.