Cho một kỳ thi nghiêm túc, công bằng

Thứ Tư, 26/06/2019, 15:02
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến ngày 27-6 với hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học tại gần 2.000 điểm thi với hơn 38.000 phòng thi. Thí sinh sẽ thi 5 bài gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ, 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, lực lượng công an đã tham gia sâu vào tất cả các khâu quan trọng nhất của kỳ thi từ quá trình ra đề, in sao đề, vận chuyển đề thi cho đến coi thi, chấm thi, kể cả an toàn giao thông cho các thí sinh.

Bảo vệ bí mật đề thi, ngăn chặn tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi

Từ nhiều năm nay, công tác đảm bảo an ninh, an toàn và ngăn chặn tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Công an phối hợp nhịp nhàng và triển khai thực hiện từ rất sớm. Trong đó, lực lượng công an tham gia bảo vệ tất cả các khâu quan trọng nhất của kỳ thi từ quá trình làm đề thi, in sao đề thi, vận chuyển đề thi cho đến quá trình coi thi, chấm thi.

Đối với công tác ra đề thi, Bộ Công an bố trí lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài khu vực cách ly để ra đề thi và cử cán bộ an ninh phối hợp với cán bộ bảo vệ của Bộ GD&ĐT trực tiếp bảo vệ vòng trong khu vực làm đề thi.

Đối với công tác in sao đề thi của các sở GD&ĐT, công an các tỉnh phối hợp với các sở GD&ĐT bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác in sao đề thi. Bố trí lực lượng bảo vệ 2 vòng độc lập khu vực in sao đề thi; kiểm tra an ninh khu vực in sao, trang thiết bị phục vụ công tác in sao và cán bộ tham gia in sao đề thi; bảo mật thông tin trong quá trình in sao.

Thí sinh Hà Nội làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019.

Đối với công tác vận chuyển đề thi, Bộ Công an cử cán bộ an ninh cùng cán bộ của Bộ GD&ĐT tham gia vận chuyển đề thi từ nơi làm đề thi của Bộ GD&ĐT đến các địa điểm in sao. Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương bố trí lực lượng phối hợp với các sở GD&ĐT để giám sát công tác vận chuyển đề thi từ địa điểm nhận đề thi về cơ sở in sao và từ địa điểm in sao đến các điểm thi.

Đối với công tác coi thi và chấm thi, công an các địa phương bố trí đủ lực lượng để tổ chức công tác bảo vệ, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn địa điểm coi thi, chấm thi theo thời gian quy định. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực, góp phần đảm bảo kỷ cương và công bằng trong kỳ thi.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các địa phương bố trí đủ lực lượng để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa các điểm ùn tắc giao thông tại các địa phương có tổ chức thi.

Nhận diện, ngăn chặn sử dụng thiết bị gian lận

Liên quan đến việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận, luôn là vấn đề được dư luận quan tâm trong các kỳ thi nói chung, thi THPT quốc gia nói riêng, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Đây là điều rất khó tránh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tính hai mặt của nó. Ở cấp Trung ương, Bộ GD&ĐT đã mời Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an trực tiếp tham gia vào Ban chỉ đạo.

Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia coi thi về nhận diện các thiết bị công nghệ cao, kiểm soát chặt chẽ khi gọi các thí sinh vào phòng thi, bình tĩnh xử lý khi xảy ra.

Tại Hội nghị Phổ biến thi THPT quốc gia 2019 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, đại diện Công an TP Hà Nội đã thông tin cụ thể hơn về hiện trạng, cách thức và các biện pháp phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận trong lĩnh vực này.

Đại úy Hà Quang Huy - Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội cho biết: Hiện số lượng và chức năng của các thiết bị công nghệ cao này rất đa dạng, đặc biệt là các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, thu phát sóng, nên nếu không chủ động nhận diện chính xác các thiết bị này và có thái độ kiên quyết chống tiêu cực, gian lận trong khi thi thì sẽ rất khó phát hiện. Nếu để thí sinh mang các thiết bị này vào phòng thi và sử dụng thì kết quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng vì ngay lập tức đề thi sẽ bị lộ và có thể lan truyền trên mạng xã hội, gây hậu quả khôn lường.

Nguy hiểm hơn chính là các thiết bị thu phát không dây được ngụy trang khéo léo, dưới dạng như cúc áo, thẻ ATM, bút, USB, chìa khóa xe ô tô, kính cận, máy tính Casio có lắp đặt hệ thống thu phát sóng, đồng hồ... Trên thực tế, các thiết bị này đều có chức năng thu phát toàn bộ tín hiệu, thậm chí bằng hình ảnh để phục vụ gian lận thi.

Thừa nhận các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao ngày càng tinh vi, nhỏ gọn nên rất dễ qua mặt cán bộ coi thi, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng lưu ý: Cán bộ coi thi cần quan tâm nhắc nhở các thí sinh không mang các thiết bị không được phép vào phòng thi như điện thoại di động, các thiết bị có chức năng thu phát vì nếu mang vào phòng, dù chưa sử dụng, các cháu cũng sẽ bị đình chỉ thi.

Đặc biệt, trong quá trình coi thi cần tập trung cao, làm hết trách nhiệm. Một phòng thi có 24 học sinh, nếu giám thị tập trung sẽ không khó để phát hiện các hành vi bất thường sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận.

Nhiều điểm mới trong công tác tổ chức thi

Đặc biệt, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới trong công tác coi thi và quy định cách bố trí phòng thi. Sẽ có 2 cách phát đề thi, cán bộ coi thi bốc thăm trúng vào cách phát đề nào thì sẽ phát đề thi theo cách đó.

Nếu như trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, đề thi được phát theo sơ đồ in sẵn và bài thi chỉ được bảo quản bằng tem niêm phong thì trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nơi để đề thi, bài thi của thí sinh sẽ được lắp đặt hệ thống camera an ninh ghi hình 24/24. Các túi đựng bài thi đều có 24 mã đề.

Với phòng thi dù chỉ có 1 thí sinh thì túi đựng đề thi cũng có 24 đề. Vì thế, cán bộ nhận đề thi phải kiểm đếm đủ 24 đề thi trong một túi trước khi phát đề cho thí sinh.

Huyền Thanh
.
.