Chợ nô lệ - thị trường bất hợp pháp 50 tỉ USD/năm

Thứ Sáu, 23/06/2017, 14:42
“Nô lệ thời hiện đại” vẫn đang hiện hữu hằng ngày ở đủ dạng: Từ nô lệ tình dục, lao động trẻ em, cho tới trong các hầm mỏ, công trường, cánh đồng, biển cả trong những điều kiện làm việc khắc nghiệt. Nộ lệ thời hiện đại xuất hiện cả ở những nơi giàu có, văn minh nhất, cho tới những nơi cùng cực nhất.

Nô lệ thời hiện đại xuất hiện từ chợ “nô lệ” ở Tây Phi cho tới tận nước Anh, hay trên những cánh đồng ở Mỹ...

45 triệu nô lệ thời hiện đại - một nạn dịch

Theo báo cáo Chỉ số Nô lệ toàn cầu 2016 của Quỹ Walk Free (WFF), Australia, nô lệ được định nghĩa “là tình trạng bị bóc lột mà một người không thể từ chối hay bỏ đi do bị đe dọa, bị bạo lực, ép buộc, lạm dụng quyền lực hay lừa gạt”. Nô lệ hiện đại bao gồm nô lệ thật sự cộng với các tình trạng như nô lệ, ví dụ sự lệ thuộc do nợ nần, hôn nhân ép buộc, mua bán hoặc bóc lột trẻ em, buôn người và lao động cưỡng bức.

Các chuyên gia của WFF chỉ rõ, Nô lệ hiện đại có đầy đủ tất cả những đặc điểm của chế độ nô lệ vài thế kỷ trước. Trong đó, người nô lệ bị kiểm soát bằng bạo lực, bị lừa hoặc ép buộc làm việc hoặc rơi vào tình trạng bị bóc lột về kinh tế. Họ sống mà không có khoản thu nhập nào hoặc chỉ đủ sống và không được tự do rời bỏ công việc. WFF hy vọng chỉ số này sẽ giúp chính phủ các nước kiểm soát và đối phó với tình trạng nô lệ hiện đại vốn được gọi là "tội phạm ngầm".

Nô lệ thời hiện đại đang lao động tại một công trường. Ảnh: lisakristine.

Ông Antonio Maria Costa, giám đốc chấp hành Văn phòng LHQ chống ma túy và tội ác (UNODOC) cảnh báo tình trạng buôn bán người đang trở thành một vấn đề toàn cầu và nó là một nạn dịch. Những con người bị buôn bán như nô lệ hiện đang phải làm việc trên các cánh đồng, tại các hầm lò, trong các mỏ đá hay trong các hoàn cảnh lao động mất vệ sinh và nguy hiểm khác. Nhiều em nhỏ gái và trai bị buôn bán vào làm trong các nhà máy dệt, trong ngành đánh cá và nông nghiệp. Hoạt động buôn bán người bị coi là một tội ác, vì vậy nó diễn ra một cách bí mật, và người ta khó có được con số chính xác.

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cách đây một năm ước tính ít nhất 15 triệu người đang phải làm lao động cưỡng bức, trong khi một số tổ chức khác đưa ra con số là khoảng 27 triệu người. Các chuyên gia LHQ cho rằng thị trường buôn bán người bất hợp pháp hiện có giá trị lên tới vài chục tỷ USD, trong đó 10 tỷ USD là tiền bán người ban đầu, và phần còn lại là lợi nhuận do các hoạt động này mang lại, và giá trị sản phẩm do các nạn nhân của tệ buôn người làm ra.

Theo các chuyên gia, ước tính có khoảng 45 triệu người hiện đang là nô lệ thời hiện đại. Báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” (Global Slavery Index) của tổ chức Walk Free Foundation, thế hệ “nô lệ” thời hiện đại bị bóc lột bởi nhiều hình thức như lao động không công để trừ nợ (gán nợ), trẻ em bị bắt làm tôi tớ, hôn nhân cưỡng ép, bị ép làm việc bằng đòn roi và bạo lực... Những con người này đều đang phải hứng chịu vô vàn những hiểm họa, đe dọa, lạm dụng mà không hề dám lên tiếng hay đấu tranh cho cuộc đời của mình.

Chợ nô lệ - từ văn minh tới nơi tăm tối

Tại một nước được cho là văn minh bậc nhất thế giới, vấn đề nô lệ hiện đại cũng đã được báo chí phanh phui. Hồi đầu năm 2017, kênh truyền hình Channel 4 của Anh đã phát bộ phim tài liệu kể về những nô lệ thời hiện đại ở Anh (The Modern British Slave Trade).

Phim được các nhà báo công phu ghi lại trong 2 năm khi họ theo dấu cuộc điều tra các vụ lạm dụng lao động và phỏng vấn các nạn nhân chế độ nô lệ hiện đại ở Anh phải làm việc 19 tiếng mỗi ngày không lương, bị đánh đập và lấy giấy tờ. 

Phim mô tả chi tiết câu chuyện của Christopher Nicholls, được phát hiện đã chết, sau khi mất tích 6 năm. Nicholls đã làm cho William và Mary Connors, cặp vợ chồng điều hành một doanh nghiệp bị bỏ tù vào năm 2012 vì cưỡng bức lao động, giam cầm và ngược đãi Nicholls. Các nạn nhân làm việc cho nhà Connors đã kể về việc bị cạo đầu, bị lấy quần áo, điện thoại và giấy tờ, bị giam như tù nhân, bị đánh, xịt vòi nước lạnh giữa mùa đông...

Năm 2015, Anh thông qua luật chống chế độ nô lệ hiện đại với án chung thân cho kẻ buôn người và buộc các doanh nghiệp công khai hoạt động để đảm bảo không liên quan đến nô lệ.

Trẻ em, đối tượng dễ bị lạm dụng nhất. Ảnh: AP.

Trong khi đó, cũng về vấn đề nô lệ hiện đại... theo lời kể của những nhân chứng với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tại Libya, đất nước đang bị nghèo hóa bởi chiến tranh, loạn lạc, nhiều người di cư đến từ Tây Phi đang bị mua bán công khai.

Bà Livia Manante, một nhân viên IOM đóng tại Niger, cho biết những người di cư bị đưa đến một quảng trường, nơi diễn ra hoạt động mua bán nô lệ. Mức giá bán dao động từ 200-500 USD/người. Trong trường hợp bị giam cầm quá lâu mà không trả được tiền chuộc, những người này sẽ bị bán hoặc giết chết. Một số khác thường chết vì đói và bệnh tật.

Tuy nhiên, tổng số nô lệ không bao giờ giảm. “Nếu số người di cư giảm vì chết hoặc ai đó được chuộc, những kẻ bắt cóc chỉ cần ra chợ nô lệ và mua một người khác”, bà Manente cho biết.

Trang tin Allafrica số ra mới đây có đăng bài phân tích của nhà báo Baher Kamal cho biết, sở dĩ các chợ nộ lệ ngày càng phát triển vì đây là một thị trường bất hợp pháp trị giá từ 32 tỷ USD cho tới gần 50 tỷ mỗi năm. Chính vì vậy, các chợ nô lệ được tổ chức gần như công khai tại nhiều nơi. Hàng trăm người di cư dọc theo các tuyến đường di cư ở Bắc Phi đang bị mua và bán công khai tại các thị trường nô lệ hiện đại ở Libya.

Những người thoát được ra ngoài đã thông báo với Cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vấn đề này. Hiện Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đang xem xét và tiến hành điều tra tình trạng “buôn người” này.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã nhận được thông tin trên sau khi các nhân viên ở Niger và Libya mới đây ghi lại lời khai gây sốc của các nạn nhân buôn người từ một số quốc gia châu Phi, bao gồm Nigeria, Ghana và Gambia. Họ miêu tả "thị trường nô lệ" đang hành hạ hàng trăm người châu Phi trẻ tuổi tại Libya.

Ông Leonard Doyle, người phát ngôn của IOM tại Geneva, nói: "Những người di cư đến Libya với hy vọng tiếp tục hành trình sang châu Âu mà không hề biết nguy hiểm đang chờ họ phía trước. Ở đó (Libya), họ trở thành hàng hóa bị mua bán và vứt đi khi không còn giá trị nữa. Để đưa thông điệp về những nguy hiểm này đến khắp châu Phi, chúng tôi ghi âm lời khai của những người nhập cư đã bị hành hạ và đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội và trên đài FM địa phương".

Những nhân chứng đáng tin cậy nhất là những người di cư trở về nhà với sự trợ giúp của IOM. Ông Doyle cho biết họ bị đánh đập, đối xử tàn bạo và bị lạm dụng, thường là lạm dụng tình dục".

Vì sao thế giới còn đang phải chật vật đối phó với vấn đề đã có từ cổ xưa và bị cấm trên trường quốc tế? Nhà nghiên cứu Kevin Bales, cho biết hình thức nô lệ thông thường nhất ngày nay có hai hình thức. Một là loại nô lệ cha truyền con nối ở Nam Á, nơi các gia đình sinh ra đã là nô lệ và chết đi cũng là nô lệ, nơi một gia đình thuộc quyền sở hữu của một gia đình khác và cứ thế đời nọ qua đời kia. Tất cả những gì họ biết chỉ là nô lệ. Họ trông đợi sẽ bị đánh đập; trông đợi sẽ bị cưỡng hiếp; trông đợi không có cuộc sống nào khác ngoài cuộc sống của một người nô lệ...

Những nạn nhân của một vụ buôn người. Ảnh: Global NewS.

Hình thức còn lại là loại nô lệ thông thường nhất ngày nay sẽ là một người đi di cư với hy vọng có một đời sống kinh tế tốt đẹp hơn. Một người đi tìm cách để cải thiện đời sống của mình hay của gia đình và con cái. Và do đó họ đi tìm một nơi chốn an toàn, họ đi tìm một nơi có công ăn việc làm và có những kẻ tội phạm lợi dụng lòng ước muốn được an toàn và được tuyển dụng và dụ dỗ họ vào những tình huống bên ngoài quê hương của họ, nơi mà sau đó họ sẽ lâm vào cảnh làm nô lệ”.

Ông Bales bác bỏ quan điểm cho rằng, đói nghèo là yếu tố chính đằng sau nạn nô lệ mà thay vào đó ông đổ lỗi cho nạn tham nhũng, đồng thời kêu gọi ban hành những đạo luật ngăn chặn các băng đảng tội phạm có tổ chức. Những hình thức nô lệ hiện đại có thể bao gồm bắt nợ, khi một người bị buộc phải làm việc để trả một khoản nợ, hay nô lệ trẻ em, ép buộc kết hôn, nô lệ trong gia đình hay lao động bắt buộc, nơi các nạn nhân bị ép làm việc thông qua bạo lực và hăm dọa.

Hầu hết các nô lệ hiện đại đều không xuất hiện nhiều ở những nơi công cộng. Họ thường bị giấu trong các ngôi nhà hoặc các trang trại riêng. Theo chỉ số đánh giá về tình trạng lạm dụng sức lao động trên toàn cầu mới công bố, tại gần 60% quốc gia trên thế giới, người lao động phải đối mặt với nguy cơ cao bị lạm dụng sức lao động, làm việc như những nô lệ thời hiện đại.

Dựa vào các số liệu đánh giá tình trạng buôn người, luật quốc gia có liên quan tới sử dụng lao động và tình trạng thi hành luật của 198 quốc gia trên thế giới, công ty chuyên phân tích rủi ro Verisk Maplecroft (Anh) cho biết 115 quốc gia trong số này có nguy cơ cao hoặc rất cao lạm dụng lao động như những nô lệ thời hiện đại, bị lao động cưỡng bức, nô lệ vì nợ nần, mại dâm, hôn nhân cưỡng bức và một số hình thức khai thác lao động kiểu nô lệ khác.

Nô lệ thời hiện đại ngày càng gia tăng

Trong vài năm trở lại đây, đề tài này ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận đặc biệt trong các ngành nghề như đánh bắt cá, khai thác mỏ và dệt may... Trước đó, báo cáo “Chỉ số nô lệ toàn cầu” do tổ chức nhân quyền Walk Free (Australia) công bố tháng 6 cũng đã chỉ ra gần 45 triệu người trên toàn thế giới đang sống và làm việc trong tình trạng bị lạm dụng như những nô lệ thời hiện đại, bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy, hầm mỏ và trang trại hay bị đưa vào các tụ điểm mại dâm, buộc phải lao động như nô lệ vì nợ nần hoặc sinh ra trong cảnh nô lệ.

Báo cáo mới nhất do Quỹ Walk Free công bố ngày 31-5 cho biết, số nạn nhân tăng 28% so với báo cáo 2 năm trước. Quy mô của nạn nô lệ hiện đại, được mô tả trong báo cáo nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì dư luận thế giới biết đến. Nhiều nhà quan sát cho rằng số nạn nhân thực sự của nạn nô lệ rất khó xác định.

Theo LHQ, các hình thức nô lệ hiện đại có xu hướng phát triển. Tình trạng này phần lớn là do nạn nghèo đói, nạn kỳ thị và cô lập xã hội. Hiện có tổng cộng 124 quốc gia đã coi việc buôn người là tội hình sự theo quy định của LHQ. 96 nước đã có các chương trình hành động phối hợp của chính phủ để đối phó với vấn nạn này.

Báo cáo của Walk Free nhằm đánh động dư luận về các hình thức đa dạng và tinh vi của nạn nô lệ thời hiện đại, đồng thời thúc giục các nước trên thế giới hành động mạnh mẽ với vấn đề nhức nhối này. Với việc thông qua Chương trình Phát triển bền vững 2030, lãnh đạo thế giới đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ nạn buôn người và lao động cưỡng ép, đồng thời chấm dứt mọi hình thức nô lệ và lao động trẻ em.

Cách đây 4 năm, người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi từng nói: "Tôi rất buồn khi có nguồn tin đáng tin cậy cho thấy Libya đã trở thành thị trường buôn bán người. Việc cứu mạng con người là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người”.

Theo LHQ, đa số người rơi vào tình trạng nô lệ đều là những đối tượng nghèo và bị gạt ra lề xã hội. Trong thế giới toàn cầu hóa, các hình thức nô lệ mới đã hình thành. LHQ đang sát cánh nhiều quốc gia, tổ chức để thông qua sáng kiến toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại.

Hoa Huyền
.
.