“Chú lính chì” ở Bệnh viện K
Ở nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tay ấy (Bệnh viện K Trung Ương), chử đức Liêm dường như đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. “Mẹ em bảo, trong cuộc sống của mỗi người điều quan trọng không phải sống bao lâu, mà là sống như thế nào, để lại cho đời điều tốt đẹp gì ” - Liêm tâm sự. Và chàng trai này dường như đang chạy đua với tử thần để cố gắng làm được những việc có ý nghĩa cho các bệnh nhi ung thư…
1. Nếu chỉ gặp Chử Đức Liêm ở giảng đường Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), người ta dễ nhầm anh với một "hotboy" nào đó. Với nước da trắng, khuôn mặt chữ điền, đầu cắt "3 phân", đôi môi mọng cùng hàm răng đều tăm tắp - không ai nghĩ rằng đã 7 năm nay, thời gian Liêm nằm điều trị ở Bệnh viện K (Liêm bị ung thư xương) còn nhiều hơn là ở nhà. Nhưng cũng gần 3 năm nay, Liêm phải bảo lưu kết quả học tập bởi những đợt xạ trị liên tiếp không cho phép Liêm ngày ngày đến giảng đường như chúng bạn.
Và, chỉ còn ít ngày nữa thôi Liêm sẽ phải nhập viện Quân đội 108 để làm thủ tục tiến hành phẫu thuật phổi, bởi khối u đã di căn sang. Cũng bởi thế, trong những ngày này tại một căn nhà nhỏ ở xóm Đề (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), Liêm đang phải chạy đua với thời gian, để cố gắng thực hiện nốt những công việc cho chuỗi chương trình "Sáng mãi nụ cười em" nhằm giúp cho các bệnh nhi ung thư có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật.
Hoạt động đầu tiên của chương trình đã diễn ra khá thành công tại Bệnh viện K Trung ương, cơ sở Tam Hiệp vào ngày 14/6/2014. Liêm chia sẻ: "Là một người mắc phải căn bệnh ung thư xương, tôi nhận thức rất rõ nỗi buồn, sự đau đớn, những khó khăn của người bệnh trong quá trình điều trị. Và với các bệnh nhi ung thư thì nỗi buồn ấy lại càng lớn hơn nhiều lần. Bởi để điều trị bệnh, các bé không được cắp sách đến trường với bạn bè đồng trang lứa mà hàng ngày các bé luôn phải đối mặt với những đợt hóa trị, xạ trị vô cùng đau đớn và mệt mỏi.
Không những thế, nhiều bé sức khỏe yếu, sau các đợt truyền còn phải cấp cứu, ít khi được về nhà nghỉ ngơi. Vì vậy, có thể nói, cuộc sống của các em thường gắn liền với giường bệnh. Và là một người bệnh, trong quá trình điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện K, khi được chứng kiến các bé như vậy, tôi rất thương các bé và muốn làm một điều gì đó nhằm xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhi ung thư…".
Chử Đức Liêm đang làm việc nhà giúp bố mẹ. |
Liêm đã âm thầm quyên góp từ gia đình, người thân, bạn bè, những nhà hảo tâm từng gói bánh, hộp sữa, quần áo… để làm tặng phẩm cho các bệnh nhi. Rồi Liêm cùng các tình nguyện viên còn tổ chức một buổi chiếu phim, các trò chơi, văn nghệ… ngay tại khuôn viên bệnh viện. Liêm dự định mỗi tháng sẽ tổ chức khoảng 2 chương trình như thế.
Một vị phụ huynh có con đang điều trị tại Bệnh viện K chia sẻ: "Khi nhìn thấy nụ cười của các con xem phim hoạt hình Tom và Jerry, ngay chính tôi cũng ngây người đi. Có một cảm giác nhẹ nhàng, cảm giác ấm áp khi nhìn thấy những nụ cười ấy, nó cũng như cảm giác tôi nhìn đứa bé chạy quanh nhà ngoẹo đầu trêu nghịch đùa giỡn vậy. Cảm giác nhẹ nhàng ấm áp đó cũng đã từng tồn tại khi phát cơm tại Viện K2 nhưng các con vẫn ở đấy, được nhìn thấy nụ cười của các con, được ngắm nhìn những hành động nghị lực mà nếu đặt vào địa vị của em chắc tôi không làm được...".
2. Nhiều bác sĩ, y tá của Bệnh viện K Cơ sở 2 coi Chử Đức Liêm là một "bệnh nhân đặc biệt". Không chỉ vì nụ cười hiền dễ thương luôn nở trên môi của Liêm từ ngày đầu tiên đặt chân vào viện, mà sau những biến cố có thể là lớn lao trong cuộc đời - thì người ta luôn cảm nhận được sự lạc quan toát ra từ con người Liêm. Họ hay gọi Liêm là "chú lính chì" của Bệnh viện K.
Nhớ lại ngày đầu nhập viện, Liêm kể: Khoảng đầu năm 2008 khi Liêm đang học dở lớp 10A5 Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) thì đột nhiên thấy đau ở các khớp xương. Đoán chừng chỉ bị đau do… căng cơ, Liêm mua cao về dán. Và những cơn đau cũng dịu bớt.
Khoảng hai tháng sau, những cơn đau đột ngột bùng lên dữ dội. Bố mẹ đưa Liêm đến Bệnh viên Đa khoa huyện Thanh Trì khám, rồi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Ban đầu Liêm được chẩn đoán là do cơ xương đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên Liêm được ra về với một túi thuốc để điều trị.
Cho đến khoảng tháng 6/2008, lần này những cơn đau còn dữ dội hơn, và Liêm được đưa đi chụp cắt lớp, rồi đưa đi sinh thiết… Kết quả chẩn đoán như một gáo nước lạnh dội vào cậu Bí thư Chi đoàn lớp 10A5. Liêm buộc phải tạm biệt bạn bè, thầy cô để làm quen với những đợt truyền hóa chất liên miên. Mẹ Liêm, bà Mai lúc đó phải bỏ cả việc để sớm hôm chăm sóc con trai út nơi giường bệnh.
"Thời điểm ấy, liên tục những cơn đau buốt từ tận xương tủy cứ dội lên, lắm lúc em phải nghiến răng để chặn những tiếc nấc chực òa lên. Cả đêm em không thể chợp mắt lấy một phút. Sau đó thì các cơn đau giảm dần, và tóc em bắt đầu rụng từng mảng như… sư cọ mốc" - Liêm hóm hỉnh kể.
Liêm và những con hạc giấy mang niềm hy vọng chiến thắng bệnh tật. |
Sau vài đợt xạ trị, các bác sĩ tiến hành chụp lại. Liêm có thể nhận ra cái cau mày, lắc đầu của vị bác sĩ trưởng khoa. Ông gọi Liêm ra một chỗ rồi lựa lời khuyên giải: "Bác rất buồn phải thông báo với cháu rằng, một bên chân trái của cháu đã bị khối u lan sang. Và để duy trì sự sống, cần phải cắt bỏ nó đi".
Nghe bác sĩ nói đến đây, dường như tai Liêm ù đi, đất trời chao đảo. Liêm không biết rồi đây mình sẽ sống thế nào, khi chỉ còn một chân. Sẽ chẳng còn những buổi đá bóng, tắm sông, chạy nhảy đùa vui… cùng chúng bạn. Và liệu sau đó Liêm có thể học tiếp, có thể kiếm được công việc tốt để đỡ đần bố mẹ? Những câu hỏi ấy cứ xoáy vào đầu óc còn non nớt của cậu học trò mới lớn…
Cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn Liêm tưởng. Chiếc chân trái của Liêm phải tháo khớp đến tận bẹn.
May mắn là Liêm có một người mẹ rất tâm lý. Bà Mai thường xuyên ở bên khuyên nhủ, động viên Liêm. Bà bảo rằng, cái chân trái của con cũng như một cành cây bị sâu mục trên một thân cây. Để cho cái cây có thể phát triển khỏe mạnh thì cần phải cưa cái cành đó đi…". Nghe mẹ, Liêm cũng dần nguôi ngoai, và thích nghi dần với việc sinh hoạt chỉ bằng một chân.
Và, người mẹ tảo tần cách đây 16 năm đã cùng Liêm lẫm chẫm những bước đi đầu tiên, nay lại là chỗ dựa cho Liêm tập bước lại nơi hành lang bệnh viện khi cậu chỉ còn có một chân. Liêm được một người bạn tặng cho chiếc nạng bằng hợp kim, và rất nhanh cậu đã có thể tự di chuyển bằng chiếc nạng này.
Sau khi bỏ chiếc chân trái, tình trạng sức khỏe của Liêm tiến triển tốt. Đến đầu năm 2009 Liêm được xuất viện, và Liêm tiếp tục theo học lớp 11, lớp 12. Rồi Liêm đăng ký thi vào Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Liêm bảo từ bé đã yêu thích và muốn tìm hiểu về bộ môn này.
“Chú lính chì” trong chương trình “Sáng mãi nụ cười em” tại bệnh viện K. |
"Học lịch sử giúp em rút ra được nhiều bài học trong cuộc sống. Ví dụ như lịch sử dạy cho ta biết cách đứng dậy, vươn lên từ những nỗi đau, mất mát cũng như dân tộc ta đã đứng lên xây dựng lại đất nước từ những tổn thất, đau thương mà chiến tranh gây ra" - Liêm lý giải về lựa chọn của mình.
Mặc dù những cơn đau vẫn âm ỉ trong cơ thể, nhưng Liêm vẫn quyết tâm phải thực hiện bằng được mong ước của mình. Cũng do việc di chuyển bị hạn chế nên Liêm chỉ tự học ở nhà, rồi mượn sách của bạn bè để tham khảo thêm. Trời không phụ công người, tháng 8/2011 Liêm nhận được kết quả đỗ đại học với số điểm khá cao.
Tháng 6/2012, Liêm đang trong kỳ thi hết môn của kỳ 2 năm học thứ nhất thì những cơn đau lại tái phát. Liêm đành phải bảo lưu kết quả năm học và trở lại bệnh viện…
3. Mặc dù phải tạm gác lại giấc mơ trở thành một cử nhân, nhưng Liêm rất lạc quan. "So với nhiều bệnh nhân ở đây, thì em vẫn cảm thấy mình còn được hưởng may mắn hơn rất nhiều. Có những bệnh nhi còn trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo mà đã bị căn bệnh quái ác hành hạ. Có em hôm trước anh em còn trêu đùa nhau, hôm sau đã thấy bố mẹ đến thu dọn đồ đạc - thì mới biết là em đó đã "đi" rồi" - Liêm tâm sự.
Liêm nhớ rất rõ em T. (quê ở Hải Dương) - cô bé rất xinh xắn, dễ thương. T. nhập viện với những biểu hiện giống như Liêm, nhưng do thể trạng yếu hơn nên phải điều trị rất quyết liệt. Mỗi đợt truyền hóa chất kéo dài từ 12-14 giờ, thậm chí 22-24 giờ/ngày nên Liêm và T. hay trò chuyện, đùa vui cho thời gian mau trôi. Một đôi lần T. tâm sự sau này khỏi bệnh sẽ thi vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội, để thực hiện ước mơ làm cô giáo từ bé của mình.
Những bệnh nhi háo hức tham dự chương trình. |
Nhưng bẵng đi một thời gian, Liêm không thấy T. ở bệnh viện nữa. Ít lâu sau thì người nhà cô bé kể lại khi biết mình không còn sống được bao lâu, T. đã ngồi gấp những con hạc giấy để cầu chúc cho những người đang tiếp tục chiến đấu với bệnh tật sẽ giành được chiến thắng cuối cùng. Nhận những con hạc giấy từ tay người nhà của T. mà Liêm không cầm được nước mắt…
Từ năm 2008 đến nay, Liêm đã chứng kiến hàng chục trường hợp như cô bé T. Cũng chính vì thế, Liêm thấy mình còn quá may mắn khi được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, bạn bè và cộng đồng. Các bạn học cùng lớp của Liêm thậm chí còn mang cả bánh kẹo, hoa quả vào tổ chức sinh nhật cho Liêm ngay tại giường bệnh.
Và rồi những suy nghĩ cứ nảy sinh trong đầu. Liêm cảm thấy mình cần phải nỗ lực chiến đấu với bệnh tật, không chỉ vì bản thân mà còn vì những người đã yêu quý, hy sinh cho mình. Cậu cũng thấy đặc biệt thương những bệnh nhi tại đây. Liêm nảy ra ý tưởng xây dựng và thực hiện chuỗi chương trình "Sáng mãi nụ cười em" mà chúng tôi đã nhắc ở trên.
"Nhờ sự tạo điều kiện của lãnh đạo Bệnh viện K, lòng hảo tâm của nhiều người mà chương trình lần đầu đã diễn ra khá tốt đẹp. Nhưng để có thêm lần hai, lần ba và nhiều lần nữa thì rất cần thêm sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân nữa" - Liêm bày tỏ