Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đe dọa tăng trưởng toàn cầu

Thứ Năm, 19/07/2018, 15:48
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang trở thành xu hướng chủ đạo, chi phối hầu hết các mối quan hệ trên thế giới và góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của các nước. Song, bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ dường như vẫn hiện hữu, thậm chí gần đây nổi lên khá mạnh, có thể dẫn tới các cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của các nước, khu vực và thế giới.

Công cụ mạnh

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại là thuật ngữ kinh tế học, chỉ việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa (hay dịch vụ) của quốc gia bằng cách nâng cao tiêu chuẩn như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ... hoặc áp đặt thuế nhập khẩu cao đối với một số mặt hàng; được sử dụng trong quan hệ thương mại giữa các nước.

Bản chất của chủ nghĩa bảo hộ thương mại là việc chính phủ một nước muốn bảo vệ sản phẩm trong nước bằng cách đánh thuế ở mức cao đối với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ bên ngoài. Mục đích của các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ là kích thích nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nội địa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước đó, đồng thời tránh được thâm hụt thương mại với các đối tác trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai bên.

Sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. Theo đó, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những quyết định gây sốc, rút Mỹ khỏi các thỏa thuận, tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA); rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA); ngừng đàm phán FTA với EU.

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde.

Tiếp đó là áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước như nhôm, thép; đặt ra yêu sách với Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.

Tại châu Âu, xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện rõ nét nhất ở nước Anh khi nước này đang đàm phán các thủ tục để rời EU. Để đảm bảo lợi ích cả về chính trị lẫn kinh tế, nước Anh đã tổ chức trưng cầu dân ý (Brexit) vào năm 2016, mở đường cho việc Anh rời EU diễn ra thuận lợi, tạo ra các điều kiện, cơ hội để nước Anh đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.

Việc rút khỏi một tổ chức hợp tác khu vực lớn nhất thế giới như EU của nước Anh cho thấy tư tưởng chủ nghĩa dân túy, vì lợi ích quốc gia dân tộc vẫn chiếm ưu thế chủ đạo tại “Xứ sở sương mù”.

Trong khi đó, với Trung Quốc - cường quốc kinh tế số hai thế giới, vốn được nhận định sẽ được hưởng lợi từ thương mại tự do, đang theo đuổi chính sách giảm nhập khẩu từ các nước bằng các biện pháp bảo hộ những mặt hàng, sản phẩm sản xuất ở trong nước. Thế nhưng, Trung Quốc cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu nước này ra thị trường thế giới.

Được và mất

Trong bối cảnh mà nền kinh tế thế giới vẫn đang trì trệ, toàn cầu hóa chưa cho thấy những chuyển biến đáng kể thì cũng không khó để lý giải cho việc chủ nghĩa bảo hộ đang dần quay trở lại tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ đây đã không còn đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại.

Lý do khiến các chính khách như Donald Trump phản đối TPP có lẽ chỉ là để tranh thủ sự ủng hộ của một bộ phận lớn người dân Mỹ, những người đã mất hàng triệu việc làm vào tay doanh nghiệp Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác do tác động của thương mại tự do. Nhưng tại các quốc gia được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do như Trung Quốc, tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ này cũng đang diễn ra.

Một thực tế là đã 7 năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2009, và tự do thương mại đã được tạo điều kiện tối đa với hàng loạt các FTA lớn giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới được ký kết, nhưng kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, thậm chí đang có xu hướng rơi dần vào trì trệ.

Điều dễ nhận thấy là tại các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, do các sản phẩm nhập khẩu phải chiụ mức thuế cao nên khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất ở trong nước. Do đó, phần lớn người tiêu dùng sẽ tìm đến các mặt hàng nội địa vì giá thành hấp dẫn hơn. Thực tế cho thấy, các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương đến kinh tế các nước và người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa vẫn là xu thế chủ đạo, thị trường trở nên mở hơn, đầu tư và thương mại ngày càng thuận lợi thì chủ nghĩa bảo hộ không chỉ có tác động tiêu cực đối với những nước theo đuổi xu thế này mà cả với tăng trưởng toàn cầu. Đối với các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, người tiêu dùng không có điều kiện để lựa chọn hàng hóa chất lượng cao và giá thành cạnh tranh như ở các nước theo đuổi thương mại tự do và ngay cả các nhà sản xuất cũng không có động lực để áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang đe dọa toàn cầu hóa.

Trên thực tế, trong quan hệ thương mại quốc tế, không có bên thắng cuộc cho những nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra được xem là ví dụ điển hình nhất cho quan điểm này. Về lý thuyết, khi xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, nước nhập khẩu nhiều hơn sẽ chịu ít thiệt hại hơn nước xuất khẩu (theo số liệu của cơ quan chức năng Mỹ, năm 2017, nước này thâm hụt thương mại hơn 375 tỷ USD với Trung Quốc). Điều này phần nào lý giải vì sao ngay sau khi chiến tranh thương mại nổ ra, đồng USD liên tục tăng giá nhẹ trong khi đồng nhân dân tệ lại mất giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm 2018. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi cả hai nước đều phải chứng kiến mức suy giảm kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn.

Trước những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Thụy Sỹ đã đưa ra cảnh báo, chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu... một mặt chấm dứt thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao của năm 2017, mặt khác sẽ châm ngòi cho cuộc suy thoái kinh tế mới.

Cùng với đó, có các ý kiến nhận định tương đồng từ các nhà phân tích và hoạch định chính sách hàng đầu thế giới khi cho rằng, mặc dù các biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau như đang diễn ra vẫn ở mức có thể kiểm soát được, song một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ hủy hoại tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Lợi bất cập hại

Theo nghiên cứu của Viện Bertelsmann, trong trường hợp xấu nhất do tác động của chính sách bảo hộ thương mại, tăng trưởng kinh tế hằng năm của Mỹ sẽ giảm 2,3%, thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm 1.300 USD/năm về dài hạn; ở Đức là 0,4% và 160 USD/người và ở Canada là 3,85% và 1.800 USD/người.

Còn theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển bị chậm lại khoảng 1,2%.

Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế và Liên minh này đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp cải cách kinh tế nhằm đối phó với nguy cơ suy giảm kinh tế do những rủi ro của chủ nghĩa bảo hộ thương mại mang lại.

Theo dự báo của Văn phòng Thống kê EU (Eurostat), kinh tế các nước trong khu vực đồng tiền chung euro đã tăng trưởng chậm lại trong quý I/2018 và dự báo tăng trưởng kinh tế EU trong năm 2018 sẽ chậm lại so với năm 2017. Theo đó, kinh tế 28 nước thành viên EU được dự báo tăng trưởng 2,3% trong năm nay, giảm hơn so với mức 2,4% trong năm 2017.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo chính phủ các nước cần ngăn chặn các chính sách bảo hộ thương mại làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời hối thúc chính phủ các nước tránh xa bảo hộ thương mại dưới mọi hình thức, nhấn mạnh vai trò của hệ thống thương mại đa phương đã khiến thế giới thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đe dọa tăng trưởng kinh tế Mỹ.

IMF chỉ ra rằng, toàn cầu hóa đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu các rào cản thương mại toàn cầu được dỡ bỏ thì thu nhập của các nước đang phát triển có thể tăng thêm 142 tỷ USD.

Trên cơ sở chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực mà chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể mang lại cho nền kinh tế toàn cầu, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cũng đưa ra khuyến nghị với các nước rằng, cách tốt nhất để giải quyết bất bình đẳng thương mại là sử dụng các công cụ tài chính hoặc tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế.

Chính phủ các nước cần nỗ lực cắt giảm hàng rào thương mại và giải quyết bất đồng mà không cần viện đến các biện pháp đặc biệt, cũng như trực tiếp hỗ trợ các nước đang đối mặt với những biến động, có thể từ thương mại hay công nghệ bằng cách tăng cường đầu tư giáo dục và đào tạo.

Theo các phân tích, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra hết sức mạnh mẽ, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa kéo dài chiều hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa. Thế nhưng, thương mại tự do và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cách mạng 4.0. Quay lưng lại với thương mại đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng vào thời điểm kinh tế toàn cầu và có thể đe dọa xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng thời gian qua.

Ở một góc độ nào đó, việc kết hợp sử dụng ở một mức độ nhất định các biện pháp bảo hộ có thể đem lại một lời giải khả dĩ hơn cho việc phục hồi nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang trì trệ khiến cho tác dụng của thương mại tự do giảm đi đáng kể.

Kông Anh
.
.