Chương trình chống khủng bố thực phẩm: Chi nhiều, hiệu quả ít

Thứ Sáu, 07/10/2011, 10:15

Một trong những mối lo sợ sâu sắc nhất lan rộng tại nước Mỹ sau sự kiện ngày 11/9/2001 là bọn khủng bố có thể đầu độc nguồn thực phẩm quốc gia. Nhằm trấn an người dân Mỹ về mức độ an toàn của thực phẩm, Tổng thống George W. Bush cam kết lập một lá chắn bảo vệ quanh nguồn cung cấp và bảo vệ thực phẩm từ nông trại sản xuất cho đến bàn ăn.

Phân tích của Asspciated Press cho thấy chính quyền Bush đã tiêu tốn ít nhất 3,4 tỉ USD cho chương trình chống khủng bố thực phẩm trong thập niên qua và đang bị sa lầy do sự chồng chéo của rất nhiều cơ quan.

Do không có một cơ quan độc lập duy nhất chịu trách nhiệm cho nên giới quan chức Mỹ buộc phải thừa nhận là không thể nào đánh giá được nguồn thực vật hay động vật nào là an toàn.

Ngày 13/9 vừa qua, một bản báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ khẳng định sự thất bại của chính quyền liên bang trong việc bảo vệ gia súc và cây trồng từ sau ngày 11/9/2001. Vì thực tế là không một nhóm khủng bố nào đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm trong thập niên qua, và những vụ đầu độc thực phẩm quy mô nhất cũng không xảy ra!

Nỗ lực bảo đảm an toàn thực phẩm gia tăng từ năm 2004 khi Tổng thống Bush chỉ đạo chính quyền Mỹ tạo lập các hệ thống bảo vệ mới chống tấn công khủng bố thực phẩm. Các cơ quan bắt đầu được rót tiền để tiến hành đánh giá những nguy cơ, sự bộc phát dịch bệnh có yếu tố nước ngoài và giúp đỡ mạng lưới nông trại cũng như nhà máy chế biến thực phẩm phát triển chương trình bảo đảm an toàn thực phẩm liên bang.

Bộ An ninh nội địa (DHS) mới thành lập (chịu trách nhiệm chia sẻ thông tin về mọi kế hoạch an toàn thực phẩm liên bang) cũng ra sức trợ cấp cho các cơ quan, những nhà thầu cung cấp thực phẩm và trường đại học.

Trong 9 năm qua, DHS đã tiêu tốn 467 triệu USD chỉ riêng cho khu vực nghiên cứu thực phẩm. Mạng lưới chống khủng bố thực phẩm với ngân sách 6 triệu USD đặt trụ sở ở Iowa cũng đã có những thành công nhất định như ngăn chặn virus lan rộng khi xảy ra dịch bệnh.

DHS cũng chi ra 550 triệu USD cho Văn phòng Y tế (OHA) của cơ quan, nơi chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động cảnh giới sinh học giữa các cơ quan liên bang. Trong tài khóa năm 2008, OHA cho xây dựng một trung tâm dữ liệu mới giúp cho mọi cơ quan thực phẩm, y tế, môi trường và nông nghiệp đối chiếu thông tin lẫn nhau.

Plum Island, một đảo nhỏ ngoài khơi Long Island của New York, nơi đặt phòng thí nghiệm dịch bệnh động vật đầu tiên của Mỹ.

Nhưng, như cựu Trưởng ban y tế DHS Jeff Runge cho biết, những cơ quan này không muốn cung cấp dữ liệu của họ và cuộc đối đầu giữa họ với nhau đã tác động tiêu cực đến nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm xác định thủ phạm gây ra dịch khuẩn salmonella thời gian qua. 

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã cho thành lập Nhóm phụ trách an toàn thực phẩm (FSWG) và trong tháng 1/2011, ông phê chuẩn một luật đổi mới về an toàn thực phẩm đối với FDA (Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ). Nhưng trong tháng 8 vừa qua, Hạ nghị viện Mỹ lại đề nghị cắt giảm 241 triệu USD đối với FDA và chương trình thanh tra thịt của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) 88 triệu USD.

Theo đánh giá của CDC (Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ), khoảng 128.000 người Mỹ nhập viện và 3.000 người khác tử vong mỗi năm do tiêu thụ thực phẩm nhiễm độc. Và khoảng 112.000 ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm liên quan đến khuẩn Ecoli. Nhưng sự bùng phát dịch bệnh chỉ là một phần của mối lo ngại. Các báo cáo đặc biệt của tình báo Mỹ trong những năm gần đây cảnh báo các tổ chức khủng bố có âm mưu tấn công phương Tây bằng thực phẩm nhiễm độc.

Shiloh Johnson, 10 tuổi, bị nhiễm khuẩn Ecoli "0111" năm 2008 sau khi ăn tại nhà hàng Locust Grove ở bang Oklahoma.

FDA - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát mầm gây bệnh trong thực phẩm, rau củ, các sản phẩm sữa và thực phẩm nhập từ nước ngoài - sử dụng khoảng 1.800 nhân viên thanh tra (đông hơn những năm trước, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu thanh kiểm tra thực phẩm) mà cũng chỉ đủ để thanh tra 1/4 các nhà máy chế biến thực phẩm với chu kỳ một lần trong năm. Điều đó có nghĩa là có một số cơ sở không được kiểm tra trong nhiều năm.

Công việc thanh kiểm tra của FDA diễn ra không thường xuyên và nhiều lần những cơ sở chế biến thực phẩm được cảnh báo trước nên họ có đủ thời gian để chuẩn bị đối phó.

Còn ban thanh tra gồm 8.000 nhân viên của USDA (con số ổn định trong nhiều năm) có nhiệm vụ kiểm tra mạng lưới các nhà máy xử lý và đóng gói thực phẩm mỗi ngày để bảo đảm mọi sản phẩm bán ngoài thị trường đều có đóng dấu chất lượng của USDA. Tuy nhiên, một vài thanh tra của USDA than phiền nhân lực không đủ để làm nhiệm vụ, nhất là tại vùng đông bắc nước Mỹ đông đúc nên họ thường bỏ qua việc kiểm tra hàng ngày đối với nhiều cơ sở chế biến thực phẩm.

Mặc dù vậy, cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm FSIS của USDA vẫn khẳng định cơ quan có hệ thống tuyển dụng rất gắt gao và "bất chấp tình trạng thiếu nhân lực, chúng tôi vẫn duy trì cơ cấu nhân sự để bảo đảm FSIS bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng".

Trong tình hình hiện nay, những người ủng hộ chương trình chống khủng bố thực phẩm của Mỹ đang theo dõi xem Nhà Trắng có thể né tránh được biện pháp cắt giảm ngân sách cho chương trình hay không. Họ cũng nhấn mạnh rằng mặc dù đã có những luật lệ quy định rõ ràng cùng với nhiều đội ngũ nhân viên thanh kiểm tra làm việc cần mẫn song chính quyền Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trước nguy cơ khủng bố tiềm ẩn như hiện nay

Duy Ân (tổng hợp)
.
.