Chuột trong y học hiện đại

Thứ Năm, 24/01/2008, 08:30
Các chuyên gia cho rằng, chuột đặc định không phải là chìa khóa vạn năng cho nghiên cứu chữa bệnh và chế tạo tân dược, không thể thông qua chúng để giải đáp được tất cả những vấn đề khó của y học hiện đại.

Con chuột trị giá tới 10 vạn USD

Do cấu tạo gien và hệ thống cấu trúc bộ khung gien của chuột gần giống gien người, nên chuột trở thành “trụ đá giữa dòng cho các nhà khoa học nghiên cứu bệnh và tìm tòi phát hiện tân dược chữa bệnh cho người. Chuột ung thư, chuột tiểu đường, chuột bệnh tim..., mệnh danh là loại “chuột đặc biệt” đã được “sản xuất” phục vụ nghiên cứu khoa học. Có con chuột đặc biệt trị giá tới 10 vạn USD.

"Nhà máy" sản xuất chuột đặc biệt

Do nhiều hạn chế nên các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh lý và thử nghiệm tân dược trên thế giới không tự gây nuôi được các loại chuột theo yêu cầu mà họ phải đặt hàng. Mỹ là một trong số ít quốc gia đi tiên phong trong nghiên cứu sản xuất tạo ra các loại chuột mang bệnh giống như người bị bệnh để phục vụ nghiên cứu chữa bệnh và thử thuốc. Người ta gọi cơ sở nghiên cứu sản xuất các loại chuột đặc biệt này là “nhà máy chuột”.

Nhiều năm nay, các chuyên gia làm việc trong “nhà máy chuột” đã sử dụng kỹ thuật sinh học hiện đại để sản xuất ra lượng lớn các loại “chuột đặc biệt” - chuột nhiễm đủ thứ bệnh.

Các nhà khoa học của “nhà máy chuột” cho rằng, sử dụng phương pháp nhân tạo hoặc tự nhiên tiến hành điều khiển thích đáng và hợp lý đối với một hoặc một nhóm gien của chuột, sẽ có thể gây, nuôi tạo ra được loại chuột mang bất cứ bệnh nào đó giống như người bệnh.

Được biết, hiện nay mỗi năm trong nghiên cứu khoa học đã sử dụng tới 25 triệu con chuột đặc biệt. Phòng thực nghiệm Jackson bang Maine, Mỹ là một cơ sở có uy tín cung cấp chuột cho nghiên cứu khoa học, mỗi năm xuất trên 2 triệu con chuột. Phòng thực nghiệm Charike ở Winminton, bang Massachusetts chuyên cung cấp hàng triệu động vật đặc biệt, trong đó chủ yếu là chuột cho các cơ quan nghiên cứu khoa học và các công ty chế biến thuốc, mỗi năm thu nhập do tiêu thụ những động vật này tới gần 1 tỉ USD.

Gây nuôi "chuột đặc biệt" dựa vào thành tựu kỹ thuật mũi nhọn

Dự luật “Y sinh học Mỹ” quy định dùng chuột nghiên cứu khoa học và gây giống chuột đặc biệt có tính thách thức cao, cho nên thực nghiệm chuột có định chế riêng biệt, sẽ được cấp tiền thiếu hụt ngoại ngạch.

Nửa đầu thế kỷ XX, thực nghiệm chuột sinh sản rất đơn giản, chỉ cần nuôi dưỡng cẩn thận là được. Nhưng công tác nghiên cứu khoa học hiện tại dùng chuột đóng các “vai diễn đặc biệt” ngày càng nhiều, gây nuôi được loại chuột phù hợp với yêu cầu riêng của các phòng thực nghiệm khác nhau không phải là việc dễ dàng. Cần có sự can dự của kỹ thuật sinh học mũi nhọn hiện đại, đồng thời còn đòi hỏi phải am hiểu hàng loạt kỹ xảo phục vụ hậu cần nuôi dưỡng kỹ thuật cao.

Năm 2001, sau khi các nhà khoa học hoàn thành phổ đồ gien người, thì ngay sau đó, năm 2002 đã nhanh chóng hoàn thành phổ đồ ADN của chuột, đã đưa lại ý nghĩa quan trọng mới cho nghiên cứu khoa học sử dụng chuột và kỹ xảo nuôi chuột đặc biệt.

Những năm nửa đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học khi mới dùng chuột làm nghiên cứu thực nghiệm sinh sản, căn bản họ còn không biết ADN là thứ gì, khái niệm gien cũng rất mơ hồ.

Nay với những thành tựu phổ đồ ADN, khi so sánh tương quan trình tự sắp xếp gien người và chuột, họ đã phát hiện những vấn đề mà trước đây luôn nghi vấn đã được sáng tỏ: trên thực tế gien của người và chuột cơ bản là như nhau, chỗ khác biệt không phải là ở bản thân gien mà là ở thời gian, địa điểm, phương thức mà gien bị kích hoạt. Ricke Wocheke, Giám đốc Phòng thực nghiệm Jackson, Mỹ đã nói: “Một trong những ý nghĩa hoàn thành phổ đồ ADN của người và chuột là đem lại nhận thức giải phẫu học và sinh lý học của chuột và người là rất giống nhau”.

Nuôi dưỡng chuột có gien đặc tính rất tốn kém

Nixion, nhà nghiên cứu gien cho biết, mấy chục năm lại đây, trong nuôi chuột nghiên cứu, mỗi con chuột có thể cho phép tạo ra một đặc tính nổi trội nào đó, từ đó có thể chuyên cung cấp cho sử dụng thử nghiệm đặc định. Một khi phát hiện con chuột nào đó khác thường thì đó lại là một biến chủng mới và sẽ có thể sản sinh một phương hướng mới nghiên cứu gien đặc định. Để nghiên cứu thế hệ chuột mới, các nhà khoa học tùy theo yêu cầu mà có thể bổ sung hoặc tiêu trừ một hoặc một số gien của chuột nuôi.

Theo tiết lộ, cùng với việc tạo ra loại chuột có gien đặc định, Công ty gien Delta bang California, Mỹ còn gây nuôi loại chuột khuyết gien đặc định; Công ty sản xuất thuốc Colorternis còn nghiên cứu loại chuột được cấy gien nào đó của người... Với công nghệ và kỹ thuật điều khiển gien, để nuôi dưỡng được một con chuột có gien đặc định thường rất tốn kém, có khi tới hàng vạn USD. Nhưng một khi “dây chuyền sản xuất” chuột đặc biệt được kiến lập hoàn chỉnh và có thể sản xuất lượng lớn thì lợi nhuận cũng gia tăng đáng kể.

Austin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gien thuộc Sở nghiên cứu sức khỏe Mỹ cho biết: Năm 2006, 2 công ty kỹ thuật sinh học thuộc sở này đã chi 10 triệu USD để mua 250 loại chuột có gien đặc định có liên quan đến thông số sinh lý của chúng, hơn nữa đây cũng mới chỉ là chi tiêu ban đầu của hạng mục nghiên cứu.

Chuột mang gien đặc định giúp nghiên cứu bệnh và sản xuất tân dược

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sử dụng chuột gien đặc định, có thể nghiên cứu ra không ít tân dược. Để khai phá tân dược, trước tiên là xác định “mục tiêu”; theo các nhà sinh học, mục tiêu đó là một loại phân tử sinh học, nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh bệnh, nhưng đồng thời nó lại có thể bị ức chế hoặc chịu tác động bởi hợp chất hóa học vô hại tương đối nào đó. Chuột mang gien đặc định được coi là “nhà máy mục tiêu”; nó khuyết một gien nào đó, chính là một phân tử sinh học đặc định.

Ví dụ, nhà nghiên cứu phát hiện một con chuột nào đó mặc dù ăn bao nhiêu vẫn “da bọc xương”; thông qua phân tích gien của chuột này sẽ có thể tìm được gien béo tương quan, căn cứ vào gien “mục tiêu” này để nghiên cứu chế tạo loại thuốc giảm béo, đây là sự đột phá có tính trọng đại trong nghiên cứu khoa học.

Các chuyên gia cho biết, từ trong 5.000 gien của chuột đặc định chỉ phát hiện được vài chục “mục tiêu” tốt, cũng có thể vén mở một cuộc cách mạng chế tạo tân dược. Phó giám đốc Công ty gien Lekexon, Mỹ cho biết, 100 loại thuốc dễ tiêu thụ nhất trên thị trường hiện nay là kết quả của các nghiên cứu xác định được mấy chục “mục tiêu” trên chuột, điều đó nói lên tính quan trọng của nghiên cứu gây nuôi chuột đặc định như thế nào.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chuột đặc định không phải là chìa khóa vạn năng cho nghiên cứu chữa bệnh và chế tạo tân dược, không thể thông qua chúng để giải đáp được tất cả những vấn đề khó của y học hiện đại. Nhưng trong quá trình này, chuột đặc định đã đóng vai trò rất quan trọng và cần có thời gian kiểm nghiệm

Nguyễn Mau (Theo Khoa học)
.
.