Chuyện “ăn” tại Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam

Thứ Tư, 23/07/2008, 13:15

Chuyện “ăn no” của các vận động viên (VĐV) thi đấu đỉnh cao tưởng như là chuyện đã trôi qua từ lâu khi mà công cuộc chuyên nghiệp hoá thể thao nước nhà đang được tiến hành rầm rộ. Thế nhưng điều này vẫn đang diễn ra ở Trung tâm tập huấn thể thao lớn nhất cả nước…

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Huấn luyện thể thao (HLTT) quốc gia I - Hà Nội để tham dự buổi tập hàng ngày của các tuyển thủ bóng bàn quốc gia Việt Nam. Thành phần đội tuyển quốc gia môn bóng bàn tập trung lần này bao gồm 20 cầu thủ (11 nam và 9 nữ).

Đợt tập trung bắt đầu từ ngày 1/6 kéo dài đến hết ngày 30/11/2008 nhằm chuẩn bị cho giải quốc tế “Cây vợt vàng” tổ chức tại TP HCM diễn ra từ 16 đến 20/7/2008. Từ ngày 20 đến ngày 24/11/2008 đội sẽ bay sang Indonesia để dự giải Vô địch bóng bàn Đông Nam Á.

Trong thành phần đội tập trung lần này có VĐV Đoàn Kiến Quốc sẽ đại diện cho thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Bắc kinh 2008 diễn ra từ 8 đến 24/8/2008.

Đây được xem là đợt tập trung dài ngày, quy mô để phục vụ cho một lịch thi đấu khá dày đặc với 3 giải lớn. Đội tuyển bóng bàn Việt Nam đang được kỳ vọng là bộ môn đem lại huy chương cho thể thao nước nhà.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất ở đây là suất ăn của các VĐV thi đấu đỉnh cao quá... đạm bạc. Mỗi VĐV chỉ có tiêu chuẩn 10 nghìn đồng cho một bữa ăn sáng. Thực đơn được thay đổi hàng ngày: hôm thì một bát phở và một bịch sữa tươi Vinamilk; hôm thì bánh mỳ, quả trứng và một bịch sữa.

Nhìn vào chất lượng bữa ăn rõ ràng không ổn: bát phở bò chỉ có vài miếng thịt nhỏ và “khung giá” của nó chắc không được phép vượt quá 5 nghìn đồng. Chưa dám so sánh đâu xa, chỉ mang so với bát phở các công chức, nhân viên văn phòng vẫn ăn mỗi buổi sáng đã thấy rõ sự chênh lệch.

Trong khi đó, các VĐV bóng bàn thi đấu đòi hỏi thể lực cao. Theo quan sát của chúng tôi, không VĐV nào bỏ thừa thức ăn trong các bữa ăn tại Trung tâm.

HLV trưởng Đội tuyển bóng bàn Việt Nam Nguyễn Minh Hiền nói vui: “Tôi cá cược là không có đầu bếp ở đâu xoay xở giỏi như ở trung tâm này. Giá tăng chóng mặt nhưng vẫn đảm bảo cho anh em sáng nào cũng đủ phở, sữa mà không thấy kêu ca gì”.

Giáo án tập buổi sáng kéo dài 180 phút, trong đó 1/3 thời gian dành cho khởi động và thả lỏng, còn lại là tập luyện với cường độ cao. Buổi tập bắt đầu từ 7h 45’đến 10h 45’ thì kết thúc.

Giờ tập buổi chiều cũng kéo dài tương tự, từ 14h 45’ đến 17h 45’. Trong giáo trình tập luyện còn có cả các nội dung khá nặng như đẩy tạ, nhảy dây và chạy bền nâng thể lực.

Tuy vậy, khi buổi tập mới chỉ qua được khoảng một nửa thời gian, nhiều VĐV đã xuống sức rõ rệt. Giáo án tập buộc phải tạm gác lại để các vận động viên tạm nghỉ uống nước, phục hồi thể lực.

11h 30’, chúng tôi có mặt ở căng tin của Trung tâm HLTT quốc gia I để cùng ăn chung với các VĐV. Giá tiền cho bữa trưa được quy định là 25 nghìn đồng/người. Bàn ăn 5 người, chỉ có 2 món mặn (thịt, cá), một món xào cùng rau và canh. Thêm một người khách như tôi ngồi vào, cảm giác 5 chủ nhân đều có ý... nhường(?).

Theo quy định mỗi VĐV bóng bàn tập trung trong đợt này sẽ được đảm bảo 60 nghìn đồng tiền ăn mỗi ngày. Số tiền trên được chia thành 3 bữa: bữa sáng 10 nghìn đồng, bữa trưa và bữa tối, mỗi bữa 25 nghìn đồng. So với thời giá hiện tại, đây được xem là một mức giá khó có thể đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu của các VĐV đỉnh cao.

Trong thành phần đội tuyển tập trung lần này chỉ có duy nhất Đoàn Kiến Quốc sẽ tham dự Thế vận hội Bắc Kinh 2008 nên được tài trợ chế độ ăn riêng là 150 nghìn đồng/ngày.

HLV Nguyễn Minh Hiền cho biết: Chế độ ăn của các VĐV bóng bàn tại nước láng giềng Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với VĐV Việt Nam. Chế độ ăn của các VĐV ở Quảng Tây khoảng 25USD/ngày; ở Bắc Kinh, Thượng Hải là 50-60 USD/ngày.

Sự chênh lệch này gây trở ngại cho các đợt tập huấn của đội tuyển chúng ta.Ông Hiền cho rằng: Hiện tại, các VĐV Việt Nam rất cần được đi tập huấn, thi đấu nhiều nơi, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khu vực Đông Nam Á, vị trí của bóng bàn Việt Nam cũng đang bị đe dọa bởi chính sách “nhập khẩu” các VĐV Trung Quốc của Singapore. Vậy nên cái cần thiết là chúng ta phải đến tận những nơi có trình độ cao như Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul để tập luyện.

Theo ông Hiền thì chế độ thù lao cho các VĐV cũng là điều cần lưu ý. Trên thực tế, mức thù lao cho VĐV lên tuyển thấp hơn nhiều so với thu nhập VĐV có thể kiếm được nếu không lên tập trung dài ngày.

“Theo tôi, đó là sự lãng phí lớn. Lãng phí thời gian, tài năng và lòng nhiệt huyết của các em. Khi trình độ đang vào độ chín, nếu được bảo đảm về thu nhập thì chắc chắn các em sẽ yên tâm rèn luyện tài năng, cống hiến và mang vinh quang về cho đất nước”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Thành - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho biết: “60 nghìn/ngày là chế độ ăn quy định của Nhà nước với các VĐV môn bóng bàn.

Chế độ ăn phục vụ tập luyện, thi đấu không chỉ là vấn đề của riêng VĐV bóng bàn mà đang trở thành vấn đề chung của hầu hết tất cả các bộ môn thi đấu.

Đặc biệt là trong giai đoạn giá cả leo thang như hiện nay. Trong cuộc họp sơ kết kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2008, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này. Hy vọng trong thời gian tới, bữa ăn của các VĐV bóng bàn sẽ được nâng cao hơn để bảo đảm cho các em yên tâm rèn luyện, thi đấu”.

Rõ ràng, đã đến lúc ngành thể thao cần xem xét lại vấn đề này để các VĐV đảm bảo sức khỏe yên tâm tập luyện, thi đấu mang thành tích cao về cho thể thao nước nhà

Hoàng Thắng
.
.